1. Gunter Jacob, người khi đó là Giám đốc kỹ thuật của Genk, tới Serbia với ý định chiêu mộ một thành viên của gia đình nhà Milinković-Savić. Thế nhưng, ông lại ra về với cái gật đầu của một thành viên khác.
|
Sergej Milinković-Savić và hành trình tới World Cup |
Đó là thời điểm tháng 5 năm 2014, Jacob ở Belgrade với nhiệm vụ đi trinh sát cho câu lạc bộ Genk của Bỉ. Ông tỏ ra khá ấn tượng với thủ thành 17 tuổi cao to có tên Vanja Milinković-Savić của Vojvodina.
Vojvodina đối đầu với Jagodina trong trận chung kết cúp quốc gia Serbia ở sân Partizan của Belgrade. Vanja không góp mặt nhưng Jacob vẫn quyết định đến xem trận đấu. Và ngay lập tức, ông đã bị người anh trai Sergej của Vanja đánh gục.
“Tôi đã theo dõi trận đấu và sau 20 phút, tôi gọi điện cho Tổng giám đốc [Dirk Degraen] và nói: ‘Nghe này, tôi biết mình có mặt ở đây vì một chàng trai có tên Milinković-Savić’,” Jacob chia sẻ với Bleacher Report. “Tôi thực sự rất muốn có cậu ấy, nhưng không phải là thủ môn mà là người khác.”
“Cậu ấy di chuyển trên sân rất thông minh. Vài người sẽ đẩy cao tốc độ trận đấu bằng cách chạy thật nhanh, nhưng cách của cậu ấy là chơi bóng một chạm. Các tuyển trạch viên khác bảo tôi là ‘Cậu ta trông thật chậm chạp và vụng về.’. Nhưng tôi thì thích cậu ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên.”
|
Sergej milinkovic |
Vojvodina giành chiến thắng 2-0 để vô địch cúp quốc gia Serbia lần đầu tiên trong lịch sử, một cách hoàn hảo để đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập câu lạc bộ. Khi buổi lễ ăn mừng bắt đầu, Jacob gặp thẳng mẹ của Milinković-Savić. Bà sắp xếp một buổi gặp lại giám đốc kỹ thuật của Genk ở một nhà hàng vào hôm sau cùng với cả hai con và người đại diện của họ, cựu tiền đạo Serbia Mateja Kežman.
Lúc đó, Sergej 19 tuổi và có 13 lần ra sân tại giải vô địch quốc gia trong mùa giải đầu tiên với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp. Jacob nói rằng tiền vệ này đã “rất ngạc nhiên” khi biết Genk quan tâm tới anh hơn là em trai mình, người sẽ gia nhập Manchester United không lâu sau. Nhưng sau khi họ nói chuyện trong nhà hàng, anh đã tỏ ra khá thích thú và đồng ý chuyển tới Bỉ thi đấu. “Tôi nghĩ thương vụ được hoàn thành trong 1 tuần,” Jacob nói.
2 tháng sau khi Milinković-Savić gia nhập Genk, câu lạc bộ có sự thay đổi về huấn luyện viên. Emilio Ferrera là người ra đi, thay thế cho nhà cầm quân người Bỉ là huấn luyện viên Alex McLeish.
Mới đầu McLeish không mấy ấn tượng với cậu học trò của mình. Đến tháng 10, Milinković-Savić mới dần được trọng dụng và thi đấu thường xuyên.
|
Matic và Milinkovic-Savic |
“Tôi đã trao đổi khá nhiều về Sergej vì lúc đầu huấn luyện viên McLeish không thực sự tin tưởng cậu ấy,” Jacob nhớ lại. “Trước đó tôi bảo với Sergej rằng cậu ấy sẽ là trung tâm của đội bóng nên khi đến Bỉ và rồi điều đó không phải, cậu ấy có một chút thất vọng.
“Tôi nói chuyện với cậu ấy rất nhiều vào thời điểm đó và trấn an rằng ‘Thời của cậu sẽ tới. Cứ tiếp tục cố gắng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.’ Đến một ngày, Alex nói ‘Tôi sẽ cho cậu ta một trận đấu và chúng ta sẽ xem cậu ta mang tới điều gì.’ Cậu ấy được ra sân và trở thành một phần quan trọng kể từ đó.”
Milinković-Savić thi đấu 24 trận tại giải vô địch quốc gia cho Genk trong mùa 2014/2015 và ghi được 5 bàn. Kết thúc mùa giải, anh được lựa chọn tới New Zealand tham dự FIFA U20 World Cup. Đó là một giải đấu thành công với Milinković-Savić khi đội tuyển U20 Serbia đã lên ngôi vô địch còn anh cũng được vinh danh là cầu thủ xuất sắc thứ ba của giải.
Mùa hè 2015, tiền vệ người Serbia gia nhập Lazio. 3 năm sau, Milinković-Savić cùng đội tuyển Serbia tham dự World Cup ở Nga và được rất nhiều ông lớn săn đón, thậm chí có đội bóng được cho sẵn sàng chi ra 90 triệu bảng để có được sự phục vụ của anh.
|
Sergej Milinkovic-Savic |
2. Sergej Milinković-Savić cao 1m92 và Vanja, người hiện đang khoác áo Torino, cao 2m02. Cái gen của gia đình giúp cả hai anh em có một chiều cao lý tưởng.
Cha của họ, ông Nikola, cao 1m92, từng thi đấu bóng đá chuyên nghiệp ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Áo. Còn mẹ, bà Milana, là vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp. Cả hai anh em Sergej và Vanja được sinh ra ở Tây Ban Nha khi cha họ chơi bóng ở đây.
Milan Kosanović là người biết rõ về hai anh em ấy khi làm huấn luyện viên đội trẻ Vojvodina cũng như đội tuyển Serbia.
Huấn luyện viên Kosanović bắt đầu huấn luyện Sergej từ tháng 7 năm 2012 sau khi ông trở thành người dẫn dắt U19 Vojvodina. Khi đó, nhà cầm quân Serbia cho rằng dù tài năng của tiền vệ sinh năm 1995 đã được thể hiện tuy nhiên sự tiến bộ của anh vẫn bị cản trở bởi quá trình lớn lên về mặt thể chất vẫn chưa kết thúc.
“Thời điểm đó, cơ thể cậu ấy vẫn đang phát triển nên những pha di chuyển vẫn khá chậm,” ông Kosanović chia sẻ với Bleacher Report. “So với những cầu thủ khác, cậu ấy có kỹ thuật tốt hơn và sáng tạo hơn trong những quyết định cuối cùng. Điểm yếu duy nhất trong lối chơi là cậu ấy chậm chạp và không thích chạy.”
|
Milinkovic-Savic |
Kosanović từng phát hiện ra việc Milinković-Savić chẳng thèm đếm xỉa đến tập luyện khi anh sử dụng mánh để không phải chạy bộ cùng đội U17 Vojvodina.
“Các cầu thủ phải chạy đủ 8 vòng,” Kosanović cho biết. “Sau vòng thứ ba, cậu ấy trốn sau 1 cái cây và chờ các đồng đội chạy thêm vài vòng nữa. Tôi đã nhìn thấy, nhưng mặc dù tôi là huấn luyện viên đội lớn hơn thì cậu ấy cũng chẳng sợ hãi hay lo lắng. Cậu ấy đợi đồng đội và sau đó hòa vào vòng chạy cuối.”
Tình yêu bóng đá của Milinković-Savić thì chẳng cần phải nghi ngờ - trong khi đá cho đội trẻ Vojvodina, anh đã từng tham gia các giải futsal dưới một cái tên giả. Và khi cơ thể ngừng phát triển ở tuổi 18, những phẩm chất đặc biệt về thể hình bắt đầu được lộ rõ.
“Năm 2013, cậu ấy thực hiện một vài bài kiểm tra về nhận thức không gian ở Viện Thể thao và Y học thể thao,” huấn luyện viên Kosanović nhớ lại. “Những kết quả có được từ cậu ấy là tốt nhất trong tất cả các vận động viên chơi môn thể thao liên quan đến trái bóng. Cậu ấy có thể nhìn thấy mọi thứ trước người khác nửa giây, điều này các bạn có thể nhận ra khi thấy cậu ấy thi đấu trên sân. Từ thời điểm đó tôi biết những điều tốt đẹp sẽ đến với sự nghiệp của chàng trai này.”
Kosanović là trợ lý của huấn luyện Veljko Paunović ở đội tuyển Serbia tại giải U19 châu Âu năm 2013 và FIFA U20 World Cup 2 năm sau đó. Serbia vô địch cả hai giải đấu này. Milinković-Savić ra sân 4/5 trận tại U19 châu Âu và trở thành ngôi sao của Serbia tại giải U20 World Cup năm 2015.
“Sau buổi tập đầu tiên của cậu ấy [với đội U18 Serbia], Sergej nói với tôi rằng cậu ấy là một nhạc trưởng và có thể đá mọi trận đấu,” Kosanović chia sẻ. “Cậu ấy là một nhà vô địch từ khi sinh ra nhưng cũng là người biết giữ đôi chân trên mặt đất.”
|
Milinkovic-Savic và tương lai ở Lazio |
3. Cao lớn và mạnh mẽ, Milinković-Savić dường như sở hữu sự nhạy cảm bẩm sinh về hình học bóng đá. Cơ thể to lớn dễ khiến người đối diện hay người xem có cảm giác anh là một cầu thủ vụng về nhưng kỳ thực đó là bậc thầy về khống chế bóng bổng và thường khiến đối thủ khó chịu với những cú huých tay và ngoặt bóng khéo léo.
Mặc dù những so sánh luôn là khập khiễng nhưng việc Milinković-Savić được đặt lên bàn cân cạnh Paul Pogba cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên không phải ai cũng ngay lập tức bị thu hút trong lần đầu tiên nhìn thấy tiền vệ người Serbia.
“Tôi xem cậu ấy lần đầu tiên ở vòng loại một giải trẻ châu Âu, và thực sự là một thảm họa,” nhà báo người Serbia Vladimir Novak nhớ lại. “Có thể cậu ấy có một chút sợ hãi hoặc lo lắng, nhưng tôi đã nghĩ ‘Cậu ta đã làm cái gì để có tên trong đội hình xuất phát thế nhỉ?’ Cậu ấy trông cao lêu nghêu và thật vụng về, có lẽ là cầu thủ tệ nhất trên sân.”
Khi Novak theo dõi Milinković-Savić ở giải U19 châu Âu năm 2013, ấn tượng của ông đã tích cực hơn một chút. Trong trận ra quân của Serbia trước Thổ Nhĩ Kỳ, tiền vệ sinh năm 1995 đã suýt ghi bàn với một cú sút xa từ vạch giữa sân.
|
Sergej Milinković-Savić và hành trình tới World Cup |
Con đường lên đội tuyển lớn của Milinković-Savić đã không còn xa xôi nữa. Tháng 10 năm 2015, anh đã có lần đầu tiên được gọi lên đội tuyển quốc gia khi đó được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Radovan Ćurčić. Tuy nhiên sau khi huấn luyện viên Ćurčić ra đi, Milinković-Savić đã không nhận được sự tin tưởng của nhà cầm quân kế nhiệm tại đội tuyển là ông Slavoljub Muslin, người được lựa chọn vào tháng 5 năm 2016.
Muslin đã triệu tập Milinković-Savić cho một vài trận giao hữu trước Cyprus, Israel và Nga đầu năm 2016. Chiến lược gia này được cho là đã yêu cầu cậu học trò thi đấu bên cạnh Nemanja Matić với vai trò tiền vệ phòng ngự trong sơ đồ 3-4-3 và cầu thủ của Lazio đã đáp trả lại ông thầy bằng cách nói muốn đá ở một vị trí thiên về tấn công hơn. Muslin loại anh khỏi đội tuyển và không bao giờ gọi anh trở lại trong suốt quãng thời gian dẫn dắt Serbia nữa.
Huấn luyện viên Muslin sau đó đã giúp đội tuyển Serbia có một chiến dịch vòng loại FIFA World Cup thành công khi đội bóng vùng Balkan đứng đầu bảng trước những đối thủ như Cộng hòa Ireland và Xứ Wales. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Milinković-Savić đã gây nên sự bất bình với liên đoàn bóng đá nước này.
Tháng 10 năm 2017, tức 3 tuần sau khi Serbia chính thức giành vé tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, huấn luyện viên Muslin bị sa thải và Mladen Krstajić lên thay. Milinković-Savić được gọi trở lại tuyển và có tên trong danh sách tới nước Nga. Dù anh đã thi đấu ấn tượng trong chiến thắng 1-0 của Serbia trước Costa Rica, tuy nhiên với thành tích ghi 12 bàn cho Lazio ở Serie A mùa giải vừa qua, Sergej Milinković-Savić biết điều đó là chưa đủ và sự kỳ vọng đặt lên vai mình lớn như thế nào.
“Cậu ấy mang áp lực rất lớn vì biết huấn luyện viên Muslin đã bị sa thải vì mình,” Novak nói. “Giờ đây cậu ấy đã có mặt ở đội tuyển, trong đội hình xuất phát. Và đã đến lúc cậu ấy phải chứng tỏ khả năng của mình.”
Lược dịch từ bài viết “Sergej Milinkovic-Savic: The Making of Serbia's World Cup Poster Boy” của tác giả Tom Williams trên Bleacher Report.
CG (TTVN)