Tôi muốn kể câu chuyện về một cuộn băng, một quả bóng và niềm đam mê của cuộc đời. Vì khi được tham dự một kỳ World Cup nữa và sau này kết thúc sự nghiệp, lý do tôi ở đây lại càng rõ ràng hơn. Hãy cùng quay ngược lại thời gian vì câu chuyện bắt đầu từ rất, rất lâu rồi.
|
Keisuke Honda: Cuộn băng về Pelé, giấc mơ World Cup và khát khao thoát nghèo |
Năm tôi 6 tuổi, bố mua một đầu băng video về nhà. Đó quả là một món quà thật to. Lớn lên ở Osaka trong đầu thập niên 90, gia đình tôi chẳng có nhiều của cải vật chất quý giá sang trọng. Nhưng nhà tôi có một đầu video và một chiếc TV cũ. Tôi ngồi trong phòng khách làm bài tập và bố bước vào, nở nụ cười trên môi.
Ông nói “Keisuke này, lại đây và ngồi xuống. Bố muốn cho con xem cái này.”
“Cái gì thế ạ?” Tôi đáp.
“Pelé.”
Tôi còn nhớ cái âm thanh zing-zap mà TV phát ra khi bật lên. Sau đó là một tia sáng trên màn hình, hình ảnh hiện ra. Ban đầu tôi không hiểu mình đang xem cái gì. Toàn là hình đen trắng thôi. Thật khó để phân biệt ai với ai hay biết cái gì đang diễn ra.
|
Keisuke Honda là một trong hai cầu thủ lập kỷ lục trong ngày Nhật Bản cầm hòa Senegal. |
Và tôi nhìn thấy ông ấy.
Pelé xuất hiện bên phải màn hình, ông giữ bóng dưới chân và rê nhanh hơn bất cứ ai mà tôi từng thấy. Ông đang chơi môn thể thao của riêng mình.
“Sao ông ấy lại làm được như thế ạ?” Tôi hỏi bố.
“Ông ấy không chỉ chơi bóng cho vui,” bố trả lời. “Ông ấy chơi bóng vì biết nếu thành công, ông có thể sống và chăm sóc gia đình.”
Bố tôi biết điều này vì ông đã đọc về Pelé. Tôi sau đó cũng bắt đầu đọc về ông và được truyền cảm hứng. Gia đình chúng tôi không nghèo như ông đã từng nhưng cũng chẳng giàu có gì. Tôi bắt đầu nhìn bóng đá theo một khía cạnh khác. Còn hơn cả một trò chơi, nó trở thành lối đi để thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Tôi cũng bắt đầu nhìn các cầu thủ theo một cách khác. Khi bố lấy cuộn băng ra, tôi rời khỏi phòng khách và tự hứa – dù bất kể điều gì xảy ra – tôi cũng sẽ làm mọi thứ để trở thành một cầu thủ xuất sắc và tham dự World Cup.
Và không chỉ thế… Tôi muốn giành chức vô địch.
Khi tôi học tiểu học, bố mẹ ly hôn và tôi chuyển tới sống cùng ông bà. Bố luôn kể cho tôi nghe về tuổi thơ của bố và bà nội tôi.
|
Nỗ lực bền bỉ giúp Keisuke Honda ghi bàn ấn định tỉ số hòa 2-2, đưa Nhật Bản chia điểm Senegal. |
Bà có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình trưởng thành của tôi. Với tôi bà là một người hùng. Nhưng việc thích nghi cuộc sống cùng bà ban đầu rất khó khăn với tôi. Các bạn phải hiểu rằng thời đó Nhật Bản rất khác. Cách mà thế hệ đi trước tiếp cận với tất cả mọi vấn đề - từ đạo đức tới tài chính – rất khó để giải thích với những người không sống cùng thời.
Một câu chuyện mà bố thường kể là khi ông còn ở Osaka vào những năm 60. Bố sống cùng ông bà và chị gái trong một căn hộ khoảng 9,2 m2. Về cơ bản đó chỉ là phòng đơn với vài kệ tủ và một bồn rửa. Không gian bé đến nỗi mà mỗi khi mọi người đi ngủ - thời gian duy nhất tất cả cùng ở trong căn hộ - họ phải cho chân ra ngoài ban công và chẳng có gì che chắn.
Bà nội và gia đình biết tỷ lệ tồn tại trong nghèo khó là rất nhỏ nên mọi người cần phải cố gắng hết sức để hoàn thành công việc vào ngày hôm sau và mang tiền về. Bà mạnh mẽ đơn giản là vì bà phải như thế.
Cái nhìn của bà tôi về cuộc sống của gia đình là “OK, chúng ta không giàu và sẽ không bao giờ giàu. Đây là cuộc sống. Chúng ta có những mục tiêu nhỏ và sẽ không được phàn nàn.”
Tôi không đồng ý với điều đó. Tôi từng cãi nhau với bà. Chúng tôi phải chiến đấu với rất nhiều thứ, như đi học muộn hay xung quanh chẳng có ai giúp đỡ gia đình. Khi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, bà nghe các giáo viên nói tôi chơi đá bóng ở bên ngoài quá lâu trong giờ giải lao. Các giáo viên phải ra và lôi tôi vào, nhưng tôi với quả bóng dưới chân sẽ cố gắng rê để thoát khỏi họ lâu nhất có thể cho đến khi bị túm áo.
|
Jackson Martinez và Honda |
Bà nội tôi không thích như thế. Tôi biết điều này nghe có vẻ đáng báo động nhưng có rất nhiều lần tôi bị bà đánh chảy máu đầu. Đó chỉ là một cách sống khác mà thôi. Cấu trúc tạo nên các giá trị, mục tiêu và sự biểu đạt ở Nhật Bản là không thể chuyển dịch sang các nền văn hóa khác. Tôi không thực sự đồng tình với cách mà bà hành xử với mình nhưng tôi vẫn rất yêu bà. Các bạn bè tôi cũng thế. Bà là một huyện thoại trong khu phố.
Các bạn có thể nói những điều các bạn muốn về cách bà xử phạt tôi nhưng bà đã dạy tôi về sự chịu đựng – để nhẫn nại và có một tinh thần cứng rắn.
Và tôi cần sự cứng rắn đó. Vì tôi có mọi mục tiêu mà đứa trẻ nào cũng muốn: Tôi muốn vô địch World Cup cùng đội tuyển Nhật Bản, tôi muốn thi đấu ở San Siro cho AC Milan và tôi muốn hỗ trợ gia đình.
Sau khi học xong trung học, tôi gia nhập đội bóng Nagoya Grampus ở giải vô địch Nhật Bản với bản hợp đồng 3 năm. Trong năm cuối cùng của hợp đồng, tôi đã rất khao khát được tới châu Âu thi đấu. Huấn luyện viên của đội thời điểm đó, ông Sef Vergoossen, giới thiệu tôi với câu lạc bộ VVV Venlo ở Hà Lan. Ông đã huấn luyện đội bóng ấy trong 10 năm suốt thập niên 80 và kể với tôi rằng đó là một câu lạc bộ tuyệt vời và Venlo cũng là một thành phố không thể chê vào đâu được. Ông nói rằng nếu chơi tốt ở đó, tôi có thể tiếp tục làm những điều tuyệt vời và lớn lao hơn. Ông hứa với tôi về một buổi thử việc, không phải bản hợp đồng, nhưng đó là tất cả những gì mà tôi cần. Tôi sắp xếp hành lý và ra đi.
|
Keisuke Honda ở Milan |
Khi đó tôi 22 tuổi và cảm giác như thể ở trên đỉnh thế giới vậy. Tôi nghĩ vậy là giấc mơ của mình đã bắt đầu. Tôi gia nhập VVV vào tháng 1 và thi đấu ở lượt về mùa giải. Nhưng những gì xảy ra lại không nằm trong dự tính của tôi.
Đội bóng bị rớt xuống hạng hai. Tôi đã thất bại.
Nhưng sự thất bại với tôi không phải điều gì mới mẻ. Tôi đã từng bị chuyển từ học viện của Gamba Osaka vào đội bóng một trường trung học. Chắc hẳn có người sẽ từ bỏ. Mọi người cũng bảo tôi làm như vậy. Nhưng với tôi, đó là cơ hội để chứng minh họ đã sai. Bạn chắc chắn là người thất bại nếu không chịu thử thách bản thân. Mỗi lần vấp ngã đều nhắc tôi phải tự hối thúc mình hơn nữa và sẽ còn những thách thức thú vị ở phía trước.
Thất bại tại VVV dạy tôi một bài học đáng giá. Để thành công, tôi cần thay đổi lối chơi. Tôi không thể chỉ là một chân chuyền giống như trước đây nữa. Tôi cần trở thành một người ghi bàn. Tôi cần có bóng.
