Silvio Berlusconi: Chủ tịch vĩ đại thay đổi vận mệnh AC Milan

Tác giả CG - Thứ Ba 13/06/2023 19:52(GMT+7)

Zalo

Trong suốt hơn 30 năm nắm quyền điều hành AC Milan, Silvio Berlusconi đã kéo đội bóng từ bờ vực phá sản bước lên đỉnh vinh quang của thế giới và trở thành hình mẫu cho nhiều CLB noi theo.

349435984_806527494053082_5276172766626808034_n
 

Silvio Berlusconi là một trong những nhân vật gây tranh cãi bậc nhất nền chính trị Italy. Ông là người có quãng thời gian nắm giữ cương vị Thủ tướng Italy lâu nhất kể từ Thế chiến thứ hai với 3 nhiệm kỳ. Trong sự nghiệp chính trị, ông vướng phải không ít bê bối, thậm chí từng bị kết án tù vào năm 2013. Ngoài ra, những bữa tiệc thác loạn “Bunga bunga” đã trở thành thương hiệu của Berlusconi.

Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chỉ nhắc đến một Silvio Berlusconi trên khía cạnh bóng đá, một người đàn ông đã thay đổi vận mệnh của AC Milan và đưa CLB này trở lại vị thế hùng mạnh, thậm chí biến họ thành một siêu cường trên bản đồ bóng đá thế giới.

Năm 1979, AC Milan đoạt Scudetto thứ 10 và chính thức có 1 ngôi sao trên ngực áo. Nhưng mọi thứ sau đó nhanh chóng trở nên tệ hại. Năm 1980, lần đầu tiên trong lịch sử Rossoneri bị giáng xuống Serie B sau khi vướng phải bê bối dàn xếp tỷ số Totonero. Dù trở lại Serie A ngay trong mùa giải 1980/1981 thì chỉ 1 năm sau, họ một lần nữa bị xuống hạng vì những màn trình diễn kém chất lượng.

Silvio Berlusconi Chủ tịch vĩ đại thay đổi vận mệnh AC Milan 1
 

Năm 1983, AC Milan đoạt chức vô địch Serie B lần thứ 2 trong 3 năm để quay lại Serie A, song họ lúc này giống một cơ thể ốm yếu. Trong vòng 3 năm từ 1983 đến 1986, các khoản nợ của Mian tăng gấp 3 lần. Không đủ năng lực tài chính, tháng 12/1985, Chủ tịch Giuseppe Farina tuyên bố rao bán AC Milan khi CLB đang đứng trước bờ vực phá sản. Trong bối cảnh đó, Silvio Berlusconi xuất hiện. 

Sinh ra tại Milan, Berlusconi dành những năm tháng tuổi trẻ trong thập niên 60 với vai trò một ca sĩ phòng trà. Sau đó, nghe theo tiếng gọi của gia đình, ông bắt đầu tìm cách lập nghiệp trong ngành địa ốc. Công việc làm ăn thuận lợi, Berlusconi thực hiện một bước đi mới khi bước chân vào ngành truyền thông. Đến năm 1984, Silvio Berlusconi đã nắm trong tay 3 kênh truyền hình quốc gia và nhà xuất bản lớn nhất Italy mang tên Mondadori.

Silvio Berlusconi Chủ tịch vĩ đại thay đổi vận mệnh AC Milan 2
Berlusconi thời còn làm ca sĩ phòng trà

Trong cuốn sách “Berlusconi: TV-kongen der ville frelse Italien” (Tạm dịch: “Berlusconi: Ông vua truyền hình muốn giải cứu đất nước Italy”), tác giả Martin Burcharth cho rằng một trong những động lực chính của Berlusconi suốt giai đoạn này là vượt qua Gianni Agnelli - “ông trùm” của đế chế ô tô Fiat, nơi nắm giữ lượng không nhỏ GDP của đất nước hình chiếc ủng và có tầm ảnh hưởng to lớn đến cả nền chính trị của quốc gia này. 

Nếu Gianni Agnelli được sinh ra trong gia tộc Agnelli giàu có và là một nhà tư sản “từ trong trứng nước” thì Berlusconi lại xuất thân từ một gia đình trung lưu. Nếu Gianni Agnelli đại diện cho hình ảnh một doanh nhân lịch thiệp với vẻ ngoài đạo mạo, đậm nét quý tộc thì Silvio Berlusconi mang đến tinh thần sôi nổi của một doanh nhân đậm chất dân túy. Cả hai phần nào đó mang những nét trái ngược nhau.

Vì vậy, trong khi gia tộc Agnelli của “L'Avvocato” (Luật sư - biệt danh của Gianni Agnelli) sở hữu Juventus thì Berlusconi cũng cần một đội bóng nào đó làm bàn đạp. Và một AC Milan trong cơn khốn khó được lựa chọn để Berlusconi xây dựng đế chế thể thao của mình. 40 triệu lire được đặt lên bàn đàm phán và biến người đàn ông sinh năm 1936 trở thành ông chủ kiêm Chủ tịch của AC Milan.

Ngày ra mắt, từ trên dàn trực thăng Agusta 109 của mình, Silvio Berlusconi bước xuống cùng ban lãnh đạo, ban huấn luyện CLB và đội trưởng Franco Baresi trong sự ngưỡng vọng của khoảng 10.000 người hâm mộ AC Milan và giai điệu nhạc khúc “Ride of the Valkyries” của Richard Wagner. Đó là màn ra mắt không thể hoành tráng hơn của một vị tỷ phú với một đội bóng thời điểm đó.

Trong cuộc đời đầy sức hút với những mảng trắng, đen và xám của mình, Silvio Berlusconi thường được nhớ tới vì bóng đá, chính trị và những người phụ nữ. Ông từng nói: “Milan ư? Đó là câu chuyện của trái tim. Đội bóng này rất đắt giá, nhưng rõ ràng người phụ nữ đẹp nhất luôn có giá rất cao”. Quả thực, nếu AC Milan là một cô gái, Berlusconi đã biến cô gái ấy thành một hoa hậu đẹp và sang trọng bậc nhất thế giới.

Silvio Berlusconi Chủ tịch vĩ đại thay đổi vận mệnh AC Milan 3
 

Mùa giải trọn vẹn đầu tiên trong kỷ nguyên của Berlusconi, AC Milan chỉ xếp thứ 5. Tại đấu trường Coppa Italia, họ dừng bước ở vòng 16 đội trước Parma do Arrigo Sacchi dẫn dắt. Kết thúc mùa bóng, chính Sacchi được mời về làm HLV trưởng và một cuộc cách mạng bắt đầu diễn ra. Mùa giải 1987/1988, Ruud Gullit, Marco van Basten và Carlo Ancelotti xuất hiện, Milan giành Scudetto thứ 11 sau 9 năm lận đận. Sau đó, Frank Rijkaard gia nhập để bổ sung thêm chất lượng đội hình. Với những cầu thủ “cây nhà lá vườn” như Baresi, Paolo Maldini, Alessandro Costacurta, Mauro Tassotti, Demetrio Albertini…; những cầu thủ Italy tài năng được đem về như Ancelotti, Roberto Donadoni cùng bộ ba người Hà Lan, AC Milan đã thực sự trở thành thế lực mạnh mẽ và đáng gờm bậc nhất, đặc biệt khi họ thi triển một lối chơi tấn công khác hẳn căn tính phòng ngự vốn là thương hiệu ở thời điểm ấy của bóng đá Italy.

Trận chung kết C1 năm 1989, Rossoneri đè bẹp Steaua Bucuresti với tỷ số 4-0. Trong 5 năm từ 1992 đến 1996, AC Milan đoạt Scudetto 4 lần, trong đó có mùa giải 1991/92 bất bại dưới sự dẫn dắt của Fabio Capello. Năm 1994, Rossoneri đánh bại Barcelona với đội hình “Dream Team” hùng mạnh với tỷ số 4-0 để lên ngôi ở Champions League. Tổng cộng, trong kỷ nguyên của Silvio Berlusconi, AC Milan đoạt 8 Scudetto, 5 cúp C1/Champions League, 1 Coppa Italia, 6 Siêu cúp Italy, 5 siêu cúp châu Âu, 2 Intercontinental Cup và 1 FIFA Club World Cup.

“Chúng tôi hy vọng sẽ tập hợp được một đội bóng có khả năng mang đến những màn trình diễn mãn nhãn vì chúng tôi có trách nhiệm nhất định với người hâm mộ và phần còn lại của thế giới, nơi chúng tôi là điều nổi tiếng nhất ở Italy sau mafia và pizza”, Berlusconi tự hào chia sẻ vào năm 1995.

Nhưng khối di sản của Berlusconi ở Milan không chỉ được đo đếm bằng những danh hiệu mà là một thứ tinh thần hứng khởi cùng những tiêu chuẩn mới. Nhà văn John Foot, tác giả cuốn sách “Calcio: A History of Italian Football”, cho biết đầu những năm 90, AC Milan thường bán được 70.000 vé mùa giải. 

Trong khi đó, năm 2002, trung tâm y tế Milan Lan được thành lập, góp phần giúp những ngôi sao của Rossoneri kéo dài sự nghiệp và nơi đây trở thành hình mẫu của y học thể thao cho các CLB khác. Và với đế chế truyền thông mà Berlusconi nắm trong tay, những cầu thủ xuất chúng của AC Milan trở thành những ngôi sao thực thụ trước công chúng. Ở thời cực thịnh của bóng đá Italy, Silvio Berlusconi nắm vai trò chủ chốt để tạo nên bộ mặt nền túc cầu của đất nước này.

Silvio Berlusconi Chủ tịch vĩ đại thay đổi vận mệnh AC Milan 4
 

Tất nhiên, với tham vọng to lớn của mình, Berlusconi không chỉ muốn dừng chân trong bóng đá. John Foot viết trong cuốn “Calcio: A History of Italian Football”: “Ở một đất nước mà tờ báo bán chạy nhất hoàn toàn dành cho thể thao mà chủ yếu trong đó là về bóng đá, cũng là nơi mà những quyết định của trọng tài sẽ được thảo luận trong suốt nhiều năm và thường dẫn đến những cuộc tranh luận ở nghị trường, việc nắm 1 trong 3 đội bóng hàng đầu ở giải đấu giàu có nhất thế giới và gắn liền danh tính chủ tịch với những vinh quang của CLB là thứ đóng vai trò then chốt giúp quyền lực chính trị của Berlusconi tăng cao ở đất nước lẫn địa phương”.

Nhưng rõ ràng Silvio Berlusconi đã thực sự chăm chút và đầu tư cho Milan để biến CLB này thành một siêu cường thay vì chỉ coi nơi đây như một bàn đạp chính trị cho mình. Và dù mục đích cuối cùng của ông là gì, vì niềm vui bóng đá thuần túy hay để vươn lên đỉnh cao quyền lực, AC Milan dưới thời Berlusconi đã từng rất đẹp và đáng nhớ.

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow