Xabi Alonso hiện đang là HLV của đội Real Sociedad B. Sau khi chia tay sự nghiệp cầu thủ đầy vinh quang, anh bắt đầu bước vào một hành trình mới hứa hẹn đầy gian nan. Cuộc phỏng vấn của ký giả Simon Hughes với cựu tiền vệ người Tây Ban Nha sẽ tiết lộ những quan điểm của Alonso trong công việc huấn luyện.
1. “Họ đã giành bao nhiêu danh hiệu nhỉ?”, Xabi Alonso tự hỏi chính mình sau khi được hỏi về số lượng cúp mà các HLV từng dẫn dắt anh đã nâng trong suốt sự nghiệp.
“Anh đang nói về Toshack, Rafa, Jose, Ancelotti và Pep phải không?”.
Và Manuel Pellegrini nữa, tôi nhắc anh. Nhà cầm quân người Chile chỉ dẫn dắt Real Madrid trong một mùa giải. “Nhưng đó là một quý ông. Tôi rất thích ông ấy”, anh khẳng định. “Tôi nghĩ tất cả cầu thủ cũng vậy…”. Alonso dựa lưng vào ghế ở khu tập luyện Zubieta của Real Sociedad. Khu tập luyện này nằm trên những ngọn đồi cao ở San Sebastian. Anh vuốt cằm và suy nghĩ vấn đề một cách nghiêm túc. Việc đong đếm danh hiệu hoàn toàn không phải điều anh suy nghĩ trước đó. Anh cố gắng đếm nhưng sớm nhận ra là nó quá nhiều.
“Tính cả Luis Aragones và Del Bosque ở đội tuyển quốc gia nữa đúng không?”. Con số tăng lên rất cao. “Có lẽ là 110?”, anh đoán. Con số thực sự là 121, nhưng anh cũng không ngạc nhiên. Những danh hiệu này giành được ở 13 quốc gia khác nhau.
“Rất nhiều tri thức”, anh kết luận. Không nhiều cầu thủ trong thế kỷ 21 thành công như Alonso. Ở Liverpool, anh từng là một phần của “Phép màu Istanbul”. Sau đó, anh lên ngôi FA Cup nhưng bỏ lỡ danh hiệu Premier League trong mùa giải cuối cùng ở Anfield -
“nỗi nuối tiếc lớn nhất” - trước khi chuyển tới Real madrid - nơi anh là nhân tố quan trọng góp phần lật đổ sự thống trị của Barcelona để giành La Liga.
Anh rời Tây Ban Nha một lần nữa sau khi đã đoạt được cú Decima rồi giành 3 danh hiệu vô địch Bundesliga liên tiếp ở Bayern Munich. Với đội tuyển quốc gia, Alonso giành 2 chức vô địch Euro và 1 World Cup. Vậy anh có hài lòng không? “Có, tất nhiên rồi…”
Tôi cảm nhận một từ “nhưng” sắp được nói ra. Phải chăng là chưa thỏa mãn?
“Tôi không giành được danh hiệu nào cùng Sociedad và tôi là người San Sebastian”, anh nói. Đội bóng ấy đã suýt chút nữa đoạt được La Liga năm 2003 khi đã chiến thắng Real Madrid 4-2 vào giai đoạn tháng 4. Đó sẽ là điều rất có ý nghĩa với Alonso và người dân San Sebastian - nơi mà trong nhiều quán bar của thành phố còn treo bức ảnh cũ kỹ khi Jesus Zamora ghi bàn vào năm 1981 để giúp đội bóng mà ông thi đấu suốt cả sự nghiệp trở thành nhà vô địch Tây Ban Nha lần đầu tiên trong lịch sử.
Ông Miguel - cha của Xabi Alonso, hay còn gọi là “Periko” - là một thành viên quan trọng của hàng tiền vệ năm đó cũng như đội hình bảo vệ thành công danh hiệu này 12 tháng sau - mùa giải mà con trai Xabi của ông chào đời. “Tôi lớn lên cùng đội bóng huyền thoại và thời điểm đó”, Alonso nói với một chút thất vọng của người biết đã bỏ lỡ những quãng thời gian tuyệt mỹ nhất. “Tôi chỉ có thể tưởng tượng San Sebastian sẽ ra sao mà thôi…”.
Điều này khiến tâm trí anh lại trở về với Liverpool - nơi anh sống trong một căn hộ ở Albert Dock và có thể thoải mái đi lại, trò chuyện ở những quán bar trong thành phố mà không bị chú ý bởi anh ăn mặc như một sinh viên với phong cách thoải mái. Bên cạnh những khung cảnh bên ngoài hội trường St George’s sau khi đội bóng trở về từ Istanbul, anh cũng tự hỏi liệu không khí 4 năm sau đó sẽ ra sao nếu đội bóng giành Premier League, chấm dứt 19 năm đợi chờ. “Chúng tôi đã ở rất gần rồi”, anh nói kèm một nụ cười buồn. “… dù đội hình hiện tại còn gần hơn, tôi nghĩ vậy”.
Có vẻ như nỗi thất vọng kéo dài hơn những sự hài lòng về thành tích. Có lẽ điều đó giải thích phần nào lý do Alonso quyết định trở thành một HLV. Đây là mùa giải đầu tiên mà anh trở lại đội bóng nơi khởi đầu cho tất cả. Năm ngoái, anh từng vô địch quốc gia lứa U14 cùng đội U14 Real Madrid trước khi đến đội Real Sociedad B do ông Imanol Alguacil đã được đôn lên dẫn dắt đội một. Dù giành nhiều danh hiệu hơn rất nhiều cầu thủ, anh vẫn cảm thấy “rất nhiều thứ có thể giành được”. Tư duy rằng mình có thể thất bại là thứ thúc đẩy anh nhiều nhất.
“Những thách thức thật thú vị”, anh nói. “Tôi cảm thấy giống như mình phải chứng tỏ bản thân sau mỗi ngày vậy. Tôi không muốn mình được biết đến bởi những điều đã làm trong quá khứ. Tôi muốn được biết đến bởi những gì đang làm”. Alonso không so sánh những HLV mà anh từng làm việc cùng trong suốt 18 năm quần đùi áo số. Chắc chắn phải có điểm chung giữa họ chứ nhỉ?
“Họ đều là những nhà lãnh đạo”, anh bày tỏ quan điểm. “Mỗi HLV đều có khả năng chiếm được lòng tin của các cầu thủ. Bất kể họ nói điều gì, các cầu thủ cũng thực sự tin tưởng. Họ rất cương quyết, rất rõ ràng về ý tưởng và từng cầu thủ đều biết HLV của họ là ai. Họ có thể truyền tải thông điệp theo cách mà tất cả mọi người đều hiểu. Điều đó giúp họ nhận được sự tôn trọng - thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng có được trong một tập thể. Nếu các cầu thủ không tin vào thông điệp của HLV thì thời gian của ông ấy cũng chẳng có nhiều đâu”.
2. Ở sân Campo Jose Luis Orbegozo (nơi Real Sociedad B chơi các trận sân nhà) có một bảng ghi tên các cầu thủ từng ở đây và đã lên đội một như một lời nhắc nhở cho các cầu thủ đội B mỗi khi họ bước chân vào nơi này. Tôi hỏi Alonso về một điểm bất thường trong danh sách này. Alberto Gorriz là cầu thủ nắm giữ kỷ lục ra sân nhiều nhất cho CLB nhưng con số chỉ dừng lại ở 599, Tại sao lại không phải 600?
Alonso bảo tôi rằng Gorriz thi đấu cùng đội với cha của anh - giành 2 La Liga cũng như Copa del Rey và Siêu cúp Tây Ban Nha. Ông lớn lên trong nước ở thập niên 50 suốt thời kỳ cai trị của Franco. Ngoài việc ít dính chấn thương, Gorriz sau này giải thích tuổi thọ nghề nghiệp của ông là do “tập luyện, may mắn, tận tụy và sự tin tưởng của các HLV”.
Thế nhưng Toshack - người đã không cho Gorriz có trận đấu thứ 600 cho CLB trong lần ra sân cuối cùng trước khi treo giày ở tuổi 35 - lại khác. Gorriz nhớ lại một cuộc trò chuyện trong phòng thay đồ trước vòng đấu áp chót mùa giải 1992/1993 tại sân Atotxa (sân cũ của Sociedad). Toshack gọi ông bằng biệt danh: “Này, Bixio, cậu đã đá bao nhiêu trận rồi ấy nhỉ? 599 quả là con số đẹp”. Gorriz đáp: “Vâng, nhưng 600 thì còn đẹp hơn…”.
Dù Gorriz đã tập luyện cả tuần một cách bình thường với các cầu thủ đá chính, Toshack đưa ông tới Barcelona cùng đội nhưng Gorriz vẫn phải khởi động “suốt một giờ đồng hồ”. Thời điểm đó, ông đã nghĩ đó là “một cử chỉ rất xấu và tôi vô cùng thất vọng” trước khi nhận ra rằng Toshack quan tâm tới tương lai của Sociedad: “Thế hệ mới phải được ưu tiên”, Gorriz nói.
7 năm sau, Toshack dẫn dắt Sociedad lần thứ 3 và Alonso tự nhận anh là “quyết định quan trọng của HLV” bởi anh được đôn lên đội một vào một giai đoạn kỳ lạ khi ông Periko cha anh - tiền nhiệm của Toshack - chỉ tại vị trong 10 trận. Gia đình Alonso rất gắn kết với văn hóa CLB, Xabi và anh trai Mikel thường giúp các thủ môn khởi động trước buổi tập vào sáng thứ 7 khi họ còn nhỏ trong khi Periko thì huấn luyện đội B. Xabi Alonso đã ở gần các cầu thủ chuyên nghiệp suốt một thời gian dài.
“Toshack có tất cả bản năng về bóng đá”, Alonso nhớ lại. “Ông đưa ra những quyết định và không thay đổi lập trường dù có bị chỉ trích thế nào. Ông có cá tính mạnh mẽ. Không phải quá thiên về phân tích, theo dõi các pha di chuyển. Ông có khả năng phát huy tối đa năng lực các cầu thủ không quá kỹ thuật. Ông có thể nhìn ra những tài năng mà các HLV khác không thấy. Nhưng trên tất cả, ông rất quyết đoán”.
Sociedad đã tiến rất gần tới danh hiệu La Liga khi Alonso thi đấu dưới sự dẫn dắt của HLV người Pháp Raynald Denoueix - một người theo tuýp ham tìm tòi giống như Rafael Benitez ở Liverpool. Alonso được các cầu thủ Valencia nói về việc Benitez chú ý tới từng chi tiết và điều đó góp phần giúp ông 2 lần giành La Liga. Tuy nhiên mối quan hệ giữa 2 người thay đổi bất ngờ vào mùa hè 2008 khi Alonso trở thành nhà vô địch châu Âu cùng đội tuyển Tây Ban Nha, cùng tháng đó Benitez bảo với anh rằng anh có thể phải ra đi để nhường chỗ cho Gareth Barry.
Alonso đã giải thích công khai về những gì đã xảy ra trong suốt một giai đoạn mà anh tin rằng nó bắt đầu từ khi anh không có tên trong trận tứ kết lượt về Champions League 2007/2008 với Inter vì đứa con đầu lòng sắp chào đời. Cựu cầu thủ Tây Ban Nha bắt đầu mùa giải tiếp theo trên băng ghế dự bị trước Sunderland ở Premier League và Standard Liege ở vòng loại Champions khi Damien Plessis đá thay anh ở hàng tiền vệ. Trong khi Alonso luôn khẳng định anh phải ngồi ngoài vì Liverpool cố gắng bán anh và cuối cùng không muốn anh bị ràng buộc ở Champions League bởi trận đấu ở Bỉ thì còn một câu chuyện khác được kể. Những nhân vật thân cận Benitez thời điểm ấy cho rằng Alonso không muốn ra sân vì điều đó có thể làm giảm số đội bóng quan tâm đến mình.
Alonso có lẽ hiểu quá nhiều thứ sẽ mất đi nếu chia sẻ một cách thẳng thắn vì anh biết điều đó có thể hủy hoại mối quan hệ với người hâm mộ - những người vẫn luôn ngưỡng mộ Benitez. “Rafa lạnh lùng hơn trong các mối quan hệ của ông”, Alonso nói. “Ông ấy nhìn mọi thứ theo cách chuyên nghiệp. Ông vạch ra ranh giới giữa mình và các cầu thủ. Tôi muốn nói là bạn cần phải kiên nhẫn với ông ấy. Nếu kiên nhẫn, bạn sẽ học được nhiều thứ - như tôi thời điểm đầu. Trước đó, tôi thường thi đấu mà không nghĩ quá nhiều về những thứ đang diễn ra xung quanh hay hỏi tại sao nó lại như thế. Tôi không nghĩ quá nhiều về những màn trình diễn của mình, liệu tôi chơi hay hay là dở. Rafa sẽ cố gắng dự đoán những gì sẽ xảy ra. Nó mang tính phân tích rất lớn và ông đi sâu vào chi tiết của chi tiết”.
