Trong một câu chuyện được Jurgen Klopp chia sẻ trên Wolfsburger Allgemeine Zeitung hồi tháng Giêng, Jorg Schmadtke xuất hiện như một “đồng minh” của ông. Tuy nhiên, trong 4 thập kỷ làm cầu thủ, HLV và GĐTT tại Bundesliga, người đàn ông 59 tuổi này chưa từng có mối liên hệ nào với Klopp, mặc dù điều đó có thể sớm thay đổi khi Schmadtke nhiều khả năng sẽ đảm nhận vai trò GĐTT tại Liverpool.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Trong một lần ở chung phòng thay đồ tại Fortuna Dusseldorf năm 1986, Klopp có màn trình diễn thảm họa đến nỗi Schmadtke không có ý định làm việc với ông nữa. “Khi đó tôi mới 19 tuổi và có ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp,” Klopp chia sẻ. “Tôi đến thử việc ở Fortuna, nơi Jorg là thủ môn và là một tên tuổi lớn ở đó. Tôi đã rất cố gắng. Tôi chạy như thể không có ngày mai. Nhưng đó là buổi thử việc thất bại toàn tập.
“Tôi đoán Jorg đã “ghim” điều đó trong đầu. Khi làm GĐTT, ông ấy chưa bao giờ đề nghị tôi làm HLV ở những CLB của ông ấy. Hẳn ông ấy đã nghĩ: Nếu Klopp không thể chơi bóng giỏi, ông ta cũng không thể làm một chiến lược gia tài ba.”
Dù là một thủ môn lôi cuốn, nổi bật với kỹ thuật chơi chân tốt và luôn khoác lên mình những chiếc áo đấu sặc sỡ, Schmadtke không hài lòng với việc chỉ là một cầu thủ chuyên nghiệp. Ông muốn làm công tác quản lý. Trong quãng thời gian ở Fortuna và sau đó là SC Freiburg, ông đã huấn luyện các đội trẻ, đồng thời theo học ngành kỹ thuật và kinh tế. Ở thời điểm mà Abiturenten (bằng tốt nghiệp loại A - ND) là của hiếm ở bóng đá Đức, ông nhanh chóng được chú ý nhờ trí tuệ của mình.
Sau thời gian ngắn làm trợ lý HLV tại Monchengladbach và HLV thủ môn tại Fortuna, Schmadtke nhìn thấy một bài quảng cáo việc làm trên tạp chí Kicker vào năm 2001, với nội dung tuyển mộ các ứng viên cho vai trò GĐTT tại đội bóng hạng hai Alemannia Aachen. Sau này, ông chia sẻ rằng ấy chính nỗi “tuyệt vọng đơn thuần” đã khiến ông quyết định nộp đơn. Nhưng không như hai ứng viên đối thủ của mình, Schmatdke đã chuẩn bị một bài thuyết trình PowerPoint để thuyết phục các ông chủ đội bóng.
Ông đã đưa Aachen lên chơi ở Bundesliga, cũng như lọt vào trận chung kết DFB Pokal và UEFA Cup một cách đầy ấn tượng. Ông cũng làm được điều tương tự ở Hannover 96 (2009 - 2013) và Cologne (2013 - 2017), khi đưa họ đến châu Âu mà không phải tốn một khoản tiền lớn.
Còn tại VfL Wolfsburg, công việc cuối cùng trước khi ông quyết định nghỉ hưu đầu năm nay, ông biến một CLB thường xuyên vật lộn với cuộc chiến trụ hạng được nếm mùi đấu trường Champions League danh giá. “Jorg thành công ở mọi nơi ông ấy đặt chân đến,” chủ tịch Hannover 96 Martin Kind thừa nhận.
Mặc dù vậy, trong khi Schmadtke nâng tầm các đội bóng bằng cách “mắc ít sai lầm hơn những người khác” khi ký hợp đồng với cầu thủ và HLV, có một yếu tố ngăn cản ông nhận được những công việc lớn hơn. Không lâu sau khi nhận việc, Schmadtke sẽ nảy sinh mẫu thuẫn với ban lãnh đạo, các chiến lược gia hay thậm chí là cả hai (ở Hannover, Cologne và Wolfsburg).
Căng thẳng kéo dài giữa HLV và GĐTT là đặc điểm cố hữu trong mô hình làm việc ở Đức, vì những yêu cầu ngắn hạn của người đi trước thường đi ngược lại tầm nhìn lâu dài của người đến sau. Nhưng rất ít người công khai những vấn đề nhạy cảm đó như Schmadtke đã làm, thông qua những cuộc phỏng vấn có phần gay gắt và hằn học.
“Tất cả đều biết tôi và Mirko (Slomka) sẽ không thuê một chiếc xe cắm trại, lái xe xuyên Canada và săn gấu xám.” Đó là cách Schmadtke mô tả mối quan hệ giữa ông với HLV của Hannover đã đi đến hồi kết. Tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với HLV Peter Stoger dẫn đến việc Schmadtke rời Cologne. Còn tại Wolfsburg, ông xung đột với HLV Bruno Labbadia. “Tôi sẽ không trao đổi công thức nấu ăn và lên kế hoạch đi nghỉ với ông ta,” Schmadtke nói về Labbadia, người sau đó ra đi để tiếp quản Hertha BSC.
Người kế nhiệm Labbadia, Oliver Glasner giúp Wolfsburg lọt vào top 4. Nhưng ông và Schmadtke không giấu nổi những bất đồng trong chính sách chuyển nhượng. “Ý tưởng của ông ta thiếu thực tế. Đây không phải là Phantasialand (công viên giải trí của Đức - ND),” Schmadtke nói sau khi nhà cầm quân người Áo phàn nàn về hàng công thiếu tốc độ của đội bóng.
Phong cách thẳng thắn của Schmadtke gây ra những sự chú ý. Bởi xung quanh ông là một thế hệ mới những nhà cầm quân khéo léo, cẩn thận hơn đang nằm quyền tại các CLB ở Đức. Những người biết rõ về 'Schmaddi' khẳng định ông là một người hài hước, tốt bụng hơn ở cuộc sống ngoài bóng đá. Bản thân Schmadtke cũng chia sẻ rằng hình ảnh thường xuyên cáu kỉnh, khó chịu của ông chỉ là chiến thuật nhằm xua đuổi sự chú ý của giới truyền thông. “Tôi không khốn nạn như một số người nghĩ,” ông nói với Sueddeutsche Zeitung.
Thái độ cộc cằn của Schmadtke lý giải vì sao tin tức về việc ông có thể đến Anfield được truyền thông quê nhà chào đón với sự hoài nghi. Thật không dễ để tưởng tượng ông sẽ làm việc thế nào ở một quốc gia khác, cũng như đảm nhận vai trò không có tiếng nói cuối cùng trong các quyết định được đưa ra. Là GĐTT tại Hannover, Cologne và Wolfsburg, ông là gương mặt đại diện và là nhân vật quyền lực nhất đội bóng.
Ngược lại, các GĐTT ở Premier League có xu hướng làm việc thầm lặng và thường đóng vai trò hỗ trợ các nhà cầm quân. Schmadtke sẽ phải làm quen với cách làm việc ở dưới tầm hoặc bên cạnh Klopp, chứ không phải trên tầm chiến lược gia người Đức.
Schmadtke đã giám sát hàng trăm vụ chuyển nhượng trong hai thập kỷ qua, gặt hái rất nhiều thành công cũng như (không thể tránh khỏi) những thất bại. Ông tỏ ra xuất sắc trong việc tìm ra những cầu thủ hạng khá như anh em nhà Nmecha (Felix và Lukas) hoặc trung vệ người Pháp Maxence Lacroix (tất cả đều ở Wolfsburg), hơn là phát hiện những siêu sao trong tương lai. Ông đưa Wout Weghorst về với Wolfsburg, dù người tiền nhiệm của ông, GĐTT Olaf Rebbe mới là người liên hệ ban đầu.
Tất nhiên, không phải không có những sai lầm. Ngay sau khi tiếp quản Wolfsburg năm 2018, ông quyết định dừng việc cho mượn Victor Osimhen, cầu thủ được mua bởi những người đi trước Klaus Allofs và Rebbe, trước khi bán tiền đạo người Nigeria cho RSC Charleroi với giá 3,5 triệu euro. Charleroi bán anh cho LOSC Lille với giá 22 triệu euro chỉ sau đó… 4 tuần.
“Công bằng mà nói, đó không phải là một nước đi hợp lý,” Schmadtke thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Kicker. “Khi tôi đến, cậu ấy thường xuyên dính chấn thương và chỉ biết chạy lòng vòng trên sân. Họ nói với tôi rằng các tiền đạo mà chúng tôi có không đủ tốt.” Schmadtke sau đó đã bổ nhiệm con trai mình, Nils (34 tuổi) làm trưởng bộ phận tuyển trạch tại Wolfsburg.
Người đại diện hiện tại của Klopp, Marc Kosicke từng có những thỏa thuận với Schmadtke khi thân chủ của ông, Florian Kohfeldt chơi cho Wolfsburg mùa trước. Schmadtke muốn tiếp tục sử dụng cầu thủ này bất chấp một số kết quả đáng thất vọng. Tuy nhiên, những nhân vật khác trong CLB được cho là đã ủng hộ Niko Kovac, chiến lược gia cập bến vào mùa hè năm ngoài. Những người trong cuộc cho rằng mối bất đồng đó đã đóng vai trò trong việc Schmadtke rời đội bóng và tuyên bố giải nghệ vào tháng Giêng.
Chia sẻ với Wolfsburger Allgemeine Zeitung ngày đó, Klopp hé lộ rằng ông cảm giác mình sẽ có những liên hệ với Schmadtke trong tương lai. “Tôi rất thích làm việc với ông ấy, tôi tin rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp,” chiến lược gia 55 tuổi nói. “Ông ấy là một GĐTT hàng đầu, một người không bao giờ thay đổi suốt 38 năm qua và sống thật với chính mình. Bóng đá sẽ luôn nhớ đến ông khi Jorg giải nghệ.
Nếu tin tức từ Merseyside là chính xác, Klopp sẽ gặp lại cố nhân của mình.
Lược dịch bài viết “Why Liverpool want Jorg Schmadtke as their new sporting director” của Raphael Honigstein (The Athletic)