Trọng tài Urs Meier vô tình là nạn nhân vì làn sóng thù hận trên báo chí sau khi ông từ chối bàn thắng muộn của Sol Campbell cho đội tuyển Anh trước Bồ Đào Nha ở Euro 2004. Vì quyết định này, ông bị đe dọa, chửi bới và thậm chí là ông phải đi trốn để bảo toàn tính mạng bản thân. Dưới đây là câu chuyện mà ông kể lại, do nhà báo Ed McCambridge của FourFourTwo chấp bút.
Ảnh: Getty Images
Lần đầu tiên tôi bị đe dọa tính mạng là 9 tháng trước Euro 2004. Đó là trận đấu vòng loại giữa Đan Mạch và Romania, lúc đó đội khách cần một chiến thắng trong trận đầu cuối cùng để giành quyền đi tiếp. Romania cũng là đội chơi tốt hơn và khi trận đấu bước vào 4 phút bù giờ, họ vẫn dẫn 2-1.
Tuy nhiên, họ bắt đầu câu giờ một cách lố bịch, các cầu thủ đi bộ chậm rãi khi thay người. Tôi phải rút thẻ phạt một cầu thủ của họ vì thực hiện đá phạt góc quá lâu. Thậm chí tôi đã phải bảo họ là tôi sẽ cho trận đấu kéo dài thêm thời gian nhưng họ vẫn tiếp tục.
Và bạn có thể đoán chuyện gì xảy ra tiếp theo: sau 94 phút 36 giây, Đan Mạch ghi bàn khiến cánh cửa đi tiếp của Romania chính thức đóng lại. Họ chẳng có ai để tự đổ lỗi, vì thế ngày hôm sau, tại Copenhagen, 5.000 cổ động viên của Romania đã tụ tập phản đối tôi bên ngoài Đại sứ quán Thụy Sĩ. Các tờ báo Romania khẳng định quả phạt đền tôi trao cho Đan Mạch trong hiệp 1 là không thỏa đáng cũng như bàn gỡ hòa của họ đã việt vị. Song, không có gì đúng cả.
Một vài cơ quan truyền thông nào đó đã tìm thấy địa chỉ email của tôi và đăng nó lên báo. Tôi nhận hàng ngàn lời hăm dọa tính mạng, đó là lần đầu tiên tôi trải qua một điều như thế. Tôi sợ những gì người hâm mộ có thể làm nếu họ thấy tôi ở Copenhagen, vì thế tôi phải gọi điện cho cảnh sát và nhờ họ bảo vệ vì tôi thực sự lo lắng sẽ không thể về nhà an toàn. May mắn thay, không có gì xảy ra cả, nhưng đáng buồn, đó không phải lần cuối.
CHỈ MUỐN LÀM TRỌNG TÀI
Khi còn nhỏ, tôi mơ ước trở thành cầu thủ. Tôi muốn thi đấu ở San Siro và ghi bàn cho Thụy Sĩ trong những phút bù giờ trước Italy. Tôi cũng là một cầu thủ khá và và ghi nhiều bàn ở cấp độ trẻ. Bố muốn tôi trở thành vận động viên thể dục dụng cụ, khi còn nhỏ hơn đã tập luyện rất nhiều trong suốt 6 năm, nhưng đó chưa bao giờ là đam mê của tôi. Tôi không đủ mạnh mẽ, không có cơ bắp và cổ tay thì quá yếu.
Năm 14 tuổi, tôi nhận ra mình không có đủ yếu tố cần thiết để thành cầu thủ chuyên nghiệp. Và khi ấy tôi muốn trở thành trọng tài: nếu không thể thi đấu ở San Siro thì ít nhất một ngày nào đó tôi sẽ bước lên sân với bộ đồ đen. Ở Thụy Sĩ, bạn sẽ không được đi học làm trọng tài trước năm 18 tuổi, nhưng tôi đã quyết định từ trước đó 4 năm.
Buổi đầu đi học, mỗi chúng tôi được phát một bảng câu hỏi, trong đó có một câu: “Mục tiêu của bạn là gì?” Tôi viết rằng ước mơ của tôi là thành trọng tài ở World Cup 1998. Lúc đó là năm 1977, tôi muốn thành trọng tài ở một giải đấu còn cách 21 năm nữa.
Tôi bắt đầu làm nghề ở các hạng dưới của Thụy Sĩ và phải cố gắng dần dần, từng chút một. Cũng hơi khó chịu một chút. Tôi muốn là trọng tài giỏi nhất giải đấu, nhưng vì tôi là người trẻ nhất nên Hiệp hội Bóng đá Thụy Sĩ chọn một trọng tài kém hơn tôi. “Cậu có thời gian”, họ đã nói như vậy. Nhưng tôi không hiểu. Tôi muốn thành số một càng nhanh càng tốt.
Vài năm sau, cuối cùng tôi cũng có cơ hội làm việc cho FIFA và UEFA, họ đã thấy dù tôi còn rất trẻ nhưng đã có nhiều kinh nghiệm. Họ biết tôi đã làm việc chăm chỉ ra sao. Đó chính là nền tảng của tôi trong công việc trọng tài - mọi ngôi nhà đều cần có cái móng tốt và cái “móng” của tôi chính là những năm tháng khó khăn cầm còi ở các hạng dưới ở Thụy Sĩ.
Bên cạnh đó, tôi là nhân viên bán hàng - ban đầu là cho nhiều công ty khác nhau, nhưng rồi sau đó tôi bắt đầu tự kinh doanh riêng. Chúng tôi kinh doanh đồ gia dụng: máy giặt, máy sấy, bàn là,.. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và tôi tuyển 25 nhân viên để vận hành công việc. Nó cho tôi thời gian để làm công việc trọng tài, rèn luyện, tham gia các cuộc họp và trận đấu.
Ảnh: FourFourTwo
VUA ÁO ĐEN CỦA NHỮNG TRẬN CẦU LỚN
Cuối cùng, có 2 trọng tài Thụy Sĩ cạnh tranh nhau 1 suất tại World Cup 1998: tôi và một trọng tài nữa nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi là trọng tài trẻ hơn và thuộc thế hệ mới. Hai chúng tôi đối xử tốt với nhau, chúng tôi vẫn giữ liên lạc và nói tốt về nhau trên báo chí. Tháng 1 năm 1998, tôi biết mình được chọn chứ không phải anh ấy, một cảm giác thật khó tả.
Một tháng trước đó, tôi đã xem lễ bốc thăm World Cup và ngay khi Mỹ và Iran chung bảng với nhau, tôi đã hô lên: “Đây rồi, trận đấu này của mình!” Đó là một trong những trận đấu bóng đá nặng tính chính trị nhất lịch sử. Từ rất lâu trước khi chúng tôi được thông báo về những trận đấu mình sẽ tham gia, tôi đã tập luyện, chuẩn bị cho trận đó.
Ngay trước khi giải đấu diễn ra, toàn bộ các trọng tài được chọn phải dành một tuần tập huấn ở gần Paris. Tại một bữa tối sau đó, mỗi người chúng tôi nhận một phong bì trong đó có các trận đấu mình sẽ làm việc. Trước khi họ phát, tôi bảo mọi người là muốn cầm còi trận Mỹ với Iran. Họ hỏi tôi là tại sao không phải Brazil, Anh hay Pháp? Nhưng tôi nói là tôi sẽ có nhiều thời gian để cầm còi những trận đấu có các đội tuyển ấy. Tôi muốn bắt một trận đấu nhiều thử thách và giàu tính chính trị nhất giải đấu.
Những chiếc phong bì được phát và tôi bảo những người khác là tôi chẳng cần phải mở phong bì của mình. Tôi biết mà. Một người lấy phong bì của tôi và mở ra cho tôi xem. “Sao cậu biết vậy?!”, anh ấy ngạc nhiên.
Buổi tối trước trận đấu 1 ngày, chúng tôi có cuộc họp an ninh với các quan chức từ cả hai quốc gia cùng với đại diện của FIFA. Người này nói: “Thưa các vị, ngày mai chỉ là một trận đấu bóng đá”. Mọi người ngồi ở bàn đều gật đầu đồng ý, nhưng ông ấy vẫn nhắc lại nó. Ông ấy muốn mọi người phải nắm rõ tính chất.
Dù vậy, trong cuộc họp, tôi đã đề nghị là trước khi bóng lăn, cầu thủ hai đội sẽ chụp một bức ảnh chung. FIFA cho phép điều đó nhưng chỉ khi không có trọng tài của trận đấu vì một vài lý do. Sau khi chúng tôi rời đi, tôi bảo các trợ lý của mình là chúng tôi sẽ có mặt trong bức ảnh đó bất kể FIFA nói gì đi chăng nữa. Dù sao đó cũng là ý tưởng của tôi mà.
Trước khi trận đấu bắt đầu, tôi cùng các trợ lý đứng hai bên của các cầu thủ Mỹ và Iran, và chúng tôi có mặt trong bức ảnh đó. Số lượng phóng viên ảnh nhiều gấp hai lần số lượng bạn nghĩ, các phóng viên chính trị cũng có mặt ở đó. Tất cả mọi người trong sân cũng biết họ đang chứng kiến một thời khắc lịch sử. Tôi nhận ra một điều gì đó đặc biệt đã diễn ra ngày hôm đó. Bức ảnh đã đi khắp thế giới, song đáng buồn là bức ảnh mà FIFA phân phối cho các trọng tài thì đã bị chỉnh sửa.
Trận cầu lịch sử giữa Mỹ và Iran ở World Cup 1998. Trước trận, cả hai đội chụp ảnh chung với nhau. Ảnh: FourFourTwo
Bản thân trận đấu đã là một sự kiện phức tạp và tôi thực sự rất may sau khi quyết định không trao một quả phạt đền cho Iran. Tôi đã có thể trao họ một quả phạt đền và đuổi thủ môn của Mỹ, song điều đó sẽ không phù hợp với tinh thần trận đấu. Chung cuộc Iran thắng 2-1 nhờ một bàn thắng đẹp - một cách tốt hơn nhiều để giành chiến thắng.
Trận đấu khép lại mà không có thẻ đỏ nào, đó là điều cần thiết. Cả hai đội nhận giải thưởng fair play từ FIFA và mọi thứ đều êm xuôi. Tôi đã đạt được một trong những giấc mơ của mình - 8 năm sau khi là trợ lý trọng tài trận đấu giữa Milan và Mechelen trên sân San Siro thuộc khuôn khổ Champions League - nhưng đồng thời cũng nổi tiếng là người của trận đấu lớn.
Vài năm sau, tôi cầm còi trận đấu giữa Mỹ và Hàn Quốc ở World Cup 2002. Đây cũng lại là một sự kiện nhạy cảm nữa do chiến tranh ở thập niên 50. Thanh niên ở Hàn Quốc vẫn chỉ trích nước Mỹ và điều thú vị là khu fanzone của họ nằm ngay Đại sứ quán Mỹ ở Seoul. Trận đấu cũng diễn ra êm xuôi.
Điều quan trọng là quốc tịch cũng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Một phóng viên Đức từng viết về tôi như sau: “Urs Meier là một người trung lập kép - anh ấy là trọng tài và là người Thụy Sĩ. Đây là yếu tố quan trọng giúp anh được cầm còi những trận quan trọng ở các giải đấu lớn”.
Mọi người quên tôi cũng được chọn cầm còi trận bán kết giữa Hàn Quốc và Đức vì lý do đó. Bạn luôn cảm thấy áp lực hơn một chút khi cầm còi trận đấu có đội chủ nhà ở giải đấu lớn, song hai trận đấu trước của Hàn Quốc - gặp Italy ở tứ kết và Tây Ban Nha ở vòng 16 đội - là những màn thể hiện thảm họa của các trọng tài. Đội chủ nhà gặp nhiều may mắn khi trọng tài phải đưa ra các quyết định quan trọng.
FIFA chịu áp lực phải chứng tỏ họ không thiên vị. Chủ tịch Sepp Blatter muốn tái lập lại uy tín và quyết định tôi sẽ điều khiển trận bán kết. Đáng lẽ tôi sẽ không được bắt trận đó vì tôi đến từ khu vực nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ và trước đó tôi cũng đã điều khiển một trận Hàn Quốc. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự vô tư của tôi.
KHỐN KHỔ VÌ TRUYỀN THÔNG ANH
Nhưng rồi 2 năm sau tại Euro 2004, tôi bị gọi là kẻ bịp bợm. Đội tuyển Anh để thua Bồ Đào Nha trên chấm luân lưu ở tứ kết và một lần nữa tôi trở thành kẻ thù số 1 của công chúng. Dù vậy, trước hết chúng ta cần làm rõ một điều: dù báo lá cả Anh nói ra sao đi chăng nữa, tôi cũng đã đưa ra quyết định đúng ở Lisbon. Sol Campbell không phải người phạm lỗi với thủ môn khi tôi tước bàn thắng từ cú đánh đầu của anh ấy ở phút cuối cùng thời gian thi đấu chính thức. Người phạm lỗi là John Terry.
Tình huống này vẫn có trong giáo trình về trọng tài ở Đức vì nó là ví dụ điển hình về việc đưa ra quyết định chính xác dựa trên điều mà bạn không thể thấy, một thứ xảy ra ngoài tầm mắt của bạn. Thành thực mà nói, tôi thực sự không thấy bất cứ pha phạm lỗi nào ở tình huống tối đó, song tôi biết chắc chắn có pha phạm lỗi. Thâm tâm tôi nói là có điều gì đó không đúng và tôi đã học cách tin tưởng vào cảm giác suốt 20 năm sự nghiệp.
Bàn thắng bị từ chối của Sol Campbell. Ảnh: PA
Tất cả đều khá dễ hiểu. Thủ môn Ricardo ở đâu? Tôi không thấy tay cậu ấy chạm bóng. Tại sao tay cậu ấy không thể giơ ra chạm bóng? Tôi đưa ra quyết định nhanh chóng và thổi phạt. Không có bàn thắng. Các cầu thủ Anh hết sức tức giận, đặc biệt là Campbell. Và như thể để khiến mọi thứ tệ hơn, Bồ Đào Nha thực hiện đá phạt nhanh và phản công chớp nhoáng. Pha bóng kết thúc với tình huống dứt điểm vọt xà ngang, tạ ơn Chúa vì họ không ghi bàn, nếu không thì trận đấu sẽ rất hỗn loạn.
Ngay sau khi trái bóng bay ra ngoài, các cầu thủ Anh vây lấy tôi. Campbell chạy gần như hết sân để hét vào mặt tôi, bảo tôi là anh ta không phạm lỗi với ai cả. Anh ta yêu cầu được biết tại sao bàn thắng không được công nhận. Tôi bình tĩnh giải thích là tôi biết anh ta không phạm lỗi với ai. Tôi cũng thừa nhận là không biết ai là người phạm lỗi vì tôi không chứng kiến những gì xảy ra. Anh ta nổi điên lên.
Phải nói rằng hành động của cả hai đội sau đó đều chuẩn mực. Các cầu thủ Anh không có hành động gì chống đối tôi cả, nhưng đáng buồn là báo chí lại không như vậy. Ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy và thấy email của mình có 16.000 thư. Tất cả đều bằng tiếng Anh và là các tin nhắn lăng mạ, đe dọa. “Tao sẽ giết mày, thằng chó đẻ!”, đại loại vậy. Tôi cuộn màn hình xuống và thực sự sững sờ. Tối hôm trước, tôi lên giường với suy nghĩ là mọi thứ êm đẹp. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Cảnh sát Thụy Sĩ gọi điện nói rằng tôi đang bị đe dọa và nên ẩn nấp ở Bồ Đào Nha. Họ sẽ không thể đảm bảo được sự an toàn cho tôi nếu tôi cố gắng về nhà. Mặt tôi xuất hiện chình ình trên mọi trang bìa các tờ báo của Anh, họ cũng phát hiện ra địa chỉ email của tôi và đăng nó lên. Tôi xóa toàn bộ tin nhắn và đóng tài khoản. Nếu không làm thế, với tốc độ email được gửi đến, tôi nghĩ mình sẽ nhận hơn nửa triệu email.
Vài ngày sau, cánh nhà báo săn lùng tôi. Áp lực quá căng thẳng khiến tôi không thể rời khỏi phòng khách sạn. Không ai từ UEFA liên lạc với tôi cả, tôi cảm thấy đơn độc. Cuối cùng, không thể ở lại nữa, tôi bảo cảnh sát là sẽ tìm cơ hội ra sân bay để bay về nhà.
Khi máy bay hạ cánh xuống Zurich, hai sĩ quan cảnh sát mặc thường phục chờ đón tôi ở đường băng. Họ đón tôi tận ghế, đưa tôi ra xe hơi, cho tôi ngồi ghế sau và trở tôi đến thị trấn Baden cách Zurich 20 dặm. Tôi được đưa đến một ngôi nhà an toàn và được dặn là phải ẩn nấp ở đó cho đến khi có thể về nhà. Thậm chí tôi không thể nói với gia đình, bạn bè là mình ở đâu nữa.
Sau khoảng một tuần, tôi được phép trở về nhà mình ở trên núi. Trong suốt sáu tháng sau trận đấu đó, dù đi làm ở chỗ nào tôi đều hoảng sợ mỗi khi nghe thấy một giọng Anh cất lên gần mình. Thật kinh khủng.
Báo chí Anh thực hiện chiến dịch căm thù nhắm vào Urs Meier sau đó. Ảnh: BBC
Sáu tháng sau tôi giải nghệ. Ở tuổi 45, tôi vẫn luôn có kế hoạch dừng lại sau kỳ Euro đó - dừng lại trên đỉnh cao. Nhưng sau sự kiện ấy, mọi người luôn nghĩ vì sợ hãi nên tôi giải nghệ. Tôi không thể để điều đó xảy ra. Thậm chí tôi còn đề nghị UEFA để tôi bắt một trận ở Anh vì tôi thực sự là cổ động viên bóng đá Anh. Tôi thấy người hâm mộ Anh, cùng với Scotland và Ireland là những người hâm mộ công bằng nhất thế giới. Họ hiểu bóng đá và hiểu sự công bằng. Tuy nhiên UEFA nói không. Họ sợ cử tôi đến đó ngay sau giải đấu.
Tất nhiên, không phải trận đấu nào của tôi cũng đều căng thawngr. Trong sự nghiệp, tôi đã cầm còi những trận đấu tuyệt vời, ví dụ như chung kết Champions League 2002 giữa Real Madrid và Bayer Leverkusen ở Hampden Park.
Zinedine Zidane là cầu thủ yêu thích của tôi. Được điều khiển trận đấu có cậu ấy thật vui, xem cậu ấy thi đấu ở rất gần và hiểu vì sao mọi thứ cậu ấy làm lại trông đơn giản như thế. Cậu ấy là thiên tài. Và tôi đứng cách cậu ấy 10m khi cậu ấy thực hiện pha vô-lê.
Những khoảnh khắc đẹp như thế sẽ không thể xảy ra nếu không có trọng tài. Các trọng tài thực sự quan trọng và một trận đấu hay cần một trọng tài giỏi để đảm bảo nó công bằng và diễn ra êm đẹp. Một trọng tài giỏi có thể cứng rắn đưa ra những quyết định, có thể thổi lỗi và tất nhiên là tước bỏ những bàn thắng. Một trọng tài giỏi phải có hiểu biết sâu sắc về bóng đá. Họ cần tự tin vào những quyết định quan trọng. Đó là một trong những công việc nhiều niềm vui nhất thế giới nhưng cũng đi kèm trách nhiệm lớn - và hậu quả cũng lớn nữa.
Nhìn lại, dù những rắc rối mà họ gây ra cho tôi và gia đình, tôi phải cảm ơn các tờ báo Anh đó. Chiến dịch căm thù họ thực hiện nhằm vào tôi là màn PR tuyệt vời - ở Thụy Sĩ, Đức và khắp mọi nơi. Tôi vẫn được nhận ra là trọng tài đã từ chối bàn thắng đó. Nó giúp tôi làm chuyên gia trên truyền hình Đức tại World Cup 2006 và Euro 2008. Tôi chỉ có những cơ hội ấy nhờ The Sun và các tờ báo khác. Vì vậy… cảm ơn nhé.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.