7 năm chuyển giao giữa hai thế kỉ, từ năm 1998 đến 2004 chứng kiến sự thống trị của Manchester United và Arsenal. Đó vẫn là cuộc đua song mã cân bằng nhất trong lịch sử Premier League, khi không đội bóng nào tỏ ra vượt trội hơn hẳn (M.U vô địch 4 lần, Arsenal 3 lần).
Đến năm 2003, mọi thứ thay đổi khi Roman Abramovich tiếp quản Chelsea. Sự giàu có của ông đồng nghĩa với những bản hợp đồng mới đến dồn dập, biến Chelsea trở thành ứng cử viên cho chức vô địch chỉ sau một đêm. Kể từ đó, Manchester United và Arsenal không còn sánh vai nhau cho hai vị trí dẫn đầu nữa. Sự thống trị cũng chuyển từ màu đỏ sang màu xanh, với điểm nhấn nằm ở một trong những tiền vệ xuất sắc nhất lịch sử giải Ngoại hạng, người sẽ tròn 49 tuổi trong ngày hôm nay: Claude Makelele.
Trước hết, hãy cùng làm rõ điều này: Thuật ngữ “tiền vệ phòng ngự” là chưa đủ để mô tả vai trò của Makelele. Cầu thủ người Pháp chính xác là một tiền vệ mỏ neo, một vai trò dựa trên khả năng phòng ngự cũng như giữ vị trí, thay vì một cầu thủ chỉ biết tắc bóng đơn thuần. Rất ít khi các thuật ngữ bóng đá được đặt theo tên của các cầu thủ; Makelele trở thành người hiếm hoi có được vinh dự này, khi người ta vẫn thường gọi vị trí thi đấu của những cầu thủ có lối chơi giống anh sau này là “vị trí Makelele".
Có một điều đáng ngạc nhiên, đó là anh chỉ bắt đầu chơi “vị trí Makelele” – tiền vệ trụ duy nhất trong bộ ba tiền vệ - ở cuối sự nghiệp của mình. Makelele bắt đầu sự nghiệp ở Nantes ở vị trí tiền vệ cánh, sở hữu kĩ thuật cá nhân khá tốt. Mặc dù có thành tích ghi bàn không thật sự nổi trội (9 bàn sau 169 trận), đó đều là những pha lập công đẹp mắt.
Sau một mùa giải duy nhất với Marseille, nơi anh đóng vai trò tương tự, Makelele chuyển đến đội bóng Tây Ban Nha Celta Vigo vào năm 1998. Tại đây anh được bố trí đá cặp với Mazinho, nhà vô địch World Cup người Brazil ở vị trí tiền vệ trung tâm. Sự chắc chắn của Mazinho cho phép cầu thủ gốc Congo thoải mái băng lên, nhưng cũng chính cầu thủ người Brazil là người chỉ cho Makelele cách để trở thành một tiền vệ mỏ neo.
“Tôi đã dành hàng giờ đồng hồ làm việc với Mazinho. Anh ấy giải thích cặn kẽ cho tôi khi nào cần băng lên, khi nào thì chơi bóng một chạm…,” cầu thủ người Pháp nhớ lại.
Tuy nhiên, Mazinho khi đó đã 32 tuổi, nên ở mùa thứ hai tại Celta Vigo, Makelele thường chơi cùng Albert Celades. Celta đã có những màn trình diễn đáng kinh ngạc tại UEFA Cup năm đó, khi đánh bại Benfica 7-0 và Juventus 4-0, hai đội bóng được dẫn dắt bởi hai HLV từng đoạt cúp châu Âu, Jupp Heynckes và Marcello Lippi. Makelele ghi bàn trong cả hai trận đấu này, nên chúng ta đều hiểu rằng anh vẫn chưa phải là một tiền vệ mỏ neo thuần túy.
Năm 2000, Real Madrid bất ngờ bán Fernando Redondo, một trong những tiền vệ phòng ngự xuất sắc ngày đó và thay thế anh bằng bộ đôi tiền vệ của Celta Vigo, Makelele và Celades, cùng với tiền vệ Flavio Conceicao của Deportivo.
Trong ba năm ở Madrid, cầu thủ sinh năm 1973 trở thành một trong những cầu thủ quan trọng nhất đội bóng, là bệ phóng cho dải Ngân hà tỏa sáng ở phía trên, gồm có Zinedine Zidane, Luis Figo, Ronaldo và Raul Gonzalez. HLV của Real ngày đó, Vicente del Bosque nhận xét rằng Makelele có “bộ kĩ năng hoàn hảo để trở thành cầu thủ phòng ngự và tấn công đầu tiên”, một tóm tắt chính xác về vai trò kép của cầu thủ người Pháp.
Đã có những ý kiến cho rằng Real Madrid thời kì này tấn công với 7 cầu thủ, để lại một mình Makelele phòng ngự cùng các trung vệ. Trên thực tế, điều đó hoàn toàn không đúng. Trong 95 lần ra sân của Makelele cho Madrid, 76 lần anh đá cặp với một tiền vệ phòng ngự: Ivan Helguera (36 lần), Conceicao (19), Esteban Cambiasso (12), Celades (7) hoặc Fernando Hierro (2). Chỉ có 17 lần Makelele là tiền vệ thủ duy nhất, và đó thường là các trận đấu trên sân nhà trước những đối thủ yếu hơn, cho phép Madrid chơi bóng với những tiền vệ sáng tạo như Guti hoặc Steve McManaman bên cạnh anh. Ở thời điểm này, Makelele vẫn chưa xác định vị trí trùng với tên của mình.
Makelele chuyển sang Chelsea vào năm 2003, thời điểm Madrid bị ám ảnh về các siêu sao một cách trầm trọng. Cầu thủ sinh ra ở Kinshasa, Congo phàn nàn về việc anh được trả lương ít hơn đáng kể so với những người đồng đội tiếng tăm, nhưng chủ tịch Florentino Perez không mấy quan tâm đến việc giữ anh ở lại.
“Tại sao chúng ta phải nhớ Makelele? Cậu ta có kỹ thuật trung bình, cũng như thiếu tốc độ và kĩ năng để đưa ra những đường chuyền sáng tạo. Chơi đầu thì kém, lại hiếm khi chuyền nổi một đường quá 3m. Và 90% công việc của anh ta trên sân chỉ là chuyền ngang hoặc chuyền về,” Perez chỉ trích cầu thủ người Pháp.
Những lời cay nghiệt của Perez vô tình mô tả vai trò của Makelele, chứ không phải bộ kĩ năng của cầu thủ gốc Congo, thứ mà trừ Perez, ai cũng biết nó toàn diện thế nào. “Mạ vàng một chiếc Bentley thì có ích gì khi mà nó đã mất đi động cơ”, Zidane cảm thán khi Makelele ra đi và David Beckham xuất hiện.
Real Madrid đã vô địch La Liga trong mùa giải cuối cùng Makelele khoác áo đội bóng này, nhưng về đích thứ tư ở ngay mùa sau, khi Real sử dụng bộ đôi tiền vệ trung tâm có thiên hướng sáng tạo là Beckham – Guti. Sau khi nhận ra những phẩm chất của một tiền vệ mỏ neo như Makelele, dễ hiểu khi Madrid cuống cuồng tìm những cầu thủ tương tự để thay thế anh. Thậm chí, họ từng kí hợp đồng với Thomas Gravesen của Everton, một cầu thủ có trình độ thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của đội bóng Hoàng gia.
Nguy của Madrid lại là cơ của Chelsea. “Nếu tôi có một chiếc đồng hồ thì Claude chính là cục pin,” HLV mới của Makelele, Claudio Ranieri nói. Khi Jose Mourinho thay thế Ranieri vào mùa hè năm sau, chiến lược gia người Bồ Đào Nha thậm chí đã làm gián đoạn kì nghỉ của Makelele, bằng cách gọi điện để nhấn mạnh tầm quan trọng của anh với Chelsea.
Ở đội bóng phía Tây London, Mourinho sử dụng sơ đồ 4-1-2-1-2 và 4-3-3 như ông từng áp dụng ở Porto. Cả hai hệ thống này đều đòi hỏi một tiền vệ mỏ neo chơi thứ bóng đá kỉ luật. Makelele chỉ ghi 2 bàn sau 144 trận ở Premier League (một trong số đó đến từ chấm 11m) và có 4 kiến tạo. Nhưng không ai nghi ngờ việc anh đóng một vai trò quan trọng trong các đợt tấn công của Chelsea.
Cụ thể, trong khi nhiệm vụ chủ yếu của tiền vệ sinh năm 1973 tại Madrid là phòng ngự, điều đó ít rõ ràng hơn ở Chelsea, một đội bóng sở hữu các cầu thủ tấn công chịu khó lùi về hơn, đồng thời vẫn giữ được sự chắc chắn khi mất bóng. Thay vào đó, anh lại là trạm trung chuyển bóng chính mỗi khi Chelsea triển khai các đợt tấn công. Điều này thật kì lạ, bởi anh chơi bóng không cầu kì, ít khi kéo bóng cũng như chuyền vượt tuyến lên phía trên. Makelele chỉ đơn giản là giữ vị trí của mình, lấy lại trái bóng cũng như đưa nó sang hai biên. Nhưng điều này rất quan trọng, như Mourinho đã chỉ ra:
"Nếu tôi dùng hàng tiền vệ hình tam giác, Makelele lùi sâu và hai người còn lại đá ngay phía trước anh ta, Chelsea sẽ luôn chiếm ưu thế trước các đội trung thành với sơ đồ 4-4-2 kiểu cổ điển,” ông giải thích. Có thể thấy Mourinho đang nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí mà Makelele chơi, chứ không chỉ cá nhân cầu thủ này.
Mặc dù vậy, Makelele khẳng định rằng bộ kĩ năng, cũng như việc trước đây anh từng là một tiền vệ tấn công mới là thứ khiến anh trở thành một tiền vệ làm bóng khác biệt.
“Mọi người thường nói về ‘vị trí Makelele’ để mô tả một tiền vệ hiện đại, biết thu hồi bóng. Trên thực tế, tôi không phát minh ra bất cứ điều gì,” cầu thủ người Pháp chia sẻ.
“Có lẽ tôi làm tốt hơn về mặt kĩ thuật và chiến thuật so với những tiền vệ phòng ngự của những năm 80 và 90 như Luis Fernandez, Franck Sauzee hay Didier Deschamps, nhưng tôi không thực hiện bất cứ điều gì khác biệt so với họ. Có chăng, thời thế đã thay đổi và để chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất ở bất cứ vị trí nào, bạn phải biết giữ bóng, đưa ra những đường chuyền chính xác để góp phần cho mặt trận tấn công. Chỉ biết chơi đầu cũng như tắc bóng giờ là không đủ. Bạn cần chơi bóng đa dạng hơn.”
Đó là lời chia sẻ hấp dẫn, bởi nhiều người cho rằng lối chơi của anh là một phản đề hoàn toàn với bóng đá hiện tại. HLV huyền thoại của Milan, Arrigo Sacchi từng nhận xét: “Trong thế giới bóng đá của tôi, những cầu thủ làm bóng phải biết mình cần làm gì khi có bóng. Nhưng Makelele không làm được điều đó. Cậu ấy không có ý tưởng thực hiện điều này, dù tất nhiên cậu ấy rất giỏi trong việc giành lại bóng.”
Tuyên bố này vô tình đánh giá thấp vai trò của cầu thủ người Pháp, bởi dù Makelele không tung ra những đường chuyền theo kiểu ‘dao nóng cắt bơ’ như Andrea Pirlo hay Xabi Alonso, anh vẫn thường đưa ra những đường chuyền thuận lợi cho các cầu thủ tấn công.
Sự xuất sắc của tiền vệ gốc Congo đã thúc đẩy một làn sóng kì lạ trong những năm 2000, khi các đội Big Four đều mua những cầu thủ tấn công triển vọng, để rồi kéo họ xuống đá tiền vệ phòng ngự. Lucas Leiva của Liverpool, Denilson của Arsenal, Anderson của Manchester United và người kế nhiệm Makelele ở Chelsea, John Mikel Obi là những ví dụ điển hình.
Nhưng cũng phải đến sau này, Les Ferdinand – khi đó đang là HLV của Tottenham - mới lên tiếng khẳng định tầm ảnh hưởng của Makelele với bóng đá Anh.
“Khi Makelele đến đất nước này, cậu ấy vốn không phải một tiền vệ mỏ neo. Nhưng cậu ấy đủ trí thông minh để nói với Frank Lampard rằng ‘cậu có thể ghi bàn nhiều hơn tôi, vì thế tôi sẽ ở nhà, còn cậu cứ dâng lên đi.’ Lúc đó mọi người mới vỡ ra: ‘Phải rồi, chúng ta cần có một tiền vệ mỏ neo’. Những gì chúng tôi đã làm sau đó là tạo ra một lứa cầu thủ không dâng lên quá nửa sân và cảm thấy hạnh phúc khi đứng trước bốn hậu vệ phía sau,” Ferdinand nói.
Ferdinand sau đó bị chỉ trích vì những bình luận của mình, nhưng có một sự thật trong đánh giá của ông về di sản của cầu thủ người Pháp. Bản thân Makelele là một cầu thủ giỏi, đó là điều chắc chắn. Nhưng tác động to lớn của anh tại xứ sở sương mù phần lớn là do vai trò của cầu thủ này trong sơ đồ 4-3-3 của Mourinho, nghĩa là anh sẽ đóng một vai trò quan trọng để hệ thống của Mourinho vượt trội hơn so với sơ đồ 4-4-2.
Sau khi các đội bóng khác bắt đầu học hỏi sơ đồ của Mourinho, những bản sao của Makelele giờ chỉ là những cầu thủ chuyền bóng thuần túy và không tạo ra sự vượt trội so với đối thủ về mặt hệ thống. Không có gì ngạc nhiên, khi tác động của tiền vệ phòng ngự có tầm ảnh hưởng lớn nhất Premier League lại chỉ được nhớ đến ở khía cạnh phòng ngự - vào thời điểm mà các đội bóng đang trở nên thực dụng hơn bao giờ hết.
Lược dịch chương 12 “Vị trí Makelele” trong cuốn sách The Mixer của tác giả Michael Cox
Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…