Trận đấu chính thức thứ 10 của Kai Havertz trong màu áo Arsenal đã bước sang hiệp 2 và anh vẫn chưa ghi được bàn thắng hay có pha kiến tạo nào cho The Gunners. Áp lực ngày càng gia tăng, và số tiền chuyển nhượng 65 triệu bảng Anh dường như đã trở thành một cục tạ vô hình nặng trĩu đeo lên đôi chân của ngôi sao người Đức, kiềm hãm những nỗ lực của anh tại CLB mới.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Tình hình của Havertz có vẻ vẫn sẽ chưa thể khởi sắc nổi khi anh bước đi quanh sân Vitality Stadium của Bournemouth vào một buổi chiều cuối tháng 9 năm ngoái, nhưng ở phút 53, anh đã nhận được một món quà vô giá từ người đội trưởng Martin Odegaard của mình.
Tiền vệ người Na Uy đã hào phóng từ bỏ thẩm quyền đá penalty của bản thân và trao quả bóng cho người đồng đội đang rất cần một cú hích của mình. Havertz đã thực hiện thành công quả penalty và sau khi tiếng còi mãn cuộc cất lên, Odegaard đã một lần nữa sắm vai một “vị thần hộ mệnh” của anh, đẩy ngôi sao người Đức vào vị trí trung tâm “sân khấu” để anh nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ các cổ động viên The Gunners.
Havertz hiển nhiên đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các nhiệm vụ truyền thông sau trận đấu đó, nhưng anh đã quyết định giấu kín những suy nghĩ của mình. Anh không muốn mạo hiểm “gáy sớm” vì biết rằng bản thân còn rất nhiều điều cần phải làm để có thể thực sự đền đáp được niềm tin to lớn mà Mikel Arteta đã dành cho mình kể từ khi chuyển đến CLB này từ Chelsea.
Rất nhiều cầu thủ sẽ sụp đổ, vỡ vụn nếu phải nếm trải những làn sóng công kích, giễu cợt “tàn bạo” mà ngôi sao người Đức đã phải trải qua vào thời điểm ấy, cái thuở mà anh bị mạng xã hội đối xử như một gã hề. Nhưng Havertz thì không!
Đêm nay, chàng trai này sẽ trở lại Bournemouth với tư cách một ngôi sao đã được tái sinh, sau khi có thêm 27 bàn thắng + kiến tạo cho Arsenal trong hơn 12 tháng kể từ chuyến làm khách đã kể ở trên.
Quả penalty đó chẳng phải là một liều thuốc thần ngay tức khắc giải quyết hết mọi vấn đề. Phải mất thêm vài tháng nữa thì sự nghiệp khoác áo The Gunners của Havertz mới thực sự khởi sắc, nhưng hành động của Odegaard có ý nghĩa rất lớn đối với anh. Đó là sự khởi đầu của một tình bạn thắm thiết (hai người họ - cùng các cô vợ - đã đi du lịch chung với nhau trong kỳ nghỉ hè vừa qua).
Không chỉ hành động của Odegaard, mà toàn bộ những gì đã diễn ra vào buổi chiều ngày hôm ấy đều có ý nghĩa rất to lớn đối với ngôi sao người Đức. Cái cách Havertz được toàn thể đội bóng và ban huấn luyện chúc tụng nồng nhiệt đã chứng minh cho anh thấy rằng, “một CLB chẳng khác nào một gia đình” mà Arteta từng hứa với anh chẳng phải là những lời nói suông.
Buổi chiều hôm ấy đã hoàn toàn thuyết phục tiền đạo 25 tuổi tin tưởng rằng, trong môi trường tuyệt vời này, chỉ cần được trao cho đủ thời gian để “nở rộ”, anh sẽ thực sự trở thành một cầu thủ toàn diện như Arteta đã mong đợi khi mang anh về từ Chelsea.
***
Một khoảng thời gian tầm 90 phút hoàn toàn có thể thay đổi toàn bộ sự nghiệp của một cầu thủ bóng đá. Hầu hết chúng thường diễn ra trên sân cỏ, nhưng đối với trường hợp Kai Havertz, 1 tiếng rưỡi mang tính bước ngoặt đó là một cuộc video call.
Mùa hè năm ngoái, trong khi Havertz đang đi nghỉ xả hơi ở Hy Lạp, Arteta đã liên lạc với ngôi sao người Đức để cố thuyết phục rằng anh nên chọn Arsenal làm ngôi nhà tiếp theo của mình. Sau 3 năm đầy thăng trầm ở Chelsea, Havertz biết rằng mình cần phải đưa ra một sự lựa chọn thật đúng đắn cho bước tiếp theo của bản thân.
Chắc chắn CLB nào cũng sẽ có những màn tự giới thiệu cực hoành tráng về bản thân với các mục tiêu chuyển nhượng lớn của họ, vì thế dĩ nhiên là trước đây Havertz đã từng nghe không ít lời cam đoan y xì nhau từ các CLB muốn chiêu mộ anh rằng họ là một gia đình lớn chứ không chỉ là một CLB bóng đá, để rồi sau đó khám phá ra hàng loạt bất ổn. Nhưng Arteta đã cố gắng tạo ra sự khác biệt cho Arsenal trong cuộc trò chuyện đầu tiên của hai người họ thay vì đơn thuần lặp lại y như đúc công thức quen thuộc.
Chỉ vài phút sau khi cuộc trò chuyện bắt đầu, Havertz đã nhận ra rằng Arteta không chỉ phân tích về anh trong tư cách một cầu thủ bóng đá, mà còn quan tâm bàn luận về cả con người anh và những điều làm anh cảm thấy hạnh phúc, trọn vẹn.
Hết trang slide này đến trang slide khác được lật qua, Arteta đã vẽ nên một bức tranh cực kỳ tường tận về cuộc sống tại Arsenal và những gì mà môi trường này có thể mang tới cho anh. Những chia sẻ từ gia đình anh, những người thầy cũ của anh cùng với hình ảnh những chú chó của anh – Arsenal cũng có một chú chó cưng tên là Win tại trung tâm huấn luyện của CLB – đã được sử dụng để cho Havertz thấy rằng The Gunners đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về con người thực sự của chàng trai này, một khía cạnh thường bị hiểu nhầm tại Anh vì phong cách lừ đừ, chậm rãi của anh.
Arteta đã khẳng định với Havertz rằng Arsenal không theo đuổi anh chỉ vì những mục tiêu ngắn hạn. Đúng là The Gunners đã vạch ra một tầm nhìn rất rõ ràng về viễn cảnh một Kai Havertz tìm được 100% sự tự tin sẽ trông ra sao và phiên bản ấy của anh sẽ trình diễn như thế nào tại đội bóng này, nhưng dự án của họ to lớn, sâu sắc hơn thế nhiều. Arteta đã giải thích tỉ mỉ về cách mà ông sẽ xây dựng nên một môi trường hoàn hảo cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng tuyển thủ quốc gia Đức sao cho anh phát huy được hết năng lực thực sự của mình.
Đó chính là yếu tố chính yếu mà Havertz đã không có được trong khoảng thời gian chơi bóng ở Stamford Bridge. Anh đã trải qua 9 đời HLV khác nhau tại Bayer Leverkusen và Chelsea, tính cả những vị HLV trưởng tạm quyền, từ năm 2016 đến 2023. Bản thân Havertz thì khao khát sự ổn định và một môi trường mang đến cho anh cảm giác mình được yêu thương.
6 tháng đầu của triều đại Thomas Tuchel tại Chelsea đã mang tới cho Havertz sự ấm áp đó, và đỉnh cao của những ngày tháng đó chính là pha ghi bàn của anh trong trận chung kết Champions League vào năm 2021 để đưa The Blues lên ngôi vô địch. Thời còn khoác áo Bayer Leverkusen, Peter Bosz giống như một người cha đối với Havertz và chính ông đã giúp anh tìm lại được niềm vui trong việc chơi bóng sau một khoảng thời gian khó khăn. Nếu chàng trai này không cảm thấy mình được trân trọng hoặc chẳng được bao quanh bởi một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ cả trong lẫn ngoài sân cỏ, anh sẽ là một cầu thủ có phong độ rất bất ổn định.
Để hiểu được cách Arteta “unlock” thành công phiên bản thăng hoa hiện tại của Havertz, trước tiên chúng ta cần phải hiểu được tại sao “một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ” lại quan trọng với anh đến vậy.
Đối với rất nhiều cầu thủ trên thế giới này, nguồn động lực chính yếu thúc đẩy họ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp chính là niềm khao khát thoát khỏi cảnh đói nghèo. Còn Havertz chẳng phải là một cầu thủ có xuất thân cơ hàn, vậy nên anh cần được thúc đẩy bằng cách khác.
Havertz lớn lên ở Aachen – một thành phố có dân số khoảng 250.000 người nằm gần biên giới với Bỉ và Hà Lan – trong một gia đình trung lưu, có cha là một cảnh sát đã hành nghề 40 năm và mẹ là một luật sư.
Gia đình này khi ấy chỉ có duy nhất một sợi dây liên kết với giới thể thao, đó là ông nội của anh, Richard – một cựu cầu thủ chuyên nghiệp từng thi đấu ở giải VĐQG Đức trong thập niên 1950, nhưng đã phải nghỉ hưu ở những năm tuổi đôi mươi vì một chấn thương ở đầu. Chính ông là người đã bắt đầu cuộc hành trình bóng đá của Havertz bằng cách “vận động hành lang” để anh được nhận vào CLB địa phương Alemannia Mariadorf mặc dù độ tuổi tuyển mộ tối thiểu của họ là 5, còn anh chỉ mới 3 tuổi vào thời điểm ấy. Thật may mắn khi ông Richard chính là chủ tịch của CLB, mặc dù lúc đó ông đang bị bệnh nặng.
Richard qua đời khi Havertz mới 5 tuổi và đây là một sự mất mát nặng nề đối với gia đình nhỏ đầy gắn kết của anh. Đây chính là lý do lớn nhất cho câu hỏi tại sao Havertz luôn cần một môi trường đậm tình “gia đình” thì mới có thể phát triển, toả sáng trong sự nghiệp bóng đá, và cũng chính là lý do tại sao Arteta thành công trong việc thắp sáng chàng trai này.
Sau khi ký hợp đồng với Leverkusen ở tuổi 11, việc phải đi đi về về 2 tiếng mỗi ngày, 4 lần 1 tuần, vốn đã khó chịu, cực nhọc lắm rồi, nhưng tới lúc cậu bé Kai phải thực sự sống xa gia đình lâu dài thì còn càng khiến cậu cảm thấy khổ sở hơn. Trong khi giai đoạn dậy thì vốn đang gây ra lắm vấn đề, cậu còn bị dày vò bởi nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và muốn bỏ cuộc.
Tuy nhiên, người anh trai Jan của cậu đã quyết định chuyển tới sống chung với cậu em trai kém mình 7 tuổi trong cùng một căn hộ dù cho việc đi học của bản thân sẽ trở nên bất tiện hơn một chút, vì Jan đang học ở Cologne. Điều đó đã giúp thay đổi vận mệnh của Kai và là một câu chuyện nêu bật lên sự gần gũi, gắn kết của gia đình Havertz. 1 năm sau, người bố Ralf cũng chuyển tới sống chung cùng Kai để mang đến sự hỗ trợ chặt chẽ mà cậu cần.
Bóng đá không phải là tất cả và con đường duy nhất đối với Havertz – vào tháng 3 năm 2017, bố mẹ anh đã bắt anh đứng ngoài cuộc trong trận đấu trên sân khách của Leverkusen với Atletico Madrid ở vòng 16 đội Champions League để cầu thủ này tập trung hoàn thành một bài kiểm tra toán.
Havertz có sự sáng suốt và khả năng tách biệt bóng đá với cuộc sống. Tuy nhiên, không phải lúc nào anh cũng có thể ngăn bóng đá chiếm lấy hết tâm trí mình.
Bản hợp đồng đưa tuyển thủ quốc gia Đức chuyển tới Chelsea từ Leverkusen không phải là một quyết định dễ dàng đối với một chàng trai thích được bao quanh bởi những con người thân thuộc. Anh đã đến London ngay trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 đang hoành hành dữ dội, và tình trạng ảm đạm vì lệnh phong toả xã hội tại nơi ở mới đã góp phần tạo nên sự khởi đầu chậm chạp của Havertz ở The Blues. Đôi khi, những màn trình diễn tệ hại đã khiến chàng trai này dằn vặt, bức bối đến tận khuya, và anh phải tìm đến những con người bên trong “vòng tròn thân thuộc” của mình để tâm sự, giải toả tâm trạng.
Tại Arsenal, Havertz đã được đặt vào một nền văn hoá đôi khi trông có vẻ sến súa đối với những người ngoài cuộc, nhưng lại giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự kết nối và “tình đồng chí” bên trong nội bộ CLB. Các cầu thủ được giao nhiệm vụ chung tay chăm sóc một cái cây tên là Win, bên cạnh đó là những buổi tiệc BBQ được tổ chức thường xuyên có cả sự tham dự của gia đình họ, và “chính sách” không có chỗ ngồi cố định ở căng tin.
Nền văn hoá đó đã giúp Havertz tĩnh tâm và mang tới cái cảm giác thân thuộc mà anh luôn mong muốn, và bên cạnh đó là một cuộc sống gia đình hết sức giản dị. Sống ở ngoại ô London, Havertz hầu như chỉ quan tâm đến cô vợ Sophia, cũng như ba chú chó và chú ngựa của họ. Havertz đang sống rất thư thái, yên bình.
Sophia Weber: Điểm tựa giúp Kai Havertz bùng nổ
|
***
Thuở còn bé, Havertz đã mê mẩn đoàn quân Barcelona giành cú ăn ba danh hiệu vào mùa giải 2005-06, và xem nhiều video về các trận đấu của họ tới mức có thể kể ra vanh vách 10 đường chuyền tiếp theo khi bấm dừng video tại bất kỳ thời điểm nào của bất kỳ trận đấu nào.
Havertz bị mê hoặc bởi tính nghệ thuật trong bóng đá, nhưng trên con đường sự nghiệp của tuyển thủ quốc gia Đức đã luôn xảy ra những xung đột, va chạm căng thẳng giữa sự tự do sáng tạo mà anh tôn sùng và bản chất phức tạp, đề cao tính tổ chức của bóng đá đỉnh cao thời nay.
Trong những tháng đầu khoác áo Arsenal, những lời chế giễu nhắm vào Havertz đã xuất hiện không ngừng nghỉ trên mạng xã hội. Ý tưởng ban đầu của Arteta là giao cho anh vai trò tiền vệ số 8 lệch trái cùng quyền tự do để âm thầm dâng cao trở thành một tiền đạo hộ công. Nhưng khi đưa vào thực tiễn, cánh trái của The Gunners đã trở nên rất bế tắt. Rõ ràng là việc nhận bóng ở tít dưới sâu sân đấu rồi hướng lên phía trước không phải là sở trường của Havertz.
Mặc dù vậy, điểm hấp dẫn ở chàng trai này trong tư cách một cầu thủ bóng đá là anh có rất nhiều thế mạnh khác nhau. Đây chính là một trong những đặc tính khiến Arteta yêu thích Havertz – ông không xem số tiền cao ngất ngưởng mà Arsenal phải chi ra cho anh là một khoản đầu tư vào một vị trí duy nhất, mà là dành cho nhiều khu vực khác nhau của đoàn quân Arsenal này.
Những cuộc tranh luận về vị trí tối ưu dành cho Havertz đã bao trùm lên toàn bộ sự nghiệp của anh, và lại tiếp tục xuất hiện dày đặc trong 6 tháng đầu chàng trai này khoác áo The Gunners. Dù thế, kể cả trong khoảng thời gian đầy bế tắt ấy, Havertz vẫn cảm nhận được rằng Arteta là vị HLV trưởng đầu tiên thực tâm coi sự đa năng của anh là một điểm mạnh cao giá chứ không phải một vấn đề.
Man City nhắm Mikel Arteta thay Pep Guardiola.
|
Havertz cho rằng sự chăm chú vào những vị trí cứng nhắc là một lối suy nghĩ quá lỗi thời trong cuộc chơi ngày càng thay đổi này. Giống như Arteta khi khẳng định vào tháng 9 năm ngoái rằng 4-3-3 không phải là một cách mô tả chính xác về hệ thống của ông, tuyên bố rằng Arsenal đã thi triển tận 36 đội hình khác nhau trước Fulham và 43 trước Man City, không hề có thứ khái niệm nào gọi là “số 9 thuần tuý” trong tư duy chơi bóng của ngôi sao người Đức cả dù cho hiện anh đang đá trung phong.
Havertz thấu hiểu sâu sắc, thậm chí có cùng chung tư tưởng với Arteta, có lẽ đây chính là lý do tại sao anh có thể thi đấu rất thoải mái với vai trò cầu nối trong các đợt tấn công của Arsenal. Anh rất giỏi đánh hơi và tận dụng các khoảng trống, cũng như sở hữu trực giác nhạy bén để nhận thức khi nào nên lùi sâu, khi nào nên đâm ra phía sau hàng thủ đối phương, khi nào nên ở yên trong trung lộ, hoặc khi nào nên dạt cánh.
Phiên bản tiền đạo cắm của Havertz trong 9 tháng qua là một tạo vật hoàn toàn khác so với phiên bản tiền vệ số 8 trong những ngày đầu khoác áo đội chủ sân Emirates. Với chiều cao 1m93, giờ đây tuyển thủ quốc gia Đức đang là một thế lực cực đáng gờm trong các pha không chiến, không ít lần “bắt nạt” các hậu vệ và mang tới cho Arsenal một phương án tấn công nguy hiểm mới.
Sự cải thiện vượt bật trong khía cạnh này của Havertz vừa cực kỳ đáng nể, vừa là một điều bất ngờ, bởi trước khi gia nhập Arsenal anh thậm chí chẳng thích thú gì với chuyện không chiến. Mặc dù có vóc dáng cao lớn, nhưng chàng trai này là một cầu thủ có phong cách thi đấu thong dong… thậm chí nhiều lúc trông rất “nhu mì”.
Arteta là một nhà cầm quân rất tôn sùng sức mạnh của “ngôn ngữ cơ thể tích cực” và sự chú trọng của ông vào điều đó, kết hợp với việc biến Havertz thành một chuyên gia không chiến, đã hoàn thiện bộ kỹ năng của ngôi sao người Đức.
Khi Arteta “phác thảo” về tầm nhìn của ông dành cho Havertz tại Arsenal, những sự nâng cấp này cũng đã được đề cập tới trong kế hoạch đưa anh lên một tầm cao mới. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha đã không gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục Havertz đồng thuận 100% với ý tưởng đó, và minh chứng rõ ràng nhất chính là khoảnh khắc anh ghi bàn thắng đầu tiên của mình trong màu áo The Gunners – trong kỳ tập huấn tiền mùa giải 2023/24 – từ một quả tạt hướng tới cột xa, đó là một pha di chuyển hiếm thấy đối với Havertz của ngày xưa, nhưng là một miếng đánh mà Arteta đã truyền thụ cho anh ngay trong những cuộc trò chuyện ban đầu của họ.
Trong những tháng đầu tiên đó, sự cải thiện mạnh mẽ của Havertz trong các pha đấu tay đôi đã xây dựng nên trong anh sự tự tin rằng bản thân thực sự là một phần quan trọng của đội, ngay cả khi điều đó không được thể hiện một cách rõ rệt ngay lập tức bằng những pha ghi bàn và kiến tạo. Kể cả vào thời điểm gặp nhiều khó khăn trong khi đảm nhận vai trò tiền vệ số 8, anh vẫn có thể làm cho Arteta hài lòng bằng sự tận tâm với những nhiệm vụ mà bản thân được giao phó và tinh thần cạnh tranh.
Thái độ làm việc tuyệt vời ấy vẫn được giữ y nguyên, nhưng giờ thì giá trị của anh còn được thể hiện qua các bàn thắng và những pha kiến tạo – 2 thông số có sức lôi cuốn lớn nhất – nữa, thay vì chỉ có những thông tin kém sức hút như các pha đấu tay đôi hoặc tổng quãng đường đã di chuyển trên sân đấu. Đây là lần đầu tiên Havertz ghi nhiều bàn tới vậy trong giai đoạn mở đầu của một mùa giải.
Với 6 bàn thắng mà ngôi sao người Đức đã ghi trên mọi đấu trường của mùa giải này, giờ đây ký ức về quả penalty đầy lo lắng thuở trước đã trở thành một dĩ vãng xa xôi.
Theo Jordan Campbell, The Athletic