Mauro Camoranesi: Niềm tin của những Oriundi trên đất Ý

Tác giả August - Thứ Ba 04/10/2016 20:28(GMT+7)

Zalo
Những nốt nhạc hào hùng của bản Fratelli D’Italia (Quốc ca Italia) vang lên hòa quyện với những mái vòm của sân vận động làm cho bất kì trái tim nào dù không trót đặt trên màu áo Thiên thanh cũng phải run rẩy. Ô kìa, trên nền thảm cỏ xanh ngắt là một hàng màu xanh da trời tuyệt đẹp.
Mauro Camoranesi: Niem tin cua nhung Oriundi tren dat Y1
Mauro Camoranesi: Niềm tin của những Oriundi trên đất Ý (Ảnh: Nam Lương)
Những chàng trai hít một hơi thật sâu, nhắm nghiền đôi mắt và khoác vai nhau thật chặt và cất lên những lời hát quốc ca như đó là lần cuối cùng được hát vậy. Kết thúc bài Quốc ca, những đôi mắt mở ra với những ngấn lệ còn vương trên những hàng mi trong cảm xúc tột cùng. Tinh thần dân tộc Ý sáng bừng trong khoảnh khắc đầy thiêng liêng đó. Và các cầu thủ Italia bước vào mỗi trận đấu với một tình yêu mãnh liệt với dân tộc bắt đầu từ chính việc hát Quốc ca. 
 
Tuy nhiên, trong Legio Azzurri đã có những cầu thủ khoác lên mình màu áo Thiên thanh mà chẳng thể thuộc được lời ca khúc thiêng liêng ấy. Những người Italia “thuần huyết” không thích điều này vì cho rằng những con người đó không mang trong mình tinh thần dân tộc Ý. Nhưng chính những người được gọi là oriundi đó lại là môt phần lịch sử không thể thiếu gắn liền với thật nhiều những kí ức hào hùng của Azzurri trong suốt hơn gần 100 năm qua. Mauro Camoranesi là hiện thân về sự thành công của những oriundo như vậy.
 
SỰ THĂNG TRẦM CỦA ORIUNDI
 
Trong tiếng Italia và tiếng Tây Ban Nha, “oriundi” là số nhiều của từ “oriundo” bắt nguồn từ động từ “oriri” trong tiếng Latinh có nghĩa là “được sinh ra”. Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ những người nhập cư mang có gốc gác tổ tiên là người bản địa. Trong bóng đá, khái niệm “oriundi” được dùng để nói tới những cầu thủ được sinh ra ở Mỹ Latinh mà tổ tiên của họ là những người Italia di cư sang đó và sau đó quay trở lại quê hương. Trước những năm 1950, những cầu thủ như vậy được gọi là “rimpatriati”, có nghĩa là “những người hồi hương”. Tới những năm 1950, từ “oriundi” được bắt đầu biết đến và sử dụng rộng rãi.
 
Kể từ thời điểm FIFA được thành lập vào năm 1905, các điều luật của FIFA đã cho phép những cầu thủ sinh ra và lớn lên ở quốc gia này có thể lựa chọn chơi cho ĐTQG khác nếu tổ tiên có mối liên hệ gần FIFA yêu cầu các cầu thủ mang trong mình nhiều hơn hai dòng máu phải lựa chọn một ĐTQG tại một thời điểm. Điều đó đã mở ra một làn sóng sử dụng những oriundo vào những năm 1920 đến 1960 ở Italia và Tây Ban Nha, đặc biệt là những quốc gia có lịch sử lâu dài về chế độ thực dân như Anh, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha.
 
Lịch sử của những “oriundo” tại Ý được bắt đầu từ màn ra mắt đầu tiên của Ermano Aebi trong trận giao hữu giữa Italia và Pháp tại Velodrome vào ngày 18/1/1920. Và làn sóng oriundi tăng cao vào thời điểm nổi lên của trùm phát xít Benito Mussolini vào những năm 1930. Chức vô địch đầu tiên của Azzurri vào năm 1934 tại Uruguay gắn liền với tên tuổi của những oriundi như Luis Monti, Raimundo Orsi, Enrique Guaita and Attilio Demaría và Anfilogino Guarisi. Azzurri tiếp tục giành chức vô địch thế giới vào năm 1938 với một oriundo trong đội hình là Andreollo. Mặc dù những đóng góp không thể phủ nhận của các oriundi trong những chức vô địch đầu tiên của Italia, vấn đề có hay không sự có mặt của những oriundi là một trong những cuộc tranh luận xuyên thế kỉ của bóng đá Italia về “sự thuần khiết” của Azzurri.
 
Sự thất bại liên tiếp tại các kì World Cup sau đó, đặc biệt là tại World Cup 1962 tại Chile, làn sóng “tẩy chay” các oriundi khỏi đội tuyển Italia đã giành thắng lợi. Một loạt những oriundi huyền thoại bị “đuổi’ khỏi Azzurri như Amleto Frigani, Humberto Maschio và Omar Sívori. Oriundo cuối cùng trong giai đoạn này xuất hiện trong màu áo Thiên thanh là cầu thủ của AC Milan, Angelo Sormani. Kể từ năm 1966 cho tới tận 2003, không có một vị huấn luyện trưởng ĐTQG Italia nào lựa chọn bất kì oriundi nào vào đội tuyển. Hình ảnh những oriundi đã lùi vào bóng tối tới gần một nửa thế kỉ. 
Mauro Camoranesi: Niem tin cua nhung Oriundi tren dat Y2
Mauro Camoranesi - Oriundo ở Italia
Những người Italia theo chủ nghĩa dân tộc muốn có một đội tuyển Italia “thuần khiết” vì họ mới chiến đấu hết mình bằng cả trái tim và khối óc cho dân tộc, còn theo họ, những oriundi không làm được như vậy. Nhưng rồi mọi thứ đã đổi thay khi bóng đá Italia đi vào khủng hoảng và không còn sản sinh ra được nhiều những tài năng lớn, cùng với đó là làn sóng toàn cầu hóa trong thời buổi hội nhập. Những người Italia với quan điểm rộng mở hơn đã chợt nhớ tới những oriundi. Và sau 40 năm Giovani Trapatoni đã đưa ra một quyết định lịch sử khi triệu tập trở lại một oriundi có nguồn gốc Argentina. Trong một buổi tối mùa đông vào tháng 2/2003, bước ra từ đường hầm sân vận động Stadio Luigi Ferraris ở thành phố cảng Genoa là một chàng trai nhỏ bé với mái tóc dài và khuôn mặt dài thượt, đó là oriundo Mauro Camoranesi. 

SỰ NGHIỆP CỦA ORIUNDO CAMORANESI
 
Vào một ngày đầu tháng 10 năm 1976, tại một con phố ở thành phố Tadil nằm ở phía Đông Nam thủ đô Buenos Aires đón chào sự ra đời của một cậu bé mang trong mình dòng máu Italia. Cậu bé đó chính là Mauro German Camoranesi Serra, sau này trở thành một trong những orinudi huyền thoại của bóng đá Italia.
 
Mang trong mình tình yêu với trái bóng từ thời ấu thơ trên những con đường của thành phố Tandil và trong lòng của đất nước Argentina yêu bóng đá đến điên cuồng, Camoranesi đã bắt đầu sự nghiệp cầu thủ của mình với chuyến hành trình tới tận đất nước Mexico từ năm 16 tuổi. Sau thời gian tập luyện ở Mexico, Camoranesi quay trở về quê hương nơi anh sinh ra là Argentina để đầu quân cho CLB thuộc giải hạng Nhất Argentina là Club Atletico Aldosivi trong mùa giải 1995-1996. 
 
Sau đó Camonaresi chuyển tới Mexico thi đấu cho Santos Laguna (1996) và được các cổ động viên của đội bóng đặt cho biệt danh là “El Cholo”. Sau hai năm chơi bóng tại Argentina, Camoranesi tới Uruguay chơi cho CLB Wanderers (1997), sau đó trở lại Argentina đầu quân cho Banfield (1997-1998). Tiếp đó là Cruz Azul của Mexico rồi từ đây Camoranesi đã đặt bước chân đầu tiên trên đất nước hình chiếc ủng với bản hợp đồng với CLB Verona vào năm 2000. 
 
Sau 2 mùa giải thi đấu chói sáng tại Verona, Camoranesi lọt vào mắt xanh của Bà đầm già thành Turin và sự nghiệp của chàng trai tới từ Argentina đã có một bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp. Mùa hè 2002, Mauro Camoranesi đặt bút kí vào hợp đồng với Bianconeri, đặt nền móng cho con đường tới với Azzurri của chàng thanh niên sinh ra tại Argentina này. Tại Juventus, Camoranesi đã cùng với những đồng đội của mình như Gianluigi Buffon, Del Piero, Pavel Nedved, Thuram, Cannavaro… tạo ra một Bianconeri mạnh nhất trong lịch sử CLB thành Turin. Cùng với Juventus, Camoranesi đã giành được 1 Scudetto (2002-2003), 2 Coppa Italia (2002, 2003). Với scandal Calciopoli chấn động nền bóng đá Italia với việc Juventus dính líu và bị giáng xuống Serie B, Camoranesi đã thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Juventus dù người đại diện của anh là Sergio Fortunato đã liên hệ để anh chuyển tới những CLB khác ở châu Âu như Lyon, Valencia và Liverpool. Khi mà một loạt những cầu thủ quan trọng của đội bóng “tháo chạy” khỏi con tàu đắm Juventus thì Camoranesi đã tình nguyện ở lại để chiến đấu với CLB ở Serie B với tuyên bố vào tháng 9/2006: “Tôi hạnh phúc ở đây”.
Mauro Camoranesi: Niem tin cua nhung Oriundi tren dat Y5
Mauro Camoranesi và Del Piero cùng nhau bước qua nốt trầm của Lão Bà
Trong một mùa giải tại Serie B, Camoranesi cùng các đồng đội còn lại đã góp công lớn trong mục tiêu quay trở lại Serie A của Juventus ngay mùa giải sau đó. Và ngay mùa giải 2007-2008 cùng Juventus trở lại Serie A, Camoranesi đã tỏa sáng và giành được danh hiệu Guerin d’Oro cho cầu thủ có số điểm trung bình cao nhất mùa giải được chấm bởi các tạp chí thể thao hàng đầu của Italian như Gazzetta dello Sport, Corriere dello Sport và Tuttosport.
 
Sau mùa giải 2009-2010 khá thành công cới Juventus, Camoranesi đã nói lời chia tay đội bóng anh gắn bó 10 năm để chuyển sang CLB Stuttgart tại Bundesliga vào 31/8/2010. Nhưng nước Đức dường như không phải là mảnh đất lành đối với Camoranesi. Tháng 2/2011, El Cholo rời Stuttgart để trở về cố hương Argentina thi đấu cho Lanus và sau đó giã từ sự nghiệp cầu thủ tại Racing Club vào năm 2014.
 
Camoranesi thi đấu ở hàng tiền vệ với vị trí sở trường là tiền vệ cánh phải, đôi khi anh cũng có thể bó vào giữa thi đấu như một tiền vệ trung tâm. El Cholo mang trong mình kỹ thuật điêu luyện của những cầu thủ Latinh, và sự ranh ma, lém lỉnh của những cầu thủ Italia. Những bước chạy đầy ma mãnh cùng nhưng pha rê dắt lắt léo của Camoranesi luôn tạo ra sự khác biệt ở hành lang cánh phải của Juventus và đội tuyển Italia. Không những vậy, Camoranesi luôn thể hiện một tinh thần thi đấu ngoan cường, quyết liệt và có đôi lúc rất “rắn”. Camoranesi có thể đạp vỡ đầu gối một tiền đạo trẻ khi còn thi đấu ở Argentina, có thể tắc bóng khiến Cesc Fabregas gục tại chỗ. Trong đôi mắt của Camoranesi luôn ánh lên tinh thần thi đấu rực lửa, tận hiến và hi sinh. Đó là đôi mắt của tinh thần Ý, của những con người sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc Ý thiêng liêng. Có lẽ chính vì vậy, Camoranesi đã được Trapattoni gỡ bỏ rào cản của lịch sử để gọi anh vào Azzurri.
 
Năm 2003, sự tỏa sáng của Camoranesi trong màu áo đội bóng số một Italia là Juventus đã gây sự chú ý mạnh mẽ tới hai huấn luyện viên của hai đội tuyển quốc gia, đó là Marcelo Bielsa của Argentina và Giovani Trapattoni của Italia. Cả hai HLV đều gọi cầu thủ mang trong mình cả hai dòng máu Italia và Argentina nhưng chỉ có Trapattoni được nở nụ cười với cái gật đầu tới từ El Cholo.
Mauro Camoranesi: Niem tin cua nhung Oriundi tren dat Y3
Mauro Camoranesi - El Cholo dũng mãnh
Sự lựa chọn của Camoranesi đã đặt giúp cho bóng đá Italia có được một trong những tiền vệ cánh phải hay nhất trong lịch sử Azzurri, góp công lớn vào chiến tích vô địch thế giới của đội tuyển Azzurri tại Đức vào năm 2006. Camoranesi luôn tự hào vì màu áo Thiên thanh mà anh đã lựa chọn như chính anh đã từng chia sẻ với phóng viên của FIFA.com: “Đấy không phải là chiến công nhỏ bé. Tôi đã có cơ hội và tôi nắm lấy. Tôi đã dành 7 năm trong màu áo tuyển Italy, và đấy là những năm tháng tuyệt vời cả ở phương diện cá nhân lẫn thể thao. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn”. Và Camoranesi đến hiện nay vẫn được coi là oriundo thành công nhất trong lịch sử bóng đá Italia với 55 lần ra sân, ghi 5 bàn thắng và tham dự 4 giải đấu lớn cùng Azzurri.

NIỀM TIN CHO NHỮNG ORIUNDI TRÊN ĐẤT Ý
 
Huấn luyện viên huyền thoại Vittorio Pozzo, người giành 2 chức vô địch thế giới đầu tiên với Azzurri, đã nói một câu nói bất hủ về oriundi: “Nếu họ có thể chết vì Italia, họ đủ tư cách chơi bóng cho Italia”. Các thế hệ oriundi đã gắn liền với lịch sử hào hùng của Azzurri, là một phần của lịch sử Calcio. Họ đã có những đóng góp không thể chối bỏ dù ở trong lòng bóng đá Italia vẫn còn những quan điểm trái chiều về oriundi.
Mauro Camoranesi: Niem tin cua nhung Oriundi tren dat Y4
Oddo cầm trên tay lọn tóc của Mauro ngay trong đêm nâng cao chiếc cup vô địch World Cup 2006
Sự có mặt của Camoranesi sau 40 năm vắng bóng của những oriundi trong màu áo Thiên thanh đã mở ra một thời kì mới với sự quay trở lại của thế hệ oriundi mới. Những oriundi như Camoranesi có thể không thuộc lời bản Fratelli D’Italia nhưng như Pozzo đã từng nói, họ có thể sẵn sàng chiến đấu và hi sinh vì nước Ý với một trái tim rực lửa. Hình ảnh El Cholo cắt đi mái tóc dài của mình trong đôi mắt ngấn lệ vì hạnh phúc ngay trong đêm Italia đăng quang chức vô địch thế giới tại Berlin cùng nụ cười thường trực trên môi như lời khẳng định cho những oriundi trước anh và sau anh. Camoranesi vẫn sẽ mãi là biểu tượng cho niềm tin của những oriundi trên đất Ý, những người luôn đập những nhịp của trái tim với bản nhạc bất tử Fratelli D’Italia!

Buon compleano Mauro!

AUGUSTUS(TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Charles De Ketelaere: Gọi giấc mơ về xứ Bergamo

Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow