Khoảng một tuần trước cuộc đối đầu giữa Mỹ và Mexico trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 khu vực CONCACAF, các đài truyền hình xứ sở cờ hoa dù bận rộn cập nhật tin tức bầu cử nhưng vẫn không quên chiếu đi chiếu lại hình ảnh trận đấu vòng loại giữa hai đội 15 năm trước với hình ảnh mờ mịt chưa chuẩn SD, bảng tỉ số phẳng không bóng bẩy, trang phục màu mè kiểu xưa cũ.
|
Rafael Marquez: Cánh chim không mỏi |
15 năm đã trôi qua, hầu hết các cầu thủ tham dự trận đấu ngày ấy giờ đã không còn thi đấu. Ngoại trừ duy nhất mọi người: đó chính là Rafael Marquez, cầu thủ đã 37 tuổi nhưng chưa giải nghệ, thậm chí còn tiếp tục có mặt trong hàng ngũ Mexico trong trận chiến báo thù sắp tới.
Marquez mới chỉ 21 tuổi ở thời điểm trận đấu năm 2001. Tuy nhiên, trận thua đó lại là cột mốc đáng nhớ, bởi sau đó, Marquez bắt đầu đà thăng tiến như vũ bão trong sự nghiệp. Chuyển tới thi đấu tại trời Âu ở độ tuổi còn rất trẻ, anh sớm để lại dấu ấn, sau bốn năm khoác áo Monaco, anh được Barcelona chiêu mộ với mức giá kỉ lục dành cho một cầu thủ Bắc Mỹ khi đó. Phần còn lại là câu chuyện cái tên Rafael Marquez – cầu thủ Mexico đầu tiên gia nhập Los Blaugrana làm nên lịch sử.
Bảy năm thi đấu tại Tây Ban Nha là bảy năm Marquez cùng người đá cặp Carles Puyol hợp thành tấm khiên sắt đầy chắc chắn và mở ra một kỉ nguyên vàng son cho đội bóng xứ Catalunya với 4 La Liga, 1 Copa del Rey, 3 Siêu Cúp Tây Ban Nha và đặc biệt là 2 chiếc cúp Champions League danh giá. Từ thời Frank Rijkaard cho đến thời Pep Guardiola, với khả năng chơi bóng thông minh dựa trên nền tảng kỹ thuật tốt, Marquez từng được đánh giá là một trong những trung vệ xuất sắc thế giới. Ở anh còn có sự đa năng, khi có thể chơi tốt ở vai trò hậu vệ cánh hoặc tiền vệ phòng ngự. Chất hào hoa Châu Mỹ chảy trong huyết quản Marquez gần như là sự bổ trợ hoàn hảo cho chất chiến đấu quả cảm của Puyol.
|
Rafael Marquez - Puyol - Ronaldinho |
Cũng từ thời điểm này, Marquez được coi như một huyền thoại sống của làng bóng đá Mexico đương đại và mặc định là thủ lĩnh bất khả xâm phạm tại đội tuyển quốc gia. Được tin tưởng giữ băng đội trưởng đoàn quân Aztecs, đã 15 năm kể từ trận thua lịch sử trên đất Mỹ năm ấy, vẫn chưa có ai khác thay thế anh giữ trọng trách cao cả ấy. Marquez đóng vai nhân chứng sống, là gạch nối từ quá khứ đến hiện đại của bóng đá Mexico.
Vị nhân chứng ấy đã chứng kiến những trận thua đau đớn của đội nhà trước đại kình địch phương Bắc. Tất cả đều là những trận đấu mang tính chất sống còn trong khuôn khổ các vòng đấu World Cup. 15 năm, 4 trận đấu vòng loại trên đất Mỹ, cùng trên một sân vận động, Mexico đều để thua với cùng tỉ số 0-2. Không chỉ vậy, chính Mỹ còn hạ đo ván Mexico ở vòng 16 đội World Cup 2002 trên đất Hàn Quốc. Marquez đều có mặt tại đó, nếm trải nỗi đau và sự chế giễu từ các cổ động viên Mỹ. Khao khát trả nợ là chưa bao giờ nguôi trong lòng người chiến binh và ở độ tuổi 37, Marquez vẫn quyết tâm dẫn đầu đoàn quân báo thù áo xanh.
Trước trận đấu này, người Mỹ liên tục đưa ra những lời khiêu khích tâm lí chiến và rêu rao về lời nguyền ‘Dos a Cero’ – ‘Hai-Không’, ám chỉ kết quả mà Mexico và Marquez đã liên tục phải nhận suốt 15 năm qua. Sân vận động thành phố Columbus, Ohio, địa điểm tổ chức bốn trận vòng loại vừa qua tiếp tục được trưng dụng làm địa điểm đón tiếp. Thiên la địa võng được người Mỹ bày ra, trọng trách phá bỏ lời nguyền đặt lên vai các cầu thủ Mexico nặng một thì trên vai thủ lĩnh Marquez nặng mười. ‘Vị Hoàng đế’ của bóng đá Mexico đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt kêu gọi anh giã từ đội tuyển để nhường chỗ cho lứa cầu thủ trẻ hơn. Sức ép này càng lớn hơn khi đối thủ phía trước Marquez không đem lại kỉ niệm tốt đẹp gì khi dấu ấn đáng kể nhất anh để lại mỗi lần chạm trán với Mỹ chỉ là những thẻ phạt.
Tuy nhiên, mọi lời chỉ trích, mọi lời ca thán hoàn toàn tan biến sau khi hồi còi kết thúc trận đấu vang lên. Phải chứng kiến tận mắt mới thấy được Marquez tả xung hữu đột phá bóng dũng mãnh hay đến thế nào. Thật khó có thể tin đó là những động tác của cầu thủ đã ở độ tuổi bên kia sườn dốc sự nghiệp. Mái tóc được cắt ngắn không còn bồng bềnh lãng tử, khuôn mặt xạm đi mang dấu ấn thời gian, một Marquez với vẻ ngoài dù xù xì nhưng vẫn đầy chất hào hoa tuổi trẻ đã khóa chặt hệ thống tấn công của đội chủ nhà trong phần lớn thời gian trận đấu.
|
Rafael Marquez: Cánh chim không mỏi của El Tri |
‘Dos a Cero’ bị vô hiệu hóa ngay trong hiệp 1 khi Mexico sớm vươn lên dẫn trước và hơn ai hết, Marquez biết rõ rằng đây là thời điểm thích hợp hơn bao giờ hết để phá vỡ lời nguyền. Bàn thắng gỡ hòa trong hiệp Hai của đội tuyển Mỹ chỉ như một đốm sáng le lói trong thế trận mà Mexico áp đảo hoàn toàn. Họ tấn công, họ dồn ép Mỹ tới chân bức tường mà Donald Trump chuẩn bị xây. Thứ Mexico còn thiếu, đó chính là bàn thắng.
Trận đấu trôi dần về những phút cuối, thời gian còn rất ít và cơ hội cho Mexico phục thù ngày càng hẹp hơn, đó là lúc Marquez xuất hiện. Nữ danh họa đồng hương nổi tiếng của Marquez, Frida Kahlo từng nói: “Cần gì chân, khi ta đã được chắp thêm đôi cánh?”. ‘Vị Hoàng đế’ không ngai của Mexico ở tuổi 37 như được Chúa ban phước lành cho thêm đôi cánh thiên thần để bật cao hơn tất cả đánh đầu tung nóc lưới và giúp Mexico giật 3 điểm quý giá vào phút chót. Anh ăn mừng đầy cảm xúc. Giữa những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt khắc khổ của Marquez dường như le lói những giọt nước mắt hạnh phúc. Pha ghi bàn của Marquez không chỉ đánh bại tuyển Mỹ, đánh bại lời nguyền, mà còn như cú tát trời giáng đánh bại thời gian hữu hạn của người đàn ông không tuổi.
Tinh thần thi đấu không biết mệt mỏi luôn hiện hữu trong Marquez. Anh chiến đấu bền bỉ, không ngừng nghỉ, chưa bao giờ bi quan và luôn nỗ lực hết mình. Có mấy cầu thủ hiếm hoi xuất hiện tại mọi giải đấu quốc tế Mexico tham dự từ năm 1999 đến nay? Có ai khác ngoài Marquez, một trung vệ, ghi bàn tại ba kì World Cup sắp tới? Với mọi vinh quang giành được, Marquez đáng lẽ ra có thể an phận trong ngôi đền huyền thoại, nhưng trái tim Latin sục sôi nhiệt huyết của anh vẫn không muốn ngừng nghỉ.
Thắng Mỹ, con đường đến với World Cup 2018 không còn quá xa xôi. Bốn lần Marquez cùng Mexico tham dự Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đều phải kết thúc trong nước mắt vòng 1/16. Ước mơ cùng Mexico đạt được thành tích lịch sử là lọt đến vòng tứ kết vẫn luôn cháy bỏng trong anh và có lẽ, tất cả sức lực và cố gắng đang được Marquez đem đặt vào canh bạc cuối cùng này. Đó không khác nào thay lời tuyên ngôn khẳng định cho tinh thần kiên định và không bao giờ bỏ cuộc đã làm nên chân giá trị của Rafael Marquez. Luôn cống hiến và cháy hết mình.
Xin nhường lời kết cho một câu thơ, cũng của Frida Kahlo: “Tôi muốn ra đi trong niềm vui thú, để rời xa không tiếc nối điều gì…”
HOÀNG BÁCH (TTVN)