Jorginho: Cứ mơ đi vì cuộc đời cho phép

Tác giả CG - Thứ Sáu 03/09/2021 12:49(GMT+7)

Zalo

Giành chức vô địch Europa League, Champions League, Euro, là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của UEFA, Jorginho đang sống trong quãng thời gian hạnh phúc của sự nghiệp. Và có được ngày hôm nay là hành trình nhiều gian nan của anh, vượt qua cả những nghi ngờ của bản thân lẫn người khác. Trên The Players’ Tribune, tiền vệ người Italy kể lại hành trình sự nghiệp của bản thân.

Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7

TRẠI BÓNG ĐÁ VÀ NHÀ VỆ SINH BẨN THỈU

 
Chúng tôi sống trong những căn phòng bẩn thỉu và ăn cùng một món ba lần mỗi ngày. Vòi tắm thì không có nước nóng, kể cả ở mùa đông. Bên ngoài, mấy thằng cướp chực chờ để trấn lột chúng tôi. Nhưng điều tệ nhất là khi cô lao công nghỉ làm. Nói điều này thì nghe không sạch sẽ cho lắm, nhưng khi “đi nặng”, ở chỗ này nếu bạn ném giấy vào bồn cầu thì nó sẽ tắc, vì thế bạn phải vứt vào thùng rác. Nhưng khi thùng rác không được dọn suốt vài tuần thì… vâng, thật kinh khủng.
 
Đây chính là trại bóng đá của tôi ở Guabiruba, Brazil. Tôi sống cách nhà mình hơn 100 dặm. Năm đó tôi mới 13 tuổi.  Sống ở đó cứ như trong quân ngũ vậy, bọn tôi tập hai buổi mỗi ngày rồi sau đó học bài. 50 đứa ngủ ở giường tầng xếp sát nhau. Trước khi đến đây, tôi đã từng thử việc cho 3 CLB khác nhau ở Sao Paulo nhưng tất cả bọn họ đều từ chối. 
 
Vì thế, tôi trở về quê nhà Imbituba, nơi mà một người môi giới bóng đá Italy mời tôi đến trại bóng đá mà ông ấy đang điều hành. Ông ấy bảo những cầu thủ mà tập tốt sẽ có cơ hội nhỏ đến Italy. Có đứa nhóc nào mà lại không muốn đến châu Âu đâu cớ chứ?!
 
Tôi ở đây suốt một thời gian thì những vấn đề thực sự xuất hiện. Một ngày, cô lao công nghỉ việc vì không được trả lương, thế là họ chia chúng tôi thành những nhóm 5 người và mỗi nhóm dọn vệ sinh 1 ngày. Đến một ngày có nhóm không thèm dọn dẹp nữa. Và chuyện gì xảy ra ngày hôm sau? Nhóm thứ hai cũng không thèm dọn luôn. Chuyện này diễn ra liên tục suốt vài tuần và rác rưởi tích tụ lại. Phòng vệ sinh là nơi khủng khiếp nhất vì bạn không thể nào mà ngửi được.

Jorginho
Jorginho và mẹ
 
Có thể điều này sẽ khiến bạn ngạc nhiên, nhưng sống như thế thực sự đã trở thành điều bình thường với tôi. Tôi nghiêm túc đấy. Tôi đã học được rằng con người có thể thích nghi với bất cứ điều gì, bất kể hoàn cảnh tệ ra sao. Nhìn lại những gì bạn chịu đựng, bạn sẽ thấy thật điên rồ nhưng đúng là khi đó không còn lựa chọn nào khác. Khi bạn đã rất khát khao điều gì đó thì bỏ cuộc dường như là không thể.
 
Năm tôi 5 tuổi, bố từng hỏi là tôi muốn làm gì khi lớn lên. Tôi trả lời: “Một cầu thủ bóng đá”. Bố nói tiếp: “Nhưng là cầu thủ không chỉ là những thứ con thấy trên TV đâu. Nó sẽ làm con đau, cướp đi của con nhiều thứ và thậm chí khiến con phải khóc. Con sẽ muốn về nhà và từ bỏ. Nào, bố hỏi lại này, con muốn làm gì khi lớn lên?”
 
“Một cầu thủ bóng đá ạ”, tôi vẫn trả lời như thế.
 
Tôi đã chuẩn bị tinh thần làm bất cứ điều gì. Nhưng vài tuần sau khi cô lao công nghỉ việc, mẹ đến thăm tôi. Mẹ bước vào phòng tắm và đi ra. “Thu dọn đồ đi, chúng ta sẽ về nhà”, mẹ nói.
 
Tôi đáp lại: “Mẹ à, con không về đâu”.
 
Mẹ nói tiếp: “Mẹ biết đây là ước mơ của con. Nhưng con trai mẹ không sống như thế này được”.
 
Tôi bảo mẹ là nếu mẹ cứ ép phải về nhà, tôi sẽ không thể thành cầu thủ, và tôi sẽ oán trách mẹ đến hết đời. Mẹ nói: “Đừng, con không được nói thế” rồi bật khóc.
 
“Đây là cơ hội của con. Con không quan tâm mình khổ ra sao. Con có thể ăn cùng một món suốt 10 ngày. Con có thể dùng một cái nhà vệ sinh bẩn thỉu. Những điều này không là gì cả”, tôi quả quyết.
 
Mẹ nhìn tôi. “Con đang nghiêm túc đó”, tôi nói thêm. Rồi mẹ đi về trong nước mắt. Đó là một trong những thời điểm khó khăn nhất cuộc đời tôi. Bạn phải hiểu rằng chuyện đó có ý nghĩa thế nào với mẹ tôi. Mẹ không phải là một bà mẹ không quan tâm bóng đá. Không. Mẹ là người cho tôi tất cả những phẩm chất tôi có. Mẹ xuất thân từ một gia đình cầu thủ, và mẹ chơi bóng cho đến hôm nay. 
 
Năm tôi 5 tuổi, mẹ đá bóng với tôi trên bãi biển gần nhà. Mẹ con tôi đã chơi rất vui, nếu tôi phạm lỗi, mẹ sẽ nói: “Con đừng giơ chân ra như thế, hãy làm thế này”.
 
Mẹ rất nghiêm khắc. Nếu tôi chuyền hỏng một tình huống đơn giản, mẹ sẽ mắng tôi ngay. Ôi trời ơi, lúc đó tôi mới 5 tuổi mà, haha. Nhưng tất cả chỉ vì mẹ muốn điều tốt nhất cho tôi. Vì thế, mẹ rất đau lòng khi tôi không chịu về nhà. Trong khi đó, tôi đã thấy rất nhiều cầu thủ tài năng bỏ cái trại bóng đá đó. Còn tôi thì ở đó suốt 2 năm.
 

NỖI CÔ ĐƠN Ở VERONA

 
Ơn trời là những cố gắng đã được đền đáp vì năm 15 tuổi, tôi được Verona chiêu mộ. Họ đưa chúng tôi đến một tu viện cũ. Bọn tôi có 6 đứa sống trong một cái phòng nhỏ với 3 giường tầng. Không gian không rộng rãi gì, nhưng tôi rất phấn khích. Đây là Italy! Đúng là bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
 
3 tháng đầu tiên rất tuyệt. Nhưng rồi mọi thứ trở nên khó khăn vì tôi không biết khi nào mình có thể về nhà. Tôi phải sống với 20 euro mỗi tuần, đó là số tiền tôi nhận được từ người đại diện, cũng chính là người đã mời tôi đến trại bóng đá. Tôi luôn tiêu số tiền đó với cùng một mục đích. 5 euro để gọi điện về nhà ở Brazil, thêm vài euro nữa mua dầu gội, lăn khử mùi và kem đánh răng. Vào cuối tuần, tôi tiêu nốt số còn lại vào một quán internet để nói chuyện với bạn bè và gia đình qua MSN.
 
Đôi khi, tôi thực sự muốn ăn ngon, tôi muốn đến quảng trường trung tâm ở Verona và mua một cốc sữa lắc, nó chỉ có giá 1 euro thôi. Còn khoai tây chiên, burger nữa. Nhưng quên đi. Những bữa ăn hạnh phúc chỉ dành cho con nhà giàu thôi. Lúc đó, tôi ngồi ở một góc bậc thang tại quảng trường và nhìn. Tôi nhìn dòng người đi qua đi lại. Tôi nhìn những chú chim, khách du lịch và lại thả trôi dòng suy nghĩ. Đó là cách mà những buổi chiều thứ Bảy của tