Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào chàng trai trẻ Xabi Alonso còn cười rạng rỡ cầm trên tay chiếc áo số 14 trong ngày ra mắt đội bóng mới, hiện tại anh đã sắp bước vào độ tuổi tứ tuần.
Ngoại trừ chức vô địch Champions League 2005 và FA Cup 2006, Liverpool dưới triều đại Rafa Benitez không có quá nhiều điểm nhấn nổi bật trong các cuộc cạnh tranh danh hiệu. Thế nhưng quãng thời gian 6 năm đầy thăng trầm ấy luôn tạo nên những xúc cảm đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Đó là ký ức về chàng tiền đạo tóc vàng Fernando Torres với những bước chạy xé gió, các pha ăn mừng rực lửa của đội trưởng Steven Gerrard, và chắc chắn không thể thiếu hình ảnh về Xabi Alonso - chủ nhân của những đường chuyền dài xuất sắc.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào chàng trai trẻ Xabi Alonso còn cười rạng rỡ cầm trên tay chiếc áo số 14 trong ngày ra mắt đội bóng mới, hiện tại anh đã sắp bước vào độ tuổi tứ tuần. Nét hiền lành, vẻ đẹp trai với đôi mắt đẹp “như mùa thu Paris”, từng “đốn tim” biết bao nhiêu fan nữ của Lữ đoàn đỏ, giờ được thay thế bằng sự lịch lãm của một người đàn ông trưởng thành.
Xabi Alonso từng là ký ức thanh xuân tươi đẹp của rất nhiều NHM Liverpool
Không còn những trận đấu đều đặn hàng tuần trước sự chứng kiến của hàng vạn khán giả, thế nhưng bóng đá chưa từng biến mất trong cuộc đời của chàng tiền vệ tài hoa ngày nào. Đã hơn 4 năm sau ngày tuyên bố giải nghệ, Alonso giờ đây vẫn đang tiếp tục đón nhận thử thách mới trên cương vị HLV. Và Real Sociedad B được xem là môi trường thích hợp để anh có thể vừa học hỏi, vừa trau dồi kinh nghiệm huấn luyện, mặc dù đôi lúc anh thừa nhận rằng mình rất nhớ cảm giác bước ra sân với tư cách một cầu thủ.
Nói về quãng thời gian thi đấu tại nước Anh, Alonso từng tâm sự trên The Guardian: “ Trước khi đến đây, tôi chỉ biết chút ít về Liverpool. Tôi không biết rằng ở đó có một Anfield rực cháy đến vậy. Những tiếng reo hò vang vọng khắp các khán đài. Nguồn năng lượng ấy dường như là bất tận.
“Tôi đã có những năm tháng đáng nhớ trong màu áo Real Sociedad. Ước mơ đầu đời khi ấy là giành được danh hiệu tại chính nơi này. Chúng tôi nghĩ mình đã tiến rất gần với chức vô địch La Liga mùa giải 2002/2003. Bạn cứ thử tượng tượng mà xem! Cùng Real Sociedad đăng quang La Liga, cảm xúc đó còn hơn cả khi bạn là nhà vô địch World Cup nữa ý chứ!. Nhưng rồi…”
Và về quyết định rời quê nhà Tây Ban Nha để chuyển đến nước Anh thi đấu, chỉ một năm sau cú vấp ngã đầu đời với Real Sociedad: “Tôi vẫn nhớ như in buổi chiều ngày hôm đó. Rafa Benitez gọi điện và nói rằng rất muốn có tôi trong đội hình. Ông ấy dành cả một giờ để nói về dự án mà mình theo đuổi tại Liverpool. Benitez là mẫu HLV giàu tham vọng, minh chứng là 2 chức vô địch La Liga và UEFA Cup cùng với Valencia. Nhưng ông ấy cũng biết rằng mọi thứ ở Liverpool sẽ rất khác. Benitez cần tôi ở trung tâm hàng tiền vệ, để san sẻ gánh nặng với Gerrard và Didi Hamann. Premier League là giải đấu khốc liệt, vậy nên ý tưởng được đưa ra là đội bóng cần một tiền vệ kiểm soát bóng tốt”.
“Về phần mình, tôi cảm thấy đã sẵn sàng cho thử thách mới. Thế rồi mọi chuyện đến rất nhanh chóng. Và thật bất ngờ, ngay buổi tập đầu tiên với các đồng đội mới, tôi đã được những trụ cột như Gerrard, Jamie Carragher, Sami Hyypia và cả Hamann chào đón nhiệt tình. Tôi nghĩ họ đã biết một chút về tôi qua lời kể của Benitez. Sự thân thiện của họ đã giúp tôi rất nhiều trong những ngày đầu tiên đến Anh chơi bóng”.
“Vài tháng sau, tôi nhớ mình đối đầu với “binh đoàn bất bại” của Arsenal gồm những Patrick Vieira, Freddie Ljungberg, Robert Pires, Thierry Henry. Đó là một tập thể rất mạnh nhưng chúng tôi đã đánh bại họ và tôi cũng có được bàn thắng đầu tiên tại Liverpool. Đó là một cảm giác thật đặc biệt. Ở Premier League, những cuộc chiến căng thẳng như vậy diễn ra liên tục. Thử thách lớn nhất có lẽ là đối đầu với Chelsea của Jose Mourinho. Mỗi mùa giải, chúng tôi gặp họ 3,4 lần, từ quốc nội cho đến Champions League. Frank Lampard dĩ nhiên là cầu thủ khó ngăn chặn nhất. Người ta cứ liên tục so sánh Lampard với Gerrard, nhưng với tôi họ đều rất đặc biệt”.
Ngay trong mùa giải đầu tiên chuyển đến Anh thi đấu, Alonso đã có cơ hội để chơi trận chung kết Champions League đầu tiên trong sự nghiệp. Và rõ ràng ký ức về đêm Istanbul điên rồ, khi Liverpool đánh bại AC Milan, dù phải nhận tới 3 bàn thua ngay trong hiệp 1, chắc chắn là trải nghiệm mà anh và các đồng đội chẳng thể nào quên. Alonso có thể đã là tội đồ nếu thủ môn Dida cản phá thành công pha đá phạt 11m của anh. Nhưng đó là đêm định mệnh viết sẵn rằng “Phượng hoàng lửa” sẽ được tái sinh từ đống tro tàn. Pha đá bồi cận thành tung nóc lưới bằng chân không thuận ngay sau đó đã tạo điều kiện để Liverpool đưa đối thủ đến hiệp phụ, trước khi những pha nhún nhảy trong khung gỗ của Jerzy Dudek tiễn đoàn quân của Carlo Ancelotti ra về trong nước mắt và tủi hổ.
Alonso là một phần ký ức lịch sử trong đêm Istanbul điên rồ ở mùa giải 2004/2005
Từ một cậu bé lớn lên ở Tolosa – nơi có những ngọn đồi rộng lớn, Alonso đi khắp nơi để chinh phục tất cả những danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Anh nằm trong số ít những ngôi sao có được thành công song hành ở cả cấp độ CLB lẫn ĐTQG: từ Champions League, World Cup, Euro, cho đến những chức vô địch quốc nội danh giá. Anh là tiền vệ trung tâm duy nhất chen chân vào đội hình chính của ĐT Tây Ban Nha trong giai đoạn mà bộ ba của Barcelona là Xavi Hernandez, Sergio Busquets và Andrés Iniesta đang thống trị cả Châu Âu.
Chỉ tiếc rằng ước nguyện vô địch Premier League cùng Liverpool đã không thành hiện thực. Alonso và các đồng đội đã có cơ hội, tuy nhiên cũng giống như câu chuyện buồn cùng Real Sociedad, Liverpool của mùa giải 2008/2009 cũng thất bại trước sự xuất sắc của Manchester United, bất chấp The Kop đánh bại đối thủ trong cả hai lượt trận đi và về. Và đó cũng là mùa giải cuối cùng mà các Liverpudlian được chứng kiến những đường chuyền đẳng cấp mang thương hiệu Alonso trên mặt cỏ tại Anfield.
Đã có những sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai con người mang quốc tịch Tây Ban Nha, phần nhiều hơn đến từ Benitez. Mọi chuyện xuất phát từ trận đấu lượt về vòng 1/16 Champions League với Inter Milan vào ngày 12/03/2008, trận đấu mà Alonso xin phép được nghỉ để trở về quê nhà Tây Ban Nha chăm sóc người vợ sắp lâm bồn. Quyết định đó khiến Benitez nổi giận, bất chấp sau đó Liverpool vẫn đánh bại đối thủ với tỉ số 1-0 ngay tại thánh địa Giuseppe Meazza.
Suốt một thời gian dài từ mùa hè 2008, chiến lược gia sinh năm 1960 đã cố gắng bán Alonso để mua Gareth Barry, mẫu tiền vệ mà ông cho là có khả năng đóng góp nhiều hơn cho mặt trận tấn công. Sự thật là không một ai trong phòng thay đồ của Liverpool ủng hộ quyết định của Benitez. Họ đều biết Alonso là mẫu tiền vệ đẳng cấp như thế nào trong việc chuyền bóng, giữ nhịp trận đấu, cũng như khai thác khoảng trống trên sân.
Jamie Carragher từng nói rằng: “Liverpool đã từng rất thành công với những pha bóng cơ bản nhưng đòi hỏi sự hiểu ý của từng con người trên sân. Cụ thể, hàng phòng ngự sẽ chuyền bóng cho Alonso, cậu ấy chuyền cho Gerrard, trước khi điểm đến cuối cùng là Torres. Trông thì đơn giản nhưng đó là cả một nghệ thuật”.
Chỉ đến khi bên phía Aston Villa hét giá quá cao, thương vụ mua Barry mới dừng lại. Nhưng kể từ khoảnh khắc đó, trái tim của Alonso đã tan vỡ. Mùa hè 2009, khi Real Madrid đáp ứng mức phí chuyển nhượng 30 triệu bảng theo yêu cầu của BLĐ Liverpool, thương vụ đưa Alonso trở về quê nhà Tây Ban Nha được hoàn tất.
Thật trở trêu khi triều đại của Benitez tại Liverpool khởi đầu thành công từ việc mua Alonso từ Real Sociedad, nhưng nó lụi tàn cũng bởi quyết định có phần ngớ ngẩn của chính ông. Kế hoạch thay thế Alonso bằng Barry cũng thất bại hoàn toàn trước sự cạnh tranh của Manchester City. Sau cùng Alberto Aquilani được đưa về từ AS Roma với mức giá 20 triệu bảng. Tuy nhiên tiền vệ người Italia chỉ được nhớ đến giống như một bản hợp đồng thảm họa của đội chủ sân Anfield. Aquilani chỉ thi đấu cho Liverpool vỏn vẹn 1 mùa giải, trước khi trở lại quê nhà theo diện “lính đánh thuê”. Và trong mùa giải duy nhất đó, Liverpool rơi từ Á quân xuống vị trí thứ 6, còn Benitez nhận án sa thải vào cuối mùa. Nhưng đó chỉ là điểm bắt đầu cho 3 mùa giải tệ hại sau này, khi nửa đỏ thành phố cảng Merseyside luôn nằm ngoài trong cuộc đua giành vé dự Champions League.
Bán Alonso là quyết định sai lầm lớn nhất của Rafa Benitez.
Mãi đến sau này, đã từng có nhiều cuộc thảo luận rằng liệu Alonso có phải là mẫu cầu thủ bị “Underrated” tại Liverpool hay không? Đúng! Nhưng chỉ là trong con mắt của Benitez mà thôi. Những chiến lược gia hàng đầu như Manuel Pellegrini, Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, đều luôn dành cho Alonso sự kính trọng nhất định. Vì tài năng, vì sự chuyên nghiệp, của tiền vệ sinh năm 1981. Ngay cả khi đã bước sang tuổi 33, Pep Guardiola còn sẵn sàng đưa anh về để trở thành nhân tố quan trọng tại hàng tiền vệ của Bayern Munich. Với kỹ năng chuyền bóng của mình, Alonso giống như một loại rượu vang hảo hạng, càng để lâu càng khác biệt.
Còn với Liverpool, họ đã phải trả giá vì sai lầm của Benitez. Khi đội bóng mất Torres, họ có một Luis Suarez cũng xuất sắc chẳng kém. Mất Mascherano, Lucas Leiva phần nào cũng khỏa lấp được khoảng trống. Nhưng mất Alonso, Liverpool phải trải qua gần một thập kỷ thiếu đi một tiền vệ kiến thiết lối chơi xuất sắc như vậy. Xét cho cùng, cuộc tình này đáng lẽ đã trọn vẹn hơn thế rất nhiều.
Và hôm nay, chàng tiền vệ hào hoa ngày nào, người từng khiến biết bao NHM mê đắm với kỹ năng chuyền bóng, chính thức bước sang tuổi 40.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.
Khi Xuân Son tỏa sáng trong trận ra mắt ĐT Việt Nam, một bộ phận khán giả bỉ bôi Tiến Linh và bắt đầu đưa ra những sự so sánh để nâng tầm “tân binh” mang áo số 12…
Nguyễn Xuân Son đang tận hưởng thời khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh và chúng ta, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang tận hưởng một trung phong có lẽ chưa từng có của ĐT Việt Nam.