Sau đó là Real Madrid. Dù Pellegrini Pellegrini là HLV đầu tiên dẫn dắt Alonso ở đội bóng này nhưng khi ấy anh vẫn luôn nghĩ Jose Mourinho sẽ đến vào một ngày nào đó. Mourinho thường sử dụng những tiền vệ lùi sâu đầy sức mạnh như Costinha ở Porto, Claude Makelele ở Chelsea và sau đó là Thiago Motta ở Inter. Mourinho, như anh kết luận, không phải một HLV trấn an các cầu thủ bởi những gì ông nói mà bằng những việc ông làm. Trong tất cả những CLB mà Alonso từng khoác áo, niềm kỳ vọng ở Real Madrid là lớn nhất, điều này kéo theo bầu không khí căng thẳng không ngớt.
Thau vì cố gắng mang đến bầu không khí bình tĩnh cho CLB, Mourinho luôn tạo ra các yêu cầu cho cầu thủ để họ gánh lấy trách nhiệm - “đặc ân của họ”. Theo Alonso, Mourinho là người nhanh nhất trong số các HLV mà anh từng thi đấu nhận ra sự sa sút của các chuẩn mực và ít khi chấp nhận những lời bào chữa.
Điểm lại một chút thì trong sự nghiệp của mình, Alonso muốn minh oan cho Toshack vì chọn anh lên đội một. Anh đạt phong độ cao nhất ở Liverpool vì muốn chứng minh Benitez đã sai. Với Mourinho, môi trường đội bóng dẫn đến khơi dậy trong các cầu thủ mong muốn chứng minh mọi người đã sai. Sau đó, Ancelotti mang lại bầu không khí dịu nhẹ hơn. Và năm 32 tuổi, anh gia nhập Bayern Munich dưới sự huấn luyện của Pep Guardiola.
“Tôi khá tò mò và muốn tìm hiểu những bí mật của ông ấy”, Alonso thừa nhận. Anh rất thích 2 năm ở Bavaria thi đấu cho chiến lược gia tới từ Catalan - người khiến các cầu thủ “cảm thấy như thể chúng tôi hiểu đối thủ rõ hơn là họ hiểu chính mình”. Đây là một Guardiola thực dụng chứ không phải người cố gắng thử mọi thứ hoàn toàn vì niềm vui của tất cả.
“Ông ấy thực sự không như thế”, Alonso khẳng định. Anh nghĩ rằng Pep Guardiola khác người khác vì kiến thức, tầm nhìn và tham vọng cho phép ông quản lý các “chi tiết vi mô” dù niềm đam mê là thứ định danh cho ông.
“Một người hăng hái không ngừng nghỉ”, Alonso nhớ lại.
“Các bài tập bóng đá dù dài đến mấy nhưng khi kết thúc, Pep dường như không bao giờ mệt mỏi. Ông luôn trong tâm thế sẵn sàng. Với các cầu thủ, có lẽ điều này giúp giúp chúng tôi cố gắng chạy thêm vài mét nữa khi mà chân đã mỏi nhừ”.
3. Alonso luôn khẳng định anh dừng lại sự nghiệp cầu thủ một cách dễ dàng và nhẹ nhõm. Tháng 3/2017, một tấm ảnh đen trắng xuất hiện trên các trang mạng xã hội của anh. Ở đó, anh cầm đôi giày và ngoái lại. Thông điệp mà anh chia sẻ cho thấy dường như anh sẽ không trở lại. “Đã sống, đã yêu nó. Tạm biệt trò chơi đẹp”, anh viết.
Alonso nói anh muốn có một kỳ nghỉ phép và cuối cùng nó trở thành “kỳ nghỉ hè kéo dài suốt cả năm”. Anh và vợ hiện có 3 đứa con. Trong suốt 12 tháng, hầu như cuối tuần nào anh cũng dành thời gian cho gia đình, “nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ rời trò chơi này mãi mãi, tôi chỉ cần nghỉ ngơi một chút mà thôi”. Là cha mẹ, họ muốn các con trải nghiệm những gì họ đã từng trải qua khi lớn lên ở San Sebastian, ở gần ông bà và đại gia đình. Công việc ở Real Sociedad giúp anh biến điều này thành hiện thực: “Một CLB hoàn hảo với tôi - một nơi hoàn hảo”.
4. Trời đã tối khi tôi đến thành phố vào thứ 3. Đó cũng là một ngày gió và mưa nặng hạt. Cơn bão Amelie đã tan giúp tôi có thể bắt chuyến bay từ Madrid. Tôi mất một giờ đồng hồ ở sân bay Barajas trong khi phần khủng khiếp nhất của cơn bão đã kéo qua hàng trăm dặm về phía bắc. Tuy nhiên, khi chúng tôi bay qua San Sebastian và vào vịnh Biscay vẫn có thể nhìn thấy dòng nước chảy ở bên dưới. Tôi đã tự hỏi liệu mình có thể quay về hay không.
Đội bóng của Alonso không thể tập luyện trên cỏ vào sáng hôm sau bởi cơn mưa lớn tối hôm trước. Từ ga Amara của San Sebastian, tàu sẽ đưa bạn đến Lasarte và từ Lasarte sẽ rẽ vào một vùng quê. Có những chiếc xe hơi đi qua những những bãi đỗ xe đầy sỏi đá ở trường đua ngựa của San Sebastian cách đó một dặm hoặc trở lại Lasarte. Bạn sẽ chỉ nghe thấy tiếng nước chảy từ những con suối và tiêng chuông kêu leng keng phát ra từ những chú cừu.
Tại sao David Moyes lại muốn rời một nơi như vậy, tôi đặt câu hỏi cho Alonso. Anh cười vì biết kết cục của Moyes là bị sa thải. Đó là một HLV không giống như Toshack, ông không hoàn toàn muốn hòa nhập với phong tục địa phương. Những người có mối liên kết với Real Sociedad không thể nào nói Moyes không tận tụy, chỉ có điều ông không thành thạo ngôn ngữ và điều này góp phần khiến ông bị xem là xa cách, thậm chí là kiêu ngạo. Nếu coi việc quản trị nhân sự là quan trọng nhất - bất kể bạn ở đất nước nào - có lẽ Moyes đang làm việc với 2 tay bị trói sau lưng.
Alonso nhắc rằng cựu HLV Everton và Manchester United chỉ ở San Sebastian trong 1 năm - nên vốn tiếng Tây Ban Nha (hoặc tiếng Basque) có thể cải thiện theo thời gian. Nhưng vấn đề là thông điệp và ý tưởng. Nếu một HLV không thể thuyết phục các cầu thủ vào kế hoạch của mình thì ngay từ đầu ông ta làm gì có cơ hội?
Alonso nhấn mạnh rằng anh không bình luận về Moyes mà chỉ nói chung về vấn đề này: kế hoạch luôn phải là đầu tiên. “Bạn phải đòi hỏi khắt khe các cầu thủ nhưng nếu bạn chỉ là một bạo chúa thì rốt cuộc bạn sẽ mất kiểm soát với họ mà thôi”, cựu tiền vệ Tây Ban Nha nói. “Một HLV phải chiếm được lòng tin. Một khi bạn có lòng tin từ tập thể, bạn có thể yêu cầu nhiều hơn, đòi hỏi các cầu thủ cải thiện nhiều hơn về mặt chiến thuật và thể chất.
Các HLV đôi khi đến từ các CLB khác - nơi họ đã gặt hái thành công - và đòi hỏi khắt khe ngay lập tức. Họ nghĩ rằng những thành tích ở nơi khác sẽ giúp họ có được sự tôn trọng và cho phép họ đưa ra những yêu cầu từ các cầu thủ họ chưa từng gặp trước đó.
Tất nhiên các cầu thủ sẽ cố gắng gây ấn tượng với HLV mới. Nhưng các cầu thủ cũng luôn quan sát. Họ là những thẩm phán. Họ muốn biết HLV có ý tưởng hay không, ông ta có luôn tư duy và đi trước đối thủ một bước hay không. Nếu ông ta có thể kết nối với các cầu thủ trên khía cạnh con người thì công việc của ông sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu không, mọi thứ sẽ khó hơn về trung và dài hạn”.
Ví dụ, Victor Valdes đã nhận ra điều này khi làm HLV đội trẻ ở Barcelona đầu mùa này, trong một vài buổi tập đầu tiên anh thường đeo một chiếc kính râm. Điều này nghe có vẻ bình thường nhưng sẽ tạo ra ấn tượng không tốt với nhiều người. Valdes đã nổi điên khi đội Barcelona B lấy một vài cầu thủ U19 của anh cho các buổi tập hoặc trận đấu. Có vẻ như anh không hiểu trách nhiệm huấn luyện trong cấu trúc phân cấp của CLB dù đã ở đây 22 năm khi còn là cầu thủ. Chỉ trong 3 tháng, Valdes đã bị sa thải.
Vị trí của Alonso là một trong những vị trí quan trọng nhất ở một CLB có chính sách chỉ tuyển chọn những cầu thủ có gốc gác xứ Basque thi đấu cho đội một, bên cạnh một vài cầu thủ ngoại quốc. Nếu Alonso thất bại, chuỗi cung ứng có thể bị phá vỡ. “Học viện”, anh nói và ấn ngón tay vào chiếc bàn giữa chúng tôi, “phải là nền móng cho phòng thay đồ đội một”.
Trước khi anh đảm nhận công việc, Ander Barrenetxea, Aihen Munoz và Roberto Lopez là những cầu thủ đã được đôn lên đội một và về lý thuyết thì điều này khiến nhiệm vụ khó khăn hơn từ khi anh còn chưa bắt đầu. “Tuy nhiên có một kế hoạch lớn hơn cả sự đóng góp của tôi. Chúng tôi có các cầu thủ giỏi thay thế họ ở lứa U19. Đó là cách công việc vận hành”, Alonso nói.
Sociedad rất giàu truyền thống trong việc sản sinh những tiền vệ trung tâm sáng tạo và những trung vệ mạnh mẽ, “nhưng lại không có nhiều cầu thủ chạy cánh”. Anh nghĩ đó là bởi người San Sebastian có truyền thống làm những công việc nặng nhọc. Đây là một khu vực công nghiệp và đầy tinh thần phản kháng. “Tinh thần của con người nơi đây là nghĩ đến quê hương trước rồi nghĩ đến mình sau. Nó cũng giống như bóng đá: tập thể trước, bản thân sau. Anh phải rất trách nhiệm”.
5. Đó là một buổi chiều thứ 4 và anh vừa kết thúc buổi phân tích video với các cầu thủ trẻ của Sociedad. Trước đó vào Chủ nhật, họ vừa thua Cultural Leonesa với tỷ số 0-3. Trận đấu tiếp theo, họ đánh bại UD Salamanca 3-1 trên sân nhà và trở lại vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng đồng thời nằm trong khu vực đá play-off thăng hạng. Alonso nói các cầu thủ đã học được rất nhiều từ thất bại ở Leon - nơi có gần 7.000 khán giả - hơn là từ những chiến thắng dễ dàng vì “bầu không khí của tương lai gần tương tự với ở Leon hơn là đây”.
Hệ thống đội trẻ ở Tây Ban Nha thi đấu trộn lẫn với đội chuyên nghiệp và anh nghĩ rằng điều đó khá hiệu quả vì quy mô của quốc gia sẽ không khả thi về mặt kinh tế để vận hành các giải đấu toàn quốc cho các đội dưới hạng 2. Việc khu vực hóa cũng đồng nghĩa có nơi cho các đội B như của Sociedad thi đấu và người hâm mộ các nơi cũng chấp nhận vì nếu không phân chia đủ nhiều, các CLB sẽ gặp nhau thường xuyên và gây nhàm chán. Ví dụ như ở Anh có nhiều CLB chuyên nghiệp hơn dù đất nước này nhỏ hơn Tây Ban Nha rấ nhiều.
“Quan điểm của tôi là khi các cầu thủ 19 hay 20 tuổi, họ cần đối đầu với những người lớn hơn là những đứa trẻ ngang tuổi”, anh nói. “Đây chính là bước cuối cùng trước khi lên chuyên nghiệp. Nếu không có trải nghiệm thi đấu với người lớn - những người cao to và giàu kinh nghiệm hơn - thì bạn chỉ học được kỹ thuật hoặc kỹ năng, mà đó chỉ là một phần của trò chơi mà thôi”.
