Bóng đá có đầy những câu chuyện về các tài năng không được phát huy trọn vẹn. Tuy nhiên trong số những câu chuyện được kể thường không có một cầu thủ đã có 41 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia, vô địch Premier League 2 lần và dành phần lớn sự nghiệp ở những CLB hàng đầu Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Vậy thì mọi thứ đã sai ở chỗ nào?
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
“Đôi khi giữ im lặng sẽ tốt hơn nhưng đó là điều tôi không thể làm. Khi còn trẻ, tôi kiểm soát được chúng và có những lúc tôi về nhà với một nỗi ấm ức. Do đó tôi thích nói bất cứ điều gì mình nghĩ ngay cả khi đó không phải điều tôi thích”, Samir Nasri chia sẻ.
Từ năm 20 tuổi, Samir Nasri đã không cho phép bản thân mình giữ nỗi ấm ức khó chịu trong lòng. Nếu cảm thấy có điều gì cần phải nói, anh sẽ lên tiếng. Nếu không được nói lên suy nghĩ của mình, có lẽ anh sẽ đặt lưng lên giường và chìm vào giấc ngủ với một cảm giác thật kinh khủng.
Dù vậy nhưng vẫn không thể tránh khỏi những nuối tiếc. Vài tuần trước sinh nhật tuổi 33 của Nasri, người ta nhận ra giữa thực tại của anh và tiềm năng sáng chói mà anh từng thể hiện là một quãng đường xa xôi như thế nào. Mọi thứ đã đi vượt ngoài tầm kiểm soát. Từ Marseille đến Arsenal, qua Manchester City, tới Sevilla, gia nhập Antalyaspor, chuyển qua West Ham United, cập bến Anderlecht và hiện tại là một nơi gọi là vô định.
Nếu như ngày chuyển đến đội bóng nước Bỉ ở mùa hè năm ngoái, anh được người hâm mộ chào đón nồng nhiệt bao nhiêu - “Le petit prince est arrivé!” (Hoàng tử bé đã đến) - thì ngày anh rời đi (30 tháng 6 vừa qua) lại trở nên bất ngờ bấy nhiêu. Từ lâu trước khi hợp đồng của Nasri hết hiệu lực, ngay cả trước khi những tranh cãi nổ ra về nơi cư trú của anh ở thời điểm đầu khi lệnh phong tỏa xã hội được ban xuống, giám đốc thể thao Michael Verschueren của Anderlecht đã cho rằng chiêu mộ tiền vệ người Pháp là một sai lầm.
“Chúng ta hãy cùng chờ xem mọi thứ trong tương lai”, đó là chia sẻ của Nasri gần đây. Một cầu thủ với tài năng mê hoặc tiếp tục đứng trước tương lai vô định.
Nhà báo Philippe Auclair nói: “Samir gần như đã trở thành người vô hình. Ở Pháp bây giờ, nếu bạn nhắc đến anh ấy, phản ứng đa số sẽ là ‘Tất nhiên là Samir Nasri rồi. Anh ta giờ đang ở đâu? Có chuyện gì đã xảy ra với anh ta vậy?’. Con đường sự nghiệp mà anh ấy đã đi có chút khó hiểu - một tài năng tuyệt diệu đã lãng phí sự nghiệp trong những năm gần đây. Chúng ta đang nói về một cầu thủ vô cùng tài năng, thông minh nhưng thật khó hiểu lý do vì sao sự nghiệp ấy lại như một bản giao hưởng dang dở”.
Trong khi đó, HLV Jose Anigo - người đã giúp Nasri có trận đấu đầu tiên cho Marseille ở tuổi 17 - trả lời The Athletic: “Chúng ta nói về một tài năng rất rất lớn. Cậu ấy có điều gì đó rất đặc biệt. Vấn đề của Samir là tính cách. Tôi không nói cậu ấy xấu tính - cậu ấy là người tốt - nhưng đó lại là cá tính mạnh. Cậu ấy nói rất nhiều. Khi mới 17, cậu ấy đã nói chuyện trong phòng thay đồ như một cầu thủ 30. Và đôi khi với một cầu thủ, không nói gì lại là điều tốt hơn. Bạn muốn nói sự thật nhưng có những lúc nói sự thật lại không tốt cho sự nghiệp”.
2. London, ngày 9 tháng 3 năm 2010.
Arsenal dẫn trước Porto 2-0 và dẫn trước 3-2 về tổng tỷ số. Tuy vậy bầu không khí bên trong sân Emirates vẫn căng thẳng khi Nasri nhận bóng ở bên cánh phải vào phút 63. Đứng cách anh 9m có 3 cầu thủ đối phương và những bước chạy làm mồi nhử của Abou Diaby không thể nào đánh lừa được họ. Nasri rê bóng đến cột cờ góc và Raul Meireles áp sát gắt gao. Cầu thủ ngời Pháp lại quan sát phía sau và bất ngờ tăng tốc, đi bóng tiến gần đến vòng cấm
Lúc này, có 3 cầu thủ Porto ở gần anh với khoảng cách một vòng tay. Dường như chẳng có cơ hội tiếp theo nào cho Nasri. Nhưng anh thoát khỏi Meireles, đảo người, lắc sang trái rồi quay sang phải và tiếp tục thoát khỏi những pha truy cản của Cristian Rodriguez và Alvaro Pereira trước khi dứt điểm về cột xa hạ gục thủ môn Helton. Toàn bộ chuỗi hành động này chỉ kéo dài trong vòng 7 giây.
Đó chính là khoảnh khắc tóm tắt toàn bộ sự nhanh nhẹn của bộ óc và đôi chân Nasri khi còn trẻ. Cuối năm đó, anh có thêm 2 bàn thắng tuyệt vời nữa trong thắng lợi 2-1 trước Fulham. Bàn thắng đầu tiên là một pha xâm nhập vòng cấm bằng 4 cú chạm tinh tế loại bỏ Brede Hangeland và Aaron Hughes trước khi tung cú dứt điểm bằng chân trái.
Còn bàn thứ 2 lại tiếp tục là minh chứng về sự bình tĩnh và đôi chân nhanh nhẹn khi bị các cầu thủ đối phương vây xung quanh. Anh cầm bóng vượt qua những sự truy cản của Hughes, Dickson Etuhu và John Pantsil, rê bóng qua thủ môn Mark Schwarzer, xoay người lại và dứt điểm đưa bóng vào lưới từ góc hẹp.
Sau trận đấu, HLV Arsene Wenger chia sẻ: “2 bàn thắng đó là kết hợp của chạm bóng, sự thông minh, tài năng đặc biệt cũng như sự điềm tĩnh. Cậu ấy cần phải kiên nhẫn để dứt điểm trong cả 2 pha bóng ấy và cậu ấy đã làm tốt. Khi tới đây, lối chơi của cậu ấy dựa vào đi bóng. Hiện tại lối chơi cậu ấy đa dạng hơn, có thể di chuyển không bóng và về tổng thể thì hiệu quả hơn. Cậu ấy từng bị thu hút quá nhiều bởi trái bóng. Lúc này cậu ấy có thể sử dụng tốc độ của mình, cậu ấy có tốc độ xuất sắc.
Tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ vào cậu ấy. Nhiều người nghi ngờ khi tôi đưa cậu ấy tới đây tuy nhiên cậu ấy đang chứng minh bản thân có tài năng xuất chúng. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ còn thể hiện nhiều điều hơn nữa”.
Cuối tháng đó, Nasri được tạp chí France Football bầu chọn là Cầu thủ Pháp xuất sắc nhất năm. Nếu có điều gì đáng ngạc nhiên thì đó là việc anh bị loại khỏi danh sách tham dự vòng chung kết World Cup 2010, tuy vậy nó rốt cuộc lại giúp anh tập trung duy trì phong độ cho Arsenal ở 2 đấu trường Champions League và Premier League. Nasri có tên trong danh sách rút gọn giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của PFA trong mùa giải 2010/2011. Rio Ferdinand thời điểm ấy tin Nasri xứng đáng là chủ nhân của giải thưởng.
Cuối mùa bóng ấy, Arsenal trắng tay năm thứ 6 liên tiếp còn Nasri tuyên bố khát vọng trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Anh nói: “Chúng tôi đã kiếm được thu nhập cao. Ưu tiên của tôi là có một sự nghiệp lẫy lừng và giành các danh hiệu. Tôi rất khát khao các danh hiệu. Tôi chơi bóng vì yêu môn thể thao này và muốn tận hưởng cảm xúc vô địch. Nếu không có danh hiệu vô địch nào, bạn sẽ không thể có trong danh sách đề cử Quả bóng vàng”.
3. Không ai ở Arsenal ghét Cesc Fabregas khi anh trở lại Barcelona vào mùa hè năm 2011. Fabregas đến Arsenal vào mùa hè 2003 khi mới 16 tuổi và ở lại đó 8 năm. Nhiều người luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ trở về với đội bóng xứ Catalunya và bản thân Wenger cũng rất biết ơn cậu học trò đã ở lại Arsenal thêm 1 năm khi Barca rất quyết tâm chiêu mộ anh trước thềm World Cup 2010.
Thế nhưng chẳng ai tha thứ cho Nasri khi anh chuyển tới Manchester City. Manchester United cũng đã rất khát khao có được cựu cầu thủ Marseille, thậm chí anh và Sir Alex Ferguson còn đã có một cuộc gặp gỡ bí mật ở Paris mùa hè đó. Nhà cầm quân người Scotland sau này đổ lỗi cho các người đại diện cầu thủ đã khiến việc đưa Nasri về Old Trafford thất bại. Thậm chí có thời điểm, Man City cũng tuyên bố sẵn sàng kết thúc các cuộc đàm phán vì lo ngại sự can thiệp quá lớn của một nhóm các người đại diện.
Tất cả điều này càng làm tăng thêm trong lòng mọi người về cuộc chuyển nhượng được thúc đẩy bởi lòng tham. Đó chắc chắn là cảm giác xuất hiện tại sân Emirates khi Arsenal tiếp đón Liverpool trong trận đấu sân nhà đầu tiên của Premier League mùa giải 2011/2012. Nasri đã bị một số cổ động viên Arsenal công kích và sau đó, sự giận dữ của họ hướng tới ông chủ người Mỹ Stan Kroenke. “Hãy tiêu một chút tiền đi”, câu đó được lặp đi lặp lại suốt nhiều năm sau này.
Trong hoàn cảnh khó khăn, Nasri thi đấu khá tốt và vài ngày sau, anh chuyển tới Manchester City cùng lời chúc miễn cưỡng từ Wenger. Tháng kinh khủng ấy của Arsenal kết thúc bằng thất bại 2-8 trên sân Old Trafford và dẫn đến sự xuất hiện của một loạt bản hợp đồng mới như Per Mertesacker, Andre Santos, Mikel Arteta, Yossi Benayoun và Park Chu-young.
Tuy vậy trên truyền thông, Wenger công khai chỉ trích sự lựa chọn của Nasri: “Nói thật thì bạn không đến Manchester City để giành các danh hiệu. Các cầu thủ đến Manchester City vì họ trả nhiều tiền hơn Arsenal”.
Đó dường như là một lời khiêu chiến lỗi thời. Arsenal từng là đội bóng mạnh hơn Man City khi Kolo Toure và Emmanuel Adebayor gia nhập đội bóng áo xanh vào mùa hè năm 2009. 2 năm sau, Man City đã xếp trên Arsenal ở Premier League đồng thời giành FA Cup. Còn Arsenal thì cứ mất dần những cầu thủ giỏi nhất của họ. Trong khi đó nửa xanh thành Manchester tiếp tục bổ sung những ngôi sao vào đội hình.
Nhưng với Nasri, ngoài tiền và tham vọng ra, còn một lý do khác khiến anh quyết định rời Arsenal để tới Man City. Anh cảm thấy bị xúc phạm với cách Arsenal đàm phán gia hạn hợp đồng mà anh đã ký trước đó vào năm 2008. “Tôi bắt đầu các cuộc thương thảo với Arsenal vào tháng 10 (năm 2010) và tôi bảo họ rằng tôi muốn ở lại. Đến tháng 12, họ quay trở lại với một đề xuất. Tôi bảo bảo họ rằng tôi muốn ở lại và họ nói sẽ quay trở lại nói chuyện với tôi vào tháng 2. Họ không trở lại vào tháng 2 vì, các bạn biết đấy, chúng tôi thi đấu trên mọi đấu trường. Tôi cứ đợi, đợi, đợi và sau đó họ quay trở lại vào tháng 6. Lúc đó thì đã quá muộn rồi”, Nasri chia sẻ sau khi gia nhập Man City.
Một nhân vật của Arsenal trong thời kỳ đó nhận định: “Samir rất khó chịu vì anh cảm thấy họ miễn cưỡng đàm phán hợp đồng. CLB đã cố gắng giữ anh ấy ở lại, họ đưa ra một lời đề nghị thực sự tốt nhưng tôi không nghĩ có khả năng anh ấy sẽ ở lại. Hãy thành thật với nhau thế này, chuyển đến City là bước đi tuyệt vời cho anh ấy trên khía cạnh tài chính và bóng đá. Nhưng ngay cả khi City không ở đó, tôi nghĩ anh ấy cũng sẽ chơi đến hết hợp đồng và ra đi theo dạng tự do vào mùa hè.
