Trên Đường Pitch có cuộc phỏng vấn với HLV Milos Kostic, cựu HLV các đội tuyển trẻ của Slovenia cũng như CLB Sint-Truidense, đội bóng cũ của tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Nhà cầm quân 49 tuổi có những trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề cũng như nền bóng đá Slovenia.
Bạn biết gì về Slovenia, một quốc gia bé nhỏ thuộc khu vực Nam Âu với dân số chưa đến 3 triệu người? Và sẽ có những người lầm tưởng miền đất này với Slovakia (một phần của Tiệp Khắc cũ), vì cách đọc có thể mang nhiều nét tương đồng. Không có chút dấu ấn nào, phải không? Vậy thì chúng ta sẽ cùng điểm mặt hai trong số thủ thành hàng đầu châu Âu hiện tại: Jan Oblak và Samir Handanovic, và điểm chung của họ: đều là người Slovenia chính hiệu.
Bóng đá Slovenia chưa bao giờ được đánh giá cao tại các đấu trường mang đẳng cấp châu lục. Hoặc ít nhất đối với chúng ta, những người thường chỉ nghe đến “Big 5” (Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp). Tách ra khỏi Nam Tư vào năm 1992, quốc gia này cũng đã xây dựng cho mình một con đường riêng để làm bóng đá với cung cách vô cùng chuyên nghiệp. Họ đã có những trái ngọt ban đầu với chiến tích lọt vào World Cup 2002 và 2010, đồng thời hiếm hoi xuất hiện tại vòng chung kết Euro 2000. Đó là một điều vô cùng đáng khích lệ.
Và những thế hệ cầu thủ tài năng vẫn không ngừng tỏa sáng, vượt ra bên ngoài biên giới bé nhỏ ấy. Tất cả ước mơ của những cậu bé là được một lần khoác trên mình chiếc áo đấu với hai màu chủ đạo là trắng và xanh để gánh vác trọng trách đồng thời cũng là niềm tự hào cháy bỏng. Triết lý luôn là mang lại cho người hâm mộ một thứ bóng đá đẹp mắt, đầy tính lôi cuốn. Ý thức về tính tập thể cũng được đặt lên hàng đầu, sẽ không thể có một cá nhân nào lớn hơn toàn thể đội bóng. Điều này nằm lòng trong tư tưởng của mỗi cầu thủ trẻ khi mới chập chững bước vào nghề.
Xuất hiện tại World Cup 2010 là "trái ngọt" hiếm hoi của bóng đá Slovenia. Ảnh: Getty Images
Milos Kostic, người từng có thời gian gắn bó với các đội U17 và U19 Slovenia, cũng luôn chỉ dạy những cậu học trò của mình như vậy. Là một hậu vệ tài năng với tinh thần thi đấu vô cùng máu lửa và cống hiến, mái đầu cua cùng gương mặt bặm trợn từng một thời khiến cho những tiền đạo chùn chân. Sự nghiệp đang trên đà thăng tiến thì ông vướng phải một chấn thương đầu gối, và như một lẽ tất yếu của cuộc sống, Milos bắt buộc phải tìm cho mình lối đi khác.
Được sự ủng hộ từ gia đình, chiến lược gia này theo học những khóa học huấn luyện viên của UEFA và bắt đầu sự nghiệp mới vào năm 2008, với đội tuyển U17 quốc gia. Kinh nghiệm làm việc lâu năm và dạn dày cùng với những tên tuổi lớn của bóng đá nước nhà như Handanovic hay Josip Ilicic đã giúp vị huấn luyện viên này lọt vào tầm ngắm của nhiều câu lạc bộ có tiếng tăm tại lục địa già. Tuy nhiên, việc lựa chọn rời bỏ đào tạo trẻ không phải là một quyết định dễ dàng. Và nó chưa bao giờ là dễ dàng.
Ông thổ lộ: “Khi bạn làm việc với bóng đá trẻ, có rất nhiều thứ khác biệt. Những cậu thiếu niên đó, khởi đầu sự nghiệp mới mức lương còm cõi chưa đến 1000 euro một tháng, đôi khi còn không đủ trang trải những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Vậy mà họ luôn ra sân với hơn 100% sức lực của mình, sẵn sàng ‘chết’ trên sân vì màu cờ sắc áo.
Các cầu thủ trẻ luôn mang một niềm khát khao mãnh liệt khẳng định bản thân. Tinh thần trong tập luyện và thi đấu là miễn chê. Họ luôn luôn nghiêm khắc với bản thân, không hề cho mình một phút nghỉ ngơi. Samir (Handanovic) hay Jan (Oblak) đâu thể là những cái tên sáng giá đứng trong khung gỗ của những đội bóng mạnh nhất châu Âu nếu họ thiếu đi lửa nhiệt huyết trong người. Josip (Illicic) cũng sẽ không được các cổ động viên yêu mến đến vậy nếu cậu ấy không thi đấu vì họ, những người cất công đến sân để mong đợi một màn trình diễn siêu hạng. Đây là nguyên tắc tất yếu của chúng tôi.
Được làm việc cùng những chàng trai này là niềm vinh hạnh trong sự nghiệp của tôi. Vô cùng dễ dàng vì mọi thứ đã được theo khuôn khổ ngay từ đầu rồi. Bạn sở hữu một tập thể những tài năng trẻ đến từ một quốc gia với nền bóng đá hạng hai, và chúng tôi luôn “thèm khát” đạt đến đỉnh cao hay thành công tại cấp độ đội tuyển, để được các nhà tuyển trạch để ý đến, con đường kiếm được những bản hợp đồng thay đổi cuộc đời cũng ngắn hơn. Đó là sự thật trong ngành công nghiệp này”.
Jan Oblak và Samir Handanovic là hai trong vài ngôi sao hiếm hoi của bóng đá Slovenia. Ảnh: AFP
Kostic tiếp tục: “Nhưng nghe này, bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng không bao giờ được quên những thứ làm nên con người mình. Sự khiêm tốn và cầu tiến luôn nằm trong huyết quản của mỗi công dân Slovenia. Tôi có thể khẳng định rằng những ngôi sao sáng của bóng đá Slovenia, dù họ có kiếm được 10 triệu euro một năm, thì khi gặp lại tôi hay những người thầy khác, họ vẫn tươi cười và trò chuyện đầy ấm áp như trước đây. Họ sẽ không bao giờ tỏ thái độ của một ngôi sao cả, không bao giờ.
Tôi cũng thấy tinh thần đó ở một nước Balkan khác là Serbia, trong thời gian làm việc tại Partizan Belgrade. Có một cầu thủ là Milos Ninkovic, hiện đang thi đấu tại Australia và là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất tại A-League trong nhiều năm. Cậu ấy luôn làm khổ các huấn luyện viên vì xin được tập thêm giờ, luôn đến trước toàn đội 2 tiếng đồng hồ và cũng là người ra về muộn nhất. Cậu ấy luôn luôn giữ cho mình tinh thần học hỏi. Bạn thấy điều đó chứ, là bản chất của con người.”
Có một điều vô cùng thú vị là đất nước này được tổng hòa từ nhiều cộng đồng dân tộc, cư dân khác nhau. Bạn có thể dạo quanh thủ đô xinh đẹp Ljubljana và dễ dàng bắt gặp những anh chàng Bosnia điển trai hay những cô nàng Serbia hiền hậu trên phố. Bóng đá có lẽ là thứ gắn kết dân tộc này lại với nhau. Các quán bar luôn chật kín mỗi khi đội tuyển quốc gia xuất trận.
“Luôn luôn là như thế, chúng tôi ‘máu’ lắm. Mọi người sẽ xuất hiện từ sớm để ổn định chỗ ngồi. Không hề có sự lộn xộn nào ở đây cả, vô cùng quy củ. Sau đó, chúng tôi nhâm nhi những ly bia và tập trung cổ vũ cho đội tuyển. Khoảng cách về sắc tộc đã xóa nhòa từ lâu rồi. Nếu có công chuyện gì cần bàn thảo thì phải để hết trận, bởi gì trận đấu là quan trọng nhất. Tôi nhớ có thời gian cả làng tụ lại bên một quán pub. Tôi nhớ đã khóc rung rức như một đứa trẻ khi mà đội tuyển Slovenia lọt vào vòng chung kết World Cup tại Nam Phi. Cảm giác khó bề lột tả cho hết. Hai hay ba ngày sau, tâm trí của tôi vẫn còn đang ở trên mây”.
Những lời trên là tâm sự của anh Ivan, một cổ động viên trung niên, hiện đang làm công việc văn phòng tại Maribor. Anh luôn tự hào rằng Maribor cổ kính mới chính là huyết mạch của bóng đá Slovenia, chứ không phải Ljubljana sầm uất. Các trận đấu của đội tuyển thường diễn ra tại đây, và người dân nơi đây cũng chưa bỏ lỡ một trận bóng nào từ giải vô địch quốc gia với chất lượng “hạng hai” của họ. Sẽ chẳng có nơi nào yêu bóng đá đến vậy trên đất nước nhỏ bé này.
Milos trầm ngâm một hồi, như tự cho mình một khoảng lặng và tĩnh, dường như bánh xe thời gian đã lăn ngược trở lại với những năm tháng được đắm chìm niềm đam mê trên sân bóng.
“Dịch bệnh đã phá nát tất cả, anh bạn ạ. Rõ ràng là tại châu Âu tình hình có vẻ đã khá khẩm hơn, nhưng nhiều vùng lãnh thổ hiện tại vẫn còn phải đang chống chọi với con quái vật ấy. Các câu lạc bộ, đa phần nói chung tại châu Âu, đều ngập trong nợ nần và đống hóa đơn không hẹn ngày thanh toán. Tất cả sẽ đều là những giải pháp an toàn. Chúng ta đang trong chế độ chờ, chờ một bước đột phá.
Milos Kostic từng là HLV trưởng của U17 và U19 Slovenia. Đội bóng gần nhất mà ông dẫn dắt là Sint-Truidense. Ảnh: Getty Images
Sau khi chia tay Sint-Truiden, tôi có nhận được một số đề nghị, tuy nhiên không thể vội vã. Đối với tôi, triết lý và đường hướng phát triển của một câu lạc bộ trong tương lai dài hạn là thứ đáng để bạn lưu tâm khi chọn đối tác. Tầm nhìn của các ông chủ đến đâu, và quan trọng hơn cả, là tương lai của các cầu thủ. Tôi biết bạn đến từ một quốc gia châu Á, và có một cầu thủ Việt Nam cũng từng đến Sint-Truiden.Về mặt cá nhân, tôi chưa gặp cậu ấy bao giờ, nhưng nếu có cơ hội thì chúng tôi chắc chắn đã có những cuộc trò chuyện thú vị”, Milos Kostic chia sẻ.
Ông tiếp tục: “Bóng đá châu Á luôn luôn có một tiềm năng vô cùng lớn, và các nhà đầu tư nơi đây cũng đang dần dấn thân vào thị trường châu Âu. Mục đích của họ là gì? Vô cùng đơn giản, tạo điều kiện cho các tài năng châu Á có cơ hội tập luyện và thi đấu cọ sát tại môi trường bóng đá lý tưởng nhất. Chất lượng giải vô địch quốc gia Bỉ là tuyệt hảo, nếu các bạn theo dõi sát sao thì đó là một trong những giải đấu mang tính cạnh tranh nhất sau 5 giải VĐQG hàng đầu.
Nhịp độ của các trận đấu là chóng mặt, và chất lượng ngày càng được nâng cao với những sao mai vô cùng tiềm năng đến từ các lục địa khác hay chính Bỉ. Kevin De Bruyne hay Lukaku đang là những cầu thủ đẳng cấp nhất thế giới, nhưng nên nhớ họ đều là những sản phẩm từ lò đào tạo của Gent và Anderlecht. Thế hệ tài năng của bóng đá Bỉ đang đứng trên đỉnh FIFA cũng đều được đào tạo bài bản tại quê nhà sau đó mới xuất ngoại. Ví dụ gần nhất chính là Jonathan David, cậu ta không tốn của Gent một xu chuyển nhượng, và hai năm sau, họ thu lại 27 triệu euro.
Jonathan còn rất trẻ và tương lai xán lạn phía trước đón chờ, giá trị cậu ấy sẽ tăng phi mã trong tương lai. Tôi tin rằng mô hình đó đang mang lại những thành quả rõ rệt. Lấy ví dụ đơn cử như Sint-Truiden, đội bóng được tiếp quản bởi DMM.com, một ông lớn về mảng thương mại điện tử của Nhật Bản. Và nếu bạn nhìn vào danh sách thi đấu, ít nhất phải có tới 5 cầu thủ đến từ xứ sở mặt trời mọc.
Quy định không giới hạn về ngoại binh (ngoài EU) tại giải vô địch quốc gia Bỉ đã giúp họ thực hiện điều đó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chất lượng của các cầu thủ châu Á tại đây là vô cùng đáng kinh ngạc và họ chính là trụ cột của các đội bóng. Tôi từng làm việc cùng tiền đạo Yuma Suzuki, một ‘sát thủ’ thật sự trong việc chọn vị trí và đánh hơi bàn thắng. Cậu ấy đã dành gần như những danh hiệu cao quý ở châu Á trước khi quyết định thử thách bản thân tại châu Âu. Kỹ thuật cá nhân xuất sắc đi cùng với việc cảm quan không gian nhạy bén, luôn biết tìm những vị trí phù hợp là hai thứ vũ khí lợi hại của không chỉ riêng Yuma, mà của đa phần các tiền đạo châu Á.
Những trung vệ với thể hình lực lưỡng luôn sẵn sàng theo kèm gắt gao và dùng sức mạnh về thể chất để chiến thắng trong những cuộc chiến tay đôi. Tuy nhiên, thân hình nhỏ con và lắt léo cùng sự nhanh nhẹn lúc này lại chính là lợi thế. Các cầu thủ châu Á hiện tại cũng đã được cải thiện về mặt thể lực để có thể bao quát và di chuyển toàn bộ mặt sân mà không hề tỏ ra mệt mỏi.”
Ảnh: Sint-Truidense
Mỗi một địa điểm mà chúng ta đi qua hoặc dừng chân để làm việc đều chứa đựng những dấu ấn đậm nét mà có lẽ là không bao giờ quên được. Trong một thoáng chốc nào đó, chúng ta mang trong mình nỗi nhớ da diết và khắc khoải. Và đối với Milos thì cũng không hề có ngoại lệ. Chiến lược gia 49 tuổi này trầm ngâm: “Tôi nhớ từng quốc gia mà tôi đã làm việc qua. Từ Serbia đến Hy Lạp và gần nhất là Bỉ. Sint-Truiden là một thành phố bình yên đến lạ thường, trái ngược hẳn với Antwerp nhộn nhịp và đông đúc, nơi đầu tiên tôi đặt chân đến tại Bỉ khi bắt đầu công việc trước đó hai năm.
Nhiều người có thể thích những nơi chốn đông vui và náo nhiệt nhưng đối với tôi, Sint-Truiden giúp bản thân tôi trở nên nhẹ nhàng và thư thái. Sau mỗi trận đấu hoặc mỗi buổi tập căng thẳng, tôi tự thưởng cho mình những giây phút tản bộ trên những con đường rực rỡ sắc hoa và những ngôi nhà san sát sau. Người dân nơi đây mang trong mình nét sống chân phương, giản dị. Những nụ cười nồng hậu và thân mật mà họ dành cho tôi khiến cho tôi cảm thấy công việc mình đang làm có giá trị. Và tôi tin rằng, đó cũng là quan điểm và suy nghĩ thấu đáo của nhà đầu tư Nhật Bản khi họ mua lại câu lạc bộ.
Một môi trường thân thiện, không quá ồn ào sẽ giúp cầu thủ tập trung phát tiển và nâng cao trình độ của bản thân, từ đó có đủ năng lực để hướng tới các giải đấu hàng đầu như ‘Big 5’. Bóng đá bao gồm nhiều thứ ngoài hậu trường nữa. Thứ quyết định thành công của một cá nhân hay một tập thể đôi khi nằm ở ngoài sân cỏ.”
“Vậy ông đã bao giờ nghĩ đến châu Á, hoặc mơ mộng hơn nữa, là Việt Nam chưa?”, người viết đặt câu hỏi.
“Phải nói thật tôi là người ưa thích sự trải nghiệm mới lạ, và không hề muốn dừng chân ở một nơi. Nếu triết lý của tôi có thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển trong tương lai, và gặp được một ông chủ với cách làm bóng đá hiện đại và chiến lược dài hơi, thì tại sao lại không nhỉ?”
Milos nở nụ cười hiền hậu và sảng khoái, như quên đi những giông bão và khó khăn ở thực tại, để hướng về một tương lai tươi sáng. Một tương lai, có thể là cách ông hàng ngàn dặm.
Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…