Mùa Thu 2005, trường trung học Woodhey (Bury, Greater Manchester) tổ chức một khóa huấn luyện… vỡ lòng dành cho những chú nhóc 15 tuổi đam mê bóng đá và yêu thích nghề HLV.
|
Kieran Trippier: Có một Beckham mới trong những ngày Hè nước Nga |
Học mà chơi, chơi mà học. Mỗi HLV-15-tuổi được lựa chọn sẽ dẫn dắt một đội bóng gồm những cậu bé 10 tuổi tham dự giải World Cup thu nhỏ. Kết quả chung cuộc: “đội tuyển Anh” giành chức vô địch sau loạt đá luân lưu 11m ở trận chung kết. HLV “đội tuyển Anh” giành chức vô địch World Cup trong khóa huấn luyện đặc biệt của trường Woodhey 13 năm trước? Kieran Trippier.
Giờ thì Trippier, chú nhóc đã… vô địch Thế giới tại Woodhey năm nào đang có cho mình một kì World Cup thực sự, trong những ngày Hè nước Nga. Kì World Cup mà anh cùng đa số những chàng trai “Tam sư” lần đầu góp mặt, đã khởi đi và diễn ra theo cách không thể tuyệt vời hơn.
Phía trước Trippier và tuyển Anh là vòng bán kết, là Croatia của những Luka Modric, Ivan Rakitic, Mario Mandzukic... Và nếu vượt qua cửa ải này, Anh sẽ đến Luzhniki để đá trận chung kết – điều mà biết bao thế hệ anh tài của bóng đá “xứ sương mù” không một lần vươn tới trong hơn nửa thế kỉ qua.
Sắp bước sang tuổi 28, Trippier, sinh ngày 19/9/1990, chưa đầy 3 tháng sau khi tuyển Anh với dàn sao Gary Lineker, Paul Gascoigne, John Barnes, Bryan Robson, Chris Waddle… được dẫn dắt bởi HLV huyền thoại Bobby Robson, thất bại trước người Đức sau loạt đấu súng 11m ở vòng bán kết World Cup tại Italia, có thể coi là biểu tượng đặc biệt của tập thể “Tam sư” đang làm nên kì tích trên đất Nga.
|
Trippier, sinh ngày 19/9/1990 |
Một tuyển Anh không sở hữu những ngôi sao đầy có sức hút với giới truyền thông, một tuyển Anh có vẻ rất bình thường với nòng cốt là nhiều cầu thủ trẻ lần đầu dự World Cup, một tuyển Anh thậm chí còn bị xem thường trước khi giải đấu khởi tranh.
Nhưng đó là một tuyển Anh không hề tầm thường. Như Trippier, người mới chỉ lần đầu ra mắt “Tam sư” cách đây 1 năm nhưng giờ lại đang là 1 trong những ngôi sao nổi bất nhất World Cup 2018.
Hành trình sự nghiệp, con đường cầu thủ bóng đá của Trippier, thoạt nhìn chẳng có gì đặc biệt. Chàng trai sinh tại Bury vùng Greater Manchester trưởng thành từ Học viện của Man City, lên đội một CLB đúng 1 năm trước khi “The Citizens” sang tay chủ ngoại. Ở một CLB trong giai đoạn “giàu xổi” sẵn sàng rải tiền khắp nơi để mua sao, một kẻ mới ra ràng như Trippier thì làm gì có cơ hội.
Và vì thế, trong 5 năm tiếng là thuộc biên chế đội một Man City, Trippier không hề chơi 1 trận nào cho CLB này kể cả những trận ở vòng đầu giải Cúp quốc nội. Trippier bị đem cho mượn tổng cộng 3 lần, 2 mùa ở Barnsley, 1 mùa ở Burnley. Khoác áo Burnley, CLB chơi ở giải hạng Nhất Championship, theo hợp đồng cho mượn mùa giải 2011/12 có thể coi là bước ngoặt sự nghiệp với Trippier khi những màn trình diễn ổn định cao của hậu vệ này đã thuyết phục BLĐ đội bóng vùng Lancashire mua đứt anh vào đầu năm 2012.
|
Trippier và gia đình |
Năm đầu tiên ở Burnley với tư cách là cầu thủ chính thức, Trippier được bầu chọn là cầu thủ hay nhất CLB. Năm thứ 2 và năm thứ 3, cái tên Trippier luôn hiện diện trong đội hình tiêu biểu của giải Championship, ở vị trí hậu vệ phải, khi mùa bóng khép lại. Cũng trong năm thứ 3 của Trippier ở Burnley, mùa giải 2013/14, anh cùng đội bóng này giành quyền thăng hạng trực tiếp Premier League.
