Từng có thời, người ta phải ghen tỵ với ĐT Argentina ở giai đoạn đầu thập niên 2000s khi nền bóng đá xứ sở Tango sở hữu không chỉ một mà là hai trong số những trung vệ xuất sắc nhất thế giới.
Bên cạnh một Roberto Ayala đã gây dựng được tên tuổi hào nhoáng tại Valencia thì cái tên Walter Samuel nổi lên có phần lặng lẽ và âm thầm hơn, giống hệt như phong cách chơi bóng đầy chắc chắn đến mức mà các tifosi phải đặt cho anh biệt danh “Il Muro” (có nghĩa là Bức tường).
Ai cũng có thể định nghĩa Walter Samuel theo nhiều cách, tuy nhiên về cơ bản thì những cụm từ khiến người ta liên tưởng nhiều nhất đến cựu danh thủ người Argentina thường là “hòn đá tảng”, “bức tường” hay một tính từ gì đó gợi lên sự chắc chắn, cứng rắn… đại loại vậy. Sẽ có nhiều tranh cãi về “tính huyền thoại” của Samuel khi anh được xếp bên cạnh những mẫu hậu vệ chơi bóng hào hoa cùng thời theo kiểu Alessandro Nesta hay rõ hơn chính là người đồng đội Ayala.
Cần phải thừa nhận rằng, Samuel không phải một biểu tượng cho sự lãng mạn. Sự xuất hiện của cầu thủ người Argentina tại bất kỳ đội bóng nào cũng không thể đem tới mức tăng trưởng doanh thu bứt phá trên hạng mục bán áo đấu hay các hợp đồng quảng cáo. Thế nhưng, đối với những gì mà người hâm mộ yêu cầu ở một trung vệ, nói đơn giản, Samuel chính là chuẩn mực.
Mặc dù chỉ cao 1m79 tuy nhiên cựu cầu thủ Inter Milan luôn biết cách làm chủ khoảng không gian trên đầu mình. Bên cạnh đó, phong cách mạnh mẽ, thậm chí phải dùng từ “rắn” chính là thứ đặc sản mà Samuel mang đến Calcio từng khiến cho rất nhiều tiền đạo lừng danh tại Serie A phải kiêng nể. Ngày còn khoác áo Boca Juniors, cái tên Samuel đã được cả Nam Mỹ chú ý. Thế nhưng, khi ban lãnh đạo AS Roma sẵn sàng chi ra 20 triệu euro cho một ngôi sao trẻ mới chỉ 22 tuổi từ bên kia bờ Đại Tây Dương, người ta đã phải đặt ra những hoài nghi dành cho bản hợp đồng mang tên Walter Samuel. Để rồi, ngay trong mùa giải đầu tiên tại châu Âu, trung vệ người Argentina đã nhanh chóng chứng tỏ giá trị bằng cách giúp Giallorossi đoạt được danh hiệu Scudetto mùa 2000/01 sau gần 20 năm chờ đợi mòn mỏi.
Những năm tháng chơi bóng ở một giải đấu mang nặng tính triết lý và chiến thuật như Serie A đã dần hoàn thiện bộ kỹ năng phòng ngự cũng như tư duy hệ thống của Samuel, qua đó biến anh trở thành một hậu vệ toàn diện bậc nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ. So với Roberto Ayala, khi ấy cũng đang bước vào giai đoạn đỉnh cao cùng Valencia (vô địch La Liga, vô địch UEFA Cup), dường như phong cách thi đấu của Samuel có phần kém hào hoa hơn nên cũng dễ hiểu vì sao khi nhắc đến hàng phòng ngự Argentina trong giai đoạn đầu thập niên 2000s, người ta thường nhớ đến những Ayala hay Juan Pablo Sorin nhiều hơn. Dẫu vậy, đối với nhiều người, Samuel vẫn luôn là cái tên chất lượng hàng đầu, đại diện cho sự chắc chắn tuyệt đối trong công việc của một hậu vệ.
“Walter Samuel chính là cầu thủ chơi rắn nhất mà tôi từng thấy. Anh ấy mạnh mẽ và không bao giờ e ngại các tình huống va chạm”, Javier Zanetti chia sẻ về người đồng đội cũ trong màu áo Inter Milan.
Mùa Hè 2004, trung vệ người Argentina cập bến Real Madrid trong sự ngưỡng mộ và kỳ vọng của các CĐV Los Blancos. Nhưng rồi, mọi thứ bỗng tự tan vỡ chỉ sau một mùa giải. Kể từ khi chuyển sang chơi bóng ở Tây Ban Nha, hình ảnh về một chốt chặn đáng tin cậy mang tên Samuel đã không còn, thay vào đó là những tình huống sai lầm ngớ ngẩn đầy khó hiểu. Khoảng thời gian sau này, khi nhớ về giai đoạn khủng hoảng ấy, Samuel thừa nhận rằng áp lực tại sân Bernabeu chính là nguyên nhân đã khiến mình không thể thi đấu với phong độ tốt nhất. “Được đến Real Madrid quả thật là một giấc mơ trên thiên đường nhưng cuối cùng thì tôi đã phải sống trong địa ngục. Tôi thừa nhận rằng mình đã chơi tệ ở đây nhưng một phần là bởi có quá nhiều tiếng la ó trên các khán đài. Đó là điều mà tôi chưa bao giờ phải đối mặt khi còn khoác áo Roma hay Boca Juniors. Vào thời điểm ấy, tôi chỉ muốn quay về Italy càng sớm càng tốt”.
