Ralf Rangnick có thể không phải một HLV Đức thành công nhất xét về số lượng những danh hiệu. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông với bóng đá Đức lại vô cùng to lớn.
Tháng 12/2008, HLV Joachim Low của đội tuyển Đức dự khán trận đấu giữa Hoffenheim và Bayern Munich. Chung cuộc Bayern giành chiến thắng 2-1, nhưng đội thua cũng nhận được không ít lời ngợi ca. Sau trận, tờ nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung đã dành lời ca ngợi cho Hoffenheim: “Hệ thống của họ thực sự là ngôi sao”. Trong khi đó, Low nhận xét: “Đây có lẽ là trận đấu nhanh nhất của Bundesliga” từ trước tới nay. Người dẫn dắt Hoffenheim khi đó là Ralf Rangnick.
Mùa hè năm 2006, hơn nửa năm sau khi bị Schalke 04 sa thải, Rangnick được đội bóng hạng ba nước Đức là Hoffenheim mời về làm HLV trưởng. Và ông đã làm những điều gần như chưa từng có ở bóng đá Đức thời đó như thuê chuyên gia phân tích video, chuyên gia tâm lý đến làm việc. Đến mùa giải 2008/2009, Hoffenheim đã có mặt ở Bundesliga. Nhưng bạn sẽ không thể hiểu hết tầm ảnh hưởng của Rangnick – người mà ESPN gọi là “người cha của bóng đá Đức hiện đại” - nếu không biết những đối thủ của ông đã gặp khó khăn như thế nào.
Vòng 5 Bundesliga mùa giải 2008/2009, Hoffenheim đánh bại Dortmund trên sân nhà. Trong cuộc họp báo một tuần sau, HLV Jurgen Klopp tuyên bố lối chơi của Hoffenheim chính là thứ bóng đá mà ông muốn Dortmund sẽ chơi. Phần còn lại là lịch sử. Dortmund sau đó giành hai chiếc đĩa bạc Bundesliga và lọt vào chung kết Champions League còn Klopp vươn mình trở thành một chiến lược gia hàng đầu thế giới với triết lý chơi bóng nhanh, khoa học, kỷ luật và chính xác. Nhưng một phần của nó được bắt đầu từ chính nguồn cảm hứng mang tên Ralf Rangnick. “Ông ấy là một trong những HLV giỏi nhất, nếu không muốn nói là HLV giỏi nhất nước Đức”, Klopp ca ngợi người tiền bối của mình.
HLV trưởng hiện tại của Liverpool không phải người duy nhất chịu ảnh hưởng từ Rangnick. Julian Nagelsmann của Bayern Munich từng nói: “Ralf có một góc nhìn rất đặc biệt về bóng đá. Tôi đã sử dụng triết lý của Ralf ở Hoffenheim, gây áp lực để phản công (counter-pressing) là thứ rất quan trọng”. Trong khi đó, Thomas Tuchel thừa nhận: “Tôi chính là một đại diện của ‘trường bóng đá Stuttgart’. Cũng giống như khi bạn được định hình con người bởi cha mẹ thì ở đây, sự nghiệp HLV non trẻ của bạn được định hình. Tôi đã cống hiến cho trường Stuttgart, nơi đại diện cho tư duy tấn công, phòng ngự chủ động (pressing) và lối chơi định hướng bóng. Tất nhiên là tôi đã tiếp tục phát triển, nhưng nền tảng thì xuất phát ở Stuttgart”.
“Trường bóng đá Stuttgart” mà Tuchel nhắc đến chính là do Rangnick khởi xướng. Đó chỉ là cách gọi cho một triết lý mà ông tạo ra cho hệ thống đào tạo của Vfb Stuttgart. Rangnick bắt đầu sự nghiệp huấn luyện vào năm 1983 với vai trò HLV kiêm cầu thủ cho đội hạng sáu Viktoria Backnang. Và ông thực sự đã được khai sáng khi có cơ hội đối đầu Dinamo Kiev của HLV huyền thoại Valeiry Lobanovskyi khi đội bóng Ukraine đang có chuyến tập huấn tại Đức.
Ralf Rangnick là người truyền cảm hứng cho Jurgen Klopp. Ảnh: Getty Images
“Trong vài phút, khi bóng ra ngoài biên, tôi phải dừng lại để đếm số lượng cầu thủ của đối phương. Tôi nghĩ hình như có gì đó sai sai, phải chăng họ đang có 13 hay 14 người trên sân ư?”, Rangnick chia sẻ. “Đó là lần đầu tiên tôi biết cảm giác khi đối đầu một đội bóng gây áp lực lên bóng có tính hệ thống như vậy. Trước đó tôi đã đối đầu với những CLB chuyên nghiệp và tất nhiên chúng tôi cũng thua những trận đó nhưng ít ra họ còn cho bạn chút không gian để thở, một cơ hội để ‘chạm chân vào bóng’. Còn trước Kiev, tôi chịu áp lực suốt cả 90 phút và các đồng đội của tôi cũng vậy. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận: thứ bóng đá này quá khác biệt”.
Không chỉ Lobanovskyi mà Ernst Happel, Zdenek Zeman, Arrigo Sacchi cũng là những người có tầm ảnh hưởng lên triết lý huấn luyện của Rangnick. Đặc biệt, lối chơi phòng ngự khu vực với 4 hậu vệ mà Sacchi áp dụng ở AC Milan khiến Rangnick thích thú. Nhà cầm quân người Đức đã dành rất nhiều giờ đồng hồ xem băng hình các trận đấu của Milan, quan sát cách Rossoneri phòng ngự khu vực ra sao. Và cũng giống như Sacchi, ông cũng bị coi như một kẻ “dị giáo”. Nếu như bóng đá Italy thời kỳ đó thường chơi với hệ thống catenaccio với 5 hậu vệ, trong đó có một libero, thì bóng đá Đức giai đoạn ấy cũng thường xuyên sử dụng hệ thống có libero.
Ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với ESPN vào năm ngoái như sau: “Phản ứng của truyền thông cũng như những người làm bóng đá rất dữ dội. Lý do chính là vì 30 năm trước đó, Franz Beckenbauer đã thiết lập nên tiêu chuẩn cho hầu hết các đội bóng ở đất nước chúng tôi khi ông tạo ra vị trí hậu vệ thòng. Thậm chí Franz còn nói vào giữa thập niên 90 là bạn không thể nào phòng ngự khu vực với hàng phòng ngự 4 người vì các cầu thủ Đức sẽ không hiểu cách đá ấy. Tôi tự hỏi tại sao cầu thủ Đức lại có thể kém thông minh hơn cầu thủ Bỉ, Tây Ban Nha hay Hà Lan được? Với tôi điều đó là bất hợp lý”.
Sự chỉ trích nhắm vào Ralf Rangnick còn dữ dội hơn nữa khi năm 1998, ông là HLV đầu tiên ở Đức lên truyền hình để chia sẻ về chiến thuật và chủ đề hôm đó là phòng ngự khu vực với 4 hậu vệ mà ông sử dụng. MC Michael Steinbrecher của chương trình “Ran” trên đài ZDF Sportstudio ngày hôm đó nhớ lại: “Nhiều khán giả xem chương trình ở nhà đã bảo chúng tôi là họ chẳng hiểu những điều đó là gì?”. Trong khi đó, các đồng nghiệp của Rangnick thì gọi ông là “Giáo sư” với hàm ý chế nhạo vì cho rằng ông đang lên truyền hình để rao giảng triết lý và dạy dỗ những người khác. Với những vị HLV theo trường phái cũ và không thích những tư duy mới, họ coi Rangnick như một cái gai.
Ralf Rangnick là một nhà tiên phong của bóng đá Đức và có cả kinh nghiệm trên cương vị huấn luyện lẫn quản lý. Ảnh: Getty Images
HLV Erich Ribbeck, HLV trưởng đội tuyển Đức thời điểm ấy, nói: “Tôi rất thất vọng với những cuộc thảo luận quá đà về hệ thống chiến thuật giống như một đồng nghiệp của tôi khua môi múa mép trên ZDF Sportstudio như thể các HLV khác ở Bundesliga là những gã ngốc vậy”. “Hoàng đế” Franz Beckenbauer thì chỉ trích hệ thống 4 hậu vệ: “Tất cả những cuộc thảo luận về hệ thống đó là vô nghĩa. Những cầu thủ khác có thể làm nhiều nhiệm vụ với bóng hơn còn cầu thủ Đức chúng ta thì không. 4 hậu vệ chính là tự sát”.
Nhưng tất cả đã sai về Rangnick. 4 hậu vệ sau đó đã trở thành xu hướng của thế giới bóng đá. Còn lối đá chú trọng vào quá trình chuyển đổi trạng thái, phòng ngự chủ động, gây áp lực ngay khi mất bóng của ông lúc này đang là cách chơi của bóng đá hiện đại. Với Rangnick, “cơ hội lớn nhất để ghi bàn là trong vòng 10 giây sau khi đoạt bóng. Cơ hội lớn nhất để đoạt lại bóng là trong vòng 8 giây sau khi mất bóng. Hãy nghĩ về hai con số này và ý nghĩa của chúng, những thứ khác chỉ xoay quanh nó mà thôi”. Bạn thấy quen phải không nào? Đó chính là Gegenpressing mà chúng ta thường nói về Jurgen Klopp, thứ mà Klopp gọi là “không có tiền vệ kiến thiết nào trên thế giới sánh bằng”.
Rangnick chính là người tiên phong và những hậu bối đã đưa triết lý của ông lên đỉnh cao. Ông sẵn sàng đi ngược lại số đông, kiên quyết không thỏa hiệp và quyết liệt với ý tưởng của mình đến tận cùng. Bởi lẽ đó, sẽ thật thú vị khi trong thời gian tới, khán giả Premier League sẽ được chứng kiến thêm một bộ não chiến thuật và quản lý xuất sắc như Ralf Rangnick tới làm việc.
Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…