Anh làm quen với những vai trò của vị trí này một cách mềm mại và uyển chuyển giống như cách mình thi đấu. Và lúc này, người hâm mộ Juventus mới thực sự an tâm vì tìm ra người thích hợp nhất cho vị trí mà Pirlo để lại.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Thi đấu cho 1 đội tuyển như Bosnia và Herzegovina khiến cơ hội thể hiện bản thân của Miralem Pjanic phần nào đó bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, tài năng của chàng cầu thủ nhỏ bé ấy là không thể nào phủ nhận. Và như chiến lược gia lão làng Fabio Capello nói thì “cậu ấy là cầu thủ duy nhất gợi nhắc tôi một chút về Pirlo”.
|
Miralem Pjanic: Nghệ sĩ dương cầm của thành Turin |
Tất nhiên, Pirlo vẫn là Pirlo và Pjanic vẫn là Pjanic. Nhưng sự so sánh nào cũng đều có lý do của nó và nếu dõi theo những gì tiền vệ người Bosnia và Herzegovina thể hiện suốt những năm tháng qua, đặc biệt là từ mùa giải trước đến nay, nhiều người sẽ phải đồng ý với lời nhận xét của Capello. Trong bài bình luận trên tờ Independent sau chiến thắng 1-0 của Juventus trước Manchester United trên sân Old Trafford ở vòng bảng UEFA Champion League mùa này, ký giả Jonathan Liew đã mở đầu cực hay như sau:
“Nhìn sang trái rồi nhìn sang phải. Lại nhìn sang trái, liếc mắt quan sát một cách thận trọng. Rồi lại nhìn trái. Nhìn phải. Tiếp tục nhìn phải, quan sát thêm lần nữa. Bạn đã có ý tưởng cho mình. Chỉ trong vài giây,
Miralem Pjanic đã chụp khoảng chục bức ảnh trong đầu mình về những thứ diễn ra xung quanh. Anh làm như vậy vì nhận ra có 21 cầu thủ khác trên sân đang nhìn bóng. Nhiệm vụ của anh là nhìn những thứ khác”.
Đoạn mô tả trên đã khắc họa nên hình ảnh Pjanic trên sân bóng. Một đội quân ra trận cần cái uy của vị tướng lĩnh, mưu lược của người quân sư, tinh thần xả thân của những chiến binh và sự hy sinh thầm lặng của những người hậu cần đằng sau thì bằng phép hình tượng hóa, trên một trận đấu bóng đá cũng như vậy.
Và Pjanic chính là “bộ não” của đội bóng. Không thể nào nói trong một tập thể, những cầu thủ thi đấu theo dựa vào đầu óc hay những cầu thủ thi đấu theo phong cách “lực điền” quan trọng hơn vì cả hai đều không thể thiếu. Tuy nhiên những người như Pirlo, Xavi, Andres Iniesta, Luka Modric hay Pjanic luôn có một chỗ đứng trang trọng mỗi khi được nhắc tới.
Trong một trận cầu, họ sẽ nổi bật lên trên tất cả nhờ thi đấu rất thong dong, uyển chuyển và không hề tốn sức. Ngay trong những tình huống bị đối phương áp sát gắt gao nhất, họ vẫn đủ bình tĩnh để xử lý trái bóng theo cách tỉnh táo. Những cầu thủ như vậy luôn tạo ra cảm giác “an tâm” cho người xem mỗi khi theo dõi.
“Chơi bóng rất đơn giản nhưng để chơi bóng đơn giản là điều khó nhất” là câu nói kinh điển của huyền thoại Johan Cruyff mà chúng ta đều đã biết. Đó cũng chính là tôn chỉ thi đấu của Pjanic.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Paolo Bandini trên The Guardian hồi tháng 10/2018, tiền vệ người Bosnia và Herzegovina bộc bạch: “Tôi không phải người sẽ thực hiện 10 cú đảo chân hay đánh gót, tôi không quan tâm lắm tới điều đó. Tôi thích lối chơi đơn giản vì điều đó làm môn thể thao này thật đẹp. Điều đơn giản nhất thường là những thứ khó nhất, không phải ai cũng có thể làm được chúng”.
Kể từ lúc bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp tại Metz khi mới 17 tuổi 3 tháng cho tới khi đã là người đàn ông 29 tuổi như hiện tại, Pjanic vẫn luôn như vậy. Tại Lyon, anh là truyền nhân của Juninho. Khi cựu ngôi sao Brazil giải nghệ, Pjanic cũng tiếp nhận luôn chiếc áo số 8 của tiền bối. Chuyển tới AS Roma, trong những mùa giải đầu tiên, cầu thủ người Bosnia chơi nhô cao trong bộ 3 tiền vệ với 2 người còn lại là Daniel De Rossi và Kevin Strootman. 2 năm liền, Pjanic là cầu thủ kiến tạo nhiều nhất Serie A.
Rồi đến khi đầu quân cho Juventus, Pjanic được HLV Max Allegri đặt vào hàng tiền vệ 2 người trong sơ đồ 4-2-3-1 ở mùa giải đầu tiên. Thế nhưng trong thâm tâm của cựu HLV AC Milan, ông muốn biến cậu học trò thành “Pirlo mới”, thi đấu thấp nhất hàng tiền vệ và ngay trước hàng phòng ngự để làm nhiệm vụ của người kết nối.
Cộng thêm những yếu tố khách quan khiến Allegri phải chuyển sơ đồ thi đấu của Juventus sang 4-3-3 và từ đó, Pjanic trở thành regista của “lão bà”. Anh làm quen với những vai trò của vị trí này một cách mềm mại và uyển chuyển giống như cách mình thi đấu. Và lúc này, người hâm mộ Juventus mới thực sự an tâm vì tìm ra người thích hợp nhất cho vị trí mà Pirlo để lại.
Mùa giải trước, Pjanic là người kiến tạo nhiều thứ 2 cho Juventus ở Serie A với 12 đường chuyền thành bàn, xếp sau Douglas Costa. Anh cùng đồng đội người Brazil cũng là 2 cầu thủ có số đường chuyền quyết định/trận nhiều nhất đội bóng thành Turin (1,9). Mùa giải Serie A 2018/2019 hiện tại, dù thành tích kiến tạo đã tụt xuống thứ 4 của Juventus (3 đường chuyền thành bàn) tuy nhiên, Pjanic vẫn giữ nguyên sự nguy hiểm trong những pha chuyền bóng với 2,3 đường chuyền quyết định/trận – cao nhất bên phía đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Allegri.
Như biệt danh “Nghệ sĩ dương cầm” (Il Pianista) mà các cổ động viên Juventus dành cho mình, Pjanic thi đấu trên sân mềm mại và uyển chuyển như những ngón tay lả lướt của người nghệ sĩ đánh xuống từng phím đàn dù theo lời ký giả Paolo Bandini bình luận thì “sự hiện diện của anh trên sân giống một nhạc trưởng hơn, anh chỉ huy, điều chỉnh dàn nhạc để những nghệ sĩ độc tấu ở xung quanh tỏa sáng”. Những Gonzalo Higuain, Paulo Dybala hay Cristiano Ronaldo chính là nghệ sĩ độc tấu như cách ví von của Bandini.
Nhưng giữa một rừng hoa, anh vẫn tỏa hương theo cách riêng. “Tôi không ghi nhiều bàn nhưng mỗi khi tôi lập công, chúng đều rất đẹp”, tuyển thủ Bosnia và Herzegovina tự tin nói trong cuộc phỏng vấn với Telegraph đầu năm 2018. Đó là niềm kiêu hãnh ngầm của chàng cầu thủ 29 tuổi thông thạo 5 thứ tiếng và đang theo học ngành giáo dục thể chất - thể thao tại trường đại học Sarajevo (Bosnia và Herzegovina).
CG (TTVN)