Vì một vài lý do mà Robin Van Persie thường không được đề cập đến như một trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử Premier League, mà rõ ràng nhất chính là do những chấn thương mà anh đã liên tục gặp phải tại xứ sở sương mù, và một nguyên nhân khác là anh chỉ thực sự thể hiện hình ảnh của một cây săn bàn đẳng cấp thế giới trong ba mùa giải huy hoàng ngắn ngủi.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!
Sự kiên nhẫn và công sức huấn luyện của Arsene Wenger với Robin Van Persie đã mang đến kết quả là một món quà nghỉ hưu hoàn hảo cho Sir Alex Ferguson.
Những hệ quả tiêu cực mà các chấn thương đã gây ra cho Robin Van Persie là rất rõ ràng, với việc số trận đấu mà ngôi sao người Hà Lan đã chơi tại đấu trường giải vô địch quốc gia mỗi mùa chưa bao giờ cao hơn con số 28 kể từ khi anh có màn debut thế giới bóng đá chuyên nghiệp tại Feyennoord vào năm 2001 cho đến tận mùa giải 2010/2011 ở Arsenal.
Sau đó, bất thình lình, thể trạng của Van Persie bất ngờ trở nên cực kì sung mãn, và trong hai mùa giải, anh chính là một trong những tiền đạo nguy hiểm nhất, thú vị nhất và sáng tạo bậc nhất mà Premier League từng được chứng kiến.
NHỮNG THỐNG KÊ ẤN TƯỢNG
Trong mùa giải đầu tiên mà Van Persie có thể chơi mọi trận đấu, anh đã giành được ngôi vị vua phá lưới của Premier League 2011/2012, với 30 pha lập công sau 38 lần ra sân, một thành tích đã giúp anh đánh bại Wayne Rooney, với 27 bàn sau 34 trận. Mùa giải tiếp theo cũng chính là lần cuối cùng mà anh hoàn toàn khỏe mạnh trong xuyên suốt cả một mùa giải, và một lần nữa, ngôi sao người Hà Lan lại tiếp tục giành được vị trí đứng đầu của danh sách ghi bàn – lần này là trong màu áo Manchester United – với 26 bàn thắng sau 38 trận ra sân, đánh bại thành tích 23 bàn của Luis Suarez để nhận lấy danh hiệu Chiếc Giày Vàng.
Chuyện hoàn toàn không phải là Van Persie tự dưng lột xác và bùng nổ chỉ trong một đêm tại Arsenal, hay anh đã nhận được nhiều cơ hội ghi bàn hơn khi khoác áo một đội bóng mạnh hơn ở Manchester United, mà chỉ đơn giản là anh đã có thể ra sân nhiều hơn. Từ rất lâu trước đó, khả năng săn bàn của tiền đạo người Hà Lan vốn đã hiện hữu rất rõ ràng. Hiệu suất ghi bàn mỗi 90 phút của anh vào mùa giải 2010/2011 là 0.72, thành tích tốt nhất giải đấu, nhưng số trận đấu mà Van Persie đã chơi chỉ là 25 trận, trong khi thành tích 9 bàn mà anh ghi được sau 16 trận của mùa giải 2009/2010 cũng đã cho thấy anh hoàn toàn có khả năng đạt được những con số lớn hơn thế rất nhiều.
SO SÁNH VỚI CÁC ĐỐI THỦ
Rooney đã bứt lên để trở thành cây săn bàn chủ lực của Manchester United ngay sau khi Cristiano Ronaldo chuyển đến Real Madrid, đều đặn phá lưới đối phương với một phong độ đáng kinh ngạc vào mùa giải 2009/2010 – trong khi Van Persie chỉ có thể chơi 16 trận cả mùa – để lập nên thành tích là 26 pha lập công, và sau một mùa giải 2010/2011 khá lặng lẽ, anh đã tái xuất để trở thành đối thủ chính của Van Persie trong cuộc đua đến ngôi vị vua phá lưới vào mùa giải 2011/2012.
Bất chấp việc đang đóng vai trò là cây săn bàn chủ lực của đội, Rooney vẫn sẵn sàng lùi xuống những vị trí rất sâu bất cứ khi nào anh không có bóng, điều đó đã giúp giải thích cho … output phòng ngự rất cao của ngôi sao người Anh trong radar bên dưới:
Ảnh: So sánh Wayne Rooney và Robin Van Persie ở mùa giải 2011/2012 (Attack: Tấn công; Vision: Nhãn quan; Passing: Chuyền bóng; Defence: Phòng ngự; Physical: Thể chất; Dribble: Rê bóng)
Trong khi đó, Arsene Wenger đã đối đãi với Van Persie như một ngôi sao “hạng sang” trên sân, đảm bảo cầu thủ người Hà Lan luôn được ở đúng vị trí có thể phát huy tối đa tài năng tấn công của anh như một tiền đạo trung tâm hoặc di chuyển tự do như một số 9 ảo. Luis Suarez cũng đã thi đấu theo kiểu tương tự vào mùa giải 2012/2013 khi anh bùng nổ mạnh mẽ ở đấu trường Premier League, vượt trội hơn Van Persie ở hầu hết mọi khía cạnh:
Ảnh: So sánh Luis Suarez và Robin Van Persie ở mùa giải 2012/2013 (Attack: Tấn công; Vision: Nhãn quan; Passing: Chuyền bóng; Defence: Phòng ngự; Physical: Thể chất; Dribble: Rê bóng)
Nhưng Liverpool về cơ bản là một “đội bóng một người”, với việc Suarez phải gần như hoàn toàn “gánh team”, trong khi Van Persie đã được mang về Old Trafford hoàn toàn là vì khả năng săn bàn của anh, đó là lý do vì sao anh lại chạm bóng ít hơn một chút so với mùa giải 2011/2012 ở mùa 2012/2013, và cũng tạo ra ít cơ hội hơn cho các đồng đội so với tại Arsenal. Trong màu áo Manchester United, Van Persie chỉ cần đảm nhận một nhiệm vụ duy nhất là ghi bàn.
VAI TRÒ CỦA VAN PERSIE TRONG ĐỘI HÌNH
Sau khi được Arsenal chiêu mộ với giá 2,75 triệu bảng Anh, Wenger đã phát hiện ra tiềm năng để phát triển Van Persie thành một tên tuổi khét tiếng khác trong hàng ngũ của những trung phong hàng đầu thế giới, bằng cách huấn luyện anh từ một cầu thủ chạy cánh sáng tạo (cretive winger) trở thành một tiền đạo trung tâm toàn diện (complete center-forward). “Cậu ấy chính là mẫu cầu thủ như vậy đấy,” Wenger nhận định vào năm 2011. “Với kiểu chiến thuật mà chúng tôi triển khai, cậu ấy sẽ đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì khi bạn đưa bóng đến chân cậu ấy, thì cú chạm bóng đầu tiên của cậu ấy luôn luôn hoàn hảo và điều đó cho phép những người khác có thể tham gia vào đợt tấn công.”
Với việc Dennis Bergkamp và Thierry Henry đã chiếm lĩnh hai vị trí tiền đạo trung tâm của đội hình Arsenal vào năm 2004, nên Van Persie thường sẽ chơi ở cánh, thỉnh thoảng mới đảm nhận vai trò trung phong, và hầu hết đều là vào sân từ băng ghế dự bị. Hệ thống 4-4-2 của Arsenal đã dần được biến đổi thành 4-3-3 khi Fabregas trở thành hạt nhân trung tâm trong kế hoạch của Wenger từ khoảng năm 2005, điều đó có nghĩa là các tiền đạo cánh của nhà cầm quân người Pháp được kỳ vọng là cũng sẽ đóng góp vào khâu ghi bàn nhiều hơn so với các winger truyền thống từng thể hiện trong quá khứ.
Wenger đã rất kiên nhẫn chờ đợi Van Persie vươn mình thành một cây săn bàn hàng đầu thế giới, hoàn toàn tin tưởng rằng anh sẽ bước lên để gánh vác hàng công của Arsenal khi Henry và Bergkamp ra đi, cũng như sẵn sàng trao cho anh thời gian để vượt qua các chấn thương và tỏa sáng. Khi Fabregas chia tay Emirates vào năm 2011, Samir Nasri chuyển sang thi đấu trong vai trò advanced playmaker (tiền vệ kiến thiết dâng cao), và Van Persie được trao cho chiếc băng đội trưởng, sự kiện đó đã diễn ra trùng khớp với khoảng thời gian bùng nổ nhất của tiền đạo người Hà Lan trong màu áo Arsenal.
Khá nhiều bàn thắng mà anh đã ghi vào mùa giải 2011/2012 có thể được liệt vào hàng siêu phẩm, tiêu biểu nhất chính là cú volley vào lưới Arsenal, khi anh tung ra một pha dứt điểm một chạm đẳng cấp sau đường chuyền dài của đồng đội khiến thủ môn đối phương phải bất lực, thật đáng tiếc khi pha lập công tuyệt đẹp ấy đã không thể giành được danh hiệu Bàn thắng đẹp nhất mùa của BBC.
Link video tổng hợp 37 pha lập công của Van Persie mùa giải 2011/2012 :
Nhưng với việc Wenger đã đặt rất nhiều hy vọng về cuộc đua tranh chức vô địch lên Fabregas và Van Persie, mà cả hai người họ thì lại thường xuyên gặp phải chấn thương trong những mùa giải trước đó, chính vì thế nên Arsenal đã không thể hiện thực hóa được những tham vọng của họ, để qua đó giữ chân các ngôi sao hàng đầu mà họ sở hữu. Nếu hai chàng trai này có thể xuất trận thường xuyên hơn cho The Gunners, quá khứ có lẽ đã rất khác.
Nói về những cú volley thượng thừa của Van Persie, thì pha lập công ở phút thứ 6 :42 trong video dưới đây đã giành được danh hiệu “Bàn thắng đẹp nhất mùa giải”
Động thái chuyển đến Manchester United là một quyết định chuẩn xác không thể phủ nhận, khi nó đã mang về cho tiền đạo này chức vô địch quốc gia duy nhất trong quãng thời gian gắn bó với nước Anh, nhưng chỉ sau ba mùa giải, Van Persie đã từ một ngôi sao hàng đầu của Premier League phải trôi dạt đến tận Turkish Superlig ở Thổ Nhĩ Kỳ để chơi bóng, khi mà những chấn thương lại một lần nữa cản trở anh tỏa sáng ở thế giới bóng đá đỉnh cao.
Các tiền đạo thường được nhận định là sẽ đạt đến đỉnh cao phong độ trong độ tuổi từ 27-30, và những thành tích ghi bàn của Van Persie dường như đã củng cố vững chắc thêm cho cái lý thuyết đó, không những thế, đúng thật là phong độ của anh đã bắt đầu sa sút rõ rệt sau mùa giải thứ hai khoác áo Man United, để rồi khiến cho tiền đạo người Hà Lan bị đẩy đến một giải đấu chỉ được xuất hiện trong phần “other” ở khâu lựa chọn đội bóng của FIFA 16 vào năm anh 32 tuổi.
Kế tiếp Fenerbahce là một vài mùa giải khác tại Eredivisie ở quê nhà Hà Lan, nhưng phong độ đỉnh cao nhất của Van Persie đã bùng nổ và chấm dứt từ rất lâu về trước ở Old Trafford, ngay trong mùa giải cuối cùng của Sir Alex Ferguson, như một kết quả của sự kiên nhẫn và tài luyện quân của Wenger tại Arsenal. Một món quà hưu trí hoàn hảo dành cho vị chiến lược gia người Scotland.
Vì một vài lý do mà Van Persie thường không được đề cập đến như một trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử Premier League, mà rõ ràng nhất chính là do những chấn thương mà anh đã liên tục gặp phải tại xứ sở sương mù, và một nguyên nhân khác là anh chỉ thực sự thể hiện hình ảnh của một cây săn bàn đẳng cấp thế giới trong ba mùa giải huy hoàng ngắn ngủi.
Khía cạnh đáng thất vọng nhất khi đề cập đến sự nghiệp của Van Persie là anh đã không thể có nhiều highlight hơn những gì chúng ta đã được chiêm ngưỡng, đặc biệt là tại Arsenal, để rồi luôn đi kèm với hình ảnh của anh chính là cái cảm giác đầy tiếc nuối về một tiền đạo sở hữu tài năng kiệt xuất đáng lẽ ra đã có thể làm nên nhiều điều tuyệt vời hơn nữa nếu không bị cản trở bởi những chấn thương. Thế nhưng, có lẽ điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm ở hiện tại là nhìn vào giai đoạn bùng nổ nhất của ngôi sao người Hà Lan từ năm 2011 đến 2013 với sự thán phục, trân trọng, thay vì cứ mãi than thở về những gì đã không thể diễn ra.
Trong số tất cả những điều Pep Guardiola nói về những khó khăn của Manchester City sau thất bại 1-4 trên sân Sporting Lisbon, có một câu trả lời của ông cho một câu hỏi không liên quan có lẽ là điều đáng chú ý nhất.