Đương nhiên, Samuel cũng sớm được toại nguyện bởi Madrid khi đó chẳng thiếu gì tiền bên cạnh một chính sách mua bán… vô tội vạ. Với khoản thu “lỗ ròng” từ việc bán cựu ngôi sao AS Roma cho Inter Milan, đội bóng Hoàng gia nhanh chóng đặt niềm tin vào một bản hợp đồng mới, trẻ trung và có phần đáng để kỳ vọng hơn, đó chính là Sergio Ramos từ Sevilla, người sau này sẽ trở thành một huyền thoại tại sân Bernabeu. Về phần Samuel, tạm bỏ quên đi những tháng ngày u ám trên đất Tây Ban Nha, anh nhanh chóng tìm lại được chính mình khi quay trở về “miền đất hứa Calcio”.
Trong màu áo Inter Milan, cầu thủ sinh năm 1978 nhanh chóng chứng tỏ được năng lực và giá trị thực sự để rồi mở ra những chương đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình, với đỉnh điểm là cú ăn ba huyền thoại ở mùa giải 2009/10 dưới thời HLV Jose Mourinho. Được chơi bóng bên cạnh một Lucio mạnh mẽ và điềm tĩnh, Samuel đã cùng ngôi sao người Brazil tạo nên một cặp trung vệ gần như “bất khả chiến bại” trước khung thành của thủ môn Julio Cesar. Mùa giải năm ấy, Inter “vô đối” trên mọi đấu trường và lần lượt chinh phục các danh hiệu, từ Serie A, Coppa Italia cho đến Champions League. Những màn trình diễn của Samuel trước Barca (bán kết) hay Bayern Munich (chung kết)… đều được giới chuyên môn đánh giá rất cao và được xem như chuẩn mực đối với một hậu vệ kiểu mẫu đương thời.
Dẫu vậy, do bề ngoài có phần hơi “bặm trợn” cũng như phong cách thi đấu quá quyết liệt, cứng rắn nên Samuel hiếm khi chiếm được cảm tình của các CĐV. Tại Inter Milan thì Lucio, Chivu hay đội trưởng Janetti luôn là những người ở hàng phòng ngự được các tifosi chú ý đến thay vì một Samuel trầm tính và trông có vẻ hơi… cục cằn. Thế nhưng, ít người biết rằng, phía sau hình ảnh của một “hòn đá tảng” đầy chắc chắn trên sân cỏ, lại là câu chuyện về một chàng thanh niên Walter từng quyết định đoạn tuyệt với quá khứ, với chính cái tên họ mà mình được sinh ra.
Là một đứa trẻ nghèo khó xuất thân từ thị trấn nhỏ Firmat, tỉnh Santa Fe, Argentina, cậu bé Samuel trước kia từng mang tên Walter Lujan. Cha của Walter (ông Lujan) đã bỏ rơi vợ và các con khi anh vẫn còn là một đứa bé. Khoảng thời gian sau đó, mẹ Walter chính là người phải gánh vác trách nhiệm nuôi nâng cả đàn con thơ trước khi lựa chọn làm lại cuộc đời thông qua cuộc hôn nhân với một người đàn ông khác, mang họ Samuel. Để bày tỏ sự kính trọng cũng như lòng biết ơn dành cho cha dượng của mình, cậu thanh niên Walter đã quyết định đoạn tuyệt với quá khứ cay đắng bằng cách nhận họ của người cha mới và từ đó mang cái tên Walter Samuel.
Có lẽ cũng chính bởi những năm tháng đầy biến động trong cuộc đời mà tính cách mạnh mẽ của Samuel đã được tôi luyện hơn bao giờ hết. Từ một cậu bé nhút nhát, cầu thủ người Argentina sau này trưởng thành và không bao giờ chấp nhận dừng lại trước khó khăn. Ngay cả khi có nhiều ngôi sao từng “thân bại danh liệt” sau khi vỡ mộng tại Real Madrid thì Walter Samuel lại là một trường hợp hoàn toàn khác. Anh biết buông bỏ, chôn vùi quá khứ ở lại phía sau để sẵn sàng chinh phục thêm những thử thách mới, giống hệt như hành động “thay tên đổi họ” trước kia.
Là một cầu thủ có phần kém duyên với ĐTQG khi cả hai lần tham dự World Cup (2002, 2010) đều phải đón nhận những thất bại đau đớn nhưng Samuel chưa bao giờ tỏ ra bất mãn hay chán nản. Thời điểm hiện tại, khi mà cựu danh thủ người Argentina đã sở hữu cho mình một tấm bằng HLV UEFA Pro tại học viện Coverciano trứ danh (Italy), tất cả đều kỳ vọng rồi sẽ sớm thôi, người ta sẽ lại được chứng kiến một Walter Samuel mạnh mẽ và “cứng rắn” trên băng ghế chỉ đạo. Vì đối với Samuel, cuộc đời có lẽ không bao giờ phải dừng lại.