Nếu phải lấy ví dụ cho câu “Đóa hoa nở muộn” thì có lẽ không ai thích hợp và xứng đáng hơn Maurizio Sarri. Ở tuổi 59, ông chuyển tới dẫn dắt Chelsea – đội bóng lớn thứ hai trong nghiệp cầm quân – sau 3 năm tại Napoli và 25 năm lặn ngụp ở các đội bóng hạng dưới của Italia. Hành trình bóng đá của Sarri chính là tấm gương cho nhiều người trong việc theo đuổi đam mê và mục tiêu.
|
Một lát cắt về Maurizio Sarri: Bước ra ánh sáng phía bên kia sườn dốc |
Duyên nợ với hai vùng đất
Trong cuộc đời, chúng ta rồi sẽ phải đi qua nhiều vùng đất, nhiều thành phố, nhiều quốc gia, xứ sở khác nhau. Nhưng sâu thẳm bên trong, chắc hẳn ai cũng sẽ phải có một nơi nào đó mang mối duyên nợ sâu đậm với mình. Đó có thể là nơi ta sinh ra, lớn lên, gây dựng sự nghiệp hoặc đơn giản chỉ là nơi chốn giúp ta có được bến đỗ bình yên,…
Với Maurizio Sarri, ông mang mối lương duyên với tận hai vùng đất: Tuscany và Campania. Sarri chào đời tại Napoli thuộc vùng Campania nhưng vài năm sau, ông cùng gia đình đã chuyển tới sống ở Tuscany.
“Từ khi còn bé tôi đã luôn là một cổ động viên của Napoli,” tân huấn luyện viên Chelsea chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Sky Sports. “Ngay cả khi đã 26-27 tuổi, đôi lúc tôi vẫn đến xem các trận đấu có Maradona ở sân San Paolo.
Tôi có nhiều chú bác là người hâm mộ Fiorentina nên những câu lạc bộ đó cũng là một phần cuộc sống của tôi. Một bên là đội bóng đại diện cho nơi tôi đã lớn lên. Ông nội tôi sống cách sân vận động ở Florence chỉ vài trăm mét. Và bên còn lại là Napoli. Lúc nhỏ tôi nghĩ rằng hoàn toàn hợp lý và tất yếu nếu bạn cổ vũ đội bóng thành phố nơi mình ra đời. Vì tôi sinh ở Napoli nên tôi cổ vũ Napoli. Tôi từng là người duy nhất cổ vũ Napoli trong thị thị trấn nhưng khi sau này có nhiều người từ Campania chuyển tới, tôi không còn một mình nữa”.
Khi lớn lên, Sarri trở thành nhân viên ngân hàng tại Florence. Nhưng đó là công việc trong giờ hành chính. Trở về nhà vào buổi tối, ông theo đuổi sự nghiệp huấn luyện viên bán chuyên tại các đội bóng nghiệp dư thuộc các hạng đấu thấp trong hệ thống giải vô địch Italia. Guồng quay này lặp đi lặp lại suốt từ năm 1990 cho tới năm 2002, khi ông từ bỏ công việc ngân hàng để theo đuổi và kiếm sống bằng thứ gọi là “đam mê”. Sarri quyết tâm tập trung toàn bộ thời gian cho bóng đá.
Trong suốt sự nghiệp của mình, vị huấn luyện viên năm nay 59 tuổi đa số cầm quân tại các câu lạc bộ thuộc vùng Tuscany hoặc Campania nhưng tiêu biểu nhất thì chỉ có thể là Empoli và Napoli. Nếu Empoli của Tuscany là nơi giúp Sarri bước ra ánh sáng thì Napoli của Campania chính là một “trang mới” trong sự nghiệp huấn luyện của ông.
Cà phê, thuốc lá và…
Maurizio Sarri là một người nghiện thuốc lá nặng. Một hình ảnh quen thuộc mỗi khi huấn luyện viên này xuất hiện hay được sử dụng trên các phương tiện truyền thông chính là hình ảnh với điếu thuốc trên tay. Tiền đạo Dries Mertens từng tiết lộ mỗi ngày thầy của mình tốn tới 5 bao thuốc.
Các đối thủ của ông cũng biết rõ điều này. Trong chuyến làm khách của Napoli tới sân RB Leipzig ở vòng 32 đội Europa League mùa giải 2017/2018, đội bóng nước Đức đã dành cho Sarri một “đặc quyền” khi cho ông một phòng riêng để hút thuốc. Những thay đổi này được thực hiện theo đề nghị từ phía Napoli, thiết bị báo khói trong phòng thay đồ sẽ được tắt khi chiến lược gia người Italia bước vào.
|
Maurizio Sarri và sở thích hút thuốc |
“Sarri là người hút thuốc đến mức đam mê, thật đáng kinh ngạc,” tiền vệ Marek Hamsik bày tỏ. “Tôi chưa từng thấy ai hút thuốc nhiều đến như thế. Cảm ơn Chúa vì ông phải ngừng hút trong suốt trận đấu”.
Mà thuốc lá thì phải đi với cà phê, lẽ thường là như vậy. Ở Napoli, trong thời gian nghỉ của mỗi buổi tập, Sarri luôn yêu cầu chủ cửa hàng cà phê của câu lạc bộ mang một tách espresso nóng hổi tới cho mình.
Thế nhưng, hai thứ chất kích thích trên cũng chỉ là một vài yếu tố nhỏ tạo ra một Maurizio Sarri như chúng ta đã biết. Bóng đá tấn công mới là điều làm nên thương hiệu của nhà cầm quân tới từ Tuscany.
... thứ bóng đá mang màu quyến rũ
Với Sarri, bóng đá phải là niềm vui và đem tới sự giải trí cho người hâm mộ. Nghe điều này chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng tới Zdenek Zeman. Huấn luyện viên người Cộng hòa Séc là một tín đồ của bóng đá tấn công và Sarri cũng thế.
|
Napoli với lối chơi khiến khán giả mê đắm |
Nếu Zeman từng nói “Một khi bạn đã ghi tới 90 bàn thì sẽ không cần phải lo sẽ bị thủng lưới bao nhiêu bàn thua nữa” thì Sarri cũng có quan điểm tương tự. Với tân huấn luyện viên Chelsea, một thất bại mang tính giải trí còn sướng hơn nhiều so với một chiến thắng nhàm chán.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, chiến lược gia 59 tuổi bày tỏ: “Nếu tôi thấy đội bóng của mình chơi phòng ngự và phòng ngự phản công sau 30 phút, tôi sẽ đứng dậy và quay về làm việc ở ngân hàng vì khi đó tôi không còn thấy vui nữa”. Và Napoli chính là hiện thân rõ nét nhất cho triết lý bóng đá tấn công đầy quyến rũ và đam mê của huấn luyện viên này.
Quay ngược trở lại thời gian, khi Chủ tịch Aurelio De Laurentiis quyết định đưa Sarri tới sân San Paolo thay thế Rafa Benitez, rất nhiều những nghi ngờ được nhắm về phía ban lãnh đạo Napoli cũng như chính vị huấn luyện viên mới của họ. Huyền thoại Diego Maradona lúc đó thì tin là Partenopei sẽ chẳng thể nào leo lên nổi giữa bảng xếp hạng
|
Maurizio Sarri |
Những nghi ngờ là có cơ sở. Sự nghiệp của Sarri trước đó chỉ gắn với những đội bóng nhỏ và trước khi đến San Paolo, quãng thời gian được hít thở không khí Serie A của ông là quá ít so với những huấn luyện viên kinh nghiệm khác. Những dấu ấn mà ông mang tới cho Empoli trước đấy vẫn không thể là sự bảo chứng cho một tương lai tươi sáng ở Napoli. Tuy nhiên, chỉ sau một năm những suy nghĩa trên đã phải thay đổi.
Kết thúc mùa giải 2015/2016, mùa đầu tiên của Sarri, Napoli là đội có hàng công mạnh thứ hai (80 bàn, xếp sau AS Roma) và cũng chỉ đứng sau Juventus trong số những đội nhận ít bàn thua nhất (32 bàn). Có thể nói ông đã mang tới một cuộc cách mạng cho Napoli.
Ông cải thiện nhiều điều của đội bóng này. Sarri không phải tín đồ mua sắm. Ông sẽ thay đổi và khắc phục những điểm yếu hay khó khăn trong giới hạn những gì có thể. Hàng phòng ngự vốn là điểm yếu dưới thời Benitez thì nay bỗng trở thành một khối vững chắc. Những cá nhân trên hàng tấn công như Lorenzo Insigne hay Mertens đều được ông đưa lên một tầm cao mới. Sẽ không ai nghĩ cầu thủ người Bỉ có thể là một tiền đạo cắm hay như thế nào nếu không có sự quyết đoán của cựu huấn luyện viên Empoli.
Trên hết, giống như đã nói, Napoli của Sarri phải đá tấn công và chơi kiểm soát bóng. Muốn được như vậy, tất cả phải di chuyển và phối hợp thật nhuần nhuyễn. Để làm điều này, ông sử dụng một máy bay không người lái trong các buổi tập để ghi lại cách hàng phòng ngự được tổ chức ra sao, thủ thành Pepe Reina triển khai bóng từ tuyến dưới như thế nào, các tiền đạo và tiền vệ di chuyển để hỗ trợ phòng ngự đã tốt hay chưa,…
|
Hamsik va Mertens cua Napoli |
Và thành quả là Napoli luôn nằm trong top 3 đội ghi nhiều bàn nhất của Serie A trong 3 mùa giải mà Sarri dẫn dắt trong đó đỉnh cao là mùa 2016/2017 khi các học trò của ông đã ghi tới 94 bàn, đứng số một về thành tích phá lưới đối phương tại giải vô địch quốc gia Italia. Huấn luyện viên Pep Guardiola từng phải thốt lên rằng Napoli là đội bóng trình diễn “thứ bóng đá đẹp nhất châu Âu” và thậm chí là “đội bóng xuất sắc nhất mà ông từng đối mặt”. Công lao rất lớn để Napoli có bộ mặt như bây giờ thuộc về Sarri.
Maurizio Sarri trong mắt các đồng nghiệp
Như đã nói ở trên, tân huấn luyện viên của Chelsea đã phải trải qua hành trình rất dài để có ngày hôm nay. Sarri chưa từng thi đấu chuyên nghiệp. Và ông đã hoàn toàn có thể yên vị với công việc ngân hàng đồng thời tham gia bóng đá ngoài giờ như một thú vui. Thế nhưng, người đàn ông ấy vẫn quyết tâm theo đuổi bóng đá đến tận cùng để rồi khi đã ở ngoài 50 mới có thể bước ra ánh sáng.
“Bạn không cần phải là con ngựa ở kiếp trước để trở thành một người cưỡi ngựa giỏi sau này”, câu nói kinh điển của Arrigo Sacchi rất đúng với trường hợp của cựu huấn luyện viên Napoli. Cũng như Sarri, Sacchi chưa bao giờ chơi bóng cho một câu lạc bộ chuyên nghiệp. Nhưng trên cương vị huấn luyện viên, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Và Sarri cũng lấy bậc tiền bối của mình để làm tấm gương.
“Arrigo đã giành được mọi thứ nên lúc này các bạn chỉ có thể so sánh về cách chúng tôi bắt đầu,” Sarri bày tỏ. “Những so sánh khiến tôi cảm thấy vui vì một phần lý do khiến tôi làm công việc này là vì tôi yêu thích phương pháp và phong cách thi đấu của các đội mà ông dẫn dắt. Một ngày nào đó hy vọng tôi có thể vô địch, không phải tất cả nhưng ông ấy đã làm được, mà chỉ cần một cái gì đó thôi.
Tôi từng thu hình những trận đấu của ông ấy với Milan và xem chúng để học hỏi cách di chuyển khi phòng ngự. Tôi rất kinh ngạc trước những yêu cầu về tấn công và phòng thủ mà ông đặt cho đội”.
|
Pep Guardiola và Maurizio Sarri |
Ngược lại, Sacchi cũng dành những tình cảm và sự ngưỡng mộ rất lớn cho hậu bối của mình. Ông từng khuyên cựu Chủ tịch AC Milan, Silvio Berlusconi, hãy mời Sarri về dẫn dắt đội bóng chủ sân San Siro nếu muốn đưa Rossoneri vĩ đại trở lại. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra và sau này chính cựu Thủ tướng Italia cũng phải bày tỏ sự tiếc nuối. Sacchi gọi thứ bóng đá của Sarri đã giúp “nâng cao giá trị và sự tự tin cho các cầu thủ”. Ông chia sẻ:
“Khi bạn xem các đội bóng của Sarri thi đấu, bạn sẽ biết họ đã tập luyện như thế nào. Ông ấy là một thiên tài. Khi tôi còn là giám đốc kỹ thuật cho các đội tuyển trẻ Italia, tôi thường xuyên theo dõi các cầu thủ trẻ ở Serie B và Empoli của ông ấy gây ấn tượng rất mạnh cho tôi. Ông ấy chăm sóc các cầu thủ và họ cũng thấu hiểu ông ấy”.
Và không chỉ riêng Sacchi hay Pep Guardiola mà rất nhiều đồng nghiệp khác cũng là fan hâm mộ của chiến lược gia nghiện thuốc lá ấy. Huấn luyện viên Eddie Howe của Bournemouth – người từng được xem là ứng cử viên dẫn dắt Arsenal và đội tuyển Anh – đã tiếp thu rất nhiều bài học khi tới theo dõi các buổi tập của Empoli. Và Bournemouth dù là đội bóng nhỏ nhưng là một trong những đại diện mang lối chơi định hướng rõ nét tại Premier League.
Huấn luyện viên Fabio Capello thì khuyên các nhà cầm quân tới từ Nam Mỹ hãy tới học tập phương pháp huấn luyện của Sarri trong khi cựu danh thủ Gianluca Vialli từng chia sẻ trong một bài viết trên La Gazzetta dello Sport: “Tới Castelvolturno [sân tập của Napoli] cũng giống như tới Palo Alto [thành phố nằm trong thung lũng Silicon ở Mỹ]. Rất nhiều phát kiến, rất nhiều sự sáng tạo”.
Tất nhiên vẫn có những “vết đen” trong sự nghiệp của ông như khi từng gọi huấn luyện viên Roberto Mancini là một gã đồng tính hay vô tình thóa mạ một nữ nhà báo nhưng sau tất cả, hình ảnh mà Sarri hiện ra vẫn là một chiến lược gia tài giỏi và dễ mến.
|
HLV Sarri tới Chelsea |
Chân trời mới ở xứ sở sương mù
Khi còn là nhân viên ngân hàng, Maurizio Sarri đã đi rất nhiều thành phố tại châu Âu và trong đó có London. Tuy nhiên chuyến hành trình lần này sẽ là một thử thách khác chông gai hơn nhiều.
Ở nơi đây, ánh mắt của toàn bộ truyền thông và người hâm mộ bóng đá toàn thế giới sẽ hướng về. Xét cho cùng thì đến nay, Sarri vẫn chưa giành được bất cứ một danh hiệu vô địch nào và đó chính là một điểm yếu trong bản CV của ông. Hơn nữa, tại một “lò xay huấn luyện viên” như Chelsea, sẽ không có chỗ cho sự chờ đợi hay làm lại sau những thất bại.
Thế nhưng có lẽ sẽ chẳng điều gì có thể khiến Sarri sợ hãi vào lúc này. Ông đã phải đi mất nửa đời người để có thể khẳng định bản thân, bước ra ánh sáng cũng như có được vị trí hiện tại. Và xét cho cùng thì nếu sợ, có lẽ Sarri đã không lựa chọn Chelsea!
CG (TTVN)