Cầu Vồng mở lên trong khoảnh khắc
Cảm xúc vang rền nước mắt rơi
|
Nguyễn Minh Phương: Kho báu dưới chân Cầu vồng |
Đó là cảm xúc của người dân Việt Nam khi Công Vinh mang về bàn thắng “vàng” giúp đội tuyển lần đầu tiên trong lịch sử đoạt được chiếc cúp AFF. Lần đầu tiên người dân đất nước hình chữ S phá đi lớp băng cầm tù lòng tự tôn dân tộc, lần đầu đoàn quân áo đỏ trở thành ông vua của Đông Nam Á.
Trong những câu chuyện dân gian ở cả Tây lẫn Ta, chân cầu vồng luôn đem lại một niềm hạnh phúc đặc biệt. Có người tin rằng may mắn sẽ đến với ai tìm thấy phía cuối cầu vồng, có kẻ “chân thật” hơn khi cho rằng một hũ vàng, kho báu đang chờ đợi nhân vật may mắn ấy. Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn hoàng kim 2007-2008 đã tìm ra cho riêng mình không chỉ một mà đến hai chiếc cầu vồng lịch sử, và người vẽ nên không ai khác là tiền vệ tài hoa- Nguyễn Minh Phương.
Đầu năm 2007, dư luận như ngồi trên đống lửa khi phiên tòa xét xử những cầu thủ bán độ trong trọng án SEA Games 23. Lần lượt những Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh,… bị dính vào vòng lao lý. Họ không chỉ là những cái tên trụ cột ở đội tuyển U23, mà ở màu áo tuyển họ cũng là những cầu thủ mang một vai trò cực kỳ quan trọng. Vậy là một vài “kép phụ” được đưa vào để khỏa lấp khoảng trống, bóng đá Việt Nam tưởng chừng như đã đến bờ vực của sự cùng cực.
Tạnh cơn mưa, bầu trời trở lại sáng
Ánh cầu vồng phảng phất niềm vinh quang
Phút thứ 65 của trận đấu giữa Việt Nam và UAE trong khuôn khổ giải vô địch châu Á AFC, Quang Thanh có một bàn thắng tuyệt đẹp mở điểm cho đội nhà. Và đó cũng là chiếc cầu vồng đầu tiên mở ra trang sử mới của bóng đá quốc nội khi Minh Phương trong một pha sục bóng tinh tế đã đưa bóng vào vòng cấm và “vô tình” đặt Quang Thanh vào vị trí thuận lợi. Chiếc cầu vồng đã dắt Minh Phương và thế hệ “vàng thật” của bóng đá nước nhà ra ánh sáng.
|
Chiếc cầu vồng đã dắt Minh Phương và thế hệ “vàng thật” của bóng đá nước nhà ra ánh sáng. |
Thật ra cái tên Minh Phương lúc ấy không phải là quá xa lạ với giới mộ điệu, anh là tài năng sáng giá của câu lạc bộ Cảng Sài Gòn và Đồng Tâm Long An. Con đường mà tiền vệ này đến với bóng đá thật đặc biệt, anh là một chàng trai yêu bóng đá nên vào những ngày lên thành phố thi đại học, chàng tú tài thường lui tới sân Thống Nhất để được dự lãm trận đấu có mặt Cảng Sài Gòn. Và không biết là do số phận đưa đẩy thế nào…Minh Phương trượt đại học và đó cũng là cái duyên để anh nhất quyết theo nghiệp quần đùi áo số.
Năm 1998, Minh Phương gia nhập Cảng Sài Gòn và chơi ở vị trí hậu vệ biên, những người thầy đương thời như Phạm Huỳnh Tam Lang và Đặng Trần Chỉnh đã biến anh trở thành một cầu thủ có kỹ thuật thuộc dạng tốt nhất Việt Nam. Thế nhưng, cũng lại là số phận đưa đẩy lần nữa, ở giai đoạn năm 2002, khi U23 VN lâm vào bài toán khủng hoảng tuyến giữa,HLV Riedl đã tiến hành thử nghiệm bằng cách đôn Minh Phương vào vị trí trung tâm hàng tiền vệ, và từ đó, người nhạc trưởng của đội tuyển đã được trả về vị trí chính xác để điều khiển dàn giao hưởng.
Kỳ đó, đội tuyển U23 đã chơi thứ bóng đá dạt dào cảm xúc với những cái tên tài hoa tuyến giữa nhưng tiếc thay, cái bóng của người Thái vẫn quá lớn khi họ vượt qua đội chủ nhà tại trận chung kết. Trở về lại cấp độ câu lạc bộ, Minh Phương chuyển sang Gạch Đồng Tâm Long An sau một thương vụ khá ồn ào. Nhưng như cá gặp nước, cuộc sống tại miền đất Long An dường như đã thổi bùng lên Minh Phương một hình ảnh mới. Được làm việc với huấn luyện viên Calisto, anh đã dần định hình được lối chơi với tư duy chiến thuật đàng hoàng, Minh Phương dần trở thành một tiền vệ toàn diện.
|
Nguyễn Minh Phương và danh hiệu Quả bóng Vàng |
Tài hoa, thông minh đó là những gì báo chí nói về Minh Phương, một lối chơi dựa nhiều vào cái đầu và đôi chân khéo léo. Di chuyển chậm rãi tiết kiệm sức, nhưng khi đã tăng tốc thì mọi đối thủ phải dè chừng. Ở Minh Phương không những chỉ sở hữu những đường chuyền đặt đồng đội vào thế “không thể không ghi bàn”, mà anh còn những đặc sản mang đậm dấu ấn là những pha sút phạt hàng rào cực kỳ đẳng cấp. Có thể bạn nhớ những pha sút phạt của Minh Phương trong màu áo tuyển quốc gia, những cú “cứa lòng trong” đẹp mắt vượt qua hàng rào đối phương đi vào góc “siêu hiểm”, nhưng riêng bản thân người viết xin đưa ra một quả đá phạt mà ở đó mọi tố chất của Minh Phương dường như hiện rõ nhất.
Đó là khi trận đấu giữa Maldives Maziya và SHB Đà Nẵng trong khuôn khổ cúp C2 châu Á đang đi dần những phút cuối, đội bóng bên bờ sông Hàn được một quả sút phạt chếch về phía bên phải của khung thành. Minh Phương đứng trước bóng và mọi người đang chờ một cú tạt bóng chính xác vào vòng cấm đội chủ nhà. Nhưng không, bỗng nhiên chàng tiền vệ này quyết định thực hiện một pha “vuốt má ngoài” và bóng đã “lượn” một hình chữ S trước khi bay vào lưới đối phương. Minh Phương vỡ òa trong cảm xúc, trong khi những ai chứng kiến khoảnh khắc ấy còn chưa kịp hiểu điều gì xảy ra. Đó là cơ hội cuối trận và anh đã làm điều mà không nhiều người khi đó dám làm. Nó thể hiện không chỉ về kỹ thuật thượng thừa của anh mà còn là bản lĩnh, độ quái của một cầu thủ có đẳng cấp.
|
Nguyễn Minh Phương và chức vô địch AFF năm nào |
Có lẽ vì chính đẳng cấp của Minh Phương, mà dù ở nơi nào, mọi người đều tôn anh lên làm đội trưởng. Từ Cảng Sài Gòn đến Đồng Tâm Long An và SHB Đà Nẵng, tiền vệ gốc Bình Phước này đi tới đâu cũng nhận được một sự kính trọng hết mực. Đối với đồng đội, việc Minh Phương đeo băng là vấn đề không cần phải bàn cãi. Minh Phương không hề là một người dữ dằn hay khó gần với một cá tính hiền lành và gần gũi. Hơn nữa, người ta còn thấy được ở anh đức tính khiêm tốn. Việc mọi người tín nhiệm ở chàng trai này cũng là điều dễ hiểu.
Trận chung kết lượt về AFF Cup 2008, HLV Calisto quyết định cho Minh Phương ngồi dự bị và thay vào đó là Minh Châu cùng Tài Em quán xuyến ở khu trung tuyến. Chiến thuật phòng ngự phản công hoàn toàn rõ ràng nhằm bảo vệ lợi thế trên sân khách. Nhưng không may là trong một tình huống cố định, người Thái đã có bàn gỡ hòa. Việt Nam rơi vào trạng thái khá lao đao khi nhận bàn thua, và đúng phút 60, Minh Phương được đem vào sân thay Minh Châu, ngay lập tức anh giúp đội chủ nhà dành lại thế chủ động.
Hàng loạt những pha tấn công được những học trò của thầy “Tô” thực hiện, nhưng tiếc thay những chân sút áo trắng liên tục bỏ lỡ cơ hội. Phút bù giờ của trận đấu, Phước Tứ lấy được bóng trong chân của tiền đạo Thái Lan, bóng được đưa cho Minh Phương, anh thực hiện một pha chuyền dài ở cự ly gần 50m ra cánh cực kỳ chuẩn xác cho Công Vinh. Tiền đạo số 9 hãm bóng và phô diễn kỹ thuật, một hậu vệ Thái Lan phạm lỗi và đội tuyển Việt Nam được hưởng một quả đá phạt. Minh Phương đứng trước bóng và vẽ nên một chiếc cầu vồng tuyệt đẹp cho Công Vinh đội đầu. Từ khoảnh khắc ấy, lịch sử đã được viết nên cho bóng đá Việt Nam.
|
Nguyễn Minh Phương trong màu áo SHB |
Giờ đây, anh đã chia tay bóng đá sau 17 năm gắn bó với nghiệp quần đùi áo số. Anh đã lui về để thực hiện công tác huấn luyện cho đội bóng quê hương. Giấc mơ về việc có “tấm bằng đại học” giờ cũng đã được Minh Phương hiện thực hóa qua những khóa huấn luyện bài bản của những tổ chức uy tín. “Sạch sẽ”, đó là những gì các nhà báo thừa nhận về sự nghiệp của chàng tiền vệ tài hoa này. Không tì vết, không Scandal, không có cả những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Tuy là một người được đánh giá là có tửu lượng thuộc hàng khủng, nhưng đối với anh niềm vui cuộc sống là cháy hết mình trên sân cỏ và là một rường cột của gia đình: một hình mẫu lý tưởng, một người đàn ông mẫu mực; một “hũ vàng” thật sự của bóng đá Việt Nam ở dưới chân cầu vồng sau cơn mưa bão tưởng chừng bất tận. Xin dành tặng người đội trưởng huyền thoại này vài dòng thơ:
Bầu trời mưa bão đi qua
Cầu vồng tỏa ánh xa xa chân trời
Minh Phương đội trưởng tuyệt vời
Tài hoa, mẫu mực mọi người mến thương
Sút xa, sút phạt, chuyền dài
Chỉ huy cả đội đến đài vinh quang.
PHƯƠNG GP (TTVN)