Nằm trong số những trung vệ trẻ được săn đón nhiều nhất ở châu Âu trước khi gia nhập Arsenal vào mùa hè 2019, William Saliba từng được ví von là “Raphael Varane mới” của bóng đá Pháp. Nếu không có lợi thế khi Saliba là một Gooner thực thụ, có lẽ Arsenal đã nhận trái đắng trong thương vụ này trước sự cạnh tranh đến từ Atletico Madrid và Manchester United.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!
Thế nhưng sau 3 năm kể từ thời điểm đặt bút ký vào bản hợp đồng với Pháo thủ, tân binh đến từ Ligue 1 vẫn chưa một lần được ra sân thi đấu cho đội một Arsenal. Vậy chuyện gì đã xảy ra?
27 triệu bảng – khoản tiền Arsenal phải trả cho Saint-Etienne để có được sự phục vụ của Saliba, đã biến trung vệ người Pháp trở thành tân binh “tuổi teen” đắt giá nhất trong lịch sử Arsenal. Tất nhiên đó không phải mức phí mà đại diện thành London thanh toán một lần cho Saint-Etienne. Cụ thể, Arsenal chỉ phải bỏ ra 7 triệu bảng trả trước. Số tiền còn lại được trả góp trong vòng 5 năm.
Thế nhưng, dù là trả thẳng hay trả góp thì con số 27 triệu bảng dành cho một cầu thủ mới bước sang tuổi 18 khi ấy vẫn là một bất ngờ lớn lao, nếu xét sự dè sẻn của Arsenal trên trị trường chuyển nhượng trong quá khứ. Nếu HLV Arsene Wenger còn tại vị, chắc chắn những bản hợp đồng như vậy sẽ khó lòng xảy ra. Nhưng giờ khi Giáo sư đã ra đi, công tác chuyển nhượng của đội chủ sân Emirates cũng có nhiều sự thay đổi. Tích cực cũng có, nhưng tiêu cực lại càng nhiều.
Lãng phí, đó chắc chắn là hai từ mà các Gooner nhắc đến nhiều nhất ở những thương vụ chuyển nhượng của đội bóng trong vài năm trở lại đây. Họ ném vào thị trường chuyển nhượng không ít tiền để tăng cường chất lượng nhân sự thời kỳ hậu Arsene Wenger, nhưng rồi lại tìm cách bán tống, bán tháo để thu hồi vốn. Điển hình nhất là trường hợp của Matteo Guendouzi và Lucas Torreira.
Ngoài ra, hàng loạt những cái tên như Shkodran Mustafi, Sokratis, Aaron Ramsey, Mesut Ozil hay Henrikh Mkhitaryan, bị đẩy ra đường mà Arsenal chẳng thu lại bất cứ một đồng nào. Giờ lại đến thương vụ Saliba. Đã 3 năm kể từ thời điểm cập bến Emirates, trung vệ triển vọng người Pháp vẫn chưa có bất cứ trận đấu nào ra mắt đội một.
Mikel Arteta – người luôn có xu hướng sử dụng và phát triển tiềm năng các cầu thủ trẻ trong đội bóng, đã nói không với trường hợp của Saliba. Có thể trung vệ cao đến 1,93m sẽ phải chờ đợi rất lâu nữa để chơi bóng tại Emirates, thậm chí là không bao giờ. Nhất là khi rất nhiều thông tin gần đây cho thấy, Mikel Arteta chắc chắn sẽ bổ sung ít nhất một trung vệ mới cho mùa giải 2021/2022, đồng thời đẩy Saliba ra đi theo dạng cho mượn.
Đích đến lần này gần như chắc chắn là Marseille. Đó sẽ là lần cho mượn thứ 4 trong vòng 3 mùa giải. Và lại là Ligue 1! Nhưng trước khi đi sâu phân tích vấn đề của Saliba, chúng ta hãy nhìn lại chặng đường đã qua của bom tấn “tuổi teen” của Arsenal.
Đến Arsenal với nhiều kỳ vọng nhưng Saliba chưa ra sân một phút nào cho đội một. Ảnh: Getty Images
Tháng 7 năm 2019: William Saliba gia nhập Arsenal trong bối cảnh được cả Atletico Madrid, Man United và Tottenham quan tâm. Anh được cho Saint-Etienne mượn lại với thời hạn 1 năm để tích lũy thêm kinh nghiệm, trước khi chuyển đến Anh thi đấu.
Tháng 7 năm 2020: Saliba bỏ lỡ trận chung kết Cúp quốc gia Pháp và được yêu cầu trở lại Anh sau khi Arsenal và Saint-Etienne gặp bất đồng trong việc thống nhất một số điều khoản. Kết thúc mùa giải với chỉ 16 lần ra sân tại Ligue 1 2018/2019 vì chấn thương.
Tháng 10 năm 2020: Bị loại khỏi đội hình Europa League với lý do được Mikel Arteta đưa ra rằng đội bóng đang sở hữu quá nhiều trung vệ.
Tháng 11 năm 2020: Mikel Arteta nói rằng ông không hài lòng với tình hình phát triển của Saliba tại Saint-Etienne theo những báo cáo trinh sát được gửi về từ Pháp.
Tháng 12 năm 2020: Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về tình hình của Saliba và khi nào cầu thủ này sẽ được ra sân, Mikel Arteta trả lời một cách chung chung: “Bất cứ lúc nào nếu cậu ấy chứng minh được giá trị của bản thân với tôi”.
Tháng 12 năm 2020: Saliba Có động thái đáp trả ông thầy của mình trên Instagram với việc tiết lộ việc mình “bị cầm tù” tại Emirates. Điều này được sự hưởng ứng của một “ngựa chứng” khác là Guendouzi – người cũng chẳng ưa gì ông thầy Tây Ban Nha.
Tháng 12 năm 2020: Saliba không có tên trong đội hình tham dự Carabao Cup của Arsenal gặp tiếp đón Manchester City. Về phía mình, Mikel Arteta cũng không hề giấu diếm ý định để trung vệ người Pháp ra đi vào thị trường chuyển nhượng mùa đông.
Vài ngày sau đó, Saliba có trận đấu đầu tiên cho Arsenal ở cấp độ U23 trước Brighton. Màn trình diễn của anh bị chê bai rất nhiều. Nhưng cũng phải thông cảm vì đó là lần ra sân đầu tiên của Saliba trong vòng 8 tháng. Tiếp đến là tấm thẻ đỏ trong trận đấu thuộc khuôn khổ EFL Trophy với Wimbledon.
Tháng 1 năm 2021: Gia nhập Nice theo dạng cho mượn. Thi đấu khá ấn tượng với 20 lần ra sân tại Ligue 1, góp công đưa Nice từ đội bóng nằm ở nửa sau của BXH leo lên vị trí thứ 9 chung cuộc.
Tháng 7 năm 2021: Saliba ủy thác cho người đại diện sắp xếp cuộc gặp với ban lãnh đạo đội bóng, để thảo luận về tương lai của bản thân tại Arsenal mùa tới. Cả hai bên đều thống nhất rằng Saliba sẽ tiếp tục được cho mượn. Đích đến dự báo là Marseille - đội bóng có suốt dự Europa League, đồng thời cũng là điểm đến của một cầu thủ Arsenal khác là Guendouzi.
Có thể khẳng định, mối lương duyên giữa Saliba và Arsenal đã không đẹp như cả hai kỳ vọng. Cụ thể, HLV Mikel Arteta cảm thấy không hài lòng với lộ trình phát triển của Saliba. Mùa giải 2019/2020, trung vệ sinh năm 1999 bỏ lỡ tổng cộng 15 trận cho Saint-Etienne vị chấn thương gãy cổ chân.
Saliba cũng không cho thấy mình đủ tốt để thay thế vị trí của David Luiz, Rod Holding hay Gabriel ở lượt đi mùa giải 2020/2021, bất chấp được sự ủng hộ lớn đến từ đại bộ phận người hâm mộ Pháo thủ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV Mikel Arteta trao cơ hội cho rất nhiều các sao mai ở đội trẻ Arsenal, nhưng lại ngớ lơ bản hợp đồng 27 triệu bảng.
Mùa giải vừa qua, Saliba thi đấu theo dạng cho mượn ở Nice và để lại ấn tượng. Ảnh: Getty Images
Tất nhiên trong việc này, Saliba là người phải chịu trách nhiệm chính. Arsenal đã cho phép trung vệ này ở lại Saint-Etienne thêm 1 mùa giải để có thời gian rèn luyện kỹ năng chơi bóng, cải thiện ngoại ngữ. Đó vốn dĩ không phải một thương vụ mua sắm trong hoảng loạn của đội bóng thành London, mà là một thương vụ được tính toán một cách kỹ lưỡng từ cựu giám đốc thể thao Raul Sanllehi.
Giờ đây, nỗi băn khoăn lớn nhất ắt hẳn là điều gì được cân nhắc tốt nhất cho Saliba trong mùa giải mới. Arsenal đang sở hữu 2 trung vệ dùng chân trái là Paolo Mari và Gabriel. Ở vị trí trung vệ lệch phải, Rod Holding được đảm bảo tương lai, ngay cả khi có sự xuất hiện của một tân binh mới. Chưa kể đến Calum Chambers cũng có thể trám vào vị trí này trong trường hợp cần thiết.
Điều đó có ý nghĩa gì? Chắc chắn sẽ không có nhiều cơ hội được ra sân cho Saliba trong mùa giải tới nếu cầu thủ này vẫn quyết tâm bám trụ tại Emirates. Mặt khác, với việc Arsenal không có vé dự cúp châu Âu, đồng nghĩa với việc số trận đấu của Pháo thủ cũng bị cắt giảm đáng kể. Premier League và FA Cup sẽ là hai ưu tiên hàng đầu của Arsenal. Như vậy chỉ có những cầu thủ phù hợp nhất, chất lượng nhất trong đội mới được lựa chọn cho các trận đấu. Sẽ khó có nhiều sự thử nghiệm trong một mùa giải được dự báo cực kỳ áp lực dành cho HLV Mikel Arteta.
Xét cho cùng, một đấu trường khắc nghiệt như Premier League cũng chưa bao giờ phù hợp với các trung vệ 20 tuổi. Ở độ tuổi ấy, tâm lý cầu thủ rất dễ bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích đến từ nhiều phía sau một vài màn trình diễn không tốt. Nhưng Ligue 1 thì khác. Marseille là điểm đến đáng kỳ vọng để Saliba phát triển. Một môi trường ít áp lực hơn và thời gian thi đấu cũng sẽ được đảm bảo. Chưa kể đến việc Marseille còn được tham dự Europa League - đấu trường vừa sức với Saliba.
HLV Mikel Arteta luôn có lập trường hết sức rõ ràng về trường hợp của Saliba. Ông luôn nhấn mạnh Saliba cần có nhiều trận đấu hơn để phát triển bản thân. Và rõ ràng cậu học trò này cần được bảo vệ trong quá trình phát triển, tránh việc bị “ép chín” quá sớm. Theo The Athletic, quyết định cho mượn được thực hiện với sự đồng ý của hai bên, chứ hoàn toàn không có sức ép đến từ một chiều.
Những năm gần đây, Arsenal liên tục thất bại trên thị trường chuyển nhượng. Ảnh: Arsenal
Tuy nhiên, với đội bóng cần phải có những sự lột xác nhanh chóng như Arsenal, việc đổ một đống tiền ra cho một cầu thủ vẫn chỉ thuộc dạng tiềm năng như Saliba được xem là thất bại. Cũng từ sai lầm ở thương vụ Saliba, bất giác người ta nhìn lại sự thất bại của cả hệ thống chuyển nhượng của Arsenal, bắt đầu thời điểm Giáo sư ra đi ở mùa hè 2018.
Từ “đôi mắt kim cương”Sven Mislintat, cựu giám đốc thể thao của Barcelona - Raul Sanllehi - và giờ đến Edu Gaspar, tất cả đều chưa cho thấy sự hiệu quả trong công tác chuyển nhượng. Trong khi đó Granit Xhaka tỏa sáng rực rỡ tại Euro 2020, là đội trưởng mẫu mực của ĐT Thụy Sĩ, thế nhưng lại sắp rời Arsenal để chuyển đến AS Roma với mức giá chưa đến 15 triệu bảng, trong khi còn tới 2 năm hợp đồng.
Một Guendouzi từng được triệu tập vào đội tuyển Pháp, là nhân tố quan trọng ở Hertha Berlin ở Bundesliga 2020/2021, đang phát triển đúng theo lộ trình, nhưng vừa chuyển đến Marseille theo dạng cho mượn với điều khoản mua đứt vỏn vẹn 10 triệu bảng. Ở chiều ngược lại, họ đang cố đưa về một Albert Sambi Lokonga với mức giá gấp đôi, trong khi sở hữu bảng thành tích chẳng mấy ấn tượng tại Anderlecht, với chỉ 3 bàn thắng cùng 2 kiến tạo sau tổng cộng 33 lần ra sân tại giải vô địch quốc gia Bỉ. Đó là sự thất bại của cả một hệ thống chuyển nhượng!
Arsenal của hiện tại không còn là một Arsenal mua rẻ, bán đắt như thời Arsene Wenger. Với sự chịu chơi của nhà Stan Kroenke trong 3 kỳ chuyển nhượng gần nhất, chẳng ai dám nói các ông chủ Arsenal keo kiệt nữa. Có trách thì nên trách công tác chuyển nhượng của đội bóng đang gặp vấn đề.
Từ đại diện quen thuộc tại Champions League, phải xuống chơi tại Europa League trong vài năm gần nhất, và giờ ngay cả một tấm vé dự cúp châu Âu cũng ở xa tầm tay với Pháo thủ. Nếu không sớm cải thiện tình hình, viễn cảnh hồi sinh của nửa đỏ thành London sẽ chỉ còn nằm trong trí tưởng tượng phong phú của các Gooners.
Trong số tất cả những điều Pep Guardiola nói về những khó khăn của Manchester City sau thất bại 1-4 trên sân Sporting Lisbon, có một câu trả lời của ông cho một câu hỏi không liên quan có lẽ là điều đáng chú ý nhất.