Terry Venables: Nguồn cảm hứng Hà Lan, thay đổi bộ mặt Tam Sư và mùa hè vĩ đại 1996

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 04/12/2023 16:35(GMT+7)

Zalo

Vị HLV huyền thoại vừa qua đời ở tuổi 80 vào ngày 29/11 vừa qua, Terry Venables, có lẽ chính là nhà cầm quân người Anh được yêu mến nhất tại đất nước này trong những thập kỷ gần đây. Đó là một vị thế vô cùng ấn tượng, xét trên cái thực tế rằng trong những năm tháng dẫn dắt đội tuyển Anh, ông chỉ giúp họ giành được 2 chiến thắng thực thụ tại một giải đấu cấp cao: Trước Scotland và Hà Lan.

1284882
 

Có một sự trùng hợp rất thú vị, đó là sau khi được bổ nhiệm vào chiếc ghế nóng tại Tam Sư vào thời điểm gần 3 năm trước 2 trận thắng ở Euro 96 đó – và trước khi lễ bốc thăm cho giải đấu diễn ra – Venables đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm về 2 quốc gia này.

Vấn đề ban đầu mà Venables phải xử lý là, với tư cách đội chủ nhà của Euro 96 và không đủ điều kiện tham dự World Cup 1994, ĐTQG Anh đã không đá một trận đấu chính thức nào trong hơn 2 năm trước đó. Ông nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề này và muốn “thúc đẩy” thứ tinh thần chiến đấu đã luôn xuất hiện trong những cuộc đối đầu với Scotland, bởi vì tính chất kình địch cực kỳ nặng nề giữa Anh và Scotland hồi ấy luôn tạo ra những trận đấu đáng sợ và quyết liệt vượt xa suy nghĩ thông thường của mọi người về các trận giao hữu quốc tế.

Trong khi đó, Hà Lan là một nguồn cảm hứng to lớn đối với Venables. Thuở còn là một cầu thủ trẻ vào những năm 1950, ông đã thường xuyên hành quân đến Hà Lan để tham dự các trận đấu. Mặc dù các đội bóng của Venables thường chiếm ưu thế, nhưng tình yêu dành cho thứ bóng đá liều lĩnh, chủ động và đầy kỹ thuật của người Hà Lan đã nảy nở trong ông. Nó đã giúp ích rất nhiều cho nhà cầm quân người Anh khi ông dẫn dắt Barcelona – một đội bóng vẫn đang cực kỳ ám ảnh về Rinus Michels và Johan Cruyff – chinh phục La Liga vào năm 1985. Vào thời điểm Venables được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển Anh, đoàn quân Ajax do Louis Van Gaal dẫn dắt đang là đội bóng được ngưỡng mộ nhất châu Âu.

Terry Venables Nguồn cảm hứng Hà Lan, thay đổi bộ mặt Tam Sư và mùa hè vĩ đại 1996 1
 

“Kế hoạch Scotland” của Venables đã thất bại. Mặc dù Liên đoàn bóng đá Anh muốn sắp xếp các trận giao hữu giữa 2 ĐTQG này, nhưng đối thủ ở biên giới phía Bắc của họ đã từ chối. 

Còn “kế hoạch Hà Lan” thì thành công hơn. Venables  đã bay đến Italy để nói chuyện với đội trưởng đội tuyển Anh lúc bấy giờ là David Platt, trước khi gặp Tony Adams, người mà về sau ông sẽ chọn làm đội trưởng thay cho Platt. Venables đã hỏi cả hai liệu họ có tán đồng rằng Tam Sư nên trải qua một cuộc cách mạng về phong cách chơi bóng, bỏ lại phía sau thứ bóng đá cắm đầu chuyền dài nhạt nhẽo, đơn giản – và cũng chẳng đạt được thành công nào – của Graham Taylor. Cả hai đều nhất trí, và Venables đã tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình.

Từ đó, Venables đã vạch ra một chiến lược rất rõ ràng cho mặt trận tấn công – theo đúng nghĩa đen. Ông muốn tuyển Anh thi triển lối chơi kiểm soát bóng, pressing tầm cao và linh hoạt về mặt chiến thuật. Ông đã ngay lập tức loại bỏ tiền vệ Carlton Palmer và trung vệ Des Walker, những người không đủ trình độ kỹ thuật để chơi thứ bóng đá mà Venables mong muốn. Trong trận đấu đầu tiên trên cương vị HLV trưởng ĐTQG Anh, chiến thắng 1-0 trước Đan Mạch, ông đã cho 3 cầu thủ trẻ giàu kỹ thuật có màn ra mắt Tam Sư: Hậu vệ cánh trái Graeme Le Saux, cầu thủ chạy cánh Darren Anderton và, một cầu thủ vào sân thay người, số 10 Matt Le Tissier.

Đội tuyển Anh đã triển khai “trận pháp” 4-3-2-1 “Cây Thông”, một đội hình hiếm thấy – hoàn toàn trái ngược với hệ thống hình hộp mà Tam Sư sử dụng trước đó – và dần dần Venables sẽ hoàn toàn gắn bó với nó. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều hệ thống khác nhau mà họ đã sử dụng dưới thời Venables. Họ cũng có thể thi triển 3-5-2, 4-3-3, hoặc 4-4-2 với thiên hướng truyền thống, thường bao gồm 1 tiền đạo lùi sâu. Trong giai đoạn này, có lẽ Tam Sư chỉ đứng sau Hà Lan về sự linh hoạt. 

Terry Venables Nguồn cảm hứng Hà Lan, thay đổi bộ mặt Tam Sư và mùa hè vĩ đại 1996 2
 

Vào thời đại ấy, người ta quan niệm rằng những đội bóng hùng mạnh được xây dựng từ hàng thủ trở lên, nhưng Venables thì lại xây dựng đội bóng của ông từ… hàng công trở xuống. Trong chiến thắng 2-0 trước đội tuyển Mỹ vào tháng 9 năm 1994, Venables đã xếp Alan Shearer và  Teddy Sheringham thành một cặp tiền đạo. Phương án này đã hoạt động cực tốt, vậy nên ông quyết định đây sẽ là cặp tiền đạo số một của mình. Trong 2 năm tiếp theo, ông đã luôn đặt niềm tin vào 2 người họ bất cứ khi nào cả hai đều khỏe mạnh – bất chấp chuỗi 13 trận tịt ngòi của Shearer trong màu áo Tam Sư và sự hiện diện của những cầu thủ như Robbie Fowler, Andy Cole, Les Ferdinand và Ian Wright trong danh sách dự bị.

Venables cực kỳ xem trọng những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt. Ông cũng đã trao cơ hội ra mắt cho cầu thủ chạy cánh Steve McManaman, người có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, và Gareth Southgate, một hậu vệ thông minh, tinh tế hơn nhiều so với một số người tiền nhiệm của anh trong chiếc áo đấu đó. Gary Neville đã được triệu tập chỉ sau chưa đầy 20 lần ra sân ở Premier League và được sử dụng ở các vị trí trung vệ lệch phải, hậu vệ cánh phải và wing-back phải trong nhiều hệ thống.

Venables cũng nhìn lại những màn trình diễn tệ hại của đội tuyển Anh để rút ra các bài học. Họ đã bị Romania “out trình” trong trận hòa 1-1 khi hai đội đá giao hữu vào tháng 10 năm 1994, với một tuyến giữa chẳng thể làm tốt khâu chuyền chọc. Trong trận đấu đó, trung tuyến của Tam Sư bao gồm một Paul Ince với lối chơi theo hướng “công nhân” đá cặp với tiền vệ box-to-box Rob Lee, người sau đó đã được thay thế bằng Dennis Wise, một tiền vệ “công nhân” khác. Tuyến giữa này chẳng đủ tốt để chơi thứ bóng đá mà nhà cầm quân người Anh mong muốn. Sau đó Venables quyết định sẽ sử dụng cậu học trò cưng của mình thời còn dẫn dắt Tottenham là Paul Gascoigne đá cặp với một Jamie Redknapp khôn ngoan, tinh tế - tuy nhiên, các chấn thương của Redknapp sau đó đã khiến Venables phải triệu tập lại Ince, người có một mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với ông.

Terry Venables Nguồn cảm hứng Hà Lan, thay đổi bộ mặt Tam Sư và mùa hè vĩ đại 1996 3
 

Nhóm thành viên nòng cốt mà Tam Sư mang đến Euro 96 đã tạo nên cảm giác rất “đậm chất Venables”. Trong số những cầu thủ đá chính của họ tại giải đấu này, chỉ có Shearer, Platt và hậu vệ trái Stuart Pearce là từng góp mặt trong đội hình tuyển Anh tham dự Euro 92. Đó là một cuộc cách mạng thực thụ và với việc Le Saux, một wing-back trái đầy lý tưởng dành cho “kế hoạch Venables”, không thể ra sân vì chấn thương, nhà cầm quân người Anh đã thực hiện những sự điều chỉnh đầy táo bạo với đội hình 3-5-2 của mình, đó là để hai cầu thủ chạy cánh có lối chơi thiên về tấn công, Anderton và McManaman, đảm nhận 2 vị trí wing-back.

Không phải trận đấu nào tại Euro 96 tuyển Anh cũng chơi hay. Họ đã có một sự khởi đầu không tốt trước Thụy Sĩ, có lẽ là do bị ảnh hưởng bởi tâm lý lo lắng.

Nhưng sau đó, đoàn quân của Venables đã tạo nên hai trong số những màn trình diễn xuất sắc nhất lịch sử Tam Sư. 

Trong trận đấu vòng bảng thứ hai, Venables cuối cùng cũng được thỏa mãn ước muốn có một trận đấu với Scotland ở Wembley. Ông đã nhập cuộc với Southgate đá tiền vệ thay vì chơi ở hàng thủ, xếp Pearce, Adams và Neville thành một bộ ba trung vệ. Southgate có thể lui xuống hàng thủ khi cần thiết. Đây là một chi tiết chiến thuật mà Venables “mượn” từ bóng đá Hà Lan. 

Tuy nhiên, tuyển Anh đã không thực hiện đủ tốt khâu chuyền chọc, vậy nên sau giờ nghỉ giữa hai hiệp, Venables đã hi sinh Pearce, đưa Southgate vào một vai trò phòng ngự cố định, và tung Redknapp vào sân để chơi ở tuyến giữa. 

Nước cờ này của Venables đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Tuy không thể trụ đến hết hiệp hai do dính thêm một chấn thương nữa, nhưng trong khoảng thời gian hiện diện trên sân đấu, Redknapp đã tạo nên một sức ảnh hưởng tuyệt vời lên lối chơi của Tam Sư và giúp họ vươn lên dẫn trước.

Terry Venables Nguồn cảm hứng Hà Lan, thay đổi bộ mặt Tam Sư và mùa hè vĩ đại 1996 4
Terry Venables và Bryan Robson

Bàn mở tỷ số của tuyển Anh được tạo nên bởi một tình huống phối hợp trôi chảy khi Neville, một phần của bộ ba trung vệ, dâng cao chồng biên và tung ra một quả tạt dành cho Shearer đánh đầu đưa bóng vào lưới Scotland. Tiếp đó, sau khi David Seaman cản phá được quả penalty của tiền vệ Gary McAllister, Tam Sư tổ chức tấn công nhanh và Gascoigne đã ghi được một bàn thắng được ca ngợi là xuất sắc nhất lịch sử ĐTQG này, tâng bóng qua đầu Colin Hendry bằng chân trái, sau đó sút tung lưới đối thủ bằng chân phải. Đây chính là cách chơi mà Venables đã luôn khuyến khích Gascoigne thực hiện ở Tottenham: Không chỉ hỗ trợ các tiền đạo, mà còn trở thành mũi nhọn tấn công khi cần thiết. 

Sau chiến thắng trước Scotland, tuyển Anh chỉ cần kiếm được 1 điểm trước Hà Lan là sẽ có được tấm vé đi tiếp, và hầu hết mọi người đều muốn Venables thi triển một lối chơi thận trọng. 

Nhưng đây chính là cơ hội để ông làm điều mà mình đã luôn mong muốn: Huấn luyện một đội bóng theo phong cách Hà Lan và giành chiến thắng trước chính đội tuyển Hà Lan. Vì vậy, Venables đã triển khai một hệ thống thiên cực nặng về tấn công. Dự đoán tuyển Hà Lan sẽ đinh ninh rằng bộ ba trung vệ của họ sẽ được thoải mái trước cặp trung phong của Tam Sư, Venables đã kéo McManaman lên hàng công để tạo thành một bộ ba tiền đạo cùng với Shearer và Sheringham, cầu thủ mà về cơ bản sẽ chơi lùi sâu hơn thông thường để dụ Michael Reiziger bỏ vị trí. Anderton được đưa vào trung tuyến để sát cánh với Ince và Gascoigne. Bộ ba trung vệ của Hà Lan đã tỏ ra rất chật vật trước hệ thống này của Tam Sư trong hiệp 1 và sau khi Gus Hiddink quyết định chuyển sang sử dụng đội hình 4 hậu vệ trong hiệp 2, điều này đã khiến trung tuyến của họ hoàn toàn lép vế trước tuyển Anh và sự áp đảo của đội chủ nhà đã càng lúc càng tăng.

Những bàn thắng được ghi cũng rất xuất sắc. 

