Ông đi qua hành lang, bước xuống sảnh khách sạn và ngồi vào chiếc xe hơi đang đợi. Ông sẽ tới Carrington, sân tập của Manchester United, để chuẩn bị cho một ngày tập luyện, một ngày nữa là trung tâm của gánh xiếc.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Phần 1: Jose Mourinho: Kẻ lang thang trong miền đơn độc (P1)
Phần 2:
4. Mourinho nói sự thay đổi trong suy nghĩ của ông bắt đầu khi cuộc khủng hoảng ở Madrid xảy ra và giai đoạn hai ngắn ngủi ở Chelsea.
Chiến lược gia người Bồ Đào Nha thay đổi tới nỗi mà một cựu cầu thủ từng chia sẻ rằng “phiên bản” thời điểm đó của ông “không phải HLV mà anh từng phục vụ”.
Sự thay đổi ở đâu? Tất cả mà cũng chẳng có gì. Tháng 5/2012, 2 tuần sau khi vô địch La Liga cùng Real Madrid, Mourinho gia hạn thêm 4 năm và được ngợi ca là tương lai của gã khổng lồ bóng đá Tây Ban Nha. Thế nhưng ánh hào quang dần dần yếu đi khi ông bắt đầu có những mâu thuẫn với Casillas và Sergio Ramos, những cuộc đụng độ với Guardiola và Barcelona và trên hết là với chính ông chủ của mình, Perez. Thậm chí ông công kích luôn cả ngôi sao số một, Cristiano Ronaldo – người thời điểm đó 27 tuổi và đang ở đỉnh cao phong độ - rằng “có thể cậu ta nghĩ mình đã biết hết mọi thứ và huấn luyện viên không thể cải thiện cậu ta ở điểm gì nữa.”
Chỉ trong 1 năm, Mourinho đã phải khăn gói ra đi nhưng nhanh chóng tái xuất bằng cách bước vào “nhiệm kỳ” hai tại Chelsea, một giai đoạn có thể nói là gợi lên nhiều sự chua chát hơn là ngọt ngào. Dù cũng có những thành công đáng kể (như chức vô địch Premier League) thế nhưng nó đã bị ảnh hưởng bởi một chuỗi những hành vi thất thường, từ chỉ trích phàn nàn về trọng tài cho tới việc ông bị cáo buộc là phân biệt giới tính với Eva Carneiro, nữ bác sĩ của Chelsea. Cô này khẳng định rằng Mourinho đã gọi mình là “gái bán hoa” sau khi cô chạy vào sân để điều trị chấn thương cho cầu thủ Chelsea mà không hỏi ý kiến chiến lược gia người Bồ Đào Nha. Vụ việc sau đó đã được giải quyết nhưng vẫn là một ví dụ điển hình cho thấy Mourinho dường như ngày càng có xu hướng tập trung vào chỉ trích và đổ lỗi.
Và một tuần sau câu chuyện lùm xùm với Carneiro, Mourinho khiến cả phòng thay đồ sửng sốt khi rút huyền thoại John Terry ra trong giờ nghỉ giữa hiệp. Động thái này, như một nhân viên lâu năm tại The Blues nói, cho thấy “Jose không thể chống lại bác sĩ nên ông ấy phải chống lại người đội trưởng.”
Mâu thuẫn với thủ lĩnh đội bóng, cãi vã với một nhân viên câu lạc bộ và rạn nứt với siêu sao trẻ (Eden Hazard). Mourinho bị ám ảnh bởi việc phòng vệ đến nỗi ông bắt đầu yêu cầu sao chép các biên bản xác nhận bất cứ nội dung nào về đội bóng được đăng lên website của Chelsea.
Năm 2016, Mourinho ký hợp đồng gia hạn với câu lạc bộ chủ sân Stamford Bridge và trớ trêu thay là phải ra đi chỉ vài tháng sau đó.
“Jose, ông ấy đã quen với chiến thắng,” Carvalho nói. “Và khi không thắng nữa, ông ấy sẽ cảm thấy hơi khó chấp nhận một chút.”
5. Nhưng không thể thất bại dễ dàng như thế được phải không nào?
Dẫn dắt Manchester United được xem là một cuộc tái sinh cho Mourinho. Ông nắm quyền vào năm 2016 và thừa hưởng một câu lạc bộ đã (tương đối) rệu rã kể từ khi Alex Ferguson giải nghệ rồi qua tay David Moyes và Louis van Gaal. Mourinho được kỳ vọng sẽ đưa United trở lại vị thế trước đây.
Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Quỷ đỏ vô địch Europa League trong mùa giải đầu tiên của Mourinho, đây hẳn nhiên là một điều tốt. Thế nhưng, khán giả lẫn người hâm mộ vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn với chức vô địch ấy, danh hiệu đó sẽ hùng tráng hơn nếu Mourinho chỉ dẫn dắt một đội bóng như Porto.
Mùa trước, Manchester United về nhì tại Premier League, thất bại trong trận chung kết FA Cup và bị loại từ vòng 16 đội Champions League. Mọi thứ ngày càng diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn. Người hâm mộ thì muốn tìm lại những năm tháng mà đội bóng chơi thứ bóng đá tấn công sắc sảo dưới thời Ferguson còn giờ đây, họ phải chứng kiến Quỷ đỏ đá thiên về phòng ngự nhiều hơn và ngày càng nhiều trận đấu kết thúc với tỷ số hòa.
Các cầu thủ của Mourinho cũng than phiền về điều đó. Những kết quả đáng thất vọng chồng chất lên nhau, sự cô độc và bị cô lập của Mourinho lên tới đỉnh điểm. Người trợ lý lâu năm Faria cũng rời đi và Mourinho sống một mình tại khách sạn Lowry khi gia đình ông cách đó vài trăm dặm. Và giống như những người thường hay phải sống một mình, bản danh sách về những sự phàn nàn của Mourinho với thế giới xung quanh ngày càng dài thêm.
Nó giống như việc đếm bông tuyết trong một trận bão vậy: Các trọng tài chống lại ông. Các huấn luyện viên đối thủ thì ngây thơ hoặc nóng nảy. Các đội tuyển quốc gia mà các cầu thủ ông phục vụ thì không tôn trọng yêu cầu của câu lạc bộ. Trong cuộc đối đầu với Wolverhampton trên sân Old Trafford, Mourinho đã mắng một nhân viên y tế ngồi đằng sau ở khu huấn luyện của United vì anh chàng đó đã ném một quả bóng đến thẳng cho cầu thủ thay vì đưa nó cho chiến lược gia 55 tuổi. Ngay cả giao thông cũng trở thành một câu chuyện. Tận hai lần, xe bus của đội bị đến sân chậm vì tắc đường.
Và đỉnh điểm của câu chuyện là khi Mourinho đã phải rời khỏi xe để đi bộ đến sân – một hành động rất đáng chú ý cả về sự mới lạ lẫn cách nó biến Mourinho trở thành một phép ẩn dụ của chính mình. “Không ai nhận ra tôi cả,” ông chia sẻ sau đó.
Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra về những thứ làm nên Mourinho ở thời điểm hiện tại. Và một người bạn của huấn luyện viên đương nhiệm của Manchester United nói rằng phần lớn nó liên quan tới Guardiola.
Như nhân vật trên cho biết, giả thuyết này bắt nguồn từ việc dù đạt nhiều thành công nhưng Mourinho thực sự rất kém may mắn trong suốt sự nghiệp.
Điều này thật lạ lùng. Thế nhưng, hãy thử nghĩ theo cách này: Mourinho là một chiến lược gia may mắn khi có hai công việc đáng mơ ước nhất trong thế giới bóng đá – dẫn dắt Real Madrid và Manchester United – và cả hai đều trải qua những khoảng thời gian vô cùng tồi tệ phần lớn vì sự xuất hiện của Guardiola.
Ở trường hợp đầu tiên, Mourinho gia nhập đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha vào thời kỳ đỉnh cao của khủng hoảng, một kỷ nguyên mà Guardiola và Barcelona chi phối toàn bộ với một thứ bóng đá được xem là đỉnh cao trong lịch sử nền thể thao. Còn với United, Mourinho tiếp quản một đội bóng đang trong tình cảnh hoang mang và một lần nữa lại đối đầu Guardiola, người dẫn dắt Manchester City, một câu lạc bộ mà truyền thống gần như không có gì đáng kể bỗng nhiên biến thành siêu cường.
Ở Manchester City, Guardiola có sự hậu thuẫn của hoàng gia UAE với nguồn tài chính vô tận và mô hình kinh doanh là hình mẫu cho một câu lạc bộ bóng đá hiện đại. Còn ở United, về truyền thống đây chính là thế lực số một ở Manchester, thì Mourinho đang phải đi bộ đến sân vận động.
Không hề có bộ phận vận hành bóng đá hiện đại ở Manchester United, không có đội phân tích hay dữ liệu dự báo tương lai. Chỉ có duy nhất một ông phó chủ tịch, Ed Woodward – một doanh nhân và không phải nhà điều hành thể thao. Manchester United, theo nhiều khía cạnh, vẫn chỉ là một câu lạc bộ như dưới thời Ferguson, người đã nghỉ hưu từ năm 2013.
“Cấu trúc đó không phù hợp với Jose,” người bạn thân của Mourinho bày tỏ. “Vì thế ông ấy cảm thấy bị tấn công. Và khi Jose thấy như vậy, ông ấy giơ nắm đấm lên. Đó là những gì đang xảy ra – lúc nào ông ấy cũng đi với nắm đấm giơ lên ở Manchester.”
Mourinho, một người luôn châm ngòi các cuộc chiến thì nay lại cảm thấy bị công kích liên tục: Chiến thuật của ông từng là cuộc cách mạng thì lúc này nó đã quá phổ thông. Những kỹ năng tạo ra động lực của ông không thể khiến các cầu thủ trẻ hiện nay cảm nhận được. Ngày nay ai cũng có hồ sơ về đối thủ của mình và cầu thủ hiện đại thì muốn thể hiện bản thân mình trên sân, muốn được di chuyển tự do và sáng tạo, muốn được xây dựng lối chơi.
Pogba và các ngôi sao cùng thế hệ không muốn bị chỉ đạo như những con rối thế nhưng Mourinho thì vẫn muốn giật dây. Ông không thể nào khoác mãi một cái áo choàng được, sự bực bội sẽ ảnh hưởng đến công việc của ông.
“Ông ấy đi lại bên đường biên với một nguồn năng lượng to lớn, ai cũng muốn nhìn vì ông ấy rất lôi cuốn. Con người này, khuôn mặt ấy đã trải qua quá nhiều nỗi buồn. Và tôi nghĩ các cầu thủ và người hâm mộ đã tạo ra điều đó. Tại sao không chứ?”, một cựu đồng nghiệp của Mourinho nhận xét.
6. Vào tháng 9, sau khi Manchester United thua cuộc 0-3 trước Tottenham, Mourinho đã giơ 3 ngón tay lên trong cuộc họp báo sau trận khi nhận được một câu hỏi về việc người hâm mộ rời sân sớm.
Ông nói điều đó thể hiện tỷ số trận đấu nhưng “cũng là 3 chức vô địch Premier League và tôi giành Premier League nhiều hơn bất cứ huấn luyện viên nào đang dẫn dắt 19 đội còn lại. 3 của tôi và 2 của họ. Vì thế hãy tôn trọng người khác, tôn trọng, tôn trọng, tôn trọng.” Ông rời buổi họp báo ngay sau đó.
Hóa ra đây là một điều mà Mourinho đã chuẩn bị trước. “Người đặc biệt” dùng cùng một cử chỉ khi Quỷ đỏ bị đánh rơi chiến thắng ở những phút cuối trước Chelsea và cổ động viên The Blues khiêu khích ông (có lẽ để nói rằng ông đã giành 3 danh hiệu vô địch quốc gia cho đội bóng của họ). Hành động ấy lặp lại khi Manchester United bại trận trước Juventus ở Champions League ngay trên sân Old Trafford và các khán giả Ý hát những bài hát chế giễu ông (có lẽ để nhắc người hâm mộ Juve nhớ rằng ông đã giành cú ăn ba cùng Inter).
Mỗi lần giơ những ngón tay lên, Mourinho lại nở một nụ cười ẩn ý trên khuôn mặt như thể ông đang dạy cho người hâm mộ biết rằng họ đang lãng quên ma thuật của ông. Lần đầu tiên thật lôi cuốn. Nhưng đến lần thứ ba thì phải đặt câu hỏi liệu Mourinho có đang bị những ký ức vàng son làm mù quáng hay không. Có cảm giác ông cũng như một ngôi sao bóng rổ ở trường trung học tìm lại kỷ niệm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Đó là sự thay đổi đáng chú ý: Một người dành toàn bộ sự nghiệp của mình để tấn công đối thủ bên ngoài sân (còn ở trên sân thì ngược lại, là một lối chơi phòng ngự) đột nhiên bảo vệ di sản, phương pháp, trách nhiệm của mình. Ông phàn nàn rằng thậm chí ông sẽ bị đổ lỗi vì Brexit hay thậm chí là khi trời đổ mưa. Mourinho nói “đôi khi mọi thứ không chỉ nằm trong tay của huấn luyện viên” khi được hỏi về tinh thần nghèo nàn của Manchester United.
Mỗi tuần lại có một câu chuyện khác, một vấn đề khác. Tất cả bầu không khí xung quanh Mourinho trở nên vô cùng ngột ngạt.
Xabi Alonso, một cận vệ trung thành của Mourinho, đã không hồi đáp nhiều tin nhắn mời trả lời phỏng vấn về huấn luyện viên cũ của anh. Massimo Moratti, người đưa Mourinho đến làm việc tại Inter, từ chối nói về chiến lược gia Bồ Đào Nha. Carlos Carvalhal, người học lấy bằng huấn luyện viên cùng Mourinho cũng vậy.
Andre Villas-Boas, một cựu trợ lý khác, thì lịch sự lắng nghe một câu hỏi về Mourinho trên điện thoại rồi đáp “Tôi không thích nói về ông ấy” và xin lỗi trước khi dập máy.
Cả Mourinho lẫn ban lãnh đạo Manchester United cũng luôn từ chối những lời đề nghị phỏng vấn.
Gần cuối tháng 10, Mourinho đề xuất trong một cuộc họp báo rằng ông không quan tâm đến việc huấn luyện bất cứ nơi nào khác nữa. “Người đặc biệt” nói: “Tôi muốn ở đây cho đến ngày cuối cùng của hợp đồng và tôi muốn ở lại sau khi hợp đồng của tôi hết hạn.”
Điều này lập tức dấy lên sự hoang mang trong dư luận. Thứ nhất, nếu điều đó xảy ra thì có nghĩa Mourinho sẽ dẫn dắt United thêm ít nhất 4 mùa giải nữa – nhiệm kỳ dài nhất của ông ở bất cứ đội nào từ trước tới nay.
Và thứ hai, tuyên bố của Mourinho dường như bao hàm cả việc ở lại hay ra đi sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của ông. Ở cuộc họp báo trước một trong những trận đấu của Manchester City trước thềm Halloween, Guardiola nói thời điểm hiện tại ông tin rằng chỉ có 5 đội bóng thực sự cạnh tranh được danh hiệu Premier League là Man City, Liverpool, Chelsea, Tottenham và Arsenal. “Tôi không nghi ngờ gì về điều đó cả,” nhà cầm quân tới từ Catalonia khẳng định. Và trong danh sách liệt kê kể trên không hề có Man United, đội bóng giành nhiều chức vô địch Premier League nhất.
Lúc này, liệu Mourinho có thể đảo ngược lại tất cả hay không? Liệu ông có thể kích thích tinh thần của những cầu thủ hay người hâm mộ chống đối mình và cứu vãn một mùa giải gần như đã thất bại? Có thể. Nhưng nếu chiến lược gia người Bồ Đào Nha không làm được và phải ra đi, thật khó đoán định những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Trong quá khứ, luôn luôn có một con đường rõ ràng, một bước ngoặt cụ thể. Còn giờ đây thì không.
Trong số các câu lạc bộ lớn nhất châu Âu, Paris Saint-Germain từng được cho là bến đỗ tiếp theo của Mourinho. Thế nhưng hiện tại họ đã có một huấn luyện viên trẻ tài năng. Trong khi đó, chuyển tới Đức và dẫn dắt một câu lạc bộ như Bayern Munich chưa bao giờ thực sự phù hợp. Nhiều người thì tin rằng ngày nào đó Mourinho sẽ huấn luyện đội tuyển Bồ Đào Nha. Nhưng nếu “Người đặc biệt” đã không thích việc mất các cầu thủ trong vài tuần sau World Cup mùa hè vừa qua thì liệu ông có chịu dẫn dắt một đội bóng sẽ chỉ đá vài trận lẻ tẻ trong một năm?
Vì thế khả dĩ là ông có thể quay lại Ý hoặc Bồ Đào Nha. Hoặc không, Trung Quốc hay Trung Đông cũng là một lựa chọn với số tiền khổng lồ được các ông chủ đội bóng ở đó mời chào. Thế nhưng có một điều chắc chắn là Mourinho sẽ không chấp nhận là kẻ mờ nhạt. Ông vẫn thích huấn luyện, vẫn thích gây hấn, vẫn thích giơ 3 ngón tay lên để nhắc nhở mọi người về nơi ông từng qua và những thành tựu ông làm được. Đó là lý do tại sao Mourinho vẫn sống ở khách sạn Lowry.
“Bóng đá là cuộc sống của ông ấy,” Lampard nhận xét. “Và ông ấy gặt hái rất nhiều thành công. Tôi không nghĩ việc đạt được nhiều thành công như vậy sẽ khiến bạn ngừng ham muốn… ngược lại tôi nghĩ nó còn khiến bạn muốn nhiều hơn nữa.”
Tất nhiên là như vậy. Đó là lý do tại sao “Người đặc biệt” vẫn tiếp tục theo đuổi thành tựu, tiếp tục làm việc. Tại sao, mới chỉ là 8h sáng sau trận thua Derby County, khi mới chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ, Mourinho đã bước vào thang máy. Ông đi qua hành lang, bước xuống sảnh khách sạn và ngồi vào chiếc xe hơi đang đợi. Ông sẽ tới Carrington, sân tập của Manchester United, để chuẩn bị cho một ngày tập luyện, một ngày nữa là trung tâm của gánh xiếc.
Với Mourinho, đó là tất cả những gì ông biết. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh và ông nhìn ra ngoài cửa sổ. Ghế ngồi bên cạnh chẳng có ai.
Lược dịch từ bài viết Jose Mourinho’s last stand của tác giả Sam Borden trên ESPN.
CG (TTVN)