Anh ấy cảm thấy không được tôn trọng. Anh ấy là một trong những người nói rất nhiều về sự tôn trọng. Nếu anh ấy cảm thấy bạn không tôn trọng thì bạn coi như không tồn tại trong mắt anh ấy”.
4. Manchester, ngày 21 tháng 3 năm 2012.
Những năm tháng Nasri thi đấu trong màu áo Man City có rất nhiều khoảnh khắc chói sáng: 3 pha kiến tạo trong trận đấu đầu tiên - chuyến làm khách đến sân Tottenham Hotspur; bàn thắng vào lưới Chelsea sau pha phối hợp với Carlos Tevez; bàn mở tỷ số vào lưới West Ham năm 2014 trong ngày Man City giành danh hiệu thứ 2 trong 3 mùa giải.
Dù vậy vấn đề là Nasri không có mối quan hệ tốt với Roberto Mancini. Nhà cầm quân người Italy từng bày tỏ sự thất vọng với sự thất thường của tiền vệ người Pháp đến nỗi đôi lúc ông muốn đấm cậu học trò một cái. Đó là một câu nói đùa thôi, nhưng lại đi kèm với một kết luận đủ sự nghiêm trọng rằng “đôi khi một cầu thủ có thể nghĩ thi đấu 50% là đủ rồi”. Điều này khiến Nasri tức giận dù chính anh thừa nhận rất “buồn” khi Mancini bị sa thải vài tháng sau đó.
Nasri gặt hái nhiều thành công ở Man City hơn tại Arsenal, nhưng ngược lại quãng thời gian ở Manchester lại thiếu ổn định hơn. Anh chắc chắn là một nhân vật gây nhiều ý kiến trái chiều với các đồng đội. Trong phòng thay đồ của Man City có thứ bậc rõ ràng - những thủ lĩnh như Vincent Kompany, Yaya Toure và Joe Hart có tiếng nói mạnh mẽ - và sự thẳng thắn của Nasri không được lòng nhiều người.
Sau đó dưới thời Manuel Pellegrini, Nasri được trao nhiều sự tự do hơn trên sân, tuy vậy những chấn thương gây cản trở lên cầu thủ người Pháp. Bên cạnh đó còn là vấn đề cân nặng. Năm 2016, sau khi trở thành HLV trưởng Man City, Pep Guardiola đã từ chối lựa chọn Nasri trong chuyến du đấu trước mùa giải đến Trung Quốc và nói anh bị thừa cân. Ngay từ thời còn ở Arsenal, Nasri đã phải rất cố gắng để duy trì cân nặng. Các nguồn tin ở Arsenal nhớ rằng anh đã từng đến một spa chăm sóc sức khỏe ở Italy trong suốt các tuần lễ tập trung đội tuyển quốc gia để giải độc và giảm cân.
Một nguồn tin ở Arsenal nói: “Samir không bao giờ nghiện rượu nhưng cậu ấy thích đồ ăn. Hiện nay, hầu hết các cầu thủ hàng đầu không chỉ là những cầu thủ xuất sắc mà còn là những vận động viên. Samir là cầu thủ xuất sắc nhưng tôi không cho anh ấy là một vận động viên”.
5. Nếu coi quỹ đạo sự nghiệp của Nasri bắt đầu sa sút dần tính từ khoảng thời gian anh giành danh hiệu Premier League thứ 2 với Man City thì giai đoạn thi đấu tương đối tốt ở Sevilla dưới dạng cho mượn trong mùa giải 2016/2017 chắc chắn là một khác biệt nho nhỏ.
“Tôi có mối quan hệ thân thiện với Sampaoli. Ông ấy giống một người bạn hơn là HLV. Ông ấy thích tôi nhiều đến mức đã nói với tôi rằng ‘Hãy đến đội bóng của chúng tôi. Cậu có thể uống rượu, cậu có thể đi hộp đêm, làm bất cứ điều gì cậu muốn và tôi sẽ bảo vệ cậu. Tất cả những gì tôi yêu cầu là cậu hãy thi đấu thật tốt trên sân vào mỗi cuối tuần”, đó là chia sẻ của cầu thủ người Pháp vào đầu năm nay.
Và Nasri đã chơi tốt. Thay vì bị giới hạn ở khu vực cánh, anh được khuyến khích tái tạo lại bản thân trong vai trò tiền vệ lùi sâu. Anh ấy là mấu chốt cho lối chơi kiểm soát bóng của Sevilla. Sampaoli từng mô tả Nasri chính là “oxygen” của đội bóng.
Dù vậy, mọi thứ bắt đầu thay đổi một cách nhanh chóng theo cách hết sức bất ngờ.
Cuối tháng 12 năm 2016, trong quãng nghỉ đông của LaLiga, Nasri bị ốm trong lúc đang đi nghỉ ở Los Angeles. Và anh đến điều trị ở một phòng khám có tên Drip Doctors. Phòng khám này đã đăng lên Twitter tấm ảnh Nasri chụp với một y tá và nói đã cung cấp cho cầu thủ người Pháp “một đợt điều trị để tăng cường hệ miễn dịch và giúp anh duy trì sức khỏe tốt nhất trong suốt mùa giải kéo dài”.
Không lâu sau, Nasri phản hồi trên Twitter: “Các bạn cũng cung cấp cho tôi một dịch vụ tình dục đầy đủ”. Dòng trạng thái sau đó bị xóa đi, Nasri đã xin lỗi và khẳng định ai đó đã hack tài khoản của anh và lan truyền thông tin giả mạo”.
Với một cầu thủ bóng đá đỉnh cao, đó là điều vô cùng đáng xấu hổ. Nhưng với Nasri, điều tồi tệ chưa dừng lại ở đó. Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) có các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng truyền, tiêm tĩnh mạch chỉ được giới hạn tối đa 50ml trong 6 giờ.
“Những chuyện xảy ra ở Los Angeles đã hủy hoại mùa giải của tôi”, Nasri khẳng định sau khi không thể gia nhập Sevilla dưới dạng chính thức vì mối đe dọa của lệnh cấm thi đấu vì dùng doping. “Đó là mũi tiêm vitamin đúng quy định và tôi có đơn thuốc. Tuy nhiên phòng khám lại tiêm cho tôi liều lượng lớn hơn tôi nghĩ. Tôi bị hủy hoại vì tôi nghĩ mình sẽ bị cấm 2 năm. Sau đó tôi không muốn thi đấu nữa. Tôi lạc lối, lo lắng và tức giận mọi thứ. Tôi không thể hiện ra trên sân nhưng với tôi bóng đá đã kết thúc rồi”.
Trong phiên điều trần sau đó, UEFA khẳng định với tư cách là vận động viên thể thao chuyên nghiệp, anh đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng vì sử dụng “nhân viên y khoa mà mình không biết và không có kinh nghiệm trong vấn đề doping”.
Tháng 2 năm 2018 - 14 tháng sau sự cố ở Los Angeles - Nasri bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 6 tháng. Án phạt sau đó tăng lên 18 tháng sau kháng cáo từ thanh tra kỷ luật và đạo đức của UEFA. Thời điểm này Nasri đã rời Sevilla, trở lại Man City trước khi gia nhập Antalyaspor của Thổ Nhĩ Kỳ. Và sau đó lại rời đi mà không để lại tác động đáng kể nào.
Tháng 1 năm 2019, Nasri gia nhập West Ham - lúc này được dẫn dắt bởi người thầy cũ Manuel Pellegrini. Ngôi sao người Pháp đã thi đấu tốt trong trận ra mắt - vòng 3 FA Cup trước Birmingham City - và sau đó để lại dấu ấn đậm nét trong chiến thắng Arsenal 1 tuần sau khi kiến tạo cho Declan Rice ghi bàn thắng duy nhất. Đây là trận đấu đầu tiên của anh tại Premier League trong suốt gần 3 năm.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Dù một vài cầu thủ trẻ say mê khi được quan sát kỹ thuật của Nasri trên sân tập thì những người khác cũng rất vui khi thấy anh rời West Ham vào cuối mùa giải.
Sau đó, anh tiếp tục lang bạt tới Anderlecht. Vincent Kompany trên cương vị quản lý (manager) kiêm cầu thủ đã thể hiện niềm tin lớn vào người đồng đội cũ khi đề nghị CLB của thành phố Brussels ký hợp đồng với Nasri có thời hạn 1 năm. Tuy vậy niềm tin đó đã không được đền đáp. Anh dính một chấn thương trong giai đoạn đầu mùa giải và ban lãnh đạo Anderlecht nhanh chóng kết luận thương vụ này là một sai lầm đắt giá. Tiền vệ người Pháp chỉ thi đấu 5 trận tại giải VĐQG trước khi mùa bóng bị dừng lại vì COVID-19.
Theo các báo cáo ở Bỉ, Nasri đã khiến ban lãnh đạo Anderlecht phẫn nộ vì bay tới Dubai trong suốt giai đoạn phong tỏa xã hội mà không hề thông báo cho CLB. Tuy vậy, anh đã phủ nhận thông tin trên. Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến trên Instagram với một nhà báo của tờ L’Equipe, anh nói rằng vẫn liên lạc hàng ngày với bác sĩ của Anderlecht cũng như Kompany. Anh nói vẫn có thể duy trì thể trạng ở bãi biển dù vị trí của bãi biển đó không hoàn toàn rõ ràng.
Dù vậy, việc anh rời đi cũng không hề khiến ai phải tiếc nuối cả.
Kể từ khi chính thức chia tay Man City vào mùa hè năm 2017, anh đã thi đấu 719 phút cho Antalyaspor ở giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ, 245 phút cho West Ham ở Premier League và 447 phút cho Anderlecht ở giải VĐQG Bỉ. Tổng cộng là 1.411 phút ở các giải VĐQG trong 3 mùa giải.
6. Bóng đá có đầy những câu chuyện về các tài năng không được phát huy trọn vẹn. Tuy nhiên trong số những câu chuyện được kể thường không có một cầu thủ đã có 41 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia, vô địch Premier League 2 lần và dành phần lớn sự nghiệp ở những CLB hàng đầu Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Vậy thì mọi thứ đã sai ở chỗ nào?
Dù thế nào đi chăng nữa, với chúng ta, cảm xúc đọng lại về Nasri có lẽ chính là sự nuối tiếc. HLV Roberto Mancini từng chia sẻ trên tạp chí So Foot vào năm 2014: “Samir là cầu thủ có những phẩm chất xuất sắc nhưng sự hiệu quả thì thường không sánh ngang với tài năng của cậu ấy. Cậu ấy không hiểu rằng phải luôn nỗ lực hết sức. Điều đó khiến tôi rất đau lòng.
Tôi đã làm mọi thứ để cậu ấy tới (Man City) và rồi cậu ấy lại thể hiện tối thiểu những khả năng mình có. Cậu ấy là cầu thủ có khả năng không chỉ của một cầu thủ giỏi mà là cầu thủ đẳng cấp thế giới”.
Nasri cũng thừa nhận về sự nghiệp chưa hoàn toàn trọn vẹn với tài năng của mình. Tiền vệ 33 tuổi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với kênh Canal+ sau khi gia nhập Antalyaspor vào năm ngoái: “Liệu tôi có thể làm tốt hơn không? Có lẽ là có. Thực sự… gần như chắc chắn là như thế vì có những thời điểm nhất định, tôi không giữ sự chuyên nghiệp. Không phải ở trên sân hay sân tập - ở đó tôi luôn thể hiện sự chuyên nghiệp - nhưng có lẽ cách sống của tôi không hoàn hảo như đáng ra nó có thể. Có thể những màn trình diễn sẽ cho tôi đạt tới đẳng cấp cao nhất vì chắc chắn tôi có tài”.
Câu hỏi đặt ra là ở tuổi 33, anh có thể gặt hái thêm gì với tài năng của mình sau 3 năm hoang phí trong sự nghiệp? Một số người từng làm việc với Nasri nói anh sẽ thích một giải đấu ít cạnh tranh hơn, trình độ thấp hơn để có thể tự do cả trên sân lẫn ngoài sân cỏ.
Nasri trả lời những câu hỏi liên quan đến tương lai bằng một cái nhún vai. Duy chỉ có một điều anh khẳng định là một ngày nào đó sẽ trở lại Marseille với tư cách HLV. Trong khoảng thời gian đó, anh sẽ chờ đợi những lời đề nghị đến với mình.
“Bóng đá là một thế giới đạo đức giả. Nhưng tôi có thể nhìn vào mình trong gương. Tôi biết tôi vẫn đàng hoàng, tôi vẫn là chính mình. Một vài người có thể nói tôi kiêu ngạo, tuy nhiên tôi là người thẳng thắn. Nếu họ thích tôi thì thật tốt. Nếu họ không thích tôi cũng tốt thôi. Nhưng ít nhất bạn biết mình nhận lại được gì từ đó”, Nasri nói trong cuộc phỏng vấn trên Canal+ 3 năm trước.
Dịch từ bài viết “Samir Nasri – where did it all go wrong?” của tác giả Oliver Kay trên The Athletic.
CG