Marcos Rojo: Trải nghiệm tử thần và khoảnh khắc cứu cả dân tộc

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 27/06/2018 15:08(GMT+7)

Zalo
St. Petersburg. Phút 86 trận Argentina – Nigeria và tỉ số đang là 1-1. Nếu kết quả này được giữ nguyên, đại diện châu Phi sẽ là đội thứ 2 sau Croatia giành vé đi tiếp vào vòng knock-out. Argentina triển khai bóng bên hành lang phải và hậu vệ cánh Gabriel Mercado, trong 1 tình huống hiếm hoi chiếm lĩnh được khoảng không gian đủ rộng để có thể tung ra 1 pha tạt bóng chuẩn xác vào vòng cấm địa Nigeria.

 
Marcos Rojo: Trai nghiem tu than va khoanh khac cuu ca dan toc2
Marcos Rojo: Trải nghiệm tử thần và khoảnh khắc cứu cả dân tộc
Trái bóng từ cú tạt có lẽ là sáng nước nhất của Mercado suốt từ đầu giải, vượt qua tầm kiểm soát của lớp phòng ngự đầu tiên phía Nigeria, tìm đến đúng vị trí của một cái bóng áo xanh-trắng đang di chuyển âm thầm mà rất nhanh vào sát chấm phạt 11m của đối thủ, khuất ngay phía sau Vitor Moses – người đã sút thành công quả penalty giúp “Siêu đại bàng” gỡ hòa 1-1. Là Gonzalo Higuain, tác giả pha tap-in vô duyên trước đó hơn chục phút? Là Sergio Aguero, vốn mới chỉ vào sân được hơn 5 phút và chưa tạo ra được pha bóng nào đáng chú ý? Là Lionel Messi, người có vẻ lại đang chìm trong nỗi u uất sau khi các đồng đội tiếp tục thể hiện một lối chơi bế tắc kể từ thời điểm Nigeria có bàn thắng.
 
Không! Là Marcos Rojo. Một pha xâm nhập vòng cấm không ai ngờ đến. Một tình huống chiếm lĩnh khoảng trống cực nhanh. Một cú ra chân bắt volley chuẩn xác. Và “BOOM”, bóng tung lưới Francis Uzoho. 2-1 cho Argentina ở phút 86. Cửa đi tiếp đã mở. Và Rojo ăn mừng như một gã điên, bất chấp trên lưng anh là một Messi cũng… điên không kém.
 
Tất cả đã nghĩ rằng, Argentina sẽ tàn sát Nigeria sau khi Messi ghi bàn mở tỉ số, ngay phút thứ 14, sau một serie những pha đón bóng, chạm bóng và dứt điểm siêu hạng. Nhưng kịch bản ấy đã không đến bất chấp tinh thần của Messi và các đồng đội đã lên cao trông thấy sau khi “số 10” trút được cả ngàn cân áp lực nhờ cú dứt điểm thành bàn này. Argentina sau bàn thắng của Messi vẫn là một Argentina vụn vặt trong các ý tưởng triển khai bóng, với một Mascherano chuyền hỏng quá nhiều, với 2 hậu vệ cánh cần phải học thêm 1 khóa dài ngày về kĩ năng chồng biên và tạt cánh, với một Di Maria ngã nhiều hơn là tạo ra những tình huống hãm thành giá trị, với một Higuain chậm chạp và vô hại. Ngoài Banega - Messi, những người trực tiếp làm nên siêu phẩm mở tỉ số của Argentina và vẫn thể hiện được phần nào chất lượng chơi bóng của mình, phần còn lại của Albiceleste không hề đem lại cảm giác tin cậy dù họ đã dẫn bàn trước.
 
Lionel Messi - Ke song sot vi dai
Lionel Messi ăn mừng cùng đồng đội
Và pha phạm lỗi không thể vô duyên hơn của cầu thủ cao tuổi nhất và giàu kinh nghiệm nhất Argentina trong một tình huống dàn xếp đá phạt góc phía Nigeria ngay đầu hiệp hai đã khiến Albiceleste phải chịu 1 quả phạt đền. Moses dễ dàng đánh bại Armani ở chấm 11m, gỡ hòa 1-1 cho Nigeria. Khoảnh khắc ấy, thứ tinh thần tích cực mà Argentina có được nhờ lợi thế dẫn bàn chính thức tan biết, hệt như cái cánh phản ứng của Diego Maradona trên khán đài sân St Petersburg.
 
Kể từ sau khi bị gỡ bàn, Argentina lại… chìm vào bóng tối. Trong hơn nửa giờ thi đấu sau đó, tất cả những gì mà Messi và các đồng đội làm được chỉ là pha dứt điểm cận thành vọt xà của Higuain. Trong khi, ở phía đối diện, trong thế trận phản công chủ động lại có rất nhiều khoảng trống để khai thác, Nigeria liên tiếp có các pha bóng hãm thành nguy hiểm: cú volley đưa bóng vọt xà trong gang tấc của Ndidi ở phút 72, tình huống thoát xuống và dứt điểm cận thành của Ighalo ở phút 84. Và xen giữa đó là một pha để bóng chạm tay trong vòng cấm của Rojo.
 
Từ 1 cú tạt bổng của Nigeria vào vòng cấm địa Argentina ở phút 76, Rojo đã chọn điểm rơi không thực sự chuẩn nên cú phá bóng bằng đầu của Rojo đã đưa trái bóng chạm đúng cánh tay anh đang giang lên. Ighalo, người áp sát Rojo ở pha bóng đó, phản ứng mạnh mẽ và yêu cầu trọng tài chính người Thổ Nhĩ Kỳ - ông Cuneyt Cakir tham khảo trợ lý công nghệ VAR để đưa ra phán quyết cuối cùng. Nhưng Cakir sau 1 phút xem lại tình huống bóng-đã-chạm-tay của Rojo từ các góc quay khác nhau đã quyết định… không thổi phạt đền cho Nigeria.
 
Rojo khong bi thoi phat 11 m sau pha de bong cham tay trong khu vuc cam dia.
Rojo không bị thổi phạt 11 m sau pha để bóng chạm tay trong khu vực cấm địa.
Trong quan điểm của Cakir, đấy là 1 tình huống mà Rojo bị động và không cố tình dùng tay để đem lại lợi thế phòng ngự cho đội nhà. Và đó là lý do ông không thổi penalty. Sẽ có những quan điểm trái chiều về quyết định của Cakir dù thực tế trong nhiều tình huống tương tự, các đồng nghiệp của trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đưa ra lựa chọn như ông. Và với Rojo, Cakir rõ ràng đã cứu anh thoát khỏi cảnh trở thành “tội nhân thiên cổ” của bóng đá Argentina. Bởi nếu đấy là 1 pha phạt đền và Nigeria ghi bàn, Argentina của Rojo với những gì đã và đang thể hiện, chắc chắn chẳng thể ghi 2 bàn trong hơn chục phút cuối trận.
 
7 phút sau khi thoát khỏi cửa tử, chính Rojo trong 1 pha bóng mà anh đá như 1 tiền đạo đã ghi bàn thắng tối quan trọng giúp cả đội Argentina lách qua một cửa ải tử thần khác. Có lẽ, ngay cả những người giàu trí tưởng tưởng nhất cũng không thể nghĩ tới một kịch bản “kinh dị” theo cách mà nó đã diễn ra ở St Pertersburg. Một Rojo tầm thường cả trận, suýt chút nữa phải đóng vai tội đồ trong thất bại của đội nhà bỗng vụt sáng và trở thành... đấng cứu thế của cả 1 tập thể, của cả một dân tộc bóng đá đang đếm những thời khắc cuối cùng, đang nhìn những giọt hi vọng lăn qua kẽ tay, trước khi chìm trong bi kịch thật sự.
 
Hình ảnh Rojo ghi bàn và… cõng niềm hi vọng Messi trên lưng không chỉ giàu cảm xúc, đầy ám ảnh mà còn gợi ra nhiều liên tưởng. Là Rojo cứu chính mình. Là Rojo cứu Argentina. Là Rojo cứu Messi, người dù đã nỗ lực tột cùng, đã ghi bàn nhưng vẫn cho thấy sự bất lực trong việc dẫn dắt một tập thể dị thường đến mức… tầm thường Argentina? Có thể Rojo đã cứu tất cả những ai đã, đang và luôn kì vọng vào Argentina. Nhưng pha ghi bàn của Rojo, cái cách hậu vệ này “trở về từ cõi Chết” để đem mở ra đường Sống cho mình và đồng đội, có thể còn mang 1 ý nghĩa lớn lao hơn thế.
 
Marcos Rojo Leo Messi
Marcos Rojo Leo Messi
Diego Maradona từng nói: “Thời của tôi, trong những trận tôi chơi không tốt Argentina vẫn còn đó những Butragueno, Valdano hay Caniggia thay nhau tỏa sáng. Messi giờ lấy đâu ra những người đồng đội như thế”. Maradona đã đúng cho đến trước phút 86 trận đấu đêm qua. Còn từ thời điểm này, “Cậu bé vàng” – ông sai rồi. Messi và Argentina, ít ra vẫn còn một Rojo.
 
Cả đời Rojo chỉ ghi 3 bàn cấp đội tuyển thì 2 trong số đó là vào lưới Nigeria. World Cup 2014, anh ghi bàn ấn định thắng lợi 3-2 trong một trận đấu mà Messi lập cú đúp giúp Albiceleste đi tiếp với ngôi đầu bảng, mở ra hành trình đến trận chung kết. 4 năm sau, tại St Petersburg, vẫn Rojo, vẫn bàn ấn định chiến thắng cho Albiceleste nhưng giá trị của nó thì gấp bội. Trước bàn thắng của Rojo, Argentina chìm trong bi kịch “về nước sớm” trong nỗi tủi hổ. Sau bàn thắng của Rojo, hi vọng ngập tràn và niềm tin trở lại.
 
Việc Rojo có tên trong danh sách Argentina dự World Cup 2018, vốn dĩ đã có thể coi là một bất ngờ bởi cả mùa giải 2017/18 ở Manchester United anh chỉ chơi hơn 600 phút Premier League, thời gian còn lại Rojo đánh vật với đủ loại chấn thương. Rojo thậm chí còn đến World Cup trong những tin đồn mạnh mẽ rằng anh sẽ là 1 trong những cái tên đầu tiên sẽ bị bán khỏi Old Trafford. Đây cũng là bằng chứng cho thấy, Argentina của mùa Hè nước Nga thiếu sự lựa chọn chất lượng đến nhường nào ở hậu tuyến và việc Albiceleste được coi là ứng viên vô địch thứ 5, chẳng qua là đội tuyển này sở hữu siêu sao Messi mà thôi.
 
Argentina vuot qua Nigeria day kich tinh
Argentina vượt qua Nigeria đầy kịch tính
Nhưng nếu như chuyện một Rojo như thế vẫn “được” dự World Cup thì cái cánh anh “cải tử hoàn sinh” đêm qua thực ra chẳng phải là điều gì đó quá tầm đối với một gã thanh niên có xuất thân từ El Triunto, Plata – nơi mà sự cuồng nhiệt bóng đá cũng tỉ lệ thuận với những băng nhóm tội phạm và số lượng những vụ bắn giết như “cơm bữa” hàng ngày. Rojo ấy từng nếm trải những khoảnh khắc, những thời điểm mà Tử thần thực sự bủa vây anh và gia đình từ rất lâu rồi. Như khi cha anh, ông Marcos bị một nhóm tội phạm vây đánh thừa sống thiếu chết. Như khi mẹ anh, bà Carlina từng bị một tay gangster La Plata dí súng vào đầu. Cô em gái 9 tuổi của Rojo còn suýt chết sau một vụ cướp ngay tại nhà riêng hậu vệ này. Con trai của Rojo thậm chí cũng chỉ thoát khỏi cảnh bị bắt cóc tống tiền trong gang tấc. 
 
Những trải nghiệm khủng khiếp mà Rojo và gia đình anh từng phải phải chịu, giúp Rojo cảm nhận được nhiều hơn giá trị của gia đình và nỗ lực làm tất cả để đem đến tiện nghi và sự an toàn cho người thân. Nó cũng hệt như cách anh đã làm đêm qua: sau khi thoát “Chết” trong gang tấc là nỗ lực tột cùng để đem đến bàn thắng tối quan trọng cho đội nhà. Tương lai nào ai biết trước khi chờ Argentina ở vòng 1/8 là tuyển Pháp. Nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, Rojo đã đem đến sự an toàn cho Argentina. Sự an toàn cho Messi. Như cách anh đã từng làm cho gia đình thân yêu của mình. 
 
Nhưng với khoảnh khắc hồi quang chói sáng ấy của Rojo, liệu Argentina có thực sự là… một gia đình, gắn kết và sẵn sàng sống chết vì nhau, cho hành trình chông gai phía trước?

ELFLACO (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Luis Diaz và một đêm huyền ảo của Liverpool tại thánh địa Anfield

Trận đấu khép lại, Luis Diaz rời sân Anfield với danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất trận" và ôm quả bóng Champions League sau khi đã lập một cú hattrick vào lưới Bayer Leverkusen. Và vẫn như thường lệ, trên quả bóng ấy lại có đầy đủ chữ ký của đồng đội để giúp Diaz lưu giữ lại chút kỷ niệm về một đêm huyền ảo của mình tại Anfield.

X
top-arrow