Ramires có thể không phải cầu thủ nổi bật nhất, nhưng anh đã từng là một mảnh ghép quan trọng trong bộ máy Chelsea bởi lối chơi nhiệt huyết, giàu năng lượng.
“Chelsea ư? Tôi mãi luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho họ và tôi muốn được thi đấu cho họ lần nữa trước khi kết thúc sự nghiệp”, Ramires chia sẻ với UOL Esporte vào năm 2018. Đã hơn 3 năm trôi qua, Ramires vẫn chưa trở lại khoác áo The Blues. Dẫu biết rằng trong cuộc sống không gì là không thể xảy ra, nhưng khi hàng tiền vệ của Chelsea đã có đủ những con người chất lượng ở đó, sự xuất hiện của Ramires có lẽ cũng không thực sự cần thiết, đặc biệt khi anh đã không còn trẻ. Hơn nữa, cái ngày quyết định rời khỏi Chelsea vào năm 2016, sự nghiệp đỉnh cao của Ramires ở bóng đá châu Âu cũng đã khép lại.
Tuy nhiên, những ký ức về “Người Kenya xanh” ở London thì vẫn luôn còn đó. Một cầu thủ cần mẫn và giàu năng lượng, người hùng trong mùa giải 2012 đáng nhớ của Chelsea. Bản thân biệt danh “Người Kenya xanh” của Ramires đã nói lên phần nào lối chơi của anh. Biệt danh đó xuất phát từ khi tiền vệ người Brazil còn chơi bóng ở Cruzeiro, đội bóng có màu sắc chủ đạo là xanh dương. Trong khi đó, Ramires thì là một cầu thủ bền bỉ, nhiệt huyết như những vận động viên điền kinh tới từ Kenya – cái nôi của rất nhiều huyền thoại trên đường chạy thế giới. Ghép hai yếu tố đó lại, người hâm mộ Cruzeiro gọi Ramires là "Queniano Azul" hay “Người Kenya xanh”.
“Đó là một cái tên đầy trìu mến, vì tôi luôn nỗ lực hết sức, không ngừng chạy ở trên sân nên họ gọi tôi là người Kenya. Tôi là ‘Người Kenya đỏ’ khi ở Benfica, và sau khi tới Chelsea tôi lại thành màu xanh”, Ramires chia sẻ trên Daily Mail vào năm 2012. Tất nhiên, một cầu thủ được đặt biệt danh chỉ khi người hâm mộ yêu quý anh ta. Với Ramires cũng vậy. Có thể trong mắt bạn, một cầu thủ Brazil phải là những người nghệ sĩ làm xiếc với trái bóng như Ronaldinho, một người hào hoa như Kaka hoặc là những cây săn bàn cự phách như Ronaldo. Tuy nhiên bóng đá Brazil cũng có không ít những người “công nhân” sẵn sàng làm nền cho đồng đội toả sáng.
Cây bút Michael Cox nhận định rằng cuối thập niên 2000, đầu thập niên 2010, bóng đá Brazil thực sự khan hiếm những tiền vệ con thoi tài năng. Ramires nổi lên trong số đó, một cầu thủ đảm đương tốt được cả vai trò tiền vệ cánh lẫn tiền vệ trung tâm. Tại Benfica, Ramires thi đấu ở bên phải của hàng tiền vệ, nhưng khi đội bóng tấn công, tiền vệ trái Angel Di Maria và nhạc trưởng Pablo Aimar sẽ hỗ trợ cặp tiền đạo Jaiver Saviola và Oscar Cardozo, trong khi Ramires sẽ lùi xuống tạo thành cặp tiền vệ trung tâm với cầu thủ đá thấp nhất ở khu trung tuyến là Javi Garcia.
Câu chuyện của Ramires ở Chelsea cũng xoay quanh sự đa năng. Gia nhập Chelsea vào năm 2010 với mức giá 22 triệu euro, nhưng mùa giải đầu tiên, tiền vệ người Brazil chưa hoàn toàn là nhân tố chủ lực ở hàng tiền vệ dù đã có 41 lần ra sân trên mọi đấu trường nhưng tại Premier League chỉ có 22 lần đá chính. Mùa bóng tiếp theo, những đóng góp về mặt bàn thắng của Ramires được cải thiện đáng kể với 12 pha lập công và 7 kiến tạo, trong đó có 5 bàn thắng ở Premier League. Lúc này, nhiệm vụ của Ramires vẫn chủ yếu là phòng ngự và thỉnh thoảng dâng lên hỗ trợ tấn công.
Anh nói về vai trò của mình như thế này: “Khi đội bóng phòng thủ, tôi cố gắng thu hẹp khoảng trống ở trung lộ lại. Và khi chúng tôi tấn công, tôi phải làm thế nào đó để mở ra nhiều không gian hơn cho các cầu thủ sáng tạo và sẵn sàng hỗ trợ”. Năng lực của Ramires càng được chú trọng hơn nữa ở Chelsea dưới thời Roberto Di Matteo sau khi chiến lược gia người Italy trở thành HLV tạm quyền thay thế Andre Villas-Boas.
Ảnh: Getty Images
Trong một tập thể rơi vào khủng hoảng dưới thời Villas-Boas, nhiệm vụ của Di Matteo là phải vực dậy bằng được để tránh mùa giải sẽ có kết cục thảm hoạ. Cuối cùng nó lại kết thúc ngọt ngào với The Blues bằng hai danh hiệu FA Cup và Champions League, trong đó chiếc cúp sau thực sự là chiến quả tuyệt vời về lòng nỗ lực và sự quả cảm. Chinh chiến ở đấu trường châu Âu, Di Matteo áp dụng chiến thuật phòng ngự chặt, và những cầu thủ giàu năng lượng như Ramires được tin tưởng hơn cả. Điều đó càng được thể hiện rõ khi Chelsea phải đối đầu đội bóng mạnh bậc nhất thời điểm bấy giờ là Barcelona, khi cách chơi tiki-taka vẫn đang ngự trị trên đỉnh cao thế giới. Chelsea sẵn sàng nhường thế trận cho đối thủ, và kiên nhẫn chờ đợi thời cơ như một con hổ rình mồi.
Trận đấu lượt đi trên sân Stamford Bridge, Barca tung ra tổng cộng 12 cú dứt điểm trong đó 8 tình huống trúng mục tiêu. Trong khi đó, Chelsea có vỏn vẹn 3 cú dứt điểm về khung thành Victor Valdes và chỉ 1 trong số đó đi trúng mục tiêu. Điều đáng nói là tình huống dứt điểm trúng mục tiêu đó lại trở thành bàn thắng duy nhất của trận đấu. Phút bù giờ của hiệp 1, Frank Lampard cướp bóng trong chân Lionel Messi ở giữa sân, anh quan sát và phất một đường bóng chéo sang cánh trái. Xavi đã để ý không gian xung quanh mình, nhưng anh không thể nào truy cản được một Ramires băng lên đầy tốc độ từ sân nhà. Tiền vệ người Brazil dẫn bóng vào vòng cấm trước khi căng ngang cho Didier Drogba ghi bàn.
Trận đấu lượt về thậm chí còn kinh điển hơn thế rất nhiều. Đúng như mọi người suy nghĩ, Barcelona kiểm soát thế trận hoàn toàn từ những phút đầu tiên và đã vươn lên dẫn trước 2-0 chỉ sau 43 phút. Lúc này, về mặt tổng tỉ số, Chelsea đã thua Barca, trong khi đó họ cũng mất luôn cặp đôi trung vệ xuất phát là Gary Cahill và John Terry vì chấn thương và thẻ đỏ. Trong tình thế cấp bách vì mất người, Di Matteo đã định kéo John Obi Mikel xuống đá trung vệ để tận dụng thể hình, thể lực của anh. Nhưng nhược điểm của Mikel là anh không đủ nhanh nhẹn để có thể truy cản Lionel Messi hay Alexis Sanchez.
Chính vì lẽ đó, Di Matteo đã nghe theo lời khuyên của Jose Bosingwa là để hậu vệ cánh người Bồ Đào Nha vào sân đá cạnh Branislav Ivanovic ở trung tâm hàng phòng ngự còn Ramires sẽ đá hậu vệ phải. Khi đó, Juan Mata dạt sang phải trong khi Didier Drogba thì dạt sang trái để bít cánh. The Blues đã hoàn toàn chấp nhận nhường thế trận cho đối thủ và hy vọng sẽ có thể chớp được thời cơ ở một khoảnh khắc nào đó. Và khoảnh khắc ấy đã lại đến ở phút bù giờ hiệp 1. Lampard lấy được bóng ở cánh phải sau pha tranh chấp với Javier Mascherano, anh ngoảnh mặt sang trái quan sát đồng đội và tung một đường chọc khe xuất sắc đúng đường chạy của Ramires từ tuyến dưới.
Trong một khoảnh khắc có lẽ là xuất thần, Ramires đã làm điều không ai tin nổi là bấm bóng qua đầu Valdes để rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 và tổng tỷ số là 2-2 nhưng Chelsea có lợi thế bàn thắng sân khách. Bạn có thể nhớ tới pha lập công ấn định tỷ số của Fernando Torres, nhưng kỳ thực bàn thắng của Ramires mới mang tính bước ngoặt, bởi lúc đó Chelsea đang đối mặt muôn trùng khó khăn trước sức ép đến nghẹt thở mà Barca tạo nên.
Ảnh: Getty Images
Một bàn thắng mang đúng chất ngẫu hứng của người Brazil từ một cầu thủ luôn được nhìn nhận không phải một người có lối chơi nghệ sĩ. Chắc chắn bạn sẽ không kỳ vọng Ramires sẽ ghi bàn thắng như thế, nhất là khi cú dứt điểm đó có rủi ro thất bại quá cao. Sự chính xác cùng tính đột biến của nó đã chinh phục tất cả. Dù tấm thẻ vàng phải nhận trước đó 2 phút khiến Ramires không thể tham dự trận chung kết, nhưng chỉ bàn thắng đó thôi là đủ để biến anh thành người hùng và biến mùa giải đó của Chelsea trở thành kinh điển.
Ramires có thể không phải cầu thủ nổi bật nhất, nhưng anh đã từng là một mảnh ghép quan trọng trong bộ máy Chelsea. Và có lẽ những dòng miêu tả dưới đây của cây bút Michael Cox trên The Guardian là đủ để tóm tắt lại hình ảnh của “Người Kenya xanh”:
“Cú dứt điểm lạnh lùng của Ramires nâng tỷ số lên 3-1 ở bán kết FA Cup trước Tottenham (mùa giải 2011/2012 – BTV) chính là những gì Di Matteo muốn ở anh. Và theo nhiều khía cạnh, trận đấu trên sân Wembley chính là trận đấu kinh điển của Ramires. Nhìn vào bài tường thuật trực tiếp của cây bút Simon Burnton, cái tên Ramires không xuất hiện cho đến khi Simon mô tả về bàn thắng ở phút 77. Anh không làm điều gì nổi bật hay quá ngoạn mục tuy nhiên anh ấy luôn sẵn sàng chuyền bóng, luôn đứng đúng vị trí và luôn hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự. Ramires hỗ trợ Jose Bosingwa xử lý Gareth Bale đồng thời khiến Benoit Assou-Ekotto có một buổi chiều khó khăn. Anh có mặt ở trung tâm, nơi sự cạn kiệt sức lực của Scott Parker được thể hiện rõ khi đặt cạnh nguồn năng lượng vô tận của cầu thủ người Brazil.
Điều đó được tổng hợp thêm về mặt thống kê. Ramires là cầu thủ tắc bóng và rê bóng thành công nhiều nhất của Chelsea – một vai trò độc nhất vô nhị với một cầu thủ ở Premier League. Anh hỗ trợ cả phòng ngự và tấn công, chạy bao quát nhiều hơn bất cứ đồng đội nào. Trong chiến thắng trên sân nhà trước đội bóng cũ Benfica, anh đã chạy 11.839km – tương đương 105 lần chiều dài sân Stamford Bridge. Ramires cũng là cầu thủ kỹ thuật, nhưng sự cơ động mới là phẩm chất chính”.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.