Những chia sẻ của tiền vệ thuộc biên chế Manchester City về cách hệ thống của Tây Ban Nha giúp họ thăng hoa với những cầu thủ trẻ và sự linh hoạt, đa năng trong đội, cũng như lời tuyên bố La Roja chính là đội bóng tốt nhất tại World Cup 2022.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Rodri Hernández lấy ra một chiếc ghế từ ngôi nhà di động bên cạnh sân tập 3 tại Qatar University và đặt nó trong bóng râm ở bên ngoài, tránh ánh nắng giữa trưa để dễ trò chuyện. Hôm ấy là ngày trước khi ĐTQG Tây Ban Nha có trận ra quân ở World Cup và anh đã có một cuộc trò chuyện dài với nhà báo Sid Lowe của The Guardian, khi họ thảo luận về các ứng cử viên vô địch của giải đấu, sau một hồi lướt nhanh qua những cái tên đã quá quen thuộc trong chủ đề này – “Brazil, Pháp, có lẽ cả Anh nữa” – Rodri đã tuyên bố rằng Tây Ban Nha chính là đội bóng tốt nhất hiện tại trên đất Qatar.
Đó là một tuyên bố “đao to búa lớn”, nhưng nó không hề được anh truyền tải theo cách đó. Rodri chẳng có thái độ ngông cuồng và “từ khoá” trong những lời chia sẻ của anh là “tập thể”. Thay vào đó, đã có một phân tích nói rất nhiều về cách tiếp cận của selección, một ý tưởng đã được duy trì một cách đầy kiên định; Rodri khẳng định rằng ý tưởng ấy đã được anh thấm nhuần sâu sắc, ngay từ thuở đầu sự nghiệp. Đó là lý do tại sao khi được hỏi rằng, lý thuyết là một chuyện, thực hành là một chuyện, liệu việc áp dụng các triết lý chơi bóng của Tây Ban Nha vào thực tiễn có khó không, anh đã tự tin trả lời rằng: “Với chúng tôi thì không hề, bởi vì chúng tôi đã đồng hành cùng chúng trong nhiều năm. Hầu hết chúng tôi đều đã kinh qua nhiều cấp độ của sân chơi bóng đá ĐTQG; tất cả chúng tôi đều đã đạt được những thành tựu đáng tự hào thuở còn thi đấu ở cấp độ bóng đá trẻ.”
Rodri từng trở thành nhà vô địch châu Âu cùng đội U-19 Tây Ban Nha, sau đó có một lần giành ngôi á quân cùng đội U-21. Có 12 thành viên của ĐTQG Tây Ban Nha hiện tại từng giành được các chức vô địch cùng đội tuyển U-19 hoặc U-21. Trong trường hợp của 7 người trong số những người không có được chiến tích đó, nguyên nhân là do họ… chưa kịp chơi cho các đội này: Nico Williams, Yéremi Pino và Ansu Fati, chỉ mới 20 tuổi, Alejandro Balde và Pedri đều mới chỉ 19 tuổi và Gavi, mới 18 tuổi, họ đã được gọi lên thẳng ĐTQG quá nhanh, vì vậy chẳng kịp góp mặt trong đội U-19 hoặc U-21. Sergio Busquets, 34 tuổi, chính là cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội, và anh đã được triệu tập lên ĐTQG vào năm 2009, ở tuổi 20. Sau đó, Busquets đã giành được chức vô địch World Cup chỉ trong vòng 1 năm kể từ thời điểm còn đang chơi ở giải hạng tư của Tây Ban Nha.
Ngoài ra, chỉ còn 2 thủ môn dự bị, cả hai đều bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp cấp CLB ở Anh, và trung vệ Aymeric Laporte, người trước đây đã chơi cho các đội tuyển trẻ của Pháp, là chưa từng khoác áo Tây Ban Nha trước khi được triệu tập lên ĐTQG. La Roja của hiện tại là giai đoạn cuối của một quá trình dài. Và đó, như Rodri đã nói, chính là lý do giúp cho những ý tưởng của họ có thể hoạt động tốt khi đưa vào thực tiễn.
Vài giờ sau khi Đức thua ngược Nhật Bản 1-2 trong một trận đấu mà "Die Mannschaft" có tỷ lệ cầm bóng 74% và chuyền tới 827 lần - nhiều hơn đối thủ gần 550 đường, khiến các fan của bóng đá kiểm soát than trời, Tây Ban Nha đã giúp được sự tôn nghiêm.
Đây là lý do tại sao Gavi và Pedri được đưa lên ĐTQG ở độ tuổi rất trẻ và hoà nhập một cách quá trơn tru. “Rõ ràng đã có một cuộc cách mạng ‘tái sinh’ được thực hiện. HLV trưởng đã không ngần ngại đặt niềm tin vào họ và sau đó được đền đáp bằng kết quả mà mình muốn. Họ cũng có một trần tiềm năng rất lớn để đạt đến – họ sẽ trở nên cực kỳ quan trọng đối với ĐTQG. Với tuổi đời còn rất trẻ, họ đang cho thấy mình hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trong đội bóng này. Nếu bạn sớm được thấy những gì các đồng đội đang làm, nếu bạn hiểu được các khái niệm, đến khi bạn ‘nhập cuộc’, mọi thứ sẽ diễn ra theo một cách chẳng khác nào được tự động hoá cả: Nắm bắt được ý tưởng và nó sẽ hoạt động mượt mà như một điều hiển nhiên.”
“Mamado” là từ mà Rodri sử dụng: Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là cho bú, nuôi con bằng sữa mẹ; trong trường hợp của các cầu thủ Tây Ban Nha, thứ “sữa” mà họ “bú” là một ý tưởng bóng đá. “Tất cả chúng tôi đều đã làm việc với những HLV có tư tưởng bóng đá giống nhau, mang cùng chung ý tưởng. Chúng tôi đã được ‘mamado’, được ‘nuôi lớn’ bằng thứ ý tưởng đó. Vậy nên, đơn giản là, khi chúng tôi được gọi lên ĐTQG, tầm nhìn mà HLV trưởng áp dụng cũng chính là thứ đã đồng hành cùng chúng tôi trong nhiều năm. Đối với chúng tôi, phong cách bóng đá của Tây Ban Nha chẳng khác nào là một phần bẩm sinh trong cả bọn cả. Những quốc gia khác thì có những bản sắc cố hữu khác: Ví dụ như người Anh thường giỏi trong các pha đấu tay đôi, những pha bóng dài. Tây Ban Nha cũng có những khái niệm không bao giờ tách rời như vậy.
“Khi bạn chỉ đơn thuần nhìn vào các cầu thủ, Anh và Pháp là những đoàn quân khủng nhất: Giá trị đội hình của họ thật điên rồ, nhưng thành thật mà nói, nếu nhận xét theo sức mạnh tập thể, tôi nghĩ chúng tôi mới là ĐTQG tốt nhất, và những gì đã nêu chính là con át chủ bài của chúng tôi.
“Trong bóng đá, chơi hay đến mấy cũng thành vô nghĩa nếu kết quả cuối cùng là thua, nhưng hãy nhìn vào cơ chế trong đội bóng của chúng tôi, cấu trúc của chúng tôi, khi bạn xem cách mọi cầu thủ đều cùng phòng ngự và cùng tấn công, cách chúng tôi nắm bắt trận đấu, điều HLV muốn và cách ý tưởng đó được áp dụng trên sân đấu, với những điều này, theo quan điểm của tôi, chúng tôi chính là ĐTQG tốt nhất tại Qatar. Tôi không đưa ra lời khẳng định này dựa trên khả năng cá nhân của các cầu thủ, mà tôi cho rằng sức mạnh tập thể là điều quan trọng nhất – luôn luôn như vậy – và đây chính là lợi thế mà Tây Ban Nha có.”
Tây Ban Nha đánh bại Costa Rica 7-0
|
Manchester City cũng sở hữu thứ sức mạnh này, và nó đã cực kỳ hữu ích. “Pep và Luis Enrique mang nhiều điểm chung: Họ có phong cách rất, rất giống nhau, bao gồm tính cách, mong muốn giành thế chủ động trên sân đấu, pressing tầm cao,” Rodri nói. “Có những chi tiết nhỏ khác nhau, nhưng đối với tôi thì việc thích nghi với chúng là rất dễ. Điều này cũng phụ thuộc vào những cầu thủ xung quanh bạn. Nếu bạn có Erling Haaland trong đội, bạn có thể ‘bơm’ bóng vào vòng cấm nhiều hơn so với khi bạn không có một tiền đạo quá khoẻ, khi các cầu thủ của bạn có những phẩm chất khác, khi bạn chỉ chơi bóng bằng chân.”
Ít người hiểu và giải thích “cơ chế”của một hệ thống tốt hơn Rodri. Tuy nhiên, trong tập thể Tây Ban Nha, với tài năng đáng nể của mình, anh lại chẳng thể nào có được vị thế sự lựa chọn số một cho vị trí pivot (tiền vệ mỏ neo) sở trường, bởi đứng trước anh là một ngọn núi quá cao mang tên Sergio Busquets, người đàn ông có thể được coi là hiện thân của phong cách bóng đá Tây Ban Nha. Busquets cũng chính là đội trưởng của La Roja và là cái tên cuối cùng trong tập thể vô địch World Cup 2010 còn trụ lại đội bóng hiện tại, trong trận đại thắng mà Tây Ban Nha giành được trước Costa Rica mới đây, anh đã có cho mình lần thứ 140 ra sân cho ĐTQG. “HLV trưởng luôn bảo rằng đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với ông ấy, thực sự rất khó xử, và tôi hoàn toàn hiểu điều đó,” Rodri nói. “Nhưng tôi rất vui khi được Busi thường xuyên chỉ giáo và đòi hỏi sự nỗ lực từ mình.”
Vậy phương án để cho cả hai cùng ra sân thì sao? Nếu làm vậy thì nên triển khai họ như thế nào? “Từ góc nhìn phòng ngự, tôi thích chơi trong một trục kép (double pivot), bởi vì bạn sẽ có được nhiều sự hỗ trợ hơn khi phòng ngự, phần sân đấu mà bạn phải ‘trông nom’ sẽ ít hơn,” Rodri phân tích. “Nhưng khi có bóng, việc chơi trong một trục kép đồng nghĩa rằng sẽ có ít ‘tuyến đường’ chuyền bóng ở phía trước bạn hơn, vậy nên khả năng thành công của những đường chuyền lên phía trên có lẽ sẽ là 50-50. Cho đến nay, HLV trưởng chưa bao giờ sử dụng 2 tiền vệ lùi sâu cả; khi chúng tôi cùng nhau ra sân, tôi thường chơi cao hơn.”
Có một phương án khác đang nổi lên. Luis Enrique đã thử nghiệm Rodri ở vị trí trung vệ, và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một phương án mà nhà cầm quân này rất yêu thích – ông đã sử dụng nó trước Costa Rica. Rodri cũng tỏ ra thích thú với nó. “Tôi đã chơi ở đó 6 hoặc 7 lần tại Man City – đây là một vị trí mà tôi có thể đảm nhận khá tốt. Cơ chế hoạt động cũng khá giống như khi chơi pivot, mặc dù bạn phải luôn nhận thức được cầu thủ đá thấp nhất đang ở đâu. Vai trò này chẳng phải là một điều mới mẻ đối với tôi. Về nguyên tắc, tôi là một pivot, nhưng trong quá trình luyện tập, chúng tôi sẽ luân phiên hoán đổi vị trí cho nhau – HLV trưởng cũng thích làm điều này với nhiều vị trí khác.”
Giữa những cuộc bàn luận về “số 9 ảo”, một khái niệm mới có thể sẽ nổi lên: Số 4 ảo. Rodri cười khoái chí. “Nếu anh để ý, Fernandinho đã chơi gần như cả mùa giải ở vị trí trung vệ. Fabinho đã chơi ở đó khi cơn bão chấn thương càn quét Liverpool, và họ là những tiền vệ. Tôi nghĩ đây là cách chuyển đổi vị trí đơn giản nhất, hợp lý nhất đối với một pivot.” Không thể không nhắc đến Javier Mascherano, người đã đưa ra khái niệm rằng nếu bạn chơi cho một đội bóng thường xuyên pressing tầm cao, trung vệ sẽ chiếm lĩnh khoảng không gian giống như một tiền vệ phòng ngự thường làm.
“Hoàn toàn đồng ý,” Rodri nói. “Nếu bạn thi đấu trước một đối thủ sử dụng một hệ thống phòng ngự lùi sâu, phần lớn những lần chạm bóng của bạn trong tư cách một trung vệ sẽ diễn ra ở khu vực của một pivot. Khi đội của bạn kiểm soát bóng, cách bạn hoạt động sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Tuy nhiên, khi đối thủ kiểm soát bóng thì lại khác. Có những yếu tố mới cần phải lưu tâm: Bạn không thể di chuyển lên phía trước bất cứ khi nào mình muốn, bạn phải giữ vị trí, nắm rõ các giai đoạn của việc phối hợp phòng ngự, khi bạn đã vào vị trí.”
“Đây không phải là một vị trí mà bạn nhất thiết phải cực kỳ khoẻ: Nếu bạn đọc trận đấu tốt, bạn có thể thực hiện những pha can thiệp đúng thời điểm. Nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất đối với một trung vệ là ‘contundencia’ (chắc chắn và dứt khoát trong mọi hành động). Đó là điều mà một trung vệ cần nhất. Nếu bạn có thể bổ sung thêm những phẩm chất khác, vậy thì quá tuyệt vời. Nhưng đó chính là phẩm chất chủ chốt.”
Quay trở lại với cuộc hành trình mà Tây Ban Nha phải chinh phục trên đất Qatar. “Chúng tôi có 3 đối thủ đến từ 3 châu lục và họ là 3 đội bóng rất khác nhau. Costa Rica, Đức và Nhật Bản: Những văn hoá bóng đá khác nhau, những phong cách khác nhau, điều kiện thể chất khác nhau. Thật khó để đánh giá các ĐTQG không đến từ châu lục của bạn.”
Trong trận ra quân, La Roja đã giành được một chiến thắng đầy thuyết phục trước thử thách đầu tiên của họ - Costa Rica, tiếp theo sẽ là Đức và Nhật Bản.
“Sẽ luôn có những yếu tố, những chi tiết được thay đổi tuỳ theo người chơi trước mặt bạn và các khoảnh khắc trong trận đấu. Trên sân đấu có rất nhiều sắc thái khác nhau. Chúng tôi đã nghiên cứu và luyện tập về cách thi đấu khi chúng tôi dẫn trước, khi tỷ số đang là hoà, về cách chúng tôi điều chỉnh khi đối thủ chơi phòng ngự lùi sâu, khi họ phòng ngự theo lối 1 kèm 1. Còn việc đối thủ của chúng tôi là ai không quan trọng, chúng tôi luôn muốn chiếm thế trận ngay từ đầu, chúng tôi muốn có bóng, chúng tôi muốn đá cao, đó là những điều mà chúng tôi luôn làm.”
Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “Spain’s Rodri: ‘At a collective level I think we’re the best national team’” do nhà báo Sid Lowe thực hiện, đăng tải trên The Guardian.