Bàn đầu tiên là một quả penalty do Shearer thực hiện, và tuyển Anh đã kiếm được nó sau một pha xâm nhập vòng cấm của Ince, tiền vệ đá thấp nhất đội. Giống như quả tạt của Neville trước Scotland, nó cho thấy các cầu thủ phòng ngự của Tam Sư đã được trao quyền tự do thực hiện các tình huống tham gia tấn công đầy táo bạo. “Những pha di chuyển không bóng chính là một khía cạnh mà các cầu thủ của chúng tôi rất chú trọng rèn dũa,” Venables chia sẻ sau trận đấu. 

Bàn thứ hai đến từ một quả phạt góc - người dứt điểm là Sheringham – sau một pha tấn công thần tốc của Anderton và McManaman.

Bàn thứ ba được tạo nên từ một tình huống phối hợp đẹp như tranh vẽ, bắt đầu khi Adams dâng lên trung tuyến để đoạt bóng rồi chuyền nó cho Gascoigne đột phá ở bên trái sân đấu. Anh đập nhả với McManaman, xâm nhập vòng cấm và sau đó, khi Gascoigne và Sheringham đã kéo hàng thủ Hà Lan dồn sang hết một bên, Shearer nhận bóng trong một khoảng trống mênh mông và dễ dàng đưa nó vào lưới.

Bàn thứ tư là một pha đá bồi từ Sheringham sau khi cú dứt điểm của Anderton bị thủ môn Edwin van der Sar cản phá. Còn Hà Lan thì ghi được 1 bàn danh dự giúp họ đi tiếp và khiến Scotland bị loại, hoàn tất một ngày tuyệt vời đối với người Anh. 

Nhưng cuối cùng Tam Sư đã không thể tạo ra một câu chuyện mỹ mãn cho kỳ Euro diễn ra ngay trên sân nhà này. Ở vòng tứ kết, họ đã may mắn vượt qua Tây Ban Nha sau loạt sút luân lưu, đối thủ của họ đã có một bàn thắng hoàn hảo nhưng không được công nhận vì lỗi việt vị. Tại vòng bán kết, họ đã thất thủ trước đội tuyển Đức trong loạt “đấu súng” may rủi, sau khi Venables quyết định không thực hiện bất kỳ lượt thay người nào trong suốt 120 phút thi đấu.

Terry Venables Nguồn cảm hứng Hà Lan, thay đổi bộ mặt Tam Sư và mùa hè vĩ đại 1996 5
Southgate và Venables

Tuy nhiên, Euro 96 đã không được kể lại như một thất bại đáng xấu hổ và đáng quên, mà thay vào đó là sự tiếc nuối vì Tam Sư đã tiến rất gần đến vinh quang. Thứ đáng nhớ không chỉ là việc đoàn quân của Venables đã tiến xa ở giải đấu này, mà còn nằm ở việc họ đã làm được điều đó với một lối đá cởi mở, cuốn hút và một dàn cầu thủ mới mẻ. 

Chỉ 2 năm sau thất bại trong chiến dịch tranh vé dự World Cup 1994 và chưa đầy một thập kỷ kể từ khi các đội bóng Anh bị cấm tham dự các giải đấu cấp châu lục, Xứ Sở Sương Mù đã đột nhiên trở thành tâm điểm của bóng đá châu Âu. Chủ đề “Football’s Coming Home” không chỉ là nói về số phận của chiếc cúp vô địch, mà còn mang mục đích nhấn mạnh tư cách đội chủ nhà của người Anh. Tại một giải đấu mà xét tổng thể thì chẳng có nhiều sự phấn khích – số pha làm bàn trung bình mỗi trận chỉ là 2,06 – tuyển Anh thực sự đã mang đến rất nhiều niềm vui.

Khi hồi tưởng lại thất bại của ĐTQG Hà Lan trong trận chung kết World Cup năm 1974, Johan Cruyff đã nói rằng: “Suy cho cùng, có lẽ chúng tôi mới là những nhà vô địch thực sự. Tôi nghĩ chúng tôi chính là đội bóng được thế giới nhớ đến nhiều nhất.”

Tuy đội tuyển Anh vẫn chưa đạt được đến cái tầm đó, nhưng bởi vì phong cách bóng đá Hà Lan là một nguồn cảm hứng to lớn đối với Venables và xét đến việc dấu ấn lớn nhất của họ chính là trận đại thắng 4-1 trước chính đội tuyển Hà Lan, đây là một điểm tham chiếu rất thích hợp dành cho những gì mà Tam Sư đã làm được ở Euro 96.

Theo Michael Cox, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow