Javier Hernandez đang chết mòn ở Real Madrid vào những ngày cuối mùa giải 2014/2015, đã gần 8 tháng trôi qua mà tiền đạo người Mexico vẫn tịt ngòi. Nhưng rồi cuối cùng “Hạt đậu nhỏ” cũng tận dụng được cơ hội của mình trong trận tứ kết lượt về Champions League với Atletico Madrid. Một bàn thắng quý như vàng ở thời điểm quyết định là quá đủ để đưa Los Blancos vào vòng trong, và người ta thấy Chicharito ăn mừng như điên cuồng trên sân.
|
Giroud thường xuyên trở thành nạn nhân của những lời chế giễu |
Trong buổi bình luận sau trận đấu, Jamie Carragher và Graeme Souness, hai trong số ba bình luận viên của Sky Sport đã không tiếc lời ca ngợi màn trình diễn của Chicharito. Thế nhưng Thierry Henry chẳng lấy gì làm ấn tượng. Trong khi tất cả chú ý vào tình huống tỏa sáng của một cầu thủ hiếm khi được vào sân thi đấu, huyền thoại của
Arsenal lại chú ý tới một khía cạnh hoàn toàn khác. Hernandez đã ăn mừng một mình thay vì chạy tới và chia vui cùng với Cristiano Ronaldo, người đã loại bỏ tất cả hàng phòng ngự đối phương và có đường chuyền như dọn cỗ cho anh. Hẳn nhiều khán giả truyền hình cho rằng Henry đã quá khắt khe, nhưng thực chất anh chỉ nêu lên những thước đo còn thiếu hụt để đánh giá một tiền đạo: tinh thần đồng đội và lòng vị tha.
Sẽ là rất khó để đánh giá lòng vị tha trong bóng đá, đặc biệt là với vị trí tiền đạo. Từ xưa tới nay, sự ích kỷ luôn được coi là một tố chất cần thiết để làm nên một tiền đạo giỏi. Ruud Van Nistelrooy luôn được coi là một trong số những tiền đạo xuất chúng nhất trong kỷ nguyên Ferguson tại Old Trafford. Và cũng chính Sir Alex là người đã khẳng định rằng cầu thủ người Hà Lan là một người cực kỳ ích kỷ, tất cả những gì anh quan tâm là đưa bóng vào lưới đối phương. Đó cũng là hình mẫu chung của các tiền đạo cắm thuần túy thời bấy giờ, những người thường xuyên hoạt động độc lập và tập trung toàn lực vào mục tiêu ghi bàn. Cũng chính bởi thế mà người hâm mộ thường chỉ đánh giá một tiền đạo thông qua số bàn thắng mà anh ta ghi được.
Thế nhưng theo sự vận động của bóng đá, lối chơi của các vị trí trên sân trở nên đa dạng hơn. Các hậu vệ không chỉ làm tròn nhiệm vụ phòng ngự mà còn đóng vai trò là đầu mối để triển khai tấn công. Những tiền vệ đánh chặn thuần túy kiểu như Makelele, theo như lời của HLV Tim Sherwood, cũng chỉ còn trong sử sách. Hãy cứ lấy những ví dụ đơn cử nhất trong mùa hè năm nay. Man City sẵn sàng biến John Stones trở thành trung vệ Anh đắt giá nhất lịch sử, còn Arsenal chiêu mộ trung vệ trẻ Rob Holding từ giải Hạng Nhất, tất cả cũng chỉ vì sự đa năng của những cầu thủ này. Ở chiều ngược lại, khán giả cũng đánh giá một cầu thủ với những tiêu chí rộng hơn, một cầu thủ chạy cánh hay một tiền vệ trung tâm đừng hòng được điểm A nếu chỉ chăm chăm vào khả năng tấn công. Tuy nhiên, có một vị trí vẫn không hề được thay đổi cách nhìn nhận: tiền đạo.
|
Van Nistelrooy là ví dụ điển hình của mẫu tiền đạo cắm cổ điển |
Như thế nào là một tiền đạo giỏi? Đó là người có thể ghi được nhiều bàn thắng. Như thế nào là một tiền đạo xuất sắc? Anh ta phải ghi bàn trong những trận đấu lớn. Khi đưa được bóng vào khoảng trống giữa hai khung gỗ, anh ta sẽ là người hùng, sẽ được tung hô như những vị thánh. Còn nếu không, anh ta sẽ chẳng có gì ngoài những lời chê bai trên mặt báo. Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Karim Benzema khi anh bị chính các Madridista la ó mỗi khi ra sân, bất chấp việc tiền đạo người Pháp đã hỗ trợ quá tốt cho Cristiano Ronaldo trên hàng công. Và nếu như muốn có một bằng chứng khác cho sự bất công với những người lĩnh ấn tiên phong, Olivier Giroud sẽ là một ví dụ hoàn hảo.
Suốt 4 năm kể từ khi chuyển tới sân Emirates vào mùa hè 2012, Giroud luôn là tâm điểm của sự chỉ trích mỗi khi Arsenal trải qua một mùa giải thất vọng. Do danh hiệu Vua phá lưới Ligue I, do Arsenal đang trải qua cơn hạn hán danh hiệu gần một thập kỷ, và do xuất thân là một tiền đạo, Giroud phải chịu một sức ép khủng khiếp từ nhiệm vụ ghi bàn. Giới truyền thông phát đi phát lại một vài tình huống ngon ăn mà Giroud bỏ lỡ, và thế là khán giả chĩa mũi dùi vào chàng tiền đạo tội nghiệp. Vấn đề nằm ở chỗ Giroud là đại diện cho mẫu tiền đạo hiện đại với khả năng chơi bóng đa dạng và quan trọng là tính cách sẵn sàng hy sinh vì tập thể. Vì thế người ta không thể chỉ lấy số bàn thắng, thước đo cho một tiền đạo cổ điển để đong đếm những đóng góp của anh.
Dĩ nhiên khả năng ghi bàn vẫn là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một tiền đạo. Nếu không, thử hỏi chúng ta làm sao có thể xếp hạng những Gerd Muller hay Filippo Inzaghi, những người chẳng biết làm gì khác ngoài chọc thủng lưới đối phương? Tuy nhiên, với một tiền đạo hiện đại, có hai tiêu chí khác cũng quan trọng không kém để nói về sự đóng góp của họ cho đội bóng: khả năng tạo cơ hội (kiến tạo, đường chuyền nguy hiểm) và sự hy sinh vì đội bóng (cản phá bóng, tranh chấp).
|
Thống kê về các tiền đạo hàng đầu Premier League mùa 2015/2016 |
Hãy nhìn vào bảng thống kê về các tiền đạo hàng đầu Premier League trong mùa giải vừa qua. Đừng chú ý vội tới tần suất ghi bàn, hãy nhìn vào những chỉ số khác và bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh hơn về Giroud. Kiến tạo nhiều nhất, không chiến tốt nhất và không có chỉ số nào nằm ngoài Top 3. Bất kỳ một cầu thủ nào có khả năng hỗ trợ đồng đội tốt và tích cực tham gia phòng ngự từ xa như thế đều xứng đáng được ghi nhận. Nhưng với người hâm mộ, họ chưa bao giờ hài lòng với Giroud, bất chấp việc anh vẫn ghi trên 20 bàn mỗi mùa.
Trớ trêu hơn, những nhà quản lý bóng đá cũng dần đi theo lối mòn thực dụng về việc mua bán tiền đạo, với phương châm mua về những cái máy ghi bàn thực sự. Ariël Jacobs, HLV từng dẫn dắt Romelu Lukaku thời còn ở Anderlecht tỏ ra nuối tiếc khi cậu học trò cưng bị Chelsea cuỗm mất từ quá sớm. Với ông, Lukaku khi đó giống như một viên ngọc thô và nếu được mài giũa thêm, có thể anh đã trở thành một cầu thủ hoàn thiện hơn thay vì thất bại ở Chelsea và phải lưu lạc tới Everton. Dù đã ghi rất nhiều bàn thắng và trở thành đầu tàu của The Toffees nhưng Lukaku vẫn là một sản phẩm không hoàn thiện trong mắt Jacobs. Anh từng có khả năng kiến tạo và phối hợp rất tốt, nhưng sức ép của Premier League đã biến anh trở thành một cỗ máy ghi bàn không hơn.
Man United cũng vừa đưa Zlatan Ibrahimovic về sân Old Trafford, một tiền đạo cắm kinh điển với khả năng dứt điểm tuyệt vời nhưng không mạnh trong khoản đóng góp vào lối chơi chung. Andoni Zubizarretta, GĐĐH đương thời của Barcelona đã từng nhận xét rằng chính sự thiếu hòa nhập với lối chơi chung đã buộc Ibra phải khăn gói ra đi. Cũng giống như Henry, ông nhận ra vấn đề ngay khi đa số mọi người tung hô các tiền đạo sau mỗi bàn thắng. Họ không trách những cầu thủ ở tuyến đầu vì sự ích kỷ, bởi suy cho cùng chẳng có tiền đạo nào không ra sân mà không khát khao làm rung mành lưới đối phương. Nhưng với những người sẵn sàng gạt cái tôi cá nhân sang một bên để nhường chỗ cho tinh thần đồng đội, họ cũng xứng đáng nhận được những sự tôn trọng tương tự, miễn là đội nhà giành chiến thắng. Đó là lý do vì sao Wenger thốt ra một câu tưởng chừng như thật nực cười: “Giroud là một trong số những tiền đạo hàng đầu thế giới”. Còn Antoine Griezmann, Vua phá lưới của Euro 2016 đã nhận xét một câu gọn lỏn về người đá cặp ở tuyển Pháp: “Anh ấy là một cầu thủ có tấm lòng vị tha.”
|
"Anh ấy là một cầu thủ có tấm lòng vị tha" |
Những tiền đạo hiện đại như Giroud đã thay đổi để thích ứng với môi trường bóng đá ngày một khắc nghiệt. Nhưng một điều không may cho họ là người xem hay thậm chí là các đội bóng vẫn chưa sẵn sàng thay đổi bằng một cái nhìn cởi mở hơn. Và cho tới chừng nào dư luận vẫn còn đánh giá năng lực của một tiền đạo dựa trên số lần anh ta đưa bóng vào lưới, thì những cầu thủ toàn diện như Giroud sẽ vẫn mãi chỉ nhận được sự hoài nghi mà thôi.
Bóng đá không hề chết, nó chỉ đang phát triển theo xu hướng vốn có. Nhưng đáng tiếc, nghệ thuật vị tha cả trong và ngoài sân cỏ lại đang chết mòn theo những lời chì chiết đầy cảm tính.
Lược dịch từ bài viết:
Olivier Giroud and the dying art of selflessness
FRANK (TTVN)
⇒ Báo bóng đá cập nhật liên tục lịch thi đấu bóng đá việt nam hôm nay và xem bóng đá online. |