Leicester City dẫn đầu ngoại hạng, hạnh phúc nhất là người thái!

Tác giả Gem - Thứ Ba 17/05/2016 08:55(GMT+7)

Zalo
Tiêu đề nghe tưởng chừng như chẳng liên quan. Một đội đang chễm chệ ngôi đầu tại giải đấu hấp dẫn nhất Xứ sở Sương mù. Một quốc gia nhỏ bé xa tít tắp tại Đông Nam Á. Nhưng mấy ai biết, không có nơi nhỏ bé kia, khó có một đội bóng “ngựa ô” gây rúng động làng túc cầu thế giới đến vậy.
Leicester City dan dau ngoai hang, hanh phuc nhat la nguoi thai! hinh anh
Leicester City và Người Thái
Người Thái đã làm được những gì?

Không nhiều người biết, chủ tịch đương nhiệm của Leicester City là ông Vichai Srivaddhanaprabha – tỷ phú giàu thứ 9 của Thái Lan theo xếp hạng của Forbes. Cái tên này có lẽ vẫn còn lạ lẫm với người Việt. Nhưng nếu ai đó vẫn thường xuyên xem các trận đấu thuộc Premier League, chắc đã quen mắt với áo đấu của đội bóng có biệt danh Bầy Cáo. Chiếc áo xanh dương với logo và dòng chữ King Power nổi bật. Đây chính là thương hiệu về kinh doanh du lịch hàng đầu tại Thái Lan, và cả châu Á. 

Bắt nguồn từ việc muốn cho thương hiệu của mình được nhiều người trên thế giới biết đến hơn, năm 2010 Vichai quyết định quảng cáo logo King Power trên áo đấu Leicester City. Đây là một giải pháp thông minh vì suy cho cùng, với số tiền khủng tài trợ cho các đội bóng mạnh ở Thai League như Buriram hay Muang Thong, đầu tư vào 1 đội bóng thuộc giải Hạng Nhất Anh vẫn đem lại lượng tiếp cận thương hiệu toàn cầu lớn hơn nhiều. 

Bản hợp đồng tài trợ áo đấu 3 năm cho Leicester City giúp Vichai và King Power bắt đầu có được 1 chỗ đứng nhất định tại thành phố thuộc miền Trung nước Anh. Năm 2011, ông tham gia ứng cử cho chiếc ghế Chủ tịch CLB. Với số tiền lớn đổ vào đội bóng và cả SVĐ, Vichai nhanh chóng giành được vị trí mình mong muốn đồng thời tiếp quản một Bầy cáo đang ở tốp đầu các CLB thuộc giải hạng Nhất. Cả ông và người dân xứ sở chùa Vàng đều không biết rằng, một trang mới trong cuộc đời vị tỷ phú này sắp bắt đầu.

Mùa 2014 – 2015, Leicester City chính thức quay trở lại giải đấu cao nhất nước Anh sau 10 năm vắng mặt. Mục tiêu trụ hạng trong mùa đầu tiên này đã được hoàn thành khi Leicester kết thúc ở vị trí thứ 14. Và đến năm nay, Leicester City đã làm được một kỳ tích 16 năm rồi chưa từng có. Dẫn đầu bảng xếp hạng Premier League sau chặng đường hơn 1/3 giải, vượt lên trên những ông lớn TOP FOUR hay TOP FIVE. Nếu thắng 1, 2 vòng, người đời còn chỉ trích là ăn may, thì việc thắng đến 10 trận và chỉ để thua đúng 1 trận khiến những người từng dè bỉu Leicester City phải lặng thinh suy nghĩ lại.

Vichai không phải là cái tên đầu tiên đến từ Thái Lan được người Anh nhớ tới. Trước đó là cựu thủ tướng Thái Lan ông Thaksin Shinawatra và một Manchester City thời chưa nổi. Sau khi chi tiền cho một vài danh thủ chất lượng, đồng thời đem về cho Man xanh cựu HLV đội tuyển Anh Sven Goran Eriksson, Man City đã chơi khởi sắc và đạt được những thành công nhất định. Từ việc bỏ 81,6 triệu bảng vào năm 2007. Năm 2008, ông Thaksin đã bán Man City cho tập đoàn Abu Dhabi United với giá 200 triệu bảng. Quả là một thương vụ làm ăn hiệu quả cả về giá trị vật chất lẫn thương hiệu bóng đá!

Những khó khăn họ gặp phải
Leicester City dan dau ngoai hang, hanh phuc nhat la nguoi thai! hinh anh 2
Chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha của Leicester
Không có con đường nào trải đầy hoa hồng. Không có thành công mà dễ dàng không chút chướng ngại. Vào năm 2010, có nhiều CLB thậm chí còn tiềm năng hơn Leicester City rất nhiều, nhưng tỷ phú người Thái Lan đã biết đầu tư đúng chỗ.

Sau 2, 3 năm cứ lòng vòng ở top 5 giải hạng Nhất, chẳng thể lên được Ngoại hạng. Thay vì chán nản, từ bỏ thì Vichai không ngừng đem về những cái tên tốt nhất cho CLB. HLV Nigel Pearson đến vực dậy một Leicester yếu đuối, tuyển trạch viên Steve Walsh đến và đem về hàng loạt cái tên chất lượng với giá… dưới 1 triệu bảng. Không đến từ một quốc gia giàu có nhưng tỷ phú người Thái Lan đã cam kết sau khi Leicester City thăng hạng: Ông sẽ chi 180 triệu bảng để Bầy cáo trụ hạng và tiến đến TOP5. Phát biểu này mới đầu nghe thì thật điên rồ và huyễn hoặc nhưng thực tế là bây giờ, Leicester City đang dẫn đầu TOP5 và tiêu còn chưa đến… 80 triệu. 

Đường đường là một đội bóng thuộc giải đấu hấp dẫn nhất thế giới, Vichai tự hào đưa Leicester City về Thái Lan du đấu trong hè vừa rồi. Tuy nhiên chuyến du đấu này lại không có được cái kết trọn vẹn khi 3 cầu thủ Leicester City tham gia vào “đường dây nóng”. Oái oăm hơn, 1 trong 3 cầu thủ ăn chơi trác táng hôm đó là James Pearson, con trai của HLV trưởng. Thay vì hình ảnh một đội bóng kiên cường và máu lửa mà Vichai muốn xây dựng cho Leicester City, giờ người Thái chia sẻ nhau những hình ảnh từ clip quan hệ tập thể của các cầu thủ nước ngoài. 

Đây không chỉ là một bài toán hóc búa về thương hiệu, đó còn là một bài học quá lớn cho chủ tịch Vichai và toàn bộ đội bóng Leicester City. Muốn lấy lại hình ảnh trong mắt người hâm mộ, một kỷ luật thép đối với cầu thủ và ban huấn luyện, chỉ còn cách vị chủ tịch phải thật… mạnh tay. Tỷ phú người Thái đã điều lệnh trục xuất 3 cầu thủ “gây ô nhục” về nước. Và sau đó không lâu, sa thải Nigel Pearson dù trước đó HLV người Anh còn được coi là người hùng vì giúp Leicester City trụ hạng. Giới truyền thông tỏ ra hối tiếc vì chủ tịch người Thái đã quá tàn nhẫn với một người tài. Nhưng luật là luật, khi đời tư của một cá nhân làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cả đội, người đó cần phải chịu trách nhiệm. Không khiến fan của Bầy cáo phải lo lắng hay thất vọng, ông Vichai đã lập tức mang về Claudio Ranieri – HLV tên tuổi đã dẫn dắt nhiều CLB nổi tiếng như Valencia, Chelsea, Juventus, AS Monaco…

Nhìn lại bóng đá Việt

Những người Thái đầu tư vào CLB danh tiếng châu Âu không phải là ít. Ngoài Vichai, Thaksin thì vợ chồng Bee Taechaubol có cơ hội sở hữu đến 48% AC Milan, bà bầu Sasima Srivikorn đứng đầu nhóm cổ đông CLB Reading…

Vấn đề ở đây không phải việc họ giàu có cỡ nào, số tiền khủng khiếp họ chi cho mỗi đội bóng ra sao, mà cần quan tâm ở việc: Thông qua việc sở hữu này, họ đã giúp được gì cho nền bóng đá nước nhà. Theo suy nghĩ của các doanh nhân này, việc làm của họ giúp hình ảnh đất nước Thái được biết đến rộng rãi hơn, từ đó giải đấu quốc nội Thai League cũng được quan tâm và đầu tư hơn.

Trong một năm ngắn ngủi làm chủ ở Manchester City, ông Thaksin cũng đã nhanh chóng đưa về những tài năng trẻ của Thái Lan như Teerasil Dangda, Suree Sukha… đến tập luyện và thử việc, cọ sát cùng với các ngôi sao lớn tại Anh Quốc. Nghiên cứu kĩ càng và có một kế hoạch dài hơn vị cựu thủ tướng, Vichai đã lập ra dự án lên đến 200 triệu baht để tìm kiếm khắp Thái Lan những thần đồng bóng đá để đưa sang Anh đào tạo. Sẽ có tất cả 16 cầu thủ được chọn và có cơ hội đào tạo ở Anh 2 năm. Cách đây không lâu, Vichai mời HLV Kiatisuk và ban huấn luyện sang Anh để theo dõi những trận đấu của Leicester City và các đội bóng hàng đầu khác. Đây quả là trải nghệm đáng quý và đầy bổ ích cho HLV trưởng ĐTQG Thái Lan và ban huấn luyện.
Leicester City dan dau ngoai hang, hanh phuc nhat la nguoi thai! hinh anh 3
Henry Nguyễn (ngoài cùng bên phải) hiện đang là đồng sở hữu CLB Los Angeles FC (giải MLS)
Nhìn lại bóng đá Việt, không phải là không có những cá nhân “mạnh chi” vào bóng đá. Tỷ phú gốc Việt Henry Nguyễn (Nguyễn Bảo Hoàng) hiện đang là đồng sở hữu CLB Los Angeles FC (giải MLS). Tuy nhiên, Henry Nguyễn lại chưa… quan tâm quá nhiều đến bóng đá Việt. Một cái tên ai yêu bóng đá ở Việt Nam cũng biết, đó là ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai. Ông đã từng suýt mua được vài phần trăm cổ phần của Arsenal vào năm 2008, tuy nhiên sự việc đổ bể vì Cục đầu tư nước ngoài Bộ tài chính có văn bản chỉ ra rằng, luật Việt Nam chưa có bất cứ quy định nào về việc gián tiếp đầu tư ra nước ngoài. Cực chẳng đã, bầu Đức đành ngậm ngùi và vài năm sau cố gắng đưa những cái tên trẻ từ lò đào tạo sang London học hỏi thêm. Đó đều là những cầu thủ rất được chú ý ở Việt Nam lúc này như Công Phượng, Xuân Trường…

Tuy nhiên, Việt Nam thì chỉ có 1 bầu Đức còn Thái Lan thì không thiếu những ông bầu như vậy. Họ đầu tư cải tổ mạnh mẽ cho nền bóng đá nước nhà, giải vô địch quốc gia là cuộc tranh đấu khốc liệt giữa 18 đội và có đến 3 đội phải xuống hạng. Còn ở Việt Nam, con số này chỉ là 14 và hầu như năm nào cũng có đội… tự xin nghỉ.

Thôi thì chưa cần phải thành công lớn như Leicester City, chưa cần phải rót tiền quá nhiều vào các CLB nước ngoài như người Thái. Nhưng trước hết hãy nhìn nhận lại bóng đá Việt Nam thật đúng, hãy “chuyên nghiệp” bằng hành động chứ đừng chỉ bằng lời nói.

Nhìn xem, người ta đi quá xa so với chúng ta rồi!

Một bài viết của Gem (TTVN)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nottingham Forest và Bournemouth lọt top 5 Premier league: Thành công của những kẻ đi ngược dòng xu hướng

Sự sa sút trầm trọng của Manchester City là câu chuyện tâm điểm của nửa đầu mùa giải, trong khi đó Liverpool, Chelsea và Arsenal đều đang hy vọng rằng họ sẽ trở thành câu chuyện chính của giai đoạn nửa cuối mùa bằng cách giành chức vô địch. Nhưng còn 2 đội bóng đang chen chân vào giữa những ông lớn đó thì sao?

X
top-arrow