Một huyền thoại của Premier League đã xuất hiện ở Serie B. Trong những ngày tháng cuối cùng của sự nghiệp, Cesc Fabregas đã dành thời gian chia sẻ với FourFourTwo về Arsenal, Barcelona, Chelsea… và Como.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Cesc Fabregas nhìn lên nhìn xuống và mỉm cười, xa xa là hồ Como. “Cuộc sống khá tốt”, anh chia sẻ với FourFourTwo như vậy. “Como là một nơi chốn tuyệt vời với những con người nồng hậu. Ngày trước, gia đình chúng tôi từng đi nghỉ ở đây và vợ con tôi rất vui vẻ. Đến đây thực sự cảm nhận được năng lượng tích cực, tôi tin tưởng vào dự án và lại có cảm giác tận hưởng bóng đá”.
Ở tuổi 35, Fabregas thừa nhận Como có lẽ sẽ là CLB cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu của anh. Anh đã sẵn sàng để trở thành một HLV, nhưng hiện tại anh muốn tiếp tục và tận hưởng niềm vui. Quả thực sự nghiệp xuất sắc của Fabregas có rất nhiều điều để kể lại.
Những đội bóng ấu thơ
Câu chuyện bóng đá của Fabregas bắt đầu với thế hệ 1987 của Barcelona. Hàng ngày, anh thường đến La Masia bằng xe taxi và được giao nhiệm vụ giúp người bạn cùng phòng nhút nhát Lionel Messi bước ra khỏi chiếc “vỏ ốc” thông qua những giải đấu trên PlayStation hay các trò chơi khác. Đội hình 1987 của La Masia trải qua kỷ lục bất bại trong 2 năm.
Tuy nhiên, có một vấn đề khi ấy. Tiền vệ phòng ngự mang tư chất sáng tạo với thần tượng là Pep Guardiola ngày đó đã sớm thấy con đường lên đội một của mình sẽ bị chặn lại bởi sự hiện diện của Xavi và Andres Iniesta - hai tài năng hàng đầu thế hệ. Năm 16 tuổi, cùng với lời hứa sẽ được tập luyện cùng đội một ngay lập tức, Fabregas quyết định gia nhập Arsenal.
Tiền vệ người Tây Ban Nha chia sẻ: “Arsene Wenger là HLV quan trọng nhất sự nghiệp của tôi bởi ông ấy đã trao cho tôi cơ hội mà ai cũng cần. Ông ấy đưa tôi về khi tôi mới chỉ 16 tuổi và sau đó giúp tôi thành cầu thủ lẫn một con người tốt hơn. Tôi luôn coi ông ấy như một người cha thứ hai. Cái cách ông ấy đối xử với tôi không giống như bạn thường thấy trong bóng đá. Hiện tại, kết quả là trên hết, mọi thứ diễn ra quá nhanh và quá thiếu kiên nhẫn. Wenger là người đặc biệt, nếu không gặp ông ấy, không biết tôi có được vị trí như ngày hôm nay hay không”.
Kể từ khoảnh khắc Fabregas khoác chiếc áo số 57 trong trận đấu đầu tiên cho “The Gunners” - cuộc chạm trán Rotherham ở League Cup vào tháng 10/2023 - và trở thành cầu thủ trẻ nhất lịch sử ra sân cho Arsenal, cầu thủ người Catalunya đã nhanh chóng hòa nhập làm một phần của Arsenal.
Gần một năm sau ngày đó, anh có đường kiến tạo đẳng cấp cho Freddie Ljungberg ghi bàn vào lưới Tottenham Hotspur. Anh cũng là nhân vật chính cho một trong những khoảnh khắc nổi tiếng nhất lịch sử giải đấu khi ném một chiếc pizza vào mặt Sir Alex Ferguson trong đường hầm sân Old Trafford.
Trở thành đội trưởng Arsenal khi mới 21 tuổi, Fabregas chính là bộ não và người điều khiển nhịp độ trong lối chơi của “Pháo thủ”. Tổng cộng, Fabregas in dấu giày trực tiếp vào 154 bàn thắng trong 304 lần ra sân trên mọi đấu trường.
Nhưng đến mùa hè 2011, số danh hiệu của anh với Arsenal vẫn chỉ có FA Cup và Community Shield. Thất bại trước Barcelona ở chung kết Champions League 2006 và Chelsea ở chung kết League Cup 2007 có tác động to lớn. Khát khao danh hiệu khiến anh không thể cưỡng lại tiếng gọi từ quê nhà. Fabregas quyết định trở lại Barca.
“Mọi người nói tôi tôi có thể đưa ra quyết định dễ dàng kiểu như là ‘à, anh ta sẽ thi đấu cùng Messi, anh ta sẽ chiến thắng’. Nhưng tôi tin mình đã phải đưa ra quyết định khó khăn nhất. Tôi sẽ phải nỗ lực gấp đôi người khác. Tôi không được đảm bảo suất đá chính”, tiền vệ người Tây Ban Nha chia sẻ với FourFourTwo vào năm 2012.
Dù được đào tạo từ nhỏ ở La Masia, Fabregas phải mất thời gian để học hỏi và hiểu được hệ thống của thần tượng thuở ấu thơ Pep Guardiola. HLV người Tây Ban Nha cố gắng áp dụng hệ thống 3-4-3 với Cesc là một góc trong tàng tiền vệ kim cương. Đã có những khoảnh khắc thăng hoa nhưng mọi thứ không hoàn toàn diễn ra như mong muốn.
“Với Guardiola, tôi đã học được một cách hiểu bóng đá khác ở cả trên khía cạnh chiến thuật lẫn nỗ lực tập thể. Đồng thời, tôi được thi đấu cùng những cầu thủ xuất sắc, vì thế việc đoạt những danh hiệu có phần dễ hơn. Khi tôi có mặt ở đội, chúng tôi đoạt 6 danh hiệu trong 3 năm. Chúng tôi đã chơi nhiều trận chung kết và có rất nhiều trận đấu hay. Tôi rất thích thú”, Fabregas nói.
Tuy nhiên, điều khiến Fabregas thất vọng là anh không có một vị trí cố định. Đôi lúc anh đá tiền đạo cánh trái, có lúc là “số 9 ảo”. Anh ít khi được chơi ở vị trí tiền vệ tấn công mà anh làm tốt. Phải ngồi dự bị và không được sử dụng trong trận thua Bayern Munich 0-4 ở bán kết Champions League chính là thời điểm khó khăn nhất.
Dù ghi 42 bàn thắng và 50 kiến tạo chỉ trong 151 lần ra sân cho đội bóng thuở nhỏ, Cesc Fabregas vẫn không thể thoát khỏi cái bóng của Xavi và Iniesta. Vì vậy vào năm 2014, anh đã yêu cầu được ra đi.
“La Roja” và “The Blues”
Ở đội tuyển Tây Ban Nha, Fabregas không chỉ phải cạnh tranh với bộ đôi Xavi - Iniesta mà còn phải cạnh tranh trực tiếp với Xabi Alonso cũng như Sergio Busquets. Đây là một thử thách với tài năng của Fabregas. Dù vậy, anh vẫn có hơn 100 lần ra sân cho “La Roja”.
Lần đầu được gọi lên tuyển vào tháng 3/2006 khi mới 18 tuổi, Fabregas đã chiếm được lòng tin của Luis Aragones đến mức chiến lược gia người Tây Ban Nha đã điền tên anh vào danh sách tới World Cup tại Đức năm đó. Ở Euro 2008, Fabregas đã đáp ứng được niềm tin của người thầy với những màn trình diễn ấn tượng. Tại trận tứ kết với Italy, Aragones chọn Fabregas là người thực hiện loạt sút luân lưu thứ 5. Tiền vệ người Tây Ban Nha đã ghi bàn dù anh chưa từng đá 11m ở một trận đấu chính thức nào từ năm 15 tuổi. Phong độ xuất sắc giúp Fabregas có tên trong trận chung kết gặp Đức.
Dưới thời Vicente de Bosque, Fabregas không được đá chính trong cả 7 trận đấu Tây Ban Nha tiến đến vinh quang tại World Cup 2010, nhưng nếu không có anh, “La Roja” có thể sẽ không được nâng cao danh hiệu vô địch thế giới. Sau khi vào sân từ ghế dự bị, chính Fabregas đã kiến tạo cho Iniesta ghi bàn trong hiệp phụ.
“Tất cả chúng ta đều khó chịu khi không được đá chính trong nhiều trận. Nhưng ở những giải đấu kiểu như vậy, hầu hết chính những cầu thủ dự bị sẽ tạo ra khác biệt thực sự”, Fabregas chia sẻ.
Tại Euro 2012, tiền vệ người Tây Ban Nha tiếp tục để lại dấu ấn trong hành trình giúp “La Roja” đoạt danh hiệu thứ ba liên tiếp. Vào buổi sáng trước thềm trận bán kết gặp Bồ Đào Nha, Fabregas kiên quyết mình sẽ là người thực hiện quả luân lưu thứ 5 nếu trận đấu phải phân định ở chấm 11m. Quả thực, sau 120 phút, Fabregas đã đề nghị Del Bosque để anh thực hiện cú đá quyết định.
“Bạn không thể chắc mình sẽ không sút hỏng, nhưng tôi có một cảm giác mạnh mẽ nên đã đề nghị ông ấy thay đổi thứ tự”, cựu cầu thủ Barca tiết lộ. Cú sút quyết định thành công của anh đã đưa Tây Ban Nha lọt vào trận chung kết gặp Italy - nơi anh thi đấu như một “số 9 ảo” và có pha kiến tạo trong bàn mở tỷ số của David Silva phút 14.
Tuy nhiên, sau đó 2 năm, Tây Ban Nha đã không thể tiếp đà thành công và không bảo vệ được danh hiệu vô địch thế giới. Sau World Cup 2014, Fabregas cũng rời Barcelona để gia nhập Chelsea. Anh chia sẻ: “Thương vụ đến Chelsea là điều không ai ngờ tới, kể cả tôi. Nhưng đó là thời điểm phù hợp để ra đi bởi họ có một tập thể hàng đầu, một HLV hàng đầu và những cổ động viên tuyệt vời. Đó là trải nghiệm đáng giá. Chúng tôi chắc chắn sẽ đoạt nhiều danh hiệu”.
Quả thực như vậy. Anh đã đoạt 2 danh hiệu trong mùa giải đầu tiên cùng “The Blues” gồm League Cup và Premier League. Sự kết hợp ăn ý với Diego Costa - 6 trong 19 đường kiến tạo của tiền vệ người Tây Ban Nha mùa bóng đó dành cho tiền đạo mang áo số 19 - đã đưa Chelsea tới đỉnh cao. Điều quan trọng, quãng thời gian làm việc với Jose Mourinho là điều đáng giá với Fabregas.
“Tôi học được nhiều điều từ ông ấy như niềm đam mê cho bóng đá, cá tính. Khát vọng của ông ấy là cứ 3 ngày giành 1 chiến thắng. Điều đó không dễ dàng, nhưng cách Mourinho thúc đẩy các cầu thủ tốt hơn mỗi ngày là điều nổi bật nhất”, ngôi sao sinh năm 1987 tiết lộ.
Sau 4 năm rưỡi khoác áo Chelsea, Fabregas rời Stamford Bridge với tình cảm và sự trân trọng từ người hâm mộ đội bóng.
Vai trò mới, thách thức mới
Mọi thứ ở Monaco không diễn ra suôn sẻ với Fabregas. Rất nhiều HLV đến rồi đi, trong khi cơ thể của anh bắt đầu xuống sức sau nhiều năm tháng thi đấu đỉnh cao. Song, dù thể chất bị bào mòn, bộ não của Fabregas vẫn rất sắc bén, những cú chạm bước một vẫn mượt mà. Và với niềm tin vào chính mình, cầu thủ 35 tuổi đã bị hấp dẫn bởi dự án của Como và tham vọng giúp CLB này lên chơi tại Serie A.
“Đó là lý do tôi đến đây. Tôi hạnh phúc khi được thi đấu trở lại. Đây mới chỉ là bắt đầu và tôi đang làm quen với những đồng đội mới. Tôi cố gắng trở thành một hình mẫu và sát cánh với mọi người với tư cách một đồng đội”, Fabregas khẳng định.
Dennis Wise - cựu cầu thủ Chelsea - đang là Giám đốc điều hành của Como và đóng vai trò quan trọng trong việc chiêu mộ Fabregas. Tiền vệ người Tây Ban Nha nói: “Tôi trò chuyện rất nhiều với Dennis. Anh ấy là nhân vật quan trọng trong CLB, là người đưa ra mọi quyết định liên quan tới bóng đá. Ở giải đấu này, đội bóng nào cũng có thể bị đánh bại bởi bất cứ ai, vì thế điều quan trọng là có những gương mặt giàu kinh nghiệm giúp đỡ những cầu thủ trẻ”.
Hiện tại, Fabregas là cầu thủ, cổ đông, đồng thời cũng đang làm việc cùng đội trẻ Como. Con đường tương lai của anh sẽ là trở thành HLV như thần tượng Guardiola. Fabregas nói: “Tôi đang học để lấy bằng HLV. Tôi muốn bước chân vào con đường đó ngay sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Tôi đang nghiên cứu các bài tập, phân tích và vẫn luôn ghi chú về các HLV trong suốt sự nghiệp. Bóng đá liên tục phát triển, điều quan trọng là bạn phải thích nghi dù là HLV hay cầu thủ”.
Phải chăng đó chính là câu chuyện sự nghiệp của Cesc Fabregas? Từ một cậu thiếu niên rời xa gia đình, tới một đất nước khác, hòa nhập, tiến bộ rồi trở thành một người đàn ông gặt hái những vinh quang. Cesc Fabregas trước kia đã làm được và hiện tại anh vẫn biết cách thực hiện điều đó. Có lẽ đó là lý do Cesc Fabregas vẫn đang mỉm cười.
Theo Andrew Murray, Emanuele Giulianelli | FourFourTwo