Kỳ chuyển nhượng “điên rồ” qua lăng kính của Fabrizio Romano

Tác giả CG - Chủ Nhật 05/09/2021 11:22(GMT+7)

Zalo

Trên The Guardian, nhà báo nổi tiếng Fabrizio Romano thuật lại về kỳ chuyển nhượng kỳ lạ và “điên rồ” nhất trong sự nghiệp báo chí thể thao của anh.

Fabrizio Romano
 
Không thể nào, tôi (nhà báo Fabrizio Romano - BTV) đã tự nói với mình hàng ngày suốt nhiều tuần liền như thế. Nếu mọi người bảo tôi Cristiano Ronaldo, Leo Messi, Jack Grealish, Jadon Sancho, Sergio Ramos, Romelu Lukaku và nhiều người khác sẽ chuyển nhượng trong cùng một mùa hè, liệu tôi có tin không? Câu trả lời đơn giản là không, hoàn toàn không. Tôi có vinh dự trải qua các kỳ chuyển nhượng suốt nhiều năm và với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất trên thế giới bởi một lý do: bạn sẽ không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra.
 
Mọi dự đoán có thể thay đổi ngay lập tức, bởi một chiếc máy fax, bởi phí hoa hồng, bởi một cuộc gọi đến muộn. Tất cả mọi người - từ người đại diện, HLV, chủ tịch CLB đến các ông chủ - đã lặp lại đi lặp lại trong suốt nhiều tháng thế này: “Đây sẽ là một kỳ chuyển nhượng hè tồi tệ, các CLB trải qua khủng hoảng và các ngôi sao sẽ không ra đi”. Thay vào đó, đây lại là kỳ chuyển nhượng tuyệt vời nhất trong lịch sử.
 
Kỳ chuyển nhượng mùa hè của tôi bắt đầu trong thời gian giữa hai hiệp của một trận đấu. Lúc đó là cuối tháng 5, tôi đang đi nghỉ mát với bạn bè và đang là tối muộn rồi. Tôi kiểm tra điện thoại và không nghĩ sẽ có bất cứ tin tức gì vào lúc 11 giờ tối như thế đâu. Nhưng tôi đã bị nhỡ 2 cuộc gọi kèm một tin nhắn trên Whatsapp: “Fabrizio, Zinedine Zidane đã thông báo với toàn đội rằng anh ấy sẽ rời Real Madrid. Ngày mai, anh ấy sẽ thông báo cho Florentino Perez. Anh hãy kiểm tra tin đi”.
 
Tất nhiên, tôi phải giữ bí mật nguồn tin của mình. Nhưng sau khi tôi kiểm tra thì biết tin đó đúng sự thật. Tin nóng đầu tiên đã mở ra một mùa hè điên rồ: thời điểm đó tôi nhận ra là kỳ chuyển nhượng còn những 3 tháng nữa, sẽ đầy những bất ngờ và các cú “quay xe” đây. Tất nhiên, vì các cuộc điện thoại, tin nhắn và tweet mà với tôi trận đấu kết thúc ở phút 45. May là chúng tôi vẫn thắng.
 
Vài ngày sau, tôi làm việc 2 tiếng từ 1 giờ đến 3 giờ sáng để đưa tin về cú “quay xe” của Georginio Wijnaldum. Anh ấy đã đạt thỏa thuận miệng với Barcelona, CLB LaLiga đang chuẩn bị tiến hành các cuộc kiểm tra y tế và thông báo… thì Paris Saint-Germain đưa ra lời đề nghị với mức lương gấp đôi. “Gini phải quyết định vào tối nay”, nguồn tin của tôi cho biết. Các cuộc điện thoại, Whatsapp được thực hiện,… màn “quay xe” trở thành hiện thực.
 
Cảm giác yêu thích của tôi là khi một thương vụ chuyển nhượng kết thúc bằng thông báo chính thức của CLB. Cảm giác như được giải phóng khi người hâm mộ ăn mừng bản hợp đồng mới trên mạng xã hội. “Here we go”, cảm giác giống như ghi bàn ở phút 90 vậy. Thương vụ Jadon Sancho chuyển tới Manchester United là cuộc đàm phán bắt đầu từ tháng 2/2020 và kết thúc vào tháng 7/2021. Tôi không thể đếm mình đã gửi bao nhiêu tiên nhắn hay gọi bao nhiêu cuộc điện thoại để theo thương vụ này.

Fabrizio Romano
 
Tôi nhận lời xác nhận “done deal” (thương vụ hoàn thành) của thương vụ Raphael Varane đến Manchester United trong lúc đang tận hưởng một buổi tối rảnh rỗi hiếm hoi trong mùa hè: nghe một buổi hòa nhạc của Paolo Conte - ca sĩ người Italy đã đồng hành cùng tôi trong những buổi làm việc khuya qua những bài hát của ông ấy, đôi khi kéo dài đến 5 giờ sáng. Giữa một ca khúc, tôi nhận 2 cuộc điện thoại. Tôi không trả lời, nhưng Whatsapp đã cứu tôi: “Varane OK”. Đến sáng, tôi đã xác nhận chắc chắn, điều luôn là mấu chốt trước khi đưa ra những tin tức quan trọng.
 
Tại Premier League, có hai thương vụ chuyển nhượng kỷ lục: Jack Grealish đến Manchester City và Romelu Lukaku đến Chelsea. Tôi chờ đợi thương vụ đầu tiên, kể cả khi cuộc đàm phán diễn ra rất căng thẳng vì sát ngày “deadline”: đạt thỏa thuận trong vòng một tuần hoặc ngôi sao của tuyển Anh ở Euro 2020 sẽ gia hạn hợp đồng với Aston Villa. Đây là thương vụ mà ban lãnh đạo của các đội là nền tảng. Trong khi đó, không ai nghĩ ban lãnh đạo Inter Milan thực sự muốn Lukaku đi. Khi tôi biết Inter cân nhắc lời đề nghị của Chelsea, tôi khá bất ngờ vì nó thành sự thất rất nhanh.
 
Tốc độ “chốt đơn” nhanh cũng là cách miêu tả thương vụ Eduardo Camavinga đến Real Madrid. Tôi có một cuộc gặp vào buổi chiều ngày áp chót kỳ chuyển nhượng với một nguồn tin về bóng đá Tây Ban Nha của mình: anh ấy bảo tôi không loại trừ một thỏa thuận bất ngờ với Camavinga, “nó vẫn chưa kết thúc đâu”.  Buổi tối, trong lúc đang ăn, tôi nhận được tin xác nhận lời đề nghị trị giá 31 triệu euro (cộng phụ phí) của Real Madrid cho Camavinga. Tôi nhớ những gương mặt ngạc nhiên của những người ngồi ở bàn cùng tôi. “Lời đề nghị được chấp thuận, mọi thứ đã xong. Camavinga đến Real”.
 
Nhưng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ quên 3 thời điểm đặc biệt của mùa hè điên rồ này. Đầu tiên là tin nhắn Whatsapp tôi nhận được lúc 11h59 sáng ngày 10/8: “Mọi thứ cuối cùng cũng đã xong. Hecho!”. Lionel Messi đến Paris Saint-Germain là thương vụ khó nhất tôi phải đưa tin trong đời. Mỗi ngày lại có một kiểu tin giả khác nhau: Messi đang ở Paris, Messi đang ở Ibiza, Barca đang cố gắng giữ chân anh ấy bằng lời đề nghị cuối cùng.
 
Cứ 30 phút tôi lại phải hỏi các nguồn tin của mình để đảm bảo mọi thông tin cập nhật. Tôi sẽ luôn nhớ trải nghiệm của kỳ chuyển nhượng này: chỉ tin vào nguồn tin của mình mà thôi, từ bước ngoặt bất ngờ với Barcelona đến những chi tiết của từng bước trong cuộc chuyển nhượng tới PSG. Và tất nhiên tôi lưu tin nhắn Whatsapp vào mục yêu thích trên iPhone.
 
Và tôi cũng sẽ không thể quên dòng tweet vào giữa đêm để trả lời một người hâm mộ Manchester United về thương vụ Cristiano Ronaldo: “Đúng, Jorge Mendes cũng đã liên hệ với United về Cristiano”. Không ai tin nó cả. Sáng hôm sau, toàn bộ các nguồn tin thân cận với thương vụ này đều phủ nhận.

Fabrizio Romano
 
Rồi 3 ngày sau các cuộc đàm phán với Manchester City, Mendes bắt đầu nói chuyện với United và thương vụ Ronaldo hoàn thành với tốc độ chóng mặt. Một nguồn tin cho tôi biết điều đó ngay trong buổi tối khi ý tưởng của Mendes hình thành. Sáng hôm sau, đèn xanh được bật: “Manchester City đã rời khỏi bàn đàm phán, Manchester United đang chốt thương vụ này”. Tôi sẽ không quên những cảm xúc khi đọc tin nhắn của người hâm mộ.
 
Nhưng thời điểm điên rồ nhất của kỳ chuyển nhượng khó tin này là… những phút cuối cùng. Antoine Griezmann đến Atletico, Saul đến Chelsea và Luuk de Jong đến Barcelona là những thương vụ có mối liên kết với nhau. Mỗi thương vụ phải được hoàn thành để tạo điều kiện cho thương vụ khác hoàn thành theo hiệu ứng domino. Tất cả đã đạt thỏa thuận miệng nhưng tất cả các hợp đồng của ba cuộc đàm phán phức tạp chưa được viết ra.
 
Các chữ ký vẫn chưa xuất hiện trên giấy và ở Tây Ban Nha đã có những người cho rằng hai thương vụ Griezmann và De Jong sẽ đổ bể vì có vấn đề với thương vụ Saul đến Chelsea. Tôi dám chắc với bạn là rất căng thẳng. Hai nguồn tin của tôi đã ngừng gọi lại cho tôi, một nguồn khác thì liên tục bảo tôi “giữ bình tĩnh và sự tích cực”.
 
Thế rồi sau 12 tiếng mệt mỏi, tôi nhận được một tin nhắn Whatsapp: “Saul đến Chelsea, chốt đơn”. Vài từ ngắn ngủi đấy thôi nhưng ở thời điểm đó có giá trị bằng cả mùa hè với tôi. Mọi thứ được hoàn thành, kể cả Griezmann đến Atletico và De Jong đến Barca. Dòng tweet của tôi ở thời điểm căng thẳng đó khiến người hâm mộ phát điên trên mạng xã hội, cứ như thể chúng tôi đang ăn mừng bàn thắng trong sân vận động. Không thể nào quên được những thời điểm mà chỉ có công việc này mới mang lại.
 
Tất cả những thương vụ phức tạp của một mùa hè khó tin này đã dạy tôi hai bài học lớn: thứ nhất, mọi thứ đều có thể xảy ra. Và thứ hai, trên hết vẫn là tôn trọng bất cứ ai có thông tin chính xác. Các nguồn tin, người hâm mộ, cầu thủ. Xin kể với mọi người những gì đang xảy ra thực sự khó khăn và mệt mỏi, nhưng sự đam mê là lý do duy nhất tôi yêu thế giới điên loạn này. Một trong những nơi mà thực tế vượt qua sức tưởng tượng. Xin tạm biệt thị trường chuyển nhượng yêu quý của tôi. Here we go!
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

X
top-arrow