Vậy là một mùa Tết nữa đã qua, hương vị thấm nồng hay nhàn nhạt có lẽ còn tùy vào từng con người. Trong một buổi sáng tinh khôi, người viết bỗng nhớ đến bốn câu vịnh mùa xuân nổi tiếng trong bài thơ Cáo tật thị chúng (đầy đủ là sáu câu) của thiền sư Mãn Giác:
Xuân đi trăm hoa rụng
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai.
|
Nguyễn Bá Thanh: Một nhành mai bóng đá |
Bài thơ nhắc nhở rằng tuy con người có bị cho dòng đời xô đẩy như thế nào thì cũng đừng nên coi thường lấy mùa xuân, vì dù sao thì trong đêm cuối cùng, vẫn còn một nhành mai cuối cùng để cho ta thấy rằng mùa xuân thật đặc biệt. Còn theo người viết thì nếu nghĩ sâu hơn một chút thì ý rằng, mỗi việc làm đều là cái duyên trong đời, nhưng hãy đứng ngoài cuộc mà tĩnh lặng nhìn nhận như trong màn đêm, thì ta mới thấy được cái “nhành mai duyên” đặc biệt mà mình đã gieo xuống.
“Tôi cái gì cũng có thể làm, ngoại trừ bóng đá”-ông Nguyễn Bá Thanh đã từng nói với Lê Huỳnh Đức như vậy trong một cuộc nói chuyện. Có thể đối với riêng nhà lãnh đạo này, công việc về bóng đá còn khó hơn lên trời. Có lẽ vì vậy mà ông đã năm lần bảy lượt từ chối lời mời về làm “tướng” ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), mặc cho đó là niềm hy vọng của hàng triệu cổ động viên bộ môn túc cầu của đất nước hình chữ S. Ông đã mất những mười bảy năm trời để kéo bóng đá Đà Nẵng từ vũng bùn đội lên trở thành thế lực tại V-league, và có thể từ đó ở trong suy tư của ông, bóng đá không phải là một điều đơn giản.
Bóng đá Đà Nẵng đi xuống ghê gớm từ thời điểm giữa thập niên 90 với những bê bối trong và ngoài sân cỏ. Đội bóng bị đánh rớt hạng, cùng với đó là sự ra đi của hàng chục những tài năng của nơi đây. Đã thế thì việc tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai chính thể riêng biệt lại làm cho tình trạng trở nên khó khăn hơn bội phần khi Đà Nẵng lúc ấy, ăn còn khó chứ đào đâu ra tiền mà nuôi nấng cho một đứa con tinh thần mang phần nào xa xỉ.
|
Ông Nguyễn Bá Thanh trong một trận đấu |
Nhưng may mắn quá cho đội bóng bên bờ sông Hàn, ông Bá Thanh lại là người “cưng” đứa con tinh thần ấy quá nồng nhiệt. Với cương vị là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thời bấy giờ, ông đã kêu gọi đội bóng Cấp nước Đà Nẵng làm nòng cốt, cũng như khuyến khích các cầu thủ trẻ đóng góp cho bóng đá Đà Nẵng để tạo nên nền móng lại từ đầu. Và từ đó câu chuyện hiếm hoi của một quan chức làm bóng đá được viết nên.
Ông Bá Thanh qua từng năm tháng lại theo dõi sát sao bóng đá Đà Nẵng hơn bao giờ hết. Trận nào ông cũng cố gắng đến sân để theo dõi “đứa con cưng” của mình trình diễn như thế nào dưới mặt sân cỏ. Và như một người cha công tâm và khó tính đối với đứa con của mình. Ông ra sức nuôi dưỡng nó với một tình yêu mãnh liệt và đầy chân chất.
Đôi lúc ông “nuông chiều”. Như khi đội bóng những ngày đầu khó khăn, lắm lúc muốn thưởng cho các cầu thủ vì một trận cầu hay cũng không có. Ông Bá Thanh sẵn sàng đem tiền túi ra hỗ trợ các cầu thủ mà không cần đền đáp. Cũng có khi ông khó tính, như một lần thấy những cầu thủ của mình đá dưới sức, ông Bá Thanh đi thẳng từ khán đài danh dự xuống đến ngay đường Pitch chỉ đạo như một huấn luyện viên thực thụ.
|
Ông Nguyễn Bá Thanh và Lê Huỳnh Đức |
Ông chăm sóc cho đội bóng từng ly từng tý một. Một vị lãnh đạo của bóng đá Đà Nẵng đã từng nói, ông Bá Thanh đến cả phòng vệ sinh cũng phải đảm bảo cho các cầu thủ. Phòng ốc nóng quá, thì ông tự bỏ tiền của bản thân để lắp cho mỗi người một cái máy lạnh. Bởi vì vậy mà cầu thủ của Đà Nẵng dành cho ông Bá Thanh một thứ tình yêu thật đặc biệt.
Và ông Bá Thanh cũng là một con người sáng suốt, khi ông đã mời về Đà Nẵng vị kiến trúc sư đã khiến cho bóng đá Đà Nẵng đổi đời, Lê Huỳnh Đức. Đầu thập niên 2000, với những vụ lùm xùm ở Ngân Hàng Đông Á, Huỳnh Đức tưởng như đã giã từ sự nghiệp quần đùi áo số và tránh luôn cái nghiệp bóng đá bởi sự bẽ bàng của bộ môn này. Nhưng một cú điện thoại đã làm anh cảnh tỉnh. Từ dải đất miền Trung đầy nắng, một giọng nói chắc nịch nhưng ấm áp: “Chú muốn Đức chơi cho bóng đá Đà Nẵng” tựa như tia sáng cuối đường hầm dành cho cựu danh thủ. Anh liền tức tốc ra ngoài này và từ đó trở thành một người con thật sự của vùng đất này. Ông Bá Thanh cho anh nơi ăn chỗ ở, cũng như bắt anh học lớp huấn luyện viên khi những ngày tháng quần thảo trên sân cỏ sắp đến hồi kết. Và kết quả là chính Lê Huỳnh Đức đã giúp Đà Nẵng đến với ngôi vương bóng đá Quốc nội năm 2009, tình cảm của ông đã được đền đáp khi giao vào con người mà ông đã tin tưởng cưu mang khi mà ai cũng phải nghi ngờ.
Nhưng hơn thế người ta còn nể phục ông ở cái sự công tâm và minh bạch rõ ràng. Có một trận đấu mà Ban Lãnh Đạo đã nghi ngờ những cầu thủ Đà Nẵng bán độ. Họ làm rất căng để kỷ luật cầu thủ. Nhưng ông Bá Thanh, bằng sự thấu hiểu của mình với cách nhìn nhận của một người quan sát, ông đã chỉ ra những điểm yếu kém và không được trong trận đấu để bảo vệ lấy cầu thủ. Và lúc ấy người ta đã phải tin vào cái thuyết phục trong câu nói của ông, không hề có một sự nghi ngờ nào đối với con người ấy. Để rồi chính ông trước khi kết thúc buổi họp đã cam kết rằng, ông sẽ không hề nương tay cho tiêu cực. Thế là như chúng ta thấy, Đà Nẵng có lẽ là đội bóng đặc biệt nhất V-league ở khoản truyền thông, khi suốt bao nhiêu năm hầu như không hề nghe một thứ tiếng xấu nào cả.
|
Ông Nguyễn Bá Thanh nhận hoa từ BTC |
Thật ra cũng có đấy, các bạn còn nhớ đại án Bacolod chứ, trong ấy cũng có một tài năng sáng giá của Đà Nẵng bị nhúng chàm. Nhưng khi anh trở về thì cái tình thương dành cho cầu thủ vẫn không khiến ông Bá Thanh nỡ thẳng tay trừng trị anh quá nhẫn tâm. “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Ông trao cho anh cơ hội, và không biết bằng cách gì để thuyết phục, cầu thủ ấy trở thành con bài tủ của Lê Huỳnh Đức, và anh đoạt luôn Quả Bóng Vàng trong mùa giải anh rực sáng.
Vậy đấy, bóng đá đối với ông Thanh là cái gì đó đã thấm qua huyết quản. Đã có nhiều lời dèm pha dành cho ông về cái cách ông nhúng tay vào bóng đá Đà Nẵng. Nhưng ông không quan tâm, chỉ cần những người xung quanh, thân cận hiểu ông. Chỉ cần nền bóng đá của thành phố ấy phát triển. Thì đó cũng là điều ông quá mãn nguyện rồi. Và quả nhiên như sự lột xác đầy ngoạn mục của Thành Phố, câu lạc bộ bóng đá Đà Nẵng cũng đã chuyển mình trở thành một hiện tượng của bóng đá Quốc Nội. “Tôi không biết làm bóng đá”, câu nói của ông giờ hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng ông đã đùa. Ông mà không biết làm thì còn ai biết đây.
Chúng ta phải đứng ngoài cuộc, tĩnh lặng như màn đêm để nhận thấy mầm duyên đang chớm nở. Tôi đã nói như vậy ở đầu bài, nhưng bản thân ông Bá Thanh lại có khả năng đặc biệt khi đứng trong sự xô lệch vẫn tìm cho mình nơi duyên lành đâm chồi. Cái ngày mà Bầu Hiển đến Đà Nẵng để đặt lên bàn đàm phán những giá trị tiền bạc để mua lại đội bóng, đã nảy ra phát sinh mâu thuẫn khi ngân hàng SHB chỉ chịu mức giá 150 tỷ đồng nhưng lãnh đạo của bóng đá Đà Nẵng muốn con số cao hơn.
|
Bóng đá Đà Nẵng vẫn luôn nhớ tới công lao của ông |
Và ông Bá Thanh, bằng tầm nhìn của mình đã nhìn thấy cơ hội, ông thuyết phục ban lãnh đạo chấp nhận con số 150 tỷ, còn đối với bầu Hiển, ông ra cái giá 20 tỷ để đầu tư cho bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng. Bầu Hiển đồng ý, và với số tiền đó mà bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng đã cứu sống biết bao con người. Đó là khoảng thời gian năm 2008, và một năm sau đó, SHB Đà Nẵng lên ngôi vô địch, đấy không phải là một duyên lành hay sao? Và hơn thế nữa ông còn kêu gọi sân vận động Chi Lăng chi 5% tiền vé để tài trợ cho bệnh viện, để rồi từ đó, SHB Đà Nẵng trở thành đội bóng của nhân dân đúng nghĩa vì đó là đội bóng hiếm hoi không chỉ mang giá trị tinh thần, mà đóng góp cả vật chất trong sự nghiệp của toàn thể thành phố này.
Hôm nay là đã tròn hai năm kể từ ngày vị cố Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng giã từ cõi đời, thời điểm năm nay thì Tết đã đi qua, nhưng năm ấy lại là vào ngày cận Tết. “Xuân đến trăm hoa cười”, nhưng ngày hôm ấy ôi sao không người con Đà Nẵng nào có thể cười nổi. Buồn và nỗi buồn lan tỏa khắp cả nước cho những ai hãy còn dập dìu theo từng hơi thở của ông vào những ngày cuối đời. “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết-Đêm qua, sân trước, một nhành mai”. Nhưng dù sao thì cả đời ông tuy có thể chưa toàn vẹn nhưng đã để lại “một nhành mai” quý giá cho đời: Một thành phố đáng sống nhất Việt Nam, và một đội bóng giàu tình cảm của Việt Nam.
PHƯƠNG GP (TTVN)