Marcus Rashford là một người tin rằng chỉ cần nỗ lực tối đa, kết quả trận đấu có thể được giải quyết dù theo hướng tốt hay xấu. Ngoại trừ nếu dính chấn thương nghiêm trọng, thể chất và kỹ năng của số 10 Man United cho thấy anh sẽ là cầu thủ quan trọng của “Quỷ đỏ” và là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất Premier League trong ít nhất 5 đến 7 năm nữa.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Marcus Rashford đã có một năm 2020 khá tốt. Quay ngược thời gian trở lại tháng 1 năm ngoái, tiền đạo người Anh đã dính chấn thương lưng và phải rời sân trong trận thua 0-2 của Manchester United trước Burnley, khi đó HLV Ole Gunnar Solskjaer đang trải qua quãng thời gian chịu nhiều áp lực nhất. Rashford được chẩn đoán sẽ phải ngồi ngoài ít nhất 6 tuần và khả năng tham dự Euro 2020 (theo kế hoạch ban đầu) vào mùa hè bị bỏ ngỏ.
100 ngày mùa giải bị tạm dừng vì COVID-19 đã giúp anh có quãng thời gian hồi phục chấn thương đúng nghĩa và đến cuối năm 2020, Rashford đã ghi 12 bàn và 10 kiến tạo ở Premier League.
Anh cũng 2 lần nỗ lực kêu gọi chính phủ thay đổi chính sách để giúp đỡ hàng nghìn trẻ em đói nghèo, điều đó giúp anh được nhận tước hiệu MBE từ Nữ hoàng vào tháng 10. Một năm của Rashford bắt đầu bằng chấn thương và kết thúc với vị thế người hùng của hàng triệu trẻ em và gia đình.
Tuần này, Rashford lại nhận thêm danh hiệu nữa từ Hiệp hội Nhà báo Bóng đá Anh, Sir Alex Ferguson xuất hiện để vinh danh một cầu thủ mà với ông là “đã cho thanh niên thấy có một cách khác để đối phó với cuộc sống”.
Chúng ta đều đã biết tác động của Rashford bên ngoài sân cỏ. Vậy còn công việc chính của anh, một cầu thủ, tiền đạo 23 tuổi đã phát triển ra sao?
Trên UTD Podcast của Manchester United hồi tháng 4 năm ngoái, Rashford chia sẻ: “Khi ở cánh trái, bạn có thể tạo ra nhiều đột biến hơn cho đội. Ngược lại khi đá cắm, đôi khi bạn sẽ bị cô lập và cần một tiền vệ có thể tung ra những đường chuyền cho bạn suốt 90 phút”.
Giai đoạn đầu mùa giải 2019/2020, Rashford đã thi đấu bên cánh trái trong sơ đồ 4-2-3-1 ở Manchester United trong khi Anthony Martial đá cắm. Dù trên danh nghĩa đá ở cánh trái nhưng Rashford với khả năng cầm bóng và rê dắt đã giúp anh hoạt động như một tiền đạo thứ hai.
Dữ liệu của StatsBomb chỉ ra với chất lượng những cú dứt điểm và những pha rê dắt, Rashford thực sự là một trong những tiền đạo hay nhất Premier League. Dù tiền đạo của Manchester United vẫn còn một vài điểm yếu trong lối chơi - nhất là khả năng thi đấu quay lưng lại khung thành - nhưng Rashford vẫn kết thúc mùa giải với tư cách cầu thủ tấn công sáng tạo trong số những cầu thủ hay nhất giải đấu.
Radar của StatsBomb minh họa lối chơi của Rashford mùa giải trước. Anh thể hiện xuất sắc trong hầu hết mọi khía cạnh của khả năng tấn công và dường như điều đó sẽ lặp lại trong năm 2021 này.
Đây là những thông điệp rút ra từ biểu đồ:
- Rashford là một tiền đạo sở hữu khả năng cầm bóng tốt, thực hiện trung bình 2,3 pha rê bóng thành công/90 phút ở mùa giải trước (vùng đỏ, hướng 8 giờ trên radar).
- Khả năng di chuyển trong vòng cấm kết hợp với khả năng dứt điểm biến anh trở thành một trong những tiền đạo hay nhất Premier League (vùng đỏ, hướng 11 giờ trên radar).
- Rashford cũng là một chân chuyền giỏi, dù không phải mẫu tiền đạo cánh truyền thống chuyên thực hiện những quả tạt nhưng anh có óc sáng tạo để kiến tạo hoặc mở ra cơ hội ghi bàn cho đồng đội.
Còn sau đây là những gì bạn nhìn thấy khi xem Rashford thi đấu. Cầu thủ 23 tuổi nổi tiếng là một trong những tiền đạo nhanh nhất Premier League và vì vậy, khi rê dắt, anh tập trung vào việc mở ra không gian giữa anh và hậu vệ để sau đó có thể vượt qua họ. Anh là một cầu thủ rê bóng trực diện thay vì sử dụng quá nhiều kỹ thuật hoặc “múa may”.
Anh thường thường có xu hướng thực hiện những cú cứa lòng như Thierry Henry khi đối diện cầu môn. Hãy nhìn vào hình thể của Rashford khi anh ghi bàn vào lưới Newcastle United tháng 10 năm ngoái. Sau khi nhận bóng từ một đường bóng dài, Rashford rê vào vòng cấm và mở người như dưới đây.
Đôi khi có thể anh lấy đà không đủ khi thực hiện cú dứt điểm (điều này có thể do cách anh đặt chân trụ) dẫn đến bóng đi thẳng hơn hoặc đôi khi ra ngoài khung thành. Nhưng hầu hết anh thường chọn cách dứt điểm kỹ thuật.
Nói là hầu hết vì Rashford đôi khi tạo ra một vài đột biến. Trong một vài thời điểm, chúng ta sẽ thấy anh đi bóng vào trong từ cánh trái và thực hiện cú sút theo phong cách knuckleball từ khoảng cách xa hơn. Ví dụ như cú dứt điểm này trước Tottenham vào tháng 12 năm 2019.
Kế hoạch A của Rashford là dứt điểm bằng lòng trong chân phải để bóng đi cuộn khi anh có cơ hội. Kế hoạch B là dứt điểm thật mạnh cũng bằng chân phải.
Đây là góc khác, cận cảnh hơn của cú dứt điểm. Hãy chú ý tới chân trụ và cách chân còn lại đưa về sau để lấy lực.
Sức mạnh là từ có thể dùng để mô tả những cú dứt điểm của Rashford. Tiền đạo người Anh sẽ cố gắng di chuyển vào đúng vị trí có thể dứt điểm, nhưng khi sút xa hoặc dứt điểm gần nhiều người, anh thường dựa vào những cú sút uy lực và nhanh.
Hãy nhìn vào biểu đồ những cú dứt điểm của Marcus Rashford ở Premier League mùa giải 2019/2020 (không tính những tình huống thực hiện từ chấm 11m), chúng ta thấy anh ghi những bàn thắng (chấm đỏ) ở các vị trí gần như trên cùng một đường thẳng. Khi Rashford chơi ở cánh trái, có một khu vực nhất định anh thích xâm nhập vào và dứt điểm từ đó. Ở đó cho phép những kỹ thuật dứt điểm của anh trở nên hiệu quả nhất.
Đây là mùa giải thứ hai trong sự nghiệp Rashford ghi nhiều bàn hơn số lượng bàn thắng kỳ vọng (xG) của anh. xG không tính những quả 11m của tiền đạo Man United đã giảm từ 0,44/90 phút xuống 0,35/90 phút, đồng thời kiến tạo kỳ vọng cũng giảm từ 0,17/90 phút xuống 0,07/90 phút.
Rashford là một người tin rằng chỉ cần nỗ lực tối đa, kết quả trận đấu có thể được giải quyết dù theo hướng tốt hay xấu. Ngoại trừ nếu dính chấn thương nghiêm trọng, thể chất và kỹ năng của số 10 Man United cho thấy anh sẽ là cầu thủ quan trọng của “Quỷ đỏ” và là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất Premier League trong ít nhất 5 đến 7 năm nữa.
NẾU RASHFORD ĐÁ CÁNH PHẢI?
Trong cuộc chạm trán Burnley vừa qua, Rashford xuất phát bên cánh phải của sơ đồ 4-2-3-1. Đây vốn không phải vị trí quen thuộc với tiền đạo 23 tuổi (mới chỉ là lần thứ 4 sau 28 lần ra sân ở mùa giải này) nhưng điều đó mang lại một số lợi ích cho Manchester United nói chung, dù chỉ khi Edinson Cavani vẫn đá ở vị trí mũi nhọn.
Dù đá bên cánh phải khiến Rashford mất đi phần nào sự nguy hiểm so với khi đá bên cánh trái (anh không còn có thể bó vào trong và xâm nhập vào khu vực dứt điểm yêu thích), tuy nhiên The Athletic cho rằng điều đó khiến Man United có sự cân bằng sáng tạo lớn hơn.
Dưới đây là minh họa mạng lưới truyền bóng của Man United trong cuộc đối đầu Wolverhampton cuối tháng 12 năm ngoái, trận đấu gần nhất ở Premeir League mà Rashford xuất phát bên cánh trái.
Và hãy so sánh nó với minh họa mạng lưới truyền bóng của Man United trong chuyến hành quân đến Burnley khi anh xuất phát ở cánh phải. Dạng biểu đồ này minh họa vị trí trung bình của cầu thủ, vị trí cầu thủ thực hiện đường chuyền (độ dày của đường kẻ thể hiện tần suất đường chuyền giữa 2 cầu thủ) và chất lượng cơ hội được tạo ra từ đường chuyền đó (màu xanh cho thấy đường chuyền mang tính an toàn hơn, càng ngả về sắc đỏ thì càng có chất lượng cao).
Rashford đã ghi bàn thắng quyết định vào lưới Wolves tháng trước. Tuy nhiên ,trong một đội bóng thất thường như Man United, việc xếp Rashford bên cánh phải như trong trận đấu với Burnley cũng có giá trị khi anh kiến tạo bàn thắng duy nhất. Tần suất hoạt động của Rashford tạo ra sự bảo vệ lớn hơn cho hậu vệ phải Aaron Wan-Bissaka (người đang cải thiện khả năng tấn công và được yêu cầu nhiều nhiệm vụ hơn ở cả tấn công lẫn phòng ngự nếu chơi phía sau Mason Greenwood) nhưng đồng thời cũng tạo cho Man United nhiều cơ hội ghi bàn hơn ở tất cả các khu vực trên sân.
Rashford thực sự “tạo ra nhiều đột biến hơn” khi được bố trí ở cánh trái, song đôi khi anh lùi quá sâu để nhận bóng và cố gắng dứt điểm xuyên qua nhiều người khi bó vào giữa. Nếu chuyển sang cánh trái, Rashford - không thể cắt vào trong và dứt điểm - có thể tạt bóng vào vòng cấm, tạo ra những cơ hội cho Man United hoặc phối hợp một-hai với Bruno Fernandes.
Rashford đá bên cánh phải cũng mang lại lợi ích cho Martial, người có vẻ đang hơi lạc lõng khi được bố trí đá cắm hoặc bên cánh phải. Anh có thể sử dụng khả năng rê bóng dính chân và lựa chọn vị trí thông minh khi nhận bóng để thực hiện phần lớn công việc mà Rashford đã thực hiện bên cánh trái.
Tóm lại, vị trí tốt nhất của Rashford vẫn là ở cánh trái. Tuy nhiên có khả năng để Man United trở thành tập thể hay hơn nếu HLV Ole Gunnar Solskjaer sử dụng anh bên cánh phải. Đây sẽ không phải kế hoạch dài hạn, nhất là sau khi Man United vừa hoàn tất việc chiêu mộ Amad Diallo, một cầu thủ chạy cánh phải thuần túy.
Khi còn ở học viện, Rashford thần thượng Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney. Khi lớn lên, dường như anh đã tổng hợp lối chơi của cả 2 để tạo thành nền tảng cho riêng mình. Rashford có quyết tâm và khát khao cải thiện bản thân đã từng giúp Ronaldo phát triển ở Man United từ một cầu thủ thích “múa may” của năm 2003 thành chân sút uy tín vào năm 2008. Anh cũng sở hữu lối chơi đa dạng và khả năng thích ứng mà Rooney của giai đoạn 2007-2009 thể hiện.
Việc Rashford chờ đợi trong tích tắc trước khi tạt bóng cho Paul Pogba ghi bàn vào lưới Burnley cho thấy khả năng đánh giá tình huống của anh. Điều đó cho thấy nếu không trở thành huyền thoại của Man United khi đá bên cánh phải thì anh cũng có thể mang lại sự cân bằng cho đội bóng từ vị trí đó trong một thời gian ngắn.
Lược dịch từ bài viết của tác giả Carl Anka trên The Athletic.