Mùa 2014/15, mùa đầu tiên của Burnley ở Premier League cũng là lần đầu thực sự với Trippier, hậu vệ này đá chính toàn bộ 38 trận đấu của Burnley, với thời gian thi đấu thực tế 3412/3420 phút tối đa. Phong độ xuất sắc ở Burnley đưa Trippier tới Tottenham, ngay trong những ngày đầu Hè 2015. HLV Tottenham, Mauricio Pochettino mua Trippier với mục tiêu tăng cường sức cạnh tranh bên hàng lang phải của Spurs, nơi đã có sẵn một Kyle Walker đang nổi như cồn.
Chuyển sang Tottenham để rồi phải sắm vai dự bị cho Walker trong suốt 2 mùa giải liên tiếp cùng số lần ra sân ít ỏi tại Premier League, tưởng chừng là một bước xê dịch đầy sai lầm của Trippier bởi phong độ quá tốt của người đồng nghiệp tuyển Anh. Nhưng bước ngoặt thêm một lần nữa đã xảy ra, tạo điều kiện cho Trippier “bước ra ánh sáng” ở Tottenham.
|
Kieran Trippier |
Hè năm ngoái, Man City của Pep Guardila phá kỉ lục chuyển nhượng cho vị trí hậu vệ để đưa Walker về Etihad và “cờ đến tay” Trippier. Cơ hội ra sân thường xuyên hơn và những màn trình diễn ấn tượng cũng xuất hiện nhiều hơn, như cách anh cùng Tottenham đánh bại Real Madrid ở vòng bảng Champions League. Tottenham tiếp tục vô duyên trên hành trình chinh phục những danh hiệu nhưng hầu như toàn bộ trụ cột của đội bóng này đang là những nhân vật chính tại World Cup 2018. Như Hugo Lloris của Pháp, Jan Vertonghen – Toby Alderweireld của Bỉ và tất nhiên “nhóm anh em” của tuyển Anh, với Harry Kane, Dele Alli, Eric Dier và chàng trai của chúng ta Trippier.
Trippier, sự nghiệp của hậu vệ này, chịu rất nhiều sự đả kích ngay từ những ngày đầu, khi anh chọn Man City để bắt đầu cuộc đời “quần đùi áo số” chứ không phải Manchester United - như mong muốn của gia đình, những người là fan ruột của “Quỷ đỏ”. Bản thân Trippier cũng đã đi một chặng đường dài đầy thăng trầm với những khúc cua chẳng ai có thể ngờ tới, từ chỗ là ngôi sao Thể thao ở trường trung học Woodhey đến những năm tháng không có dù chỉ 1 cơ hội nhỏ ở Etihad, 3 năm thăng hoa mạnh mẽ tại Burnley được tiếp nối bằng giai đoạn “bất chí” ở Tottenham trong 2 mùa giải đầu tiên, trong nỗ lực giành lấy sự thừa nhận từ tất thảy.
|
Trippier cua Tottenham đang ngăn chặn Sanchez |
Nhưng tại World Cup 2018, Trippier đã cho thấy bất chấp những biến cố anh phải trải qua trong ngần ấy năm, chỉ cần không ngừng nỗ lực và biết nắm bắt những cơ hội dù là nhỏ nhất, ánh sáng hi vọng và kì tích trên sân cỏ sẽ không quay lưng với bạn.
Việc Gareth Southgate bố trí Walker đá trung vệ trong hàng thủ ba người và trao cho Trippier một khoảng không gian rộng lớn ở biên phải, là sự thừa nhận đầu tiên dành cho chàng trai đến từ Bury. Và màn trình diễn của Trippier, trên các sân cỏ nước Nga, với tư cách là cầu thủ có số đường chuyền kiến tạo nhiều thứ ba VCK (13 lần, chỉ kém Neymar và Kevin de Bruyne), đạo diễn trong các pha đá phạt dẫn đến ít nhất 4 bàn thắng của “Tam sư”, chính là sự khẳng định mạnh mẽ tiếp theo.
Đã rất lâu rồi, có lẽ là từ thời David Beckham, người ta mới lại thấy được một “Tam sư” sở hữu một sáng tạo gia bên cánh phải, với những tình huống lên biên miệt mài, những quả tạt đem tới cơ hội ghi bàn sáng nước, những cú sút phạt gói ghém ý tưởng chiến thuật đặc biệt và những pha di chuyển thông minh mở ra không gian chơi bóng cho các đồng đội xung quanh. Từ Trippier.
Một… “Beckham đến từ Bury” - cách mà các CĐV Anh đang phát cuồng vì chiến tích của “Tam sư” gọi anh như thế!
Nhưng tất nhiên, Trippier không cần bất kì danh xưng mỹ miều nào cho mình. Trippier là Trippier. Những bước chạy, những đường tạt bóng, những pha đá phạt và thứ tinh thần chiến đấu ngút ngàn mà hậu vệ này thể hiện tại Nga, trên hành trình chinh chục đỉnh cao của “Tam sư”, đủ để anh trở nên khác biệt với tất thảy rồi…
(Một bài viết của El Flaco - TĐP)