Dưới sự chỉ dạy của Pep và đội ngũ trợ lý của ông, Sterling đã thực sự trở thành một cầu thủ đạt đẳng cấp “World-class”.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Raheem Sterling gia nhập Manchester City 1 năm trước khi Pep Guardiola cũng đến với đội bóng này từ Bayern Munich, vào tháng 7 năm 2015, với mức phí chuyển nhượng kỷ lục 50 triệu bảng Anh – vào thời điểm ấy, đó là con số cao nhất từng được trả cho một cầu thủ người Anh. Sau mùa giải đầu tiên khá mờ nhạt, anh đã tiếp tục cùng đội tuyển Anh trải qua một kì Euro 2016 thảm họa và chứng kiến Tam Sư bị loại khỏi cuộc chơi bởi Iceland tại vòng 16 đội.
Năm đầu tiên đáng thất vọng được nối tiếp bằng một mùa hè tệ hại. Và khi đó, Pep đã xuất hiện. Giám đốc thể thao của Man City, Txiki Begiristian, được cho là đã ký hợp đồng với Sterling là để “dụ dỗ” Guardiola tiếp quản chiếc ghế huấn luyện viên trưởng tại đây.
“Cậu ấy rất tinh ranh, nhanh trí, có khả năng thoát khỏi những người kèm cặp mình. Cậu ấy có thể bùng nổ và trên tất cả, cậu ấy sở hữu một tốc độ đáng kinh ngạc để có thể tạo ra sự ảnh hưởng lớn từ ở cánh đến khung thành đối phương. Dù vậy, cũng đã quá rõ ràng rằng cậu ấy là một cầu thủ rất thích bó vào trong khi thi đấu.”
Bản năng bóng đá của Begiristain đã đúng. Dưới sự chỉ dạy của Pep và đội ngũ trợ lý của ông, Sterling đã thực sự trở thành một cầu thủ đạt đẳng cấp “World-class”. Trong mùa giải đầu tiên khoác áo Man City, dưới thời Manuel Pellegrini, Sterling chỉ ghi được vỏn vẹn 6 bàn thắng và đến giai đoạn nửa sau của mùa giải, anh đã không còn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho đội hình xuất phát nữa.
“Mức phí chuyển nhượng khủng lồ kia thực sự đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của cậu ấy, một yếu tố cực kì quan trọng đối với bất kì cầu thủ nào.” Mikel Arteta – người vào thời điểm đó vẫn đang thi đấu cho Arsenal – giải thích. Năm tiếp theo, Arteta đã gia nhập đội ngũ trợ lý của Pep và Domènec Torrent, để rồi từ đây, ông đã bắt đầu có thể làm việc cùng với Sterling.
“Chúng tôi muốn cậu ấy chơi gần vòng cấm hơn. Khi đó, dường như cậu ấy luôn có một chút sự sợ hãi khi đứng trước khung thành. Chúng tôi muốn cậu ấy trở thành kiểu cầu thủ có thể ghi bàn trong mọi trận đấu cho chúng tôi, hoặc thậm chí là chỉ bỏ lỡ 2 hoặc 3 cơ hội lớn (big chances). Chúng tôi muốn cậu ấy liên tục tạo ra mối đe dọa đến khung thành đối phương. Và chúng tôi muốn cậu ấy mất đi nỗi sợ hãi. Cậu ấy cần tin tưởng vào bản thân, tin rằng mình có thể là người giỏi nhất.”
Hệ thống huấn luyện mới gần như đã tạo ra ảnh hưởng ngay lập tức. Sterling đã chịu ngẩng đầu lên mỗi khi chơi bóng, chạy nhiều hơn bao giờ hết và đến mùa giải thứ hai của Pep tại Man City, anh đã cùng với Leroy Sané và Sergio Aguero tạo lập nên một trong những hàng công nguy hiểm nhất lịch sử Premier League, khi bộ ba này đã có đến 67 pha lập công trong tổng số 140 bàn thắng của đội.
Tuy nhiên, ban đầu, đội ngũ huấn luyện đã phải sắp xếp lại vị trí thi đấu của Sterling, đưa anh sang bên phải trong cây đinh ba tấn công của Pep. Mikel Arteta nói: “Cậu ấy có một vài thói quen xấu. Trước đó, cậu ấy thường chơi bó vào trong rất nhiều lần hoặc đá bên cánh trái. Khi bạn chuyển sang chơi ở cánh phải, hướng và góc khi bóng được chuyền đến chân bạn sẽ rất khác. Khi quả bóng được đưa đến cậu ấy, cậu ấy thực sự chỉ nhìn chằm chằm vào nó – thay vì khống chế nửa chạm theo bản năng và quan sát những gì đang diễn ra xung quanh mình.”
Khi có bóng, Sterling thường ở trạng thái “tĩnh”. Giải pháp của Guardiola là cố gắng biến anh thành Romário phiên bản của Man City, người đồng đội cũ của vị chiến lược gia này tại Barcelona và là nhà vô địch World Cup 1994 trong màu áo đội tuyển Brazil.
Pep Guardiola cho biết: “Trong cái thời đại Dream Team đó, bất cứ khi nào tôi nhìn thấy Romário quay lưng lại với các trung vệ đối phương, tôi sẽ không bao giờ đưa bóng cho anh ấy. Nhưng ngay khi tôi nhìn thấy anh ấy quay người, với vai hạ xuống như thể anh ấy muốn quả bóng được đưa vào chân phải hoặc trái của mình, là tôi biết anh ấy có thể loại bỏ người đang kèm mình. Những lúc như thế, tôi sẽ chuyền bóng ngay lập tức cho anh ấy. Tất cả mọi lần đều vậy. Điều tôi học được từ nhãn quan của Romário là anh ấy luôn có một mắt nhìn vào khoảng cách giữa mình và khung thành đối phương, trong khi mắt kia sẽ nhìn xem quả bóng đang ở đâu. Nếu anh ấy xoay người như trên và tôi chuyển bóng cho anh ấy, hậu vệ sẽ tự động bị loại bỏ.”
Chìa khóa chủ chốt cho chiến lược này chính là khả năng tăng tốc của Sterling. Các phân tích viên của Guardiola đã tiến hành so sánh những bước di chuyển đầu tiên của tiền đạo này với Lionel Messi. Trong khi ngôi sao của Barcelona không sở hữu tốc độ để thực hiện những pha nước rút thần tốc, thì khả năng tăng tốc của cầu thủ người Anh – kết hợp với trực giác về việc khi nào thì nên di chuyển – có thể khiến các hậu vệ phải khổn khổ. Do đó, Romario phiên bản mới – mang tên Raheem, đã bắt đầu được hình thành.
Kế hoạch khi đó là Sterling nên tạo ra thói quen lùi xuống một chút so với người theo kèm mình, hoặc đối thủ ở gần nhất khi chờ bóng, còn cơ thể của anh sẽ hướng về phía khung thành. Ở vị trí đó, khi anh sử dụng đến khả năng tăng tốc “thần thánh” của mình, anh sẽ luôn hiện diện được ở khu vực nguy hiểm.
Arteta nói: “Nếu cậu ấy xuất hiện ở một khoảng không gian cách hậu vệ của đối phương 3m, nhưng cơ thể của cậu ấy luôn hướng về phía khung thành, thì khả năng bức tốc của cậu ấy sẽ nhanh chóng đưa cậu ấy đến một khoảng trống thuận lợi mà cậu ấy có thể dứt điểm và điều đó sẽ khiến đối thủ phải khốn đốn hơn. Ngoài ra, đó cũng là một chiến thuật, bởi khi Sterling lùi xuống một chút, hậu vệ của đối phương có thể sẽ bị kéo vào một vị trí mà anh ta không mong muốn. Điều đó sẽ để lại một khoảng trống sau lưng anh ta và Sterling có thể tấn công vào khoảng không gian đó. Nếu nó gần sát, hoặc ở ngay trong khu vực vòng cấm, họ sẽ phải rất do dự trước khi lao vào tranh chấp với cậu ấy.”
Arteta đã đưa ra những đánh giá của ông dựa trên thực tế. Ví dụ, trong chiến thắng 1-0 ở đấu trường Champions League trước Feyenoord vào tháng 11 năm 2017, Sterling đã thực hiện tất cả những điều trên. Anh lùi xuống xa khỏi rìa vòng cấm, hút theo hậu vệ Renato Tapia của đối phương, với lưng quay về phía khung thành và đập nhả bóng nhanh lại cho Gundogan.
Ngay khi bóng rời khỏi chân, anh đã lập tức xoay người lại và xộc thẳng vào khoảng không gian mà Tapia đã bỏ lại bằng một pha nước rút 0-60. Gundogan đã đọc được ý đồ của người đồng đội, và thực hiện ngay một đường chuyền một chạm vào khoảng trống trên. Trong thế 1v1 với thủ môn đối phương, Sterling đã lốp bóng qua đầu Brad Jones và mang về chiến thắng cho Man City.
Trong mùa giải 2018/2019, Sterling đã chơi ngày càng nhiều trận ở cánh trái, mặc dù Guardiola đã liên tục thay đổi vị trí của anh rất nhiều lần. Sự ăn ý của anh và Bernardo Silva ngày càng tăng lên, điều đó cũng có nghĩa là Sané đã ít được góp mặt trong đội hình xuất phát hơn. Danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2018 của PFA mà Sané từng nhận, đã được chuyển sang cho Sterling vào năm 2019, sau khi anh kết thúc mùa giải với một thành tích cá nhân vô cùng tuyệt vời, 25 bàn thắng và 18 pha kiến tạo sau 51 trận. Vào tháng 11 năm 2018, Man City đã quyết định gia hạn hợp đồng với tiền đạo người Anh, đến hết mùa giải 2022-2023.
Tuy nhiên, Pep Guardiola vẫn nhìn nhận rằng cậu học trò của mình còn rất nhiều điều cần phải cải thiện. Nhà cầm quân này đã từng lên tiếng chỉ trích trực tiếp Sterling sau cuộc đối đầu với Watford tại Etihad vào ngày 9 tháng 3 năm 2019, một trận đấu mà anh đã .. hoàn thành một cú hattrick vào phút 64, rằng: “Sterling có thể làm tốt hơn thế. Cậu ấy đã không đi theo hậu vệ cánh hai lần. Cậu ấy đã mất bóng hai, ba hoặc bốn lần, đó là điều mà cậu ấy phải tránh lặp lại vì chuyện này có thể khiến đội bóng phải nhận những đòn phản công. Cậu ấy đã thi đấu không đúng phong độ trong hiệp 1 và chúng tôi sẽ phải tiếp tục nỗ lực làm việc để cải thiện những điều đó.”
Nguồn: Một đoạn trích từ cuốn sách “Pep’s City: The Making of a Superteam” của hai tác giả Pol Ballús và Martín, được phát hành vào ngày 24 tháng 10.
NAM KHÁNH (TTVN)