Samuel Eto'o: Cuộc đời du mục và những sân khấu đỉnh cao

Tác giả Ole - Chủ Nhật 04/09/2022 13:44(GMT+7)

Zalo

Tiền đạo người Cameroon được xem là một trong những biểu tượng vĩ đại nhất của bóng đá lục địa đen, thậm chí còn như một tấm bùa hộ mệnh dẫn dắt ĐTQG của mình tìm đến thành công suốt gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, cũng không nhiều người để ý rằng Samuel Eto’o từng phải trải qua những tháng ngày vô cùng nhọc nhằn khi mới bắt đầu sự nghiệp.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

Samuel Etoo Cuộc đời du mục và những sân khấu đỉnh cao 1
 

Cũng giống như nhiều mảnh đời cầu thủ xuất thân từ châu Phi, cậu bé Eto’o trưởng thành nhờ nghị lực phi thường và tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ. Năm 1997, cơ hội đầu tiên trong đời đã xuất hiện khi Eto’o bất ngờ nhận được một bản hợp đồng từ Real Madrid và ngay lập tức được đưa vào đội B của lò Castilla. Tuy nhiên, sân Bernabeu đã không bao giờ có cơ hội được chứng kiến chàng trai người Cameroon trở thành một tiền đạo xuất chúng bởi trong suốt 4 năm chơi bóng tại Madrid, Eto’o chỉ được ra sân vỏn vẹn 3 lần trước khi chuyển sang đầu quân cho Mallorca với mức giá 4,4 triệu bảng, kỷ lục của CLB xứ đảo vào thời điểm bấy giờ. 

Mặc dù vậy, khoảng thời gian thi đấu tại vùng Balearics đã chứng kiến một Eto’o bứt phá ngoạn mục với 70 bàn thắng sau 165 lần ra sân đồng thời giúp đội bóng này giành được danh hiệu Copa del Rey, trước khi gia nhập Barca bằng thương vụ trị giá 24 triệu euro. “Tôi đã vươn tới đẳng cấp cao nhất của bản thân tại Mallorca. Chúng tôi chỉ là một tập thể bình thường nhưng sẵn sàng đối đầu với các ngôi sao xuất chúng nhất thế giới của Real Madrid hay Barcelona. Đội bóng luôn chiến đấu hết mình và tôi cảm thấy thực sự tự hào về CLB”, Eto’o nhớ lại.      

Sự xuất hiện của một siêu sao hàng đầu tại sân Nou Camp chính là hệ quả tất yếu và Samuel Eto’o tiếp tục chinh phục thêm ba chức vô địch La Liga, một Cúp Nhà vua cùng hai danh hiệu Champions League vào các năm 2006 và 2009. Điều đáng nói là ở cả hai trận chung kết, Eto’o đều ghi bàn. Thậm chí, trong trận thắng trước Arsenal vào năm 2006, chân sút người Cameroon còn nhận được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu sau màn trình diễn khiến hàng phòng ngự đối phương gần như… ngộp thở.

Mặc dù vậy, những danh hiệu đỉnh cao không thể che mờ đi mối mâu thuẫn giữa Eto’o và CLB. Ngay từ thời Frank Rijkaard, cựu tiền đạo Mallorca đã đôi ba lần bày tỏ thái độ không muốn ra sân thi đấu khi vừa trở lại sau chấn thương, bên cạnh những lần phải hứng chịu nạn phân biệt chủng tộc tại Zaragoza mà không hề nhận được sự bênh vực từ phía đội bóng. Cuối cùng, Eto’o được chuyển nhượng cho Inter Milan như một phần trong bản hợp đồng đưa Zlatan Ibrahimovic đến với Barca. Để rồi, ngay trong mùa giải đầu tiên khoác áo Nerazzurri (2009/2010), chân sút người Cameroon đã giúp đội bóng của HLV Jose Mourinho đoạt cú ăn ba lịch sử (Scudetto, Coppa Italia, Champions League). Và tất nhiên, anh cũng chính là cầu thủ duy nhất từng giành được hai cú ăn ba liên tiếp, cùng với hai đội bóng tại hai giải đấu khác nhau, một thành tích thực sự… vô tiền khoáng hậu.

