Trong dòng chảy vạn biến của bóng đá hiện đại, Mourinho vẫn là Mourinho!

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 31/05/2023 18:33(GMT+7)

Zalo

Mourinho cũng chẳng còn là “kẻ thách thức thần thánh” nữa. Nhưng ông đã giúp Roma chinh phục kỳ Conference League đầu tiên vào mùa giải trước và vẫn khiến mọi người cực khó chịu. Rốt cuộc, Jose Mourinho vẫn là một lão già đầy bản lĩnh, nhưng đáng ghét, hoang tưởng, phản bóng đá như xưa, và điều đó thật tuyệt biết bao.

350662044_921145142277126_8490873073777288785_n
 

Nếu bạn sống tại Italy hoặc nếu Italy là giải đấu mà bạn theo dõi sát sao nhất, bạn sẽ nhận thấy rằng José Mourinho vẫn là một quả bom được tạo nên bởi sự căm phẫn, luôn mang trong mình những nỗi thù hận cổ xưa, quyết không buông bỏ một chút nào, dù chúng có thật hay chỉ là do ông ta tưởng tượng ra; một ông trùm đích thực, đầy bản lĩnh, đầy cuốn hút, nhưng đồng thời cũng cực khó ưa cả trên băng ghế huấn luyện và trong phòng họp báo, với khả năng thao túng hiếm ai sánh bằng và một cái đầu vô cùng mưu mô, chưa bao giờ chấm dứt sự hoang tưởng về chuyện những CLB mà mình dẫn dắt luôn là nạn nhân của một âm mưu do các trọng tài, giới truyền thông và các cơ quan quản lý của bóng đá bày ra. 

Còn nếu không phải là một “fan cứng” của bóng đá Italy, bạn cũng sẽ được thấy những hình ảnh đầy quen thuộc, đầy hoài niệm từ trận hòa 0-0 của Roma trước Bayer Leverkusen trên sân khách trong trận đấu thứ hai của hai đội ở vòng bán kết Europa League 2022-23. Jose Mourinho vẫn là Jose Mourinho! Người đàn ông này không hề thay đổi chút nào cả! Tỷ lệ thời lượng kiểm soát bóng của Roma chỉ là 20%. Họ chỉ có duy nhất 1 cú dứt điểm trúng đích trong khi của Leverkusen là 23. Trận đấu thực tế chỉ có 54 phút bóng lăn, mặc dù có tới 14 phút bù giờ. Số liệu “bàn thắng kỳ vọng” được ghi nhận ở họ chỉ có vỏn vẹn 0,03. Đây là một chiến thắng đậm chất “chủ nghĩa Mourinho”. Màn trình diễn cực thực dụng, cực khó chịu của Inter Milan dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha ở Nou Camp vào năm 2010 đã được tái hiện. Đội bóng của ông đã dẫn trước tỷ số từ trận đấu lượt 1, vậy thì tại sao họ lại phải tấn công?  

Suốt 15 năm qua, xu thế chủ đạo của bóng đá cấp cao đã xoay quanh khả năng kiểm soát bóng và pressing tầm cao, qua đó tạo nên thế áp đảo trước các đối thủ. Khi Barcelona chọn Pep Guardiola thay vì Mourinho vào năm 2008, quyết định đó đã xác nhận những nỗi hoài nghi đã luôn hiện hữu trong ông: Rằng CLB này chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận nhà cầm quân người Bồ Đào Nha từ thuở ông còn là một thành viên trong ban huấn luyện của họ vào cuối những năm 90; rằng họ sẽ luôn ưu tiên “người của họ”; rằng ông sớm muộn cũng sẽ trở thành một kẻ “phản Barca”, và rằng nếu họ muốn thi đấu với khả năng kiểm soát bóng, thì thứ bóng đá của ông sẽ chẳng màng đến nó. 

Trong dòng chảy vạn biến của bóng đá hiện đại, Mourinho vẫn là Mourinho! 1
 

Cả Porto và Chelsea của Mourinho đều từng chơi pressing một cách tương đối – nhưng kể từ sau khi bị Barcelona phũ phàng, ông đã hoàn toàn trở thành “chúa tể bóng tối” của môn thể thao vua, đại diện tiêu biểu nhất của trường phái “phản bóng đá”, liên tục rêu rao một thứ học thuyết hoàn toàn trái ngược với Guardiola, rằng “đội nào càng kiểm soát bóng nhiều thì nỗi lo sợ trong tâm sẽ càng lớn”. Theo góc nhìn đó, thì toàn bộ sự nghiệp của Mouinho sau khi rời Chelsea lần đầu tiên đã được thúc đẩy bởi mối hận thù đối với Barca. Và với nguồn động lực to lớn ấy, người đàn ông này đã tạo nên những điều tuyệt vời. 

Sau khi bị ruồng rẫy, Mourinho không hề thoái ẩn và hành động giống như Miss Havisham (nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Great Expectations của Charles Dickens), một người phụ nữ căm thù đàn ông vì từng bị chú rể bỏ rơi ngay trong đám cưới, sau đó nhận nuôi một cô gái xinh đẹp tên Estella và lên kế hoạch nuôi dạy cô thành một thiếu nữ tàn nhẫn để phá vỡ trái tim của đám đàn ông. Ông vẫn lao mình ra chiến trường, với khát khao tự tay trả thù thay vì trông chờ vào một “Mourinho 2.0”, “Mourinho 3.0”… nào đó.  

Thành tích mà ông đạt được với Internazionale thực sự rất đáng nể, và trận đấu trên sân khách ở vòng bán kết Champions League vào năm 2010, khi họ “hất cẳng” Barca khỏi cuộc chơi dù chỉ đá với 10 người và có tỷ lệ thời lượng kiểm soát bóng vỏn vẹn 19%, chính là một màn trả thù vĩ đại của ông trước CLB xứ Catalan, hơn cả chiến tích chấm dứt chuỗi thống trị của Guardiola ở đấu trường quốc nội bằng chức vô địch La Liga 2011-12 cùng Real Madrid. 

Guardiola dường như đã kiệt sức khi cuộc chiến 2011-12 của họ ở Tây Ban Nha kết thúc và phải mất một khoảng thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng, nhưng trên thực tế, Mourinho mới là người phải hứng chịu những mất mát nặng nề hơn sau các cuộc tranh đấu nảy lửa ấy. Ngay cả lần gần nhất chinh phục được một giải VĐQG của ông (tại Chelsea) cũng đã được tiếp nối bằng tình cảnh bị sa thải vào tháng 12 của mùa giải tiếp theo. Sau đó là những khoảng thời gian đáng quên ở Manchester United và Tottenham – mặc dù lịch sử thực tế có lẽ sẽ kêu gọi các động thái xét lại. 

Trong dòng chảy vạn biến của bóng đá hiện đại, Mourinho vẫn là Mourinho! 2
 

Rốt cuộc, Mourinho từng giúp Manchester United kết thúc mùa giải ở vị trí thứ hai tại Premier League, cũng như chinh phục Europa League và League Cup. Man United đã không thể có nổi mùa giải nào khác kiếm được 81 điểm như họ đã làm được dưới sự dẫn dắt của Mourinho vào mùa giải 2017-18, và họ cũng chẳng giành được một danh hiệu nào khác kể từ khi nhà cầm quân người Bồ Đào Nha bị sa thải vào giữa mùa giải 2018-19, cho đến khi đoạt được League Cup ở mùa giải này. 

Mourinho từng cùng Tottenham Hotspur cán đích ở vị trí thứ 6, rồi sau đó là thứ 7 trong mùa giải tiếp theo, khi ông bị sa thải trước trận chung kết League Cup 2021 chỉ 1 tuần: Đây chắc chắn chẳng phải là một thành tích ấn tượng, và Tottenham đã giành được vé tham dự Champions League dưới thời Antonio Conte trong mùa giải sau đó, nhưng thực tế là không ai dám nhận định tình hình hiện tại của Spurs đang tốt hơn so với lúc “Người Đặc Biệt” ra đi.

Tuy nhiên, không nên bào chữa rằng thành tích của Mourinho sa sút không phanh là do ông phải dẫn dắt những CLB đang trong thời kỳ suy thoái, rằng ông thật đáng khen vì đã dũng cảm nhận lấy nhiệm vụ khôi phục những con tàu đắm dẫu cho kết cục vẫn là sự thất bại. Nhưng cũng không thể đổ vấy cho Mourinho rằng những “độc dược” mà ông để lại ở mỗi nơi mình từng làm việc đã có tác hại lâu dài, rằng ông là nguyên nhân của mọi vấn đề. Thay vào đó, không khó để nhận thấy rằng trong thập kỷ vừa qua, các đội bóng chỉ tìm đến Mourinho khi họ đang lâm vào thời kỳ suy thoái, với niềm mong ước rằng ông sẽ là một liều thần dược có thể giúp ngăn chặn sự sa sút: Suy cho cùng, đặt niềm hy vọng xoay chuyển tình hình vào một nhà cầm quân đầy sức hấp dẫn vẫn dễ dàng hơn nhiều so với thực hiện một cuộc cải cách bài bản, đúng đắn. 

Mourinho lẽ ra đã có thể chọn “thoái ẩn giang hồ”. Ông đã 60 tuổi, và chắc chắn chẳng cần phải lo toan chuyện kiếm tiền nữa. Nhưng bóng đá vẫn giữ chân được ông – dẫu cho giờ đây ông đã chẳng còn đứng trên đỉnh cao danh vọng như xưa. 

Chiến tích giành chức vô địch Champions League cùng Porto vào năm 2004 và Inter Milan vào năm 2010 của ông đã ngày càng đáng trân trọng hơn trong thời đại chứng kiến sự thống trị của các CLB giàu có này. Nhưng Mourinho không còn là một nhà tiên phong trong dòng chảy chiến thuật nữa và quyết định trở thành một kẻ “phản Barca” đồng nghĩa với việc ông đã đi vào con đường trở thành một nhà cầm quân cổ hủ, giống như một người thợ dệt Lancashire khăng khăng muốn tấm vải của mình được sản xuất bằng khung cửi thủ công thay vì máy kéo sợi. 

Mourinho tương tự như Neil Warnock, Steve Davis và John Major, một người đàn ông cũ kỹ với những nét đặc trưng tuy cực đáng ghét nhưng đồng thời cũng mang đến cảm giác đầy ấm áp và dễ chịu vì sự quen thuộc mà chúng mang đến, như thể một cây cầu hoài niệm kết nối với quá khứ dành cho những con người thích hoài cổ - những người chiếm phần lớn thế giới thể thao, chứ không chỉ bóng đá – một quá khứ tuy không hoàn hảo nhưng cũng rất đáng trân quý. 

Mourinho không thay đổi chút nào cả. Trong vài tuần qua, ông đã bị phạt vì xem thường trọng tài, chứng kiến một trợ lý của mình bị đuổi khỏi sân vì túm lấy một cầu thủ đối phương, và không ngần ngại công kích chủ tịch Daniel Levy của CLB cũ Tottenham. Nhưng đó cũng chính là những “màn trình diễn” mà mọi người muốn được thấy từ “Người Đặc Biệt”. 

Trong dòng chảy vạn biến của bóng đá hiện đại, Mourinho vẫn là Mourinho! 3
 

20 năm sau trận chung kết đầu tiên của Mourinho ở đấu trường châu Âu, khi Porto của ông đánh bại Celtic ở Seville với đủ mọi loại chiêu trò, từ câu giờ cho đến ăn vạ - một phong cách mà sau này sẽ được gọi là “chủ nghĩa Mourinho”, giờ đây ông đang đứng trước một trận chung kết cấp châu lục khác, lần này đối thủ là Sevilla và với tư cách HLV trưởng của Roma. Sân đấu lần này không phải là đỉnh cao của bóng đá châu Âu. Số tiền mà Roma chi ra trên thị trường chuyển nhượng hồi mùa hè năm ngoái chỉ vỏn vẹn 8,50 triệu Euro, tính cả mùa đông thì cũng chỉ là 9 triệu. Mourinho cũng chẳng còn là “kẻ thách thức thần thánh” nữa. Nhưng ông đã giúp Roma chinh phục kỳ Conference League đầu tiên vào mùa giải trước và vẫn khiến mọi người cực khó chịu. Rốt cuộc, Jose Mourinho vẫn là một lão già đầy bản lĩnh, nhưng đáng ghét, hoang tưởng, phản bóng đá như xưa, và điều đó thật tuyệt biết bao. 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow