Có những vinh quang đặc biệt hơn tất thảy bởi nó vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Hy Lạp và chức vô địch Euro 2004 mãi mãi là một trong những chiến tích đặc biệt và đáng nhớ nhất lịch sử các vòng chung kết Euro nói riêng, lịch sử bóng đá nói chung. Người thuyền trưởng của tập thể đó chính là Otto Rehhagel.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Năm 2021, bộ phim có tên “King Otto” đã được công chiếu. Bộ phim kể về hành trình Otto Rehhagel từ Đức đến Hy Lạp và giúp ĐT Hy Lạp đoạt chức vô địch Euro 2004 lịch sử. Cho đến nay, người ta vẫn còn nhớ và nhắc đến chiến tích đó như một trong những câu chuyện bóng đá đặc biệt nhất. Một ĐT Hy Lạp không có ngôi sao toàn cầu, không chơi một thứ bóng đá hấp dẫn và cuốn hút nhưng đứng trên cả Tây Ban Nha ở vòng bảng, đánh bại những tập thể mạnh mẽ như Bồ Đào Nha, Pháp, CH Czech để lên ngôi vô địch. Otto Rehhagel cùng các học trò thực sự đã viết nên một câu chuyện có một không hai trong lịch sử bóng đá và mang vinh quang đến cho mảnh đất của những câu chuyện thần thoại nổi tiếng thế giới.
Chúng ta vẫn thường nhắc đến Rehhagel với quãng thời gian dẫn dắt ĐT Hy Lạp trong gần một thập kỷ với chiến tích vào năm 2004, nhưng trước đó ông đã là một nhân vật vô cùng nổi tiếng ở nước Đức. Trong suốt 14 năm từ 1981 đến 1995, Rehhagel đã đưa Werder Bremen bước vào thời kỳ hoàng kim và trở thành một thế lực bóng đá ở nước Đức. Dưới sự dẫn dắt của ông, Werder Bremen đoạt 2 chức vô địch Bundesliga, 2 Cúp Quốc gia, 3 Siêu cúp Quốc gia và 1 UEFA Cup Winners’ Cup.
Chính thành công đã đưa ông đến với Bayern Munich vào năm 1995 để thay thế Giovanni Trapattoni. Ở một đội bóng đầy rẫy các ngôi sao và những mâu thuẫn nội bộ đến mức được gọi là “FC Hollywood” như Bayern Munich, cá tính mạnh và kỷ luật thép của Rehhagel được kỳ vọng sẽ áp chế được tất cả để đưa Die Roten trở lại với đúng quỹ đạo vinh quang. Tuy nhiên chiến lược gia sinh năm 1938 lại không thể làm được điều đó. Những rạn nứt giữa ông với ban lãnh đạo và các cầu thủ ngày càng to lớn. Kết quả là dù giúp đội bóng lọt vào chung kết UEFA Cup 1996 nhưng Rehhagel bị sa thải chỉ 4 ngày trước khi trận chung kết diễn ra.
Rời Bayern Munich, Rehhagel nhận lời dẫn dắt đội bóng cũ Kaiserlautern nhưng lúc này đã bị giáng xuống hạng hai. Với sức mạnh ý chí mà Rehhagel truyền vào, đội bóng có biệt danh Die roten Teufel (Quỷ đỏ) này đã đoạt chức vô địch hạng hai Đức mùa giải 1996/97 trước khi khiến tất cả phải sửng sốt với chức vô địch Bundesliga mùa giải tiếp theo dù họ chỉ là tân binh mới lên hạng. Dù vào năm 2000 ông một lần nữa chia tay Kaiserlautern cũng vì những mâu thuẫn trong nội bộ, tuy nhiên vị thế huyền thoại của ông là không cần phải bàn cãi. Ông là người thứ hai trong lịch sử giúp Kaiserlautern đoạt chức vô địch Bundesliga, sau HLV Karl-Heinz Feldkamp mùa giải 1990/91.
Otto Rehhagel giúp CLB Werder Bremen trải qua thời kỳ hoàng kim trong thập niên 80. Ảnh: Getty Images
|
Và rồi sự ra đi đó lại mở ra một cánh cửa mới cho Rehhagel, mở lối cho một cuộc hành trình đáng nhớ bậc nhất trong sự nghiệp của nhà cầm quân người Đức. Năm 2001, ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Hy Lạp để thay thế cho HLV Vassilis Daniil. Khi đó, ĐT Hy Lạp đang ở một thời kỳ đầy thất vọng và tăm tối. Ông Vasilis Gagatsis – Chủ tịch liên đoàn bóng đá Hy Lạp – gọi nền bóng đá và đội tuyển quốc gia nước mình là một “gánh xiếc lưu động”. Có không ít cầu thủ thậm chí đã giả vờ chấn thương để không phải lên đội tuyển.
Trong khi đó, cựu tiền đạo Angelos Charisteas cho biết: “Trong suốt nhiều năm mọi thứ rất khó khăn với chúng tôi. Có những cầu thủ chơi cho Panathinaikos, có những cầu thủ chơi cho Olympiakos và họ đã mang sự kình địch từ CLB lên đội tuyển. Chúng tôi chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người có sợi dây liên kết với nhau và có cùng một mục tiêu”.
Trận đấu đầu tiên của Hy Lạp là cuộc chạm trán Phần Lan ở vòng loại World Cup và kết quả là đoàn quân của Rehhagel để thua 1-5, trận thua sân khách đậm thứ hai trong lịch sử bóng đá Hy Lạp. Trận đấu tiếp theo của Hy Lạp là chuyến hành quân đến sân Old Trafford gặp ĐT Anh.
Thất bại trước Phần Lan như một trận đấu giúp Rehhagel nhìn tường tận những vấn đề của đội bóng mình. Trước chuyến làm khách đến nước Anh, ông khẳng định: “Tôi có những cầu thủ giỏi trong tay, nhưng trong đội bóng có vấn đề nghiêm trọng liên quan đến thái độ. Tôi không nghĩ mình có thể thay đổi điều đó ngay lập tức chỉ trong trận đấu với ĐT Anh”.
Quả thực là Rehhagel đã bắt tay vào công việc rất nhanh. Ngay sau trận đấu với Phần Lan, ông đã ngồi lại với toàn đội và tuyên bố rằng ông cần những cầu thủ sẵn sàng cống hiến vì đội tuyển và những người không có tinh thần đó sẽ bị loại bỏ dù cho họ có là ngôi sao đi chăng nữa. Ban đầu Rehhagel bị truyền thông chỉ trích kịch liệt bởi ông đã loại bỏ không ít cầu thủ giỏi. Tuy nhiên để cải tổ một tập thể rệu rã cần những hành động quyết liệt và mạnh tay. Với cá tính mạnh mẽ của mình, chiến lược gia người Đức không sợ những lời chỉ trích, thứ ông quan tâm là chọn ra những cầu thủ có cá tính và năng lực phù hợp cho đội tuyển để xây dựng một tập thể khó bị đánh bại.
Như ông Vasilis Gagatsis – chủ tịch liên đoàn bóng đá Hy Lạp – lý giải về quyết định chọn Rehhagel: “Tôi nghĩ rằng là người Đức, ông ấy có thể truyền tính kỷ luật mà người Hy Lạp chúng tôi còn thiếu”.
Kết quả là chỉ ngay trận đấu thứ hai Rehhagel dẫn dắt, người ta đã được thấy một Hy Lạp với tinh thần khác. Hy Lạp đã hai lần ghi bàn vượt lên dẫn trước ĐT Anh và chỉ đánh rơi chiến thắng ở phút 90+3 sau cú đá phạt xuất sắc của David Beckham. Dù Hy Lạp không còn cơ hội giành quyền tham dự World Cup 2002, tuy nhiên hy vọng tươi sáng đã xuất hiện ở tập thể này.
Otto Rehhagel đã thay đổi tinh thần của ĐT Hy Lạp sau khi nhậm chức vào năm 2001. Ảnh: Reuters |
Rời vòng loại World Cup, Hy Lạp bước vào vòng loại Euro 2004 và trải qua một hành trình đại thành công. Họ đứng đầu bảng 6 của vòng loại, thắng 6 thua 2 trong 8 trận, tuy chỉ ghi 8 bàn nhưng sở hữu hàng phòng ngự xuất sắc khi chỉ để thủng lưới 4 lần. Đoàn quân của Otto Rehhagel thậm chí còn xếp trên cả ĐT Tây Ban Nha với rất nhiều ngôi sao.
Hy Lạp thi triển một lối chơi đơn giản và không cần cầu kỳ. Rehhagel đã phát triển một triết lý mà ông gọi là “tấn công có kiểm soát” (kontrollierte offensive). Theo đó, ông chủ yếu sử dụng những trung vệ cao to và mạnh mẽ ở hàng phòng ngự, những cầu thủ chạy cánh có lối chơi trực diện để tạt bóng vào trong vòng cấm cho một tiền đạo có khả năng không chiến tốt. Lối chơi của Hy Lạp không hấp dẫn, nhưng lại phù hợp với những con người mà Rehhagel có và nó đã mang lại thành công.
Tất nhiên, dù có phong độ ấn tượng đến mấy nhưng Hy Lạp vẫn không thể là một ứng cử viên vô địch trước thềm Euro. Tại Euro 2004, Hy Lạp rơi vào một bảng đấu rất “khó thở” với chủ nhà Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Nga. Cựu tiền đạo Charisteas kể lại: “Trước Euro 2004 chúng tôi đi tập huấn ở Thụy Sĩ và tôi nhớ có một cuộc họp đội. Chúng tôi được bảo là hãy chia sẻ những kỳ vọng dành cho giải đấu này. Hầu hết cầu thủ đều nói: ‘Cố gắng ghi một bàn’ hoặc ‘cố gắng thắng một trận đấu vì người dân Hy Lạp’. Sau đó có một người bảo rằng: ‘Tại sao chúng ta lại không làm điều gì đó điên rồ hơn như nói là chúng ta muốn đoạt danh hiệu?!’ Tất cả mọi người đều bật cười. Đó chỉ là cảm giác chung trước thềm giải đấu, không ai tin chúng tôi có thể đoạt chức vô địch ở Bồ Đào Nha”.
Kiểu cùng, điều tưởng chừng như viển vông và điên rồ nhất đã trở thành sự thật. Hy Lạp đã đi một hành trình vĩ đại và kỳ diệu như những câu chuyện thần thoại ở đất nước họ. Đoàn quân của Otto Rehhagel đánh bại chủ nhà Bồ Đào Nha ở trận ra quân, cầm hòa Tây Ban Nha ở trận tiếp theo, và ở lượt đấu cuối cùng dù họ thất bại trước Nga nhưng vẫn giành quyền đi tiếp nhờ hơn Tây Ban Nha chỉ số phụ.
Bước vào vòng tứ kết, thử thách của Rehhagel cùng các học trò là đương kim vô địch Pháp. Nhưng tập thể Hy Lạp này đã đi lên từ vũng bùn, đã thấm nhuần tinh thần thép của người Đức từ Rehhagel và họ không hề sợ hãi. Ông nói với toàn đội rằng đã xem ĐT Pháp thi đấu và tin Hy Lạp hoàn toàn có thể giành chiến thắng. Và ông nói riêng với hậu vệ Giourkas Seitaridis: “Henry nói cậu ta không biết cậu là ai, nhưng sau trận này cậu ta sẽ không bao giờ có thể quên được cậu đâu”.
Otto Rehhagel cùng các học trò đi một hành trình tuyệt vời tại Euro 2004. Ảnh: Getty Images
|
Kết quả là Hy Lạp đã chơi trận đấu hay nhất của họ tại Euro 2004 và khắc chế những ngôi sao trên hàng công của Les Bleus như Thierry Henry, David Trezeguet, Robert Pires và Zinedine Zidane. Để rồi sau đó kết liễu trận đấu bằng một miếng đánh sở trường: tạt cánh đánh đầu với bàn thắng của Charisteas. Đến vòng bán kết, Hy Lạp tiếp tục chống đỡ kiên cường và giành quyền đi tiếp với bàn thắng ở phút 105+1 nhờ cú đánh đầu của Traianos Dellas. Và trận chung kết gặp lại Bồ Đào Nha, Charisteas lại tiếp tục sắm vai người hùng với một bàn thắng theo phong cách quen thuộc: đánh đầu.
Cảm xúc vỡ òa khi tiếng còi chung cuộc vang lên. Một hành trình đầy tính sử thi trong bóng đá đã được viết nên. “Tôi cảm thấy mình như một vị thần bước ra từ thần thoại Hy Lạp. Tôi không biết làm thế nào mình lại chạy ăn mừng nhanh đến như thế. Bạn biết đấy, trong một số thời điểm trong đời, bạn thực sự sẽ không biết chuyện gì đang xảy ra, bạn cứ sống và tận hưởng khoảnh khắc đó thôi”, Charisteas chia sẻ trên FourFourTwo.
Kết thúc giải đấu năm đó, ĐT Hy Lạp trở về nước giống như những người hùng dân tộc. Trên hành trình cả đội diễu hành đến sân vận động Panathenaic huyền thoại – nơi tổ chức Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử - ở thủ đô Athens, hàng ngàn người đã tràn ra đường chào đón những người hùng. Ngày hôm đó, cả đoàn đã mất 6 tiếng từ sân bay đến Panathenaic, trong khi bình thường quãng thời gian di chuyển của cung đường đó chỉ khoảng 40 phút.
Cái kết ngọt ngào cho ĐT Hy Lạp ở Euro 2004. Ảnh: Getty Images
|
Nhưng đó là một sự chào đón xứng đáng. Còn với Otto Rehhagel, ông đã thực sự trở thành một vị vua mang vinh quang thần thánh đến Hy Lạp nhờ tài thao lược của mình. Trước Euro 2004, Hy Lạp chưa từng thắng một trận đấu tại một giải đấu lớn nào. Sau Euro 2004, họ đã là nhà vô địch châu Âu. Dù sau đó bóng đá Hy Lạp không thể tận dụng thành công ấy để vươn tầm và tái lập thành công tương tự, nhưng chiếc cúp bạc Euro 2004 vẫn là một chiến tích xuất sắc, là sự kết hợp của tình đoàn kết trong đội, tinh thần và lối chơi mà Rehhagel đã truyền tải.
Như Traianos Dellas nói: “Theo thời gian, ông ấy ngày càng trở nên thấu hiểu chúng tôi hơn từ cả trái tim lẫn tâm hồn. Còn chúng tôi cũng ngày càng mang nhiều chất Đức hơn: biết kiểm soát cảm xúc, điềm tĩnh và lạnh lùng”.