Alonso vẫn tham gia vào các buổi tập chỉ để nhắc nhở bản thân rằng những yêu cầu mà anh đưa ra là thực tế và phù hợp. Hầu hết các cầu thủ đều là 19 hoặc 20 và anh không thể đưa ra quá nhiều đánh giá về mình ở tuổi đó dù trước đây anh đã bước chân lên đội một rất nhanh. “Bạn phải cân bằng giữa khả năng và sự kỳ vọng”, HLV 38 tuổi nói.
Ngoài ra, Alonso cũng mắc một số sai lầm, ví dụ như trong trận đấu ở Leon anh tự trách mình vì chiến thuật quá thận trọng. “Học cách đối phó với thất bại trên cương vị HLV là một thử thách mới. Bạn phải vượt qua nhanh chóng để tập trung vào những điều sắp tới. Bạn phải tìm ra kế hoạch mới hoặc kế hoạch tốt hơn - một cách thuyết phục hơn so với kế hoạch ban đàu. Bạn phải lấy lại niềm tin nhanh chóng. Vì nếu bạn không tin tưởng, các cầu thủ sẽ nhận ra. Khi đó, khả năng thua cuộc sẽ lại tăng lên”.
Có những cựu cầu thủ đã trở thành HLV nói rằng thời điểm ngồi trong phòng thay đồ trước trận khi đội bóng đang khởi động là lúc họ cảm thấy bối rối nhất. Họ nhớ cảm giác chơi bóng vì có những giới hạn mà họ có thể làm. Alonso chia sẻ anh thường dùng những thời điểm này để kích thích tư duy.
Anh giải thích: “Tôi cố gắng dự đoán những điều sẽ xảy ra. Tôi nghĩ về tất cả các trường hợp có thể xảy ra. Nếu họ làm một số việc cụ thể và có thể kiểm soát những gì chúng tôi làm thì khi nào chúng tôi sẽ chuyển sang kế hoạch B? Tất nhiên còn có cả kế hoạch C nữa. Ở đây có sự thay đổi nho nhỏ. Tôi biết là mình không thể giải thích toàn bộ những kế hoạch này cho cầu thủ - ‘Này các cậu, đây là kế hoạch A, B và C - các cậu phải nhớ lấy…’ - điều đó thật không công bằng cho cầu thủ.
Họ phải nhớ quá nhiều chiến thuật. Nếu họ nghĩ về kế hoạch B và C, có thể họ sẽ quên kế hoạch A. Vì thế, tôi cố gắng giải thích rõ cho các cầu thủ về kế hoạch A và chỉ nói cụ thể về kế hoạch B và C với các HLV. Đó là một ván cờ. Vâng, tôi vẫn cảm thấy đầy năng lượng trong giai đoạn này của trận đấu”.
Anh nghĩ rằng đấu pháp là dấu hiệu cho việc bóng đá đã thay đổi trong 1 thập niên qua. “Ít tự phát và phân tích nhiều hơn”.
Điều đó có tốt hơn hay không?
“Bạn có thể nói nó đang trở nên phức tạp, tinh vi hơn. Nhưng điều đó có làm nó trở nên thú vị hơn? Hay là dễ đoán hơn?”.
Anh tin rằng việc phân tích đã trở thành quan trọng đến mức “chẳng khác gì tung đồng xu quyết định bạn thắng hay thua…”. nếu một HLV không quá bận tâm đến đối thủ. Anh cho rằng các cầu thủ Liverpool “sẵn sàng chạy xuyên qua lửa" vì Jurgen Klopp như cầu thủ Chelsea làm cho Jose Mourinho giai đoạn 2004 đến 2006 nhưng vẫn rất tuân thủ chiến thuật.
Alonso nhớ lại những cuộc đối đầu giữa Bayern và Borussia Dortmund. Anh thừa nhận: “Tôi thấy thật mệt mỏi. Như thể ông ấy (Klopp) muốn bạn ở trong một cái lồng vậy. Ông ấy muốn bẫy bạn. Dortmund của ông chờ bạn ở ô vuông phía sau các tiền đạo và trước tiền vệ. Họ gây áp lực có tổ chức. Các tiền đạo của họ là các cầu thủ chạy cánh nhưng không thi đấu như những tiền đạo cánh đúng nghĩa. Họ chạy vào trong và cố gắng lấy bóng trong chân bạn. Tôi chịu áp lực suốt cả trận. Tôi thích cảm giác ở những trận đấu đó vì chúng rất quan trọng nhưng thách thức đánh bại Dortmund thì quá lớn. Tôi không thích đối đầu với họ vì họ quá dữ dội, bạn gần như bị vỡ vụn”.
Tại Real Madrid, Alonso từng tập luyện với Fabinho khi anh vẫn còn là hậu vệ phải trẻ tuổi, nhưng sau đó anh đã được thay đổi trong phòng thay đồ của Castilla - đội B của Real Madrid. Cầu thủ người Brazil hiện nay là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất Premier League và có lẽ là tiền vệ ngoại quốc có tầm ảnh hưởng nhất tại Liverpool sau Alonso và Javier Mascherano.
“Cậu ấy luôn luôn kết nối trận đấu”, Alonso giải thích. “Tôi cho rằng khả năng phán đoán chính là tài sản lớn nhất của cậu ấy. Đôi khi bạn phải đi 2 hay 3 bước để thay đổi di chuyển của đồng đội và điều đó có thể quyết định kết quả toàn bộ trận đấu mà không ai nhận ra vì các khán giả có xu hướng theo dõi trái bóng hơn là cầu thủ. Cậu ấy không phản ứng một giây sau vì cậu ấy đã dự đoán những gì xảy ra một giây trước rồi”.
6. Alonso đã có mặt ở Madrid để chứng kiến Liverpool trở thành nhà vô địch châu Âu một lần nữa. “OK, một trận đấu không quá phấn khích như Istanbul nhưng là một màn trình diễn của sự trưởng thành và một chiến thắng còn quan trọng hơn trong lịch sử CLB vì nền tảng chiến thắng đã được tạo ra”. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh là gần như không xem những trận đấu bóng đá đẳng cấp cao kể từ khi về San Sebastian. Giờ đây, cuộc sống của anh đã khác và những thứ ưu tiên đã thay đổi.
“Tôi xem Burgos, Salamanca, Calahorra”, HLV 38 tuổi cho biết. “Nếu Liverpool có một trận đấu ở Champions League và chúng tôi phải thi đấu ở Izarra vào cuối tuần, tôi sẽ theo dõi băng hình của Izarra ở trận gần nhất. Mọi thứ giờ là như thế. Đây là một cấp độ mà tôi đã không thi đấu trong một thời gian dài nên tôi phải học cách thích nghi nhanh chóng dù nó đến khá tự nhiên. Giờ nó là thế giới của tôi. Tôi thích ở thế giới này hơn là ở nơi tôi có lựa chọn dành buổi tối thứ 4 trước màn hình TV để dõi theo những đội bóng tôi từng khoác áo”.
Có những bài học mà anh đã học được, giống như chấp nhận một HLV không thể kiểm soát hết mọi thứ suốt toàn bộ thời gian, “những chấn thương, ví dụ thế” - anh phải hiểu hơn về những sai lầm của các cầu thủ khi xét đến tuổi của họ. Anh tới Zubieta mỗi sáng vào lúc 8h45 và ở lại đó đến 6 giờ chiều là sớm nhất. “Tôi có thể ở đến 10 giờ tôi cũng được”, anh nói. “Nhưng tôi đã từng thấy HLV khác làm thế và không phải lúc nào nó cũng giúp ích cho các cầu thủ”. Anh vẫn đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng mà anh cảm thấy thoải mái. “Bạn phải học hỏi mỗi khi bước ra bước ra khỏi cửa và nghĩ về những thứ khác”.
Tôi chia tay Alonso ở hành lang ngoài văn phòng của anh. Bước xuống đường ở Lasarte, các quán bar chật kín những người vừa kết thúc một ngày làm việc. Trời tối dần, nhưng phía xa, những ánh đèn đường ở Zubieta vẫn tiếp tục nhấp nháy.
Lược dịch từ bài viết “Xabi Alonso exclusive: ‘I don’t want to be known for what I have done. I want to be known for what I am doing’” của tác giả Simon Hughes trên Athletic
CG