Samuel Etoo Cuộc đời du mục và những sân khấu đỉnh cao 2
 

Những vấn đề phân biệt chủng tộc tiếp tục khiến Eto’o không còn mặn mà với bóng đá Calcio. Trong một chuyến làm khách tới thành phố biển đảo Cagliari, trọng tài thậm chí đã phải cho tạm dừng trận đấu trước khi Eto’o đồng ý trở lại sân cỏ và ghi bàn quyết định giúp Inter giành chiến thắng chung cuộc 1-0. Khoảng thời gian sau này, cuộc sống của một “siêu sao du mục” lần lượt đưa Eto’o tìm đến Anzhi Makhachkala, nơi anh trở thành cầu thủ có thu nhập cao nhất trong thế giới bóng đá, những trải nghiệm thú vị tại xứ sở sương mù trong màu áo Chelsea và Everton, những cuộc phiêu lưu tới vùng Tiểu Á ở Thổ Nhĩ Kỳ (Antalyaspor và Konyaspor) hay khu vực Trung Đông (Qatar SC)…  

Ở một khía cạnh khác, việc chưa bao giờ thi đấu ở giải quốc nội quê hương dường như cũng trở thành nguồn động lực quan trọng thúc đẩy Eto’o nỗ lực hết mình trong màu áo ĐQTG Cameroon. Năm 2000, anh dẫn dắt “những chú sư tử” giành Cúp vàng Olympic tại Sydney và sau đó là cuộc chinh phục danh hiệu vô địch châu Phi. Cũng trong năm đó, Eto’o được vinh danh trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi, khi mới chỉ 19 tuổi. 

Chỉ hai năm sau, ĐT Cameroon của Eto’o tiếp tục bảo vệ thành công ngai vàng lục địa đen trong khi Eto’o bước vào đỉnh cao sự nghiệp với tổng cộng 4 lần tham dự World Cup (1998, 2002, 2010 và 2014). Cho tới bây giờ, cựu ngôi sao Barca và Inter Milan vẫn đang nắm giữ kỷ lục khi được vinh danh tới 4 lần tại hạng mục Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi (ngang bằng Yaya Toure) đồng thời là tay săn bàn vĩ đại nhất ĐTQG với 56 pha lập công sau 118 lần ra sân.    

Samuel Etoo Cuộc đời du mục và những sân khấu đỉnh cao 3
Samuel Eto'o

Nhìn chung, không ai có thể phủ nhận rằng Samuel Eto’o chính là một chân sút xuất chúng bậc nhất trong lịch sử. Bất chấp cuộc đời du mục từng lang bạt khắp châu Âu nhưng tiền đạo người Cameroon luôn biết cách tỏa sáng ở những sân khấu đỉnh cao nhất, với đẳng cấp đã được cả thế giới thừa nhận. Thời điểm hiện tại, khi đã rời xa ánh hào quang sân cỏ, Eto’o vẫn luôn tỏ ra tất bật cùng các dự án kinh doanh đầy hoài bão của mình. Cách đây vài năm, chỉ hai tháng sau ngày treo giầy, cựu tiền đạo Mallorca đã ngay lập tức lên kế hoạch chuyển tới Mỹ để du học tại… Harvard. Trong quá khứ, anh từng suýt chút nữa bị người đại diện Mesalles lừa hết tài sản cá nhân do không biết quản lý tiền bạc của mình. Đây cũng chính là lý do vì sao Eto’o cực kỳ khao khát có cho mình một tấm bằng quản trị kinh doanh “ra tấm ra món”.

“Khi còn là cầu thủ, tôi đã phải trả rất nhiều tiền cho người khác chỉ để họ quán xuyến chuyện tiền nong cho mình. Bây giờ, tôi không cần phải thi đấu nữa. Tôi muốn tự mình quản lý các công việc kinh doanh và việc học hỏi các kỹ năng mới là hoàn toàn cần thiết. Cụ thể thì tôi muốn học về quản trị kinh doanh, tất nhiên là trong môi trường tốt nhất”, cựu danh thủ ĐT Cameroon bày tỏ quan điểm.

Chưa biết tinh thần “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” của Eto’o rồi sẽ đưa tương lai sau bóng đá của anh về đâu, nhưng ít nhất, bản thân chân sút sinh năm 1981 này thì dường như đã quá quen với cuộc sống du mục rồi. Thêm một chuyến phiêu lưu nữa thì cũng chẳng thành vấn đề. Biết đâu đấy, một ngày nào đó, người ta sẽ lại được chứng kiến Eto’o tỏa sáng ở một sân khấu khác ngoài bóng đá thì sao? Một nhà đầu tư, một doanh nhân… hoặc một công ty phá sản? Có Chúa mới biết được Eto’o rồi sẽ trở thành người như thế nào…

 

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow