Một cầu thủ chưa bao giờ được người ta nhắc đến nhiều nhất, chỉ một lần lọt vào danh sách đề cử Quả bóng vàng, nhưng lại trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những huyền thoại như Andres Iniesta hay David Silva.
![]() |
Nếu bạn từng theo dõi một trận đấu của Las Palmas hay Deportivo La Coruna mà chưa biết Juan Carlos Valeron là ai, bạn có thể tự hỏi không biết anh chàng mặc áo số 21 này đang làm gì trên sân. Đó là một cầu thủ gầy gò, trông có vẻ vụng về và di chuyển tương đối chậm chạp trong sự lạc lõng với mọi người xung quanh. Dáng vẻ bên ngoài của Valeron như thể chưa bao giờ biết đến tập gym và khiến người ta phải nghi ngờ về việc anh có thực sự là một cầu thủ chuyên nghiệp hay không?
Tuy nhiên, những màn ảo thuật bao giờ cũng là điều bất ngờ không được báo trước. Giữa Valeron không chơi bóng và Valeron được giữ bóng trong chân, là một sự tương phản hoàn toàn khác biệt. Tiền vệ người Tây Ban Nha sẽ là nhân tố chính chỉ đạo một loạt những pha phối hợp bóng ngắn phức tạp cùng các đồng đội với tốc độ đến mức khiến hậu vệ đối phương cũng khó có thể phạm lỗi với anh. Sau đó có thể là một đường chuyền khó tin nhất với quỹ đạo chẳng thể đoán định được, vượt ra cả trí tưởng tượng của những người đang ngồi ở vị trí thuận lợi như trên khán đài hay trước màn hình tivi.
Lúc này, người xem mới nhận ra rằng mình đã sai lầm. Valeron dưới sân không hề chậm chạp hay thiếu sức mạnh. Ngược lại, anh mới là người di chuyển nhanh hơn cả, trong cả suy nghĩ lẫn hành động. Cứ thế lặp đi lặp lại, tiền vệ của Deportivo không ngừng điều khiển trò chơi, thúc đẩy toàn đội tấn công như thể họ đang là những quân cờ trong một bàn cờ vô hình do anh tạo ra. Đó là một màn ảo thuật hoàn hảo và thú vị hơn nữa là Valeron thậm chí đã thực hiện “kỹ thuật” này cho tới tận những năm… 40 tuổi, ở một môi trường có đẳng cấp cao nhất của nền bóng đá Tây Ban Nha.
Nhiều người thường nói rằng bóng đá luôn được nhìn nhận một cách khác biệt ở quần đảo Canary so với phần còn lại trên đất nước Tây Ban Nha, điều quan trọng nhất khi chơi bóng phải là niềm vui. Quần đảo này nổi tiếng với các nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ, nhà văn… và với Juan Carlos Valeron hay còn gọi là El Flaco (biệt dang có nghĩa là “thằng gầy”).
![]() |
Ngôi sao sinh năm 1975 từng bắt đầu và kết thúc sự nghiệp của mình tại Las Palmas, một CLB chưa bao giờ giành được bất cứ danh hiệu lớn nào. Trong khoảng thời gian đó, anh đã khoác áo Real Mallorca một năm, trải qua hai mùa giải biến động tại Atletico Madrid và có tổng cộng 13 năm đỉnh cao chơi cho Deportivo. Valeron chỉ giành được 01 Cúp Nhà vua và 01 Siêu Cúp Tây Ban Nha. Đối với giới truyền thông, đây là một cầu thủ có phần cũ kỹ và hoài niệm nhưng đôi lúc điều này lại tạo ra những giá trị khác biệt.
“Tôi biết nhiều người thích xem Valeron thi đấu. Anh ấy là một trong những tiền vệ tài năng nhất và xứng đáng đến từng xu bạn đã bỏ ra để mua vé vào sân”, thật bất ngờ khi đó là lời nhận xét của Iniesta - một huyền thoại với bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ ở cả cấp độ CLB lẫn ĐTQG, đã dành cho bậc tiền bối Juan Carlos Valeron.
Cần phải nói thêm rằng, ở giai đoạn chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, khi ĐT Tây Ban Nha bắt đầu xây dựng bộ khung cho VCK EURO 2000, HLV Jose Camacho đã có ý tưởng về việc sử dụng một hàng tiền vệ gồm nhiều cầu thủ sáng tạo và “chơi bóng” như Guardiola, Fran hay đặc biệt là Valeron. Mặc dù thất bại trong giải đấu nhưng đây chính là nền tảng quan trọng để La Roja tiếp tục theo đuổi và nâng tầm lối chơi kiểm soát bóng trước khi đoạt chức vô địch châu Âu vào 8 năm sau, từ đó mở ra giai đoạn hoàng kim khi bóng đá xứ sở Bò tót thống trị thế giới bằng phong cách tiki-taka gần như hoàn hảo.
Về phần Juan Carlos Valeron, sau những biến cố không mấy vui vẻ cùng Atletico, cầu thủ đến từ quần đảo Canary đã được Deportivo La Coruna đưa về xứ Galicia và phần còn lại chính là lịch sử. Vào thời điểm ấy, HLV Javier Irreuta đã âm thầm gây dựng một bộ khung tại sân Riazor bao gồm những cá nhân không quá nổi tiếng nhưng lại trở thành một trong những tập thể chơi bóng hấp dẫn nhất châu Âu. Đó là một đội hình trong mơ của những Naybet, Djalminha, Aldo Duscher, Walter Pandiani, Roy Makaay, Diego Tristan, Amavisca hay Joan Capdevilla. Liên tiếp trong hai mùa giải, Deportivo đều giành được vị trí Á quân La Liga và cung cấp những chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất tại La Liga: Diego Tristan với 21 bàn ở mùa giải 2001/02 và Roy Makaay với 29 bàn ở mùa giải 2002/03.
Với Juan Carlos Valeron ở phía sau, đây rõ ràng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ngay cả Makaay, mặc dù sau này được thi đấu với rất nhiều hảo thủ tấn công tại Bayern Munich cũng như ĐT Hà Lan, vẫn phải thừa nhận rằng Valeron chính là cầu thủ giỏi nhất mà anh từng chơi cùng.
Trái ngược với những ánh hào quang từ dự án “Galaticos” tại Real Madrid hay đội ngũ siêu sao bên phía Barca thì “Super Depor” ở giai đoạn nửa đầu thập niên 2000s chưa bao giờ là một tập thể được đánh giá cao nhưng đã tạo nên những kỳ tích không tưởng. Đó có thể là những chiến thắng cả trên sân nhà lẫn sân khách trước Man United hay Arsenal ở vòng bảng Champions League 2001/02, vượt qua “gã khổng lồ” AC Milan với tỷ số 2-1 ngay tại San Siro vào mùa giải 2002/03 - năm mà Milan sau đó đã giành chức vô địch, đánh bại Bayern Munich… Và kinh điển nhất, chắc chắn phải là màn ngược dòng lịch sử trước Milan ở mùa 2003/04 với tỷ số vô cùng khó tin 4-0 (sau khi bị dẫn 4-1 ở lượt đi). Cá nhân Valeron cũng chính là một trong những cầu thủ đã ghi bàn vào lưới thủ thành Dida trong đêm Champions League huyền thoại ở Riazor ngày hôm ấy.
![]() |
Một số nhà báo tại La Liga còn khẳng định Valeron xứng đáng được xem là “Zidane của Tây Ban Nha”, thậm chí còn giỏi hơn!
Tại EURO 2004, ngôi sao của Deportivo đã ghi được một bàn thắng vào lưới ĐT Nga nhưng đội bóng đến từ bán đảo Iberia còn không thể vượt qua vòng bảng. HLV Inaki Saez sau đó đã được thay thế bởi Luis Aragones để mở ra một thời kỳ mới cho ĐT Tây Ban Nha. Giờ đây, La Roja sẽ chơi với những cầu thủ có thể nhỏ con nhưng phải nhanh nhẹn, khéo léo và liên tục luân chuyển trái bóng ở tốc độ cao. Đó chắc chắn sẽ là một lối đá hoàn hảo dành cho Valeron nhưng đáng tiếc nó lại được tạo ra mà không cần đến anh. Cùng với Guardiola, cựu cầu thủ Deportivo chính là những nguyên mẫu ban đầu của các tiền vệ hiện đại mà bóng đá Tây Ban Nha tiếp tục sản sinh ra sau này.
Năm 2006, Valeron dính chấn thương dây chằng đầu gối nghiêm trọng và phải trải qua 3 ca phẫu thuật khiến anh rời xa sân cỏ trong 3 năm. Có những lúc người ta còn nghĩ rằng tiền vệ sinh năm 1975 này sẽ không thể nào quay lại chơi bóng được nữa. Phải đến mùa giải 2008/09, Valeron mới bắt đầu tái xuất, sau khi Tây Ban Nha vô địch EURO 2008 với một bộ khung gần như không thể phá vỡ ở hàng tiền vệ bao gồm Xavi và Iniesta. Không chỉ có vậy, La Roja còn sở hữu rất nhiều cầu thủ trẻ đầy tiềm năng và khao khát như Cesc Fabregas, Santi Cazorla hay David Silva, người đồng hương đến từ quần đảo Canary của Valeron sẽ thay anh hoàn thành tiếp những sứ mệnh mang đến vẻ đẹp cho bóng đá. Với Valeron, cơ hội để trở lại ĐTQG thời điểm ấy chắc chắn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Xuyên suốt cả sự nghiệp nhiều thăng trầm, danh hiệu Copa del Rey có thể là đỉnh cao với Juan Carlos Valeron về mặt thành tích nhưng tác động mà anh tạo ra với bóng đá thì lớn hơn nhiều. David Silva luôn chọn số áo 21 vì thần tượng của mình.
“Tôi thực sự thích thú khi được so sánh với Zidane, đó là một lời khen khiến tôi cảm thấy tự hào”, Valeron chia sẻ, “Có lẽ tôi đã thi đấu tốt để được mọi người nhìn nhận như vậy nhưng Zidane đã giành được những điều tuyệt vời ở World Cup và Real Madrid. Còn tôi thì không, vì vậy xét cho cùng thì chúng tôi vẫn không giống nhau”.
Bóng đá vẫn luôn là một trò chơi đòi hỏi tính cân bằng giữa tấn công và phòng ngự. Và nếu như một huấn luyện viên cần đến thứ gì đó thật khác biệt để phá vỡ những hàng thủ có kết cấu chặt chẽ thì Juan Carlos Valeron chính là lời giải phù hợp. Một nhà ảo thuật với vẻ bề ngoài không mấy thời thượng, bước ra từ quá khứ và nhẹ nhàng phô diễn thứ tài năng nghệ thuật hảo hạng của mình trên sân cỏ.