Có lẽ ở châu Âu tôi không chỉ thay đổi phong cách chơi bóng mà sự thay đổi cũng diễn ra trong cuộc sống. Đi hơn 50 quốc gia giúp tôi mở mang tầm mắt. Tôi được quen biết nhiều đồng đội ngoài sân và khi trở nên thân thiết hơn, tôi nhận ra có rất nhiều người cũng lớn lên trong nghèo khó ở khắp châu Âu và châu Phi. Cái nghèo của tôi chẳng là gì so với họ. Tôi biết được một điều là nhiều cầu thủ đã gửi tiền lương về cho gia đình ở quê nhà.
|
Honda chứng minh được sự toàn diện và ý chí tại Milan. |
Tôi không tin vào sự hy sinh quên mình. Và điều khiến tôi cảm thấy khó chịu là họ buộc phải làm điều đó. Thật khó để tưởng tượng gia đình của những cầu thủ ấy đã phải trải qua những chuyện gì. Khi sự nghiệp tôi thăng tiến từ Hà Lan tới Nga, sau đó là Ý – và cuối cùng là nơi tôi đang ở, Mexico – tôi chưa bao giờ quên các đồng đội tại VVV.
Ký ức đó là lý do cho dự án đầu tiên của tôi: Quỹ Yume (Yume Foundation), một sáng kiến toàn cầu để truyền bá tầm quan trọng của việc có một ước mơ và cung cấp học bổng cho các vận động viên – sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Điều quan trọng phải có ước mơ vì nó dạy bạn cách đặt những mục tiêu, kiên trì vượt qua thất bại và làm việc chăm chỉ. Những bài học trong bóng đá có thể sử dụng trong thực tế. Chúng tôi đã hoàn thành 18 trại bóng đá ở các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Uganda, Campuchia và Hoa Kỳ.
Quỹ Yume sau này đã phát triển thành chương trình Soltilo và Surf Cup Sports. Chúng tôi có hơn 70 chương trình và 15.000 trẻ em khắp thế giới, từ thanh thiếu niên đến các cầu thủ trẻ chuyên nghiệp, và nhiều triết lý mà tôi đã học được qua nhiều năm chính là những điều chương trình tập trung để giảng dạy. Tôi đặc biệt tự hào vì đội bóng chuyên nghiệp của chúng tôi ở Campuchia (Soltilo Angkor FC) và Uganda (Bright Stars FC) vì họ đã mang đến cho những đứa trẻ có giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp những cơ hội.
Sự quan tâm của tôi với việc kiến tạo cơ hội cho những vận động viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong khi chơi bóng cũng khiến tôi trở thành một nhà đầu tư thiên thần (angel investor). Điều đó cho phép tôi hỗ trợ những dự án lớn, các ý tưởng khởi nghiệp và hy vọng chúng sẽ giúp thế giới tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng có một thời cơ rất lớn để kết nối Nhật Bản với thế giới thông qua sự đổi mới. Nhờ những cố gắng, tôi có thể giải quyết được vấn đề mà nhiều người trên thế giới đang gặp phải: đói nghèo.
Tôi biết điều ấy nghe thì có vẻ hoành tráng nhưng hơn bất cứ thứ gì, tôi muốn đóng góp một phần trong công cuộc chấm dứt đói nghèo trên toàn cầu.
Đó là lý do tại sao phần lớn thời gian nghỉ ngơi tôi dành để đi khắp thế giới, gặp gỡ các nhà hoạt động ở địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các nhà lãnh đạo thế giới và trẻ em ở các quốc gia đang phát triển. Tôi muốn hiểu mọi khía cạnh ở những nơi mình đi qua để qua đó hiểu được bức tranh lớn. Dù vẫn chưa hoàn toàn có câu trả lời về vấn đề đói nghèo nhưng tôi tin nó bắt nguồn từ giáo dục.
Mỗi khi khoác chiếc áo đội tuyển Nhật Bản trên người, tôi lại nhớ tới một lời hứa của mình – vô địch World Cup. Tôi đã và sẽ làm mọi thứ, tôi phải hoàn thành mục tiêu đó.
Đây đã là kỳ World Cup thứ ba của tôi và có thể sẽ là cuối cùng. Vì thế tôi muốn chơi bóng một cách vui vẻ với những người bạn. Chính điều đó sẽ giúp tạo ra những thành quả tốt nhất cho đội bóng. Khi càng gần đến điểm cuối sự nghiệp, tôi càng hiểu rằng giải đấu này có ý nghĩa hơn cả một ngày hội bóng đá. Nó là cơ hội mang thể thao đến gần nhau và theo dõi những trận đấu hay nhất mà chúng tôi tạo ra. Nhưng đồng thời nó cũng là cơ hội để chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Con đường tới đây với nhiều cầu thủ rõ ràng là không hề dễ dàng. Và gia đình họ cũng đều phải trải qua những thử thách khó khăn.
Điều luôn cần ghi nhớ rằng đây là một trò chơi – môn thể thao mà chúng tôi chơi vì yêu thích. Bóng đá đã cho chúng tôi rất nhiều và mọi đứa trẻ đều xứng đáng có cơ hội để thi đấu ở đây.
Lược dịch từ bài viết “More Than the Ball” trên The Player’s Tribune.
CG (TTVN)