Từ Basel tới Bayern Munich rồi kinh qua Inter Milan và Stoke City, những tưởng sự nghiệp của Xherdan Shaqiri đã xuống dốc. Tuy nhiên, những màn trình diễn trong màu áo Liverpool thời qua cho thấy cầu thủ được mệnh danh “Messi Thụy Sĩ” sẽ sẵn sàng bùng nổ và khẳng định bản thân trong thời gian tới.
Vòng đấu cuối cùng giải vô địch Quốc gia Thụy Sĩ mùa giải 2009/2010, mọi ánh nhìn đều tập trung vào Seydou Doumbia.
FC Basel, đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng, có chuyến hành quân đến sân của Young Boys, đội bóng đứng thứ hai. Nhờ lợi thế về hiệu số bàn thắng thua, Basel chỉ cần hòa là sẽ lên ngôi. Còn với Young Boys, để giành chức vô địch quốc gia đầu tiên sau 24 năm, họ buộc phải thắng.
Doumbia là chân sút số một của Young Boys với 30 pha lập công – cao nhất ở giải vô địch Quốc gia Thụy Sĩ kể từ năm 1988 – và anh đã ghi tới 11 bàn trong 10 lần ra sân trước đó ở giải vô địch Quốc gia. Nếu có ai đó để kỳ vọng sẽ nổ súng giúp Young Boys lên ngôi vương, đó chỉ có thể là chân sút người Bờ Biển Ngà.
Doumbia xuất phát bên hành lang cánh phải của đội chủ nhà. Đối đầu với anh là một anh chàng hậu vệ trái 18 tuổi mới ra mắt đội một từ đầu mùa giải. Về lý thuyết, đó quả là một “cuộc chiến không cân sức”. Nhưng thực tế, Doumbia chẳng có nổi một cú đá nào.
Valentin Stocker đón đường chuyền của Carlitos và dứt điểm đưa Basel vươn lên dẫn trước ở phút 39 trước khi tạt bóng cho Scott Chipperfield nhân đôi cách biệt cho đội khách. Trong khi đó khi bị người đồng nghiệp tuổi teen ở bên kia chiến tuyến khóa chặt, Doumbia có dấu hiệu tỏ ra bực bội và trong khoảng thời gian cuối trận, cầu thủ người Bờ Biển Ngà đã phải đảo sang cánh trái.
Basel giành chiến thắng 2-0, qua đó lên ngôi vô địch. Niềm vui càng viên mãn hơn khi trước đó một tuần, họ cũng đã vô địch cúp Quốc gia. Vậy còn chàng trai đã khóa chặt ngòi nổ nguy hiểm nhất bên phía Young Boys là ai? Đó chính là Xherdan Shaqiri.
“Cậu ấy đã đối đầu với cầu thủ hay nhất giải vô địch Thụy Sĩ,” HLV Thorsten Fink của Basel chia sẻ với Bleacher Report vào thời điểm đó. “Chúng tôi có một ‘trận chung kết’ với Young Boys và cậu ấy đá hậu vệ trái đối đầu với Doumbia. Mùa đó, Doumbia đã ghi 30 bàn và bạn sẽ chẳng nhìn thấy anh ta ở đâu trong trận đấu ấy.
Shaqiri có thể chơi ở mọi vị trí. Khi tôi xếp cậu ấy chơi hậu vệ trái, cậu ấy thi đấu rất tốt. Khi tôi xếp cậu ấy đá tiền đạo cánh phải, cậu ấy vẫn chơi rất tốt. Cậu ấy cũng có thể đá như một số 10. Ban đầu, tôi nghĩ cậu ấy là hậu vệ cánh trái hay nhất mình từng biết. Nhưng cậu ấy lại muốn thi đấu ở vị trí tấn công.”
Và Shaqiri đã không phải chơi hậu vệ trái quá lâu hơn nữa. Sau hơn 2 mùa giải – dưới sự dẫn dắt của Fink và sau đó là Heiko Vogel – anh nổi lên là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của Thụy Sĩ, một anh chàng không cao nhưng rất to, cơ bắp nở nang và cái chân trái sẵn sàng bùng nổ. Shaqiri giúp Basel giành thêm danh hiệu vô địch Quốc gia năm 2011 và cú đúp danh hiệu năm 2012.
Cảm thấy có nghĩa vụ phải giúp đỡ một cầu thủ trẻ triển vọng phát huy hết tiềm năng của mình, Fink yêu cầu Shaqiri phải cải thiện trong những tình huống không bóng và tập thể lực nhiều hơn. Xét dưới góc độ hiệu suất màn trình diễn, trận đấu càng lớn, Shaqiri chơi càng hay.
“Cậu ấy cần một HLV trao nhiều niềm tin,” HLV Fink nói. “Khi đó cậu ấy sẽ có thể quyết định trận đấu. Trong những trận cầu lớn, cậu ấy sẽ tỏa sáng. Rất nhiều người khi góp mặt trong những trận đấu quan trọng, họ sẽ mất hút trên sân. Nhưng Shaqiri thì thích những trận đấu lớn. Lại có nhiều cầu thủ bạn cố gắng thúc đẩy họ nhưng chẳng có tác dụng gì. Còn nếu bạn tiếp thêm động lực cho Shaqiri, cậu ấy sẽ khiến bạn bay bổng”.
Những dấu ấn của tiền vệ người Thụy Sĩ với Basel ở Champions League mùa giải 2011/2012 đưa anh lên tầm cao mới. Basel loại Manchester United ở vòng bảng và Shaqiri đóng vai trò chính khi kiến tạo cả hai bàn thắng giúp đội bóng Thụy Sĩ vượt qua thầy trò HLV Sir Alex Ferguson với tỷ số 2-1 đồng thời loại đội bóng đã vào trận chung kết mùa giải trước đó.
Sau đó, Shaqiri ký hợp đồng với Bayern Munich vào tháng 2/2012 và gia nhập “Hùm xám” vào cuối mùa giải. Dù ban đầu chỉ được xem là phương án dự phòng cho Arjen Robben và Franck Ribery nhưng dưới thời Jupp Heynckes, tuyển thủ Thụy Sỹ vẫn thường xuyên được ra sân. Anh ghi 8 bàn và đóng góp 13 pha kiến tạo trong mùa giải Bayern đoạt cú ăn ba vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đội bóng: Bundesliga, cúp Quốc gia và Champions League.
“Tôi nghĩ Heynckes để anh ấy thi đấu vì ông xem anh như một cầu thủ dự bị tốt, có thể đá ở gần như mọi vị trí trên hàng công. Đồng thời, anh ấy vẫn giữ được rất nhiều năng lượng dù sau 60 hay 70 phút,” nhà báo Benedikt Warmbrunn, cây viết có nhiều năm theo dõi Bayern Munich, chia sẻ quan điểm. “Người hâm mộ thích anh ấy vì đó là một người hướng ngoại, luôn thân thiện và nở nụ cười trên môi. Năm đầu tiên ở Bayern cũng là giai đoạn thi đâu tốt nhất của anh ấy.”
Heynckes xem anh như một cầu thủ dự bị tốt
Những vấn đề của Shaqiri tại sân Alianz Arena bắt đầu xuất hiện kể từ khi HLV Pep Guardiola nắm quyền vào mùa hè 2013. Phong cách của chiến lược gia người Tây Ban Nha là yêu cầu các cầu thủ tấn công phải di chuyển khắp sân để phối hợp với các đồng đội. Thế nhưng Shaqiri lại thích những pha độc diễn.
Robben và Ribery luôn là nhân vật chính trong chiến lược của Guardiola trong khi đó Thomas Muller cùng các tân binh Thiago Alcantara và Mario Gotze cũng là những đối thủ cạnh tranh của “Messi Thụy Sĩ”. Đồng thời, những chấn thương liên tiếp liên quan đến cơ bắp khiến các vấn đề càng phức tạp hơn. Và điều gì đến cũng phải đến, anh kết thúc mùa giải với chỉ 10 lần ra sân từ đầu ở Bundesliga.
Tháng 11/2014, tờ Bild của Đức đưa tin rằng Guardiola đã từ bỏ hy vọng vào Shaqiri và nói cựu cầu thủ Basel “không đủ thông minh” để làm theo những yêu cầu về chiến thuật của ông một cách chính xác. Trước đó, Bayern từ chối một lời đề nghị của Liverpool dành cho Shaqiri vào mùa hè nhưng đến tháng 1, anh đã được cho phép chuyển tới Inter Milan.
“Mùa giải đầu tiên là cùng Heynckes, một người nói chuyện rất nhiều với các cầu thủ, đặc biệt những cầu thủ trẻ như Shaqiri. Và anh ấy được ra sân nhiều. Thế rồi Pep tới. Anh ấy cần sự tin tưởng của huấn luyện viên và lắng nghe những gì phải làm, những điều cần thay đổi để tiến bộ. Dưới thời Guardiola, anh ấy không biết mình ở đâu,” nhà báo Warmbrunn nhận định.
Shaqiri ở Inter
Sau nửa mùa giải ở Inter, Shaqiri gia nhập Stoke City vào tháng 8/2015 và hồi sinh sự nghiệp tại đây. Dù vậy, vẫn có những lời chỉ trích với cầu thủ sinh năm 1991.
Mike Pejic, cựu hậu vệ trái Stoke City, cho rằng tiền vệ người Thụy Sĩ “lười biếng” và “trốn tránh trách nhiệm”. Gary Neville thì khẳng định anh “không phải một fan” và nói rằng Shaqiri “chỉ đi bộ và luôn do dự” suốt trận đấu. Phil Neville thậm chí còn gọi Shaqiri là một “nỗi ô nhục”. Charlie Adam, tiền vệ Stoke, cũng công kích người đồng đội cũ ngay khi anh gia nhập Liverpool mùa hè vừa qua và nói rằng Shaqiri đã biến mất khỏi câu lạc bộ sau khi họ phải xuống hạng.
Bất chấp những định kiến cho rằng Shaqiri là một cầu thủ phập phù thì số liệu thống kê chỉ ra anh là một trong những nhân vật hiệu quả nhất của Stoke City. Tại Premier League, anh đóng góp vào 43% trong số 35 pha lập công bao gồm cả ghi bàn và kiến tạo. Đó cũng là mùa giải hiệu quả nhất của “Messi Thụy Sĩ” kể từ sau mùa bóng cuối cùng ở Basel.
Cuối mùa trước, Shaqiri từng chọc giận các cổ động viên Stoke khi anh trả lời phỏng vấn tờ tạp chí Thụy Sĩ Schweizer Illustrierte rằng đội hình “The Potters” (biệt danh của Stoke City) “thiếu chất lượng” và “ngay cả có Ronaldinho” cũng bất lực trong việc ngăn cản đội bóng tụt xuống giải hạng Nhất. Shay Given, cựu thủ môn Stoke, nói anh cảm thấy muốn “khóa đầu” Shaqiri lại sau khi đọc những lời bình luận trên.
Tuy nhiên, phóng viên Martin Spinks, người đưa tin về Stoke cho kênh The Sentinel, lại có chút đồng cảm.
“Bạn khó có thể đổ lỗi cho anh ấy được vì giống nhiều cầu thủ khác, anh ấy xứng đáng hơn những gì Stoke City có thể cho anh ấy trong giai đoạn sau của triều đại Mark Hughes,” Spinks nói. “Hãy công bằng với Shaqiri, màn trình diễn của anh ấy vào thời điểm cụ thể đó không thể làm dấy lên nghi ngờ về sự tận tụy của anh ấy được”.
Shaqiri từng là một trong những biểu tượng cho hướng đi mà Hughes dự định thực hiện ở Stoke. Bộ ba tấn công mà anh hợp thành cùng với Marko Arnautovic và Bojan Krkic tạo ra thứ bóng đá hấp dẫn, lôi cuốn và mở ra tương lai tươi sáng cho câu lạc bộ, điển hình như những thắng lợi trước Manchester City và Manchester United vào tháng 12/2015 trên sân Britannia.
Shaqiri ở Stock City
Thế nhưng giấc mơ đó đã chấm dứt vào giữa mùa giải trước và dù Shaqiri đã cố gắng trước sự ưu ái từ huấn luyện viên Paul Lambert, người kế nhiệm Hughes, nhưng chừng đó là không đủ để giúp Stoke City trụ hạng.
Chuyển tới Liverpool, Shaqiri dường như đã tìm thấy sự kết hợp hoàn hảo giữa cây gậy và củ cà rốt: một đội bóng giàu tham vọng với những cầu thủ ở đẳng cấp hàng đầu thế giới được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên có thể nổi cơn cuồng nộ khi cần.
Jurgen Klopp đôi khi rất nghiêm khắc với Shaqiri, điển hình như lần mắng xối xả tiền vệ người Thụy Sĩ ngay trên sân sau khi Liverpool bị Chelsea loại khỏi cúp Liên đoàn. Tuy nhiên, Shaqiri vẫn phản ứng một cách tích cực. Theo số liệu thống kê từ Opta, Sky Sports, tiền vệ 27 tuổi đứng thứ hai và chỉ xếp sau Mohamed Salah về tỷ lệ đoạt bóng thành công ở 1/3 sân đối phương trong vòng 90 phút cho Liverpool mùa giải này. Và trong chiến thắng 1-0 trước Huddersfield Town hồi tháng 10, Shaqiri là cầu thủ di chuyển nhiều nhất trên sân trong số các cầu thủ Liverpool.
Xherdan Shaqiri và Klopp
“Tôi rất thân thiết với ông ấy,” Shaqiri nói về Klopp trong cuộc phỏng vấn với tờ Blick của Thụy Sĩ vào tháng 11. “Tôi thích những người cởi mở như thế. Và việc chúng tôi có thể trò chuyện bằng tiếng Đức rõ ràng cũng là điều tuyệt vời. Klopp có ảnh hưởng rất lớn với tôi, tới mức tôi nghĩ rằng: ‘mình muốn giành chức vô địch vì người đàn ông này.’”
Shaqiri đang thi đấu thăng hoa mà điểm nhấn chính là cú đúp trong chiến thắng 3-1 trước Manchester United tại Anfield tháng 12 vừa qua. Khi Liverpool vẫn đang tràn trề cơ hội vô địch ở 3 mặt trận còn Thụy Sĩ thắng 2 trận ở UEFA Nations League, 2019 có thể sẽ là năm mà cầu thủ 27 tuổi khẳng định bản thân mình ở đẳng cấp cao nhất với tư cách là nhà vô địch.
Hoặc ít nhất, anh chắc chắn sẽ không phải đá hậu vệ cánh trái trong thời gian tới.
Lược dịch từ bài viết “Handle with Care: What Makes Xherdan Shaqiri Tick?” của tác giả Tom Williams trên Bleacher Report.
Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.
Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.
Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.