Những người hùng không chạm bóng ở Premier League

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 28/12/2021 19:08(GMT+7)

Zalo

Trong 1 phút của trận đấu giữa Wolvehampton Wanderers và Chelsea, có vẻ như Conor Coady sẽ phải rời khỏi sân đấu. Anh vừa thực hiện một pha tắc bóng cực kỳ quan trọng, can thiệp đúng thời điểm một cách hoàn hảo để ngăn Christian Pulisic có cơ hội tung ra một cú sút bên trong vòng cấm, nhưng Coady đã bị trẹo mắt cá chân khi tiếp đất và phải được dìu ra khỏi sân.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
Khi trận đấu tiếp tục diễn ra mà không có Coady, các bình luận viên đã nói về việc hiếm khi người đội trưởng của Wolves vắng mặt trên sân trong những trận đấu của họ. Kể từ khi mùa giải này bắt đầu, Coady đã góp mặt 1.788 phút trong tổng số 1.800 phút  mà CLB của anh đã chơi, cộng với 3 trận đấu ở vòng loại World Cup cho đội tuyển Anh. 
 
Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp tục nhìn vào những con số thống kê, bạn sẽ cảm thấy rất khó hiểu về nguyên nhân đã giúp một cầu thủ như Coady được chắc suất đá chính tại Wolves. Tình huống truy cản Pulisic chỉ là pha tắc bóng duy nhất của anh vào ngày hôm đó; anh chẳng có pha cắt đường chuyền nào; hầu hết những đường chuyền mà trung vệ này thực hiện là chuyền ngang.
 
Tiếp tục tham khảo những dữ liệu nâng cao hơn mà FBref ghi nhận ở Coady, bạn sẽ thấy một loạt những số liệu thống kê nằm dưới mức trung bình khi so sánh với các trung vệ khác, chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “bèo bọt”: Anh có thứ hạng phần trăm là 29 trong thống kê số đường chuyền mỗi 90 phút – tức chỉ đứng trên 29% số cầu thủ trong cùng danh sách, thứ hạng phần trăm 6 về số pha tắc bóng, thứ hạng phần trăm 4 về số lần pressing đối thủ, và chỉ vỏn vẹn 1% trong cả số lần cắt đường chuyền và tranh chấp không chiến thành công. 
Có thể nói, về mặt thống kê, Coady thực sự là một bóng ma.
 
Có một số rất ít những cầu thủ như vậy – những người hiếm khi chạm vào quả bóng, nhưng vì một lý do nào đó mà luôn luôn được hiện diện trên sân đấu. Họ thực sự là một bí ẩn đối với lĩnh vực phân tích trong thể thao: Thế quái nào lại có những gã trông như chẳng làm được nhiều việc lại có thể nằm trong diện “không thể thiếu” đối với một đội bóng? 
 
Michael Lewis, tác giả của Moneyball, đã đặt tên cho họ là: No-Stats All-Star (tạm dịch: Những người hùng chẳng cần đến các con số thống kê). Một ví dụ được ông đưa ra là cầu thủ NBA Shane Battier, một vận động viên trông như thể chẳng có gì ấn tượng, và giá trị của anh đối với đội bóng của mình càng không được hiển thị bằng những con số thống kê thông thường. “Trong phần lớn lịch sử của nó,” Lewis viết, “bóng rổ đã không đo lường được quá nhiều thứ quan trọng ngoài những thứ dễ đo lường – như điểm số, các pha rebound, kiến tạo, những tình huống cướp bóng, blocked shot – và những phép đo lường này đã làm sai lệch nhận thức của mọi người về cuộc chơi.” 
 
Các số liệu thống kê trong bóng đá, chủ yếu bắt nguồn từ những gì diễn ra khi có bóng, hoặc những lần “chạm” vào quả bóng, đúng là có thể bao quát nhiều trận đấu hơn và ghi nhớ chúng tốt hơn con người chúng ta, nhưng chúng cũng có những điểm mù hết sức quan trọng. 
 
Đối với những cầu thủ mà các đóng góp quan trọng nhất của họ đến từ những lần chạm bóng có giá trị cực kỳ khó đo lường – hoặc hoàn toàn không chạm đến quả bóng – nên được nhìn nhận sâu rộng hơn các con số thống kê quen thuộc để hiểu được cách mà họ kiếm được sự trọng dụng trong đội bóng của mình. Điều đó sẽ không chỉ giúp đưa các số liệu vào ngữ cảnh cụ thể, mà còn có thể chỉ ra con đường dẫn đến những chỉ số mới trong tương lai, giúp chúng ta nắm bắt tốt hơn những thứ thực sự quan trọng trên sân cỏ. 
 
Một hậu vệ không trực tiếp đoạt lại quyền kiểm soát bóng cho đội. Một tiền vệ không chuyền bóng. Một tiền đạo trông như chẳng làm việc gì khác với quả bóng ngoại trừ ghi bàn. Chào mừng đến với “những người hùng không chạm bóng”.
 
HẬU VỆ: CONOR COADY
Coady là một ví dụ tiêu biểu về một vấn đề nổi tiếng trong phân tích bóng đá: Các dữ liệu sự kiện có thể cho chúng ta thấy liệu phong cách của một trung vệ giống chó hay mèo hơn, nhưng có những trường hợp “rất khó (có lẽ gần như không thể)” để đánh giá chính xác năng lực phòng ngự của một cầu thủ bằng các con số thống kê.  
 
Virgil van Dijk, người có danh tiếng trong giới phòng thủ gần ngang bằng căn cứ Fort Knox của quân đội Hoa Kỳ, cũng đã được ghi nhận những số liệu thống kê phòng ngự rất giống với Coady. Cả hai đều có thứ hạng gần cuối trong danh sách các trung vệ ở Premier League về số lần pressing, tắc bóng, và cắt đường chuyền, cũng như đều không nổi bật về chỉ số chặn bóng hay phá bóng. Đó là hầu hết các loại hành động phòng ngự mà một cầu thủ có thể thực hiện. Nếu ngay cả người đàn ông thường được ca tụng là trung vệ xuất sắc nhất thế giới cũng chẳng hề tạo nên những thống kê ấn tượng trong các hạng mục kia, vậy thì những con số đó có thực sự mang ý nghĩa quá to tát? 
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
Những hậu vệ chạm bóng ít, số phút thi đấu nhiều ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu

Một phần của vấn đề chính là những cơ hội. Hệ thống chiến thuật pressing của Liverpool có khuynh hướng cố hết sức để đoạt lại bóng ở những khu vực trên cao của sân đấu, chính vì vậy Van Dijk chẳng cần phải làm việc quá nhiều, mà thường chỉ “lấp ló” một cách đầy đe dọa ở tuyến hậu vệ. Còn Wolves tuy là một đội bóng có khuynh hướng thường xuyên để cho các đối thủ ép sân, nhưng hàng thủ 5 người co cụm của Bruno Lage đã được thiết kế để Coady – trong tư cách bức tường phòng ngự cuối cùng – không bị đánh vỗ mặt ở trung lộ. Trong khi các đối tác trung vệ lệch cánh của anh có thể mạo hiểm rời khỏi vị trí để áp sát quả bóng, thì nhiệm vụ của Coady là “ở lại thành” và tập trung bịt kín khu vực trung lộ của vòng cấm, chỉ can thiệp khi cần thiết. Với lối chơi và vai trò như vậy, hiển nhiên anh sẽ không được ghi nhận những con số thống kê hoành tráng trong các dữ liệu phòng ngự.  
 
Hãy nhìn vào tình huống truy cản đơn giản dưới đây trước Chelsea. Khi Mason Mount lùi xuống để nhận bóng, Romain Saiss đã bị kéo theo anh ta, mở ra một khoảng trống ở phía bên trái của hàng thủ Wolves. N’Golo Kante đã di chuyển nhanh vào khoảng trống đó, nhưng Coady đã bắt bài được động thái này và bám theo khóa chặt ngôi sao người Pháp, ở một vị trí vừa đủ gần để Kante phải quyết định thử thực hiện phương án đánh gót đưa bóng sang cho Mount thay vì bị ép ra đường biên.
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
Wolves sau đó đã đoạt lại được bóng từ pha đánh gót của Kante, nhưng dù cho chính động thái phòng ngự đầy khôn ngoan của Coady đã gây ra một áp lực khiến đối thủ người Pháp để mất bóng, anh không hề chạm vào quả bóng. Các dữ liệu sự kiện kiểu cũ sẽ hoàn toàn không ghi nhận công lao này của Coady. 
Ngay cả các động thái chủ động đoạt bóng không phải lúc nào cũng được chuyển đổi thành những chỉ số phòng ngự. Trong ví dụ dưới đây, Coady đã nhanh chóng phát hiện ra Pulisic đang bắt đầu di chuyển băng qua vai sau của mình…
  
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
… vì vậy, Pulisic đã phải cố đổi hướng di chuyển vào giây cuối cùng…
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
… nhưng Coady cũng đã đọc được ý định đó và điềm tĩnh cắt đứt đường chuyền hướng đến ngôi sao người Mỹ:
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
Luôn hiện hữu sự chủ quan khi người viết code ghi lại các trận đấu bóng đá, và hệ quả của điều này là dữ liệu của Stats Perform đã không ghi nhận Coady có 1 lần cắt bóng, mà thay vào đó lại xem tình huống trên là 1 đường chuyền thành công của anh. Nếu quá trình phân tích dữ liệu không diễn ra một cách cực kỳ thận trọng và chi li, sẽ không thể nào phân biệt được hành động truy cản, đánh chặn trên của Coady với một đường chuyền phát triển bóng đơn giản. 
 
Những điều như thế này cho thấy việc ấn định các số liệu phòng ngự để qua đó thể hiện chính xác năng lực phòng ngự của một cầu thủ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, dù cho giới phân tích đã nghĩ ra phương pháp điều chỉnh theo các cơ hội mà đối phương có được, bằng cách chia những chỉ số phòng ngự với thời lượng kiểm soát bóng hoặc số lần chạm bóng của đối phương, tuy phương pháp này đôi khi đã tỏ ra hữu ích. Không hề có thuật ngữ hay thông số nào có thể giải thích điều mà môn bóng bầu dục Mỹ gọi là “shutdown corner effect” (tạm dịch: Hiệu ứng triệt tiêu một phương án của đối thủ), trong đó một hậu vệ đã làm tốt nhiệm vụ của mình đến mức đối thủ chỉ có thể đưa bóng tới một nơi khác. 
 
Thay vì tính toán các chỉ số đoạt bóng, một số nhà phân tích đã cố gắng giải quyết vấn đề theo cách khác, đo lường khả năng phòng ngự dựa trên mức độ nguy hiểm mà các đợt tấn công tạo ra thông qua một cầu thủ hoặc khu vực cụ thể mà hậu vệ đó chịu trách nhiệm. Ví dụ, một pha tắc bóng của Coady trước Chelsea chắc chắn sẽ không nói cho chúng ta biết nhiều điều về việc anh đã chơi như thế nào trong trận đấu đó, nhưng việc Pulisic chỉ có thể tung ra vỏn vẹn 1 cú dứt điểm thì ngược lại. Kiểu lý luận đó sẽ khiến mọi thứ rõ ràng và hợp lý hơn nhiều, nhưng trên thực tế, không dễ để xác định trách nhiệm phòng ngự của các cá nhân trong hệ thống dữ liệu. 
 
“Danh tính của cầu thủ phòng ngự trong mỗi hành động tấn công không phải lúc nào cũng rõ ràng từ dữ liệu sự kiện,” Smarterscout – tổ chức thống kê được tin dùng bởi The Athletic – chia sẻ. Thuật toán của Smarterscout đã cố gắng hết sức để “xác định các cầu thủ phòng ngự trong từng động thái tấn công” bằng phương pháp xác thực qua video, nhưng điều đó cũng chẳng thể giúp được gì nhiều cho Coady tội nghiệp, người chưa bao giờ đạt điểm cao hơn 12/100 cho chất lượng phòng ngự trong suốt 4 mùa giải ở Premier League – và điểm số dành cho số lượng hành động phòng ngự của anh là 0/100 mỗi mùa. 
 
Có thể các số liệu thống kê đã đúng và Coady thực sự không quá giỏi trong nhiệm vụ của mình, nhưng việc Wolves chỉ để thủng lưới 14 bàn thua sau 18 trận và người đội trưởng của họ được gọi lên ĐTQG Anh đã cho thấy câu chuyện chắc chắn không hề đơn giản như vậy. Thật đáng tiếc, cho đến hiện tại, việc đo lường đóng góp cá nhân của những trung vệ như Coady – những người không chạm vào quả bóng – vẫn là một nhiệm vụ cực kỳ khó.  
 
TIỀN VỆ: CONOR GALLAGHER
 
Không phải Conor Gallagher của Crystal Palace có khuynh hướng hiếm khi cầm bóng. Anh được ghi nhận trung bình 52,8 lần chạm bóng mỗi 90 phút, nhiều hơn một nửa cầu thủ ở Premier League. Nhưng khi bạn nhìn vào con số đó trong ngữ cảnh vị trí của anh (tiền vệ) và đội bóng mà anh đang chơi (một Palace có lối chơi kiểm soát bóng, chuyền cực nhiều dưới thời Patrick Vieira), cầu thủ 21 tuổi sẽ chỉ có thứ hạng phần trăm là 11 về thống kê số lần chạm bóng đã qua điều chỉnh theo vị trí thi đấu. Thêm một chàng trai mang tên Conor rất đáng bàn và đầy thú vị khác. 
 
Tuy nhiên, mặc dù chỉ số hoạt động với bóng trong chân tương đối thấp, Gallagher đã có số phút thi đấu nhiều hơn bất kỳ tiền vệ nào khác trong đội của mình. Chào mừng đến với danh sách “những người hùng không chạm bóng”, chàng trai:
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
Những tiền vệ chạm bóng ít, số phút thi đấu nhiều ở top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu
 
Lần này, câu chuyện sẽ không nói về sự khó khăn trong việc đo lường khả năng phòng ngự. Gallagher là một cỗ máy đoạt bóng cực kỳ năng nổ, được ghi nhận nhiều pha tắc bóng, cắt đường chuyền, và chặn bóng trên mỗi 100 lần chạm bóng của đối phương nhiều hơn 61% các tiền vệ ở Premier League mùa giải này, và có số lần pressing thành công trên mỗi 100 lần chạm bóng của đối phương nhiều hơn 89% các đồng nghiệp của mình. Không giống như Coady, anh là kiểu cầu thủ có những động thái phòng ngự được hiển thị rõ ràng trong hệ thống dữ liệu.
 
Tuy nhiên, sẽ chẳng có ai bảo Gallagher là một tiền vệ chuyên về thủ cả. Thống kê 0,43 bàn thắng kỳ vọng không tính penalty cộng kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút của anh ở mùa giải này có thứ hạng cao hơn 94% các tiền vệ tại Premier League. Hệ thống dữ liệu sự kiện không gặp vấn đề gì trong việc nắm bắt những điểm nhấn trong khía cạnh tấn công đã đưa Gallagher trở thành một tiền vệ trẻ đình đám cả (một ký giả của The Athletic thậm chí đã khẳng định anh là cầu thủ xuất sắc thứ tư ở Premier League). 
 
Lý do Gallagher xuất hiện trong nhóm cầu thủ ít chạm bóng là vì anh không làm điều mà các tiền vệ thường làm nhất – chuyền nhiều ở trung tuyến. 
 
Điều thú vị nhất về hồ sơ thống kê bất thường của Gallagher chính là cách nó tối đa hóa những điều mà chúng ta khá chắc chắn là cực kỳ quan trọng (ghi bàn, kiến tạo / đoạt bóng, ngăn đối phương ghi bàn) và giảm đến mức tối thiểu một phần của cuộc chơi mà ngay cả các chỉ số nâng cao cũng gặp khó khăn khi tính toán. 
Xu hướng mới nhất trong lĩnh vực phân tích bóng đá là các mô hình “giá trị kiểm soát bóng” (possession value), được tạo ra để ước tính những lần nhận bóng của một cầu thủ thay đổi các cơ hội ghi bàn của đội anh ta như thế nào (và đôi khi là khả năng thủng lưới). Đơn giản nhất chính là “Expected threat” (tạm dịch: mức độ đe dọa kỳ vọng): Các hành động di chuyển quả bóng về phía khung thành đối thủ càng gần sẽ giúp cho khả năng ghi bàn của đội càng cao hơn. 
 
Một ví dụ phức tạp hơn một chút là chỉ số “goals added” (g+) của American Soccer Analysis, được tạo ra để tính toán xác xuất 1 bàn thắng được ghi một cách chính xác hơn bằng cách xem xét bối cảnh xoay quanh mỗi lần nhận bóng của một cầu thủ, chứ không chỉ vị trí của bóng. 
 
Nhưng ngay cả khi đo lường bằng một mô hình tính toán xác xuất ghi bàn hiện đại nhất, thì điều mà bạn nhận thấy vẫn là tầm ảnh hưởng của hầu hết các hoạt động diễn ra ở trung tuyến lên tỷ số trận đấu – thậm chí cho dù là sự khác biệt giữa một đường chuyền thành công và một pha mất bóng – vẫn là khá nhỏ. Có quá nhiều điều cực kỳ khó cần phải xảy ra giữa vạch giữa sân và vòng cấm để một tình huống kiểm soát bóng được chuyển hóa thành 1 bàn thắng. 
 
Kết quả là phạm vi giá trị của các hành động có thể xảy ra trong một trận đấu – nếu được minh họa – sẽ dốc đứng ở hai đầu sân và chùng xuống tận 0 ở trung tuyến – như thể một thung lũng vậy. 
 
Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng những việc diễn ra ở trung tuyến không quan trọng. Chỉ là, trừ khi bạn có một mô hình có thể phân biệt được sự khác biệt giữa những đường chuyền ngang dưới đây ở khu vực trung tuyến, đầu tiên là một đường chuyền làm chậm đi quá trình chuyển đổi trạng thái của Crystal Palace khi Gallagher đang gặp khó, phải thực hiện một đường chuyền vụng về, thiếu chỉnh chu để đưa bóng thoát khỏi cẳng chân của một cầu thủ phòng ngự… 
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
… và một đường chuyền khác trông tương tự trong hệ thống dữ liệu – đều sẽ được ghi nhận là những đường chuyền ngang – nhưng đã giúp một đồng đội có bóng trong khoảng trống lý tưởng sau khi Gallagher dụ 2 cầu thủ phòng ngự tập trung vào mình…
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
 
… còn không thì sự khác biệt về chất lượng cá nhân ở khu trung tuyến sẽ có khuynh hướng mờ nhạt trong hệ thống dữ liệu. May mắn cho Gallagher, lối chơi của anh không phải thuộc kiểu tiền vệ nhiều lượng, nhưng ít điểm nhấn. Tiếp theo chính là điều đang biến anh thành một nhân tố chủ chốt và vẫn rất nổi bật trong đội bóng của mình – những pha di chuyển hết sức khôn ngoan vào khu vực 1/3 cuối sân đối phương…
   
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
… đôi khi chúng dẫn đến các bàn thắng và những pha kiến tạo, nhưng đôi khi chỉ đơn giản là tạo ra khoảng trống cho các đồng đội ở những vị trí nguy hiểm…
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
Điểm mấu chốt là Gallagher tuy không được nhận bóng nhiều so với các đồng đội hoặc những cầu thủ chơi cùng vị trí với mình, nhưng những lần nhận bóng diễn ra trong các tình huống có mức độ đe dọa cao đối với đối thủ mà anh có được nhiều hơn hầu hết các tiền vệ khác, và anh đã tận dụng tối đa chúng. Mô hình DAVIES của Mike Imburgio, được thiết kế để ước tính “giá trị kiểm soát bóng” “goals added” bằng cách sử dụng các số liệu thống kê công khai của FBref, đã xếp hạng Gallagher là cầu thủ U-23 có đóng góp nhiều thứ 6 tại top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Một thành tích chắc chắn không tệ chút nào. 
 
TIỀN ĐẠO: JAMIE VARDY
 
Theo những con số được cung cấp bởi FBref, thật đáng kinh ngạc, 3,3% của những tình huống chạm bóng mà Jamie Vardy đã có ở mùa giải này là các bàn thắng không tính penalty, nhiều hơn Robert Lewandowski, Erling Haaland và mọi cầu thủ khác ở Châu Âu ngoại trừ Poacher (mẫu tiền đạo chỉ đơn giản là chờ đợi thời cơ ghi bàn) Patrik Schick của Bayer Leverkusen. Có một câu hỏi tu từ thú vị trong lĩnh vực phân tích bóng đá là một tiền đạo nên có bao nhiêu lần chạm bóng, nhưng khi 9 trong số đó được chuyển hóa thành các bàn thắng vào trước Giáng Sinh, còn ai thèm quan tâm đến phần còn lại chứ? 
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
Những tiền đạo chạm bóng ít, số phút thi đấu nhiều ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu

Nhưng để được đá chính nhiều như Vardy – người chỉ 2 lần vắng mặt trong đội hình xuất phát của Leicester City tại Premier League ở tuổi 34 – một tiền đạo cần phải đóng góp thêm thứ gì đó ngoài các bàn thắng. Vì Vardy hiếm khi lùi sâu để hỗ trợ các đồng đội liên kết lối chơi, “giá trị bổ sung ngoài việc ghi bàn” của anh chủ yếu đến từ những tình huống di chuyển không bóng khi Leicester tổ chức tấn công.
 
Ví dụ đầu tiên sẽ là bàn thắng vào lưới Watford dưới đây, nơi Vardy đang dừng chân ở một vị trí nằm ngay trên ranh giới việt vị tại “hành lang trong” phía cánh trái khi hậu vệ trái Luke Thomas của Leicester đoạt được bóng và lao về phía trước. Thay vì nhanh chóng tiến đến khung thành, Vardy chỉ đơn giản là lùi xuống vài bước để nhử một trung vệ bám theo mình và mở ra một tuyến đường trống trải dành cho Thomas, người đã tung ra một đường chọc khe cho Ademola Lookman và tạo thành một pha kiến tạo…
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
Bàn thắng vào lưới Norwich dưới đây cũng bắt đầu theo cách tương tự, với việc Thomas đoạt được bóng ở cánh trái của trung tuyến trong khi Vardy đang đứng giữa trung vệ lệch phải và hậu vệ phải của đối thủ. Lần này, không có chân chạy nào khác ở gần đó, vậy nên Vardy đã di chuyển cắt vào phía trong và mở ra một khoảng trống cho James Maddison…
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
… trước khi Vardy lùi xuống để nhận bóng từ Maddison và tung ra một đường chuyền kiến tạo cho Marc Albrighton.
 
Những người hùng không chạm bóng ở Premier League
 
Cách di chuyển của Vardy trong hai chuỗi tình huống trên không quá giống nhau, nhưng bằng cách xuất phát ở đúng vị trí vào thời điểm bóng đang ở trong chân đối thủ và đưa ra quyết định vừa nhanh chóng vừa chính xác để có những động thái hợp lý ngay sau khi đồng đội đoạt được bóng, anh đã tạo ra các khoảng trống cho đồng đội ở hai trong số những khu vực có “giá trị” cao nhất của sân đấu – giữa hai trung vệ trong tình huống ghi bàn của Lookman; giữa hai tuyến của đối thủ cho Maddison – và mang đến cho đội của mình một con đường tuyệt vời dẫn đến khung thành. 
 
Dữ liệu sự kiện có thể ghi lại pha kiến tạo của Vardy, nhưng đối với những pha di chuyển không bóng của anh và cách chúng làm rối loạn hệ thống phòng ngự của đối thủ để tạo ra khoảng trống cho các đồng đội thì không, về cơ bản, đây chính là trường hợp tương tự như vấn đề đo lường khả năng phòng ngự đã đề cập trong phần phân tích về Conor Coady – những pha di chuyển không bóng và “phòng ngự không chạm bóng” cần một bộ dữ liệu riêng cho chúng.
 
David Sumpter, tác giả của cuốn Soccermatics và là “chủ xị” của series phân tích bóng đá xuất sắc trên YouTube, Friends of Tracking, điều hành một công ty tên Twelve Football đã sử dụng dữ liệu “giá trị kiểm soát bóng” để đánh giá Vardy. 
 
Theo dữ liệu của Twelve, vào mùa giải trước, Vardy đứng trên 80% các đồng nghiệp không chỉ với những pha di chuyển tấn công mà anh nhận được bóng, mà còn bởi giá trị tiềm ẩn của những pha di chuyển mà anh là mục tiêu của một đường chuyền không thành công. 
 
Mối đe dọa hiện hữu liên tục mà Vardy tạo ra trên hàng công đã thu hút sự chú ý của các cầu thủ phòng ngự ngay cả khi anh không chạm vào bóng.  Anh chỉ được ghi nhận gần mức trung bình của Premier League về giá trị của những khoảng trống mà các pha di chuyển của mình đã mở ra cho đồng đội, nhưng điều đó không quá tệ đối với một ông già. 
 
Trong cả 3 nhóm vị trí – hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo – bài học mà “những người hùng không chạm bóng” mang đến là như nhau. 
 
Lĩnh vực phân tích số liệu thống kê cho đến nay đã đạt được rất nhiều sự tiến bộ, nhưng để nắm bắt được tất cả các kỹ năng đã giúp “những người hùng không bóng” không ngừng được đá chính và chơi hết trận nếu thể lực cho phép, dữ liệu bóng đá sẽ cần phải nhìn xa trông rộng hơn những lần chạm bóng và học cách quan sát toàn bộ trận đấu. 
 
Những điều quan trọng và những điều dễ đo lường không phải lúc nào cũng giống nhau. 
 
Theo The Athletic
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Luis Diaz và một đêm huyền ảo của Liverpool tại thánh địa Anfield

Trận đấu khép lại, Luis Diaz rời sân Anfield với danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" và ôm quả bóng Champions League sau khi đã lập một cú hattrick vào lưới Bayer Leverkusen. Và vẫn như thường lệ, trên quả bóng ấy lại có đầy đủ chữ ký của đồng đội để giúp Diaz lưu giữ lại chút kỷ niệm về một đêm huyền ảo của mình tại Anfield.

X
top-arrow