Đối với một số ngôi sao, con đường đến Super League của Trung Quốc đã được lát bằng sự giàu có. Nhưng khi cơn sốt bóng đá của đất nước này nguội đi, liệu có cách nào để trở lại châu Âu dành cho họ?
Hai playmaker đã gia nhập Chelsea vào mùa hè năm 2012, khi CLB này đang đắm chìm trong ánh hào quang của chức vô địch Champions League đầu tiên. Cả hai đều còn rất trẻ – một người mới bước sang tuổi 20, người còn lại lớn hơn 1 tuổi – và cả hai đều sở hữu những khả năng phù hợp với mức giá và sự tán tụng mà họ nhận được.
Một người chỉ ở lại trong vài tuần. CLB chủ sân Stamford Bridge đã quyết định rằng anh ta cần phải phát triển thêm một chút nữa và vì vậy, đã gửi anh ta sang Đức theo dạng cho mượn. Người còn lại – người trẻ hơn, như đã đề cập – được nhận định là đang ở trên đà “nở rộ” nhanh hơn. Anh ta được đưa lên thẳng đội một, và có trận debut ở ngay trong ngày mở màn của mùa giải.
Theo hầu hết các đánh giá, người lớn hơn 1 tuổi hiện tại đang là cầu thủ xuất sắc nhất Premier League: Kevin De Bruyne. Anh đang đóng vai trò một trong những nhân tố then chốt trong việc đưa Manchester City hướng đến chức vô địch quốc gia thứ ba trong 4 mùa giải, và là trọng tâm trong các kế hoạch của CLB, đến mức họ gần như chắc chắn sẽ không để anh ra đi vì bất cứ khoản tiền nào. Anh cũng đang được nhìn nhận là đầu tàu của đội tuyển Bỉ – đội tuyển quốc gia đang có thứ hạng cao nhất thế giới.
Còn người trẻ hơn về sau đã chọn đi một con đường khác. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa tròn một thập kỷ kể từ khi anh được đánh giá là một cầu thủ có triển vọng lớn hơn, sáng sủa hơn, cần được giữ chân hơn Kevin De Bruyne. Anh vẫn chỉ mới 29 tuổi. Anh đã không chơi cho đội tuyển quốc gia của đất nước mình trong 5 năm qua. Những đội bóng từng theo đuổi chữ ký của anh – có rất nhiều – từ lâu đã chuyển sang các mục tiêu khác. Cảm giác cứ như thể anh thuộc về một thời đại khác, một thời đại đã trôi qua từ rất lâu. Bóng đá châu Âu, bóng đá thế giới, đã hoàn toàn lãng quên Óscar.
Tất nhiên, anh hẳn phải biết rõ đó là một quyết định đầy rủi ro khi chấp nhận một lời đề nghị vô cùng hấp dẫn từ Trung Quốc. Giờ đây nhìn lại, năm 2016 là một năm mà bóng đá châu Âu phải cảm thấy sợ hãi vì Trung Quốc. Tháng 1 năm đó, các CLB từ Super League của quốc gia này đã bắt đầu tấn công các giải đấu lớn nhất châu Âu, sử dụng “mồi câu” là những khoản tiền khổng lồ mà rất ít ai – nếu có – có thể cưỡng lại được.
Có thời điểm, kỷ lục chuyển nhượng của Trung Quốc đã bị phá vỡ đến ba lần chỉ trong vòng 10 ngày: Đầu tiên là thương vụ Ramires, tiền vệ khi ấy đang chơi cho Chelsea; sau đó là Jackson Martinez của Atletico Madrid; và cuối cùng là Alex Teixeira, cầu thủ người Brazil vào thời điểm đó đang khoác áo Shakhtar Donetsk, người mà chỉ vài ngày trước khi thương vụ này được hoàn tất, dường như đã sắp ký hợp đồng với Liverpool.
Có thể nhận định rằng, Óscar chính là đỉnh điểm của thời đại đó. Vào tháng 12 năm 2016, Thượng Hải S.I.P.G đã đạt được một thỏa thuận trị giá 73 triệu đô la để ký hợp đồng với ngôi sao người Brazil từ Chelsea. Mức lương mà Óscar sẽ nhận được cho là 26,5 triệu đô la một năm, khiến cho ngay cả khối tài sản mà anh đang kiếm được ở châu Âu khi đó trở nên hết sức nhỏ nhoi. Bản thân Óscar chẳng thèm ngụy biện cho quyết định của mình. “Đôi khi, các cầu thủ nhận được những lời đề nghị mà họ không thể cưỡng lại từ Trung Quốc,” anh chia sẻ sau đó.
Thật dễ dàng để tìm ra những lỗ hổng trong logic của Óscar, qua đó “khinh thường” quyết định của anh là nó đã được đưa ra bởi lòng “hám tiền” không đáy. Rốt cuộc, vào thời điểm đó, Óscar vốn đang kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm ở Chelsea. Anh chỉ mới 25 tuổi: Mặc dù bóng đá có thể được nhận định là một ngành công nghiệp thất thường, nhưng cầu thủ người Brazil vẫn có khả năng lớn sẽ còn ít nhất 5 hoặc 6 năm đỉnh cao của tiềm năng kiếm tiền phía trước mình. Anh có thể vừa đảm bảo cho tương lai của gia đình mình, vừa làm điều mà chính bản thân anh từng chia sẻ rằng, đang mang đến cho anh niềm hạnh phúc lớn nhất: Chơi bóng ở cấp độ cao nhất mà bản thân có thể vươn mình đến.
Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định của Óscar cũng không phải là chuyện quá khó hiểu. Bố của cầu thủ người Brazil đã qua đời vì tai nạn giao thông khi anh mới lên 3; anh chẳng nhớ được gì về ông ấy cả. Mẹ của Óscar, bà Sueli, đã một mình nuôi nấng ba người con. Bà mua và bán quần áo để kiếm sống qua ngày, để gia đình có cái ăn.
Óscar chưa bao giờ tìm kiếm sự thương cảm cho thời thơ ấu đầy những khó khăn mà mình đã trải qua, nhưng anh đã luôn nói rõ rằng điều mà bản thân ưu tiên đặt lên hàng đầu chính là cuộc sống của gia đình mình. Cầu thủ người Brazil không nên bị chỉ trích vì đã tận dụng tiềm năng của anh để được hưởng những điều mà mình xứng đáng. Bóng đá vốn đã xem các cầu thủ như những món tài sản sinh lời, những công cụ kiếm tiền; sẽ rất đạo đức giả nếu gièm pha họ vì họ cũng tự nhìn nhận bản thân mình như vậy.
Tuy nhiên – thật ích kỷ, đối với những người đã xem anh thi đấu, đặt kỳ vọng vào sự phát triển của anh ở thế giới bóng đá đỉnh cao – sự nghiệp của Óscar giờ đây đang “nhuốm màu” của cảm giác tiếc nuối, về một điều dang dở. Óscar là một cầu thủ sở hữu tài năng hiếm có: Tao nhã, sáng tạo, khéo léo về kỹ thuật, sắc sảo về chiến thuật. Không phải tự dưng mà Chelsea tin tưởng vào khả năng của anh ở tuổi 20 và ngần ngại về khả năng của De Bruyne ở tuổi 21: Vào thời điểm đó, Óscar đã thể hiện rằng, anh đang sẵn sàng để tỏa sáng.
Anh đã có hơn 60 lần ra sân trong mùa giải đầu tiên, dù cho chỉ mới đến với bóng đá châu Âu từ Nam Mỹ, đóng vai trò là một trong những nhân tố then chốt của tập thể đã giành chức vô địch Europa League vào mùa giải đó, được huấn luyện viên tạm quyền, Rafa Benítez, đánh giá rất cao, cả về tư duy và kỹ năng. Hai năm sau, dưới sự chỉ dạy khắt khe của José Mourinho, anh đã góp công lớn trong việc giúp Chelsea giành chức vô địch Premier League.
Khi bước sang tuổi 25, đáng lẽ ra sự nghiệp của Óscar sẽ có thêm những bước tiến lớn khác. Khi tình hình trở nên rõ ràng rằng anh đã sẵn sàng rời khỏi Chelsea, các đội bóng trên khắp châu Âu đã thể hiện sự quan tâm của họ với tài năng của ngôi sao người Brazil. Anh đã nói chuyện với Atlético Madrid, Juventus, và cả hai ông lớn của thành Milan. Vào thời điểm đó, Óscar đang đánh mất vị trí của mình ở đội tuyển quốc gia vào tay Philippe Coutinho, nhưng ai cũng tin rằng anh hoàn toàn có khả năng giành lại được nó.
Thay vào đó, Óscar đã đưa ra một sự lựa chọn đầy bất ngờ. Và, hoàn toàn có thể, anh đã làm vậy với niềm tin rằng cuộc hành trình ở Trung Quốc không phải là một tấm vé một chiều. Có những cầu thủ từng bị lôi kéo đến phương Đông bởi những lời đề nghị không thể cưỡng lại – Yannick Carrasco, Paulinho – đã được quay về với bóng đá châu Âu và tiếp tục tỏa sáng tại đây. Óscar đã luôn ấp ủ hy vọng về điều tương tự: Gần đây, mong muốn được quay về Chelsea là điều mà chính anh đã thừa nhận, nhưng chắc chắn cũng không nên gạt bỏ khả năng về những bến đỗ khác.
Nếu Óscar thực sự nung nấu hy vọng về điều đó, thời điểm thích hợp để hành động có vẻ chính là hiện tại. Cơn sốt bóng đá của Trung Quốc đã kết thúc từ lâu. Ngay cả trước đại dịch Coronavirus, các CLB ở quốc gia này cũng đã cắt giảm chi phí và thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Rất nhiều người trong số những cầu thủ đầu tiên – những người đã khởi đầu nên nỗi “lo sợ” của năm 2016 – đã ra đi. Martínez đã giải nghệ. Ramires đang thất nghiệp. Teixeira đã rời Giang Tô Tô Ninh, nhà đương kim vô địch, khi những nghi ngờ về tương lai của đội bóng nổi lên, và anh có khả năng sẽ trở lại với sân cỏ ở Vịnh Ba Tư. Ở những nơi khác, đã có những cuộc nói chuyện về việc cắt giảm lương bắt buộc, ngay cả đối với các ngôi sao lớn nhất.
Về lý thuyết, Óscar sẽ là một cơ hội đầy hấp dẫn đối với một CLB đủ khôn ngoan, đủ dũng cảm, để đưa anh trở lại với bóng đá châu Âu. Ở tuổi 29, Óscar không phải là một cầu thủ già; thậm chí, “tuổi bóng đá” của anh có thể còn trẻ hơn, nhờ việc trải qua 4 năm ở những khu vực bình lặng hơn tại Super League.
Còn thực tế thì có thể hoàn toàn khác. Tất nhiên, có một vấn đề nhỏ về tiền lương của Óscar, đối với một cầu thủ luôn nhận thức sâu sắc về giá trị của bản thân, về sự thật không thể tránh khỏi rằng bóng đá cũng là một thị trường giao dịch. Và còn có sự “kỳ thị” đối với những gì anh đã làm, quan điểm rằng việc chơi bóng ở Trung Quốc, rời khỏi môi trường đỉnh cao trong một thời gian dài, sẽ làm mờ đi khả năng và mai một những khía cạnh từng khiến anh trở nên đặc biệt.
Có khả năng Óscar sẽ không bao giờ quay trở lại châu Âu. Đó là một câu chuyện thật đáng buồn. Tất nhiên, Óscar chẳng có gì phải buồn cả: Anh đã làm những gì mà mình phải làm, nhận lời đề nghị mà anh không thể từ chối. Sự nghiệp của Óscar đã mang lại cho anh những điều mà anh luôn mơ ước, ít nhất là theo nghĩa hữu hình nhất. Không, nỗi buồn đó là dành cho chúng ta: Cho tất cả những gì mà anh có thể sẽ làm được ở môi trường bóng đá đỉnh cao nếu đưa ra một quyết định khác, cho những điều mà chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy.
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Have You Seen This Man?” của ký giả Rory Smith, đăng tải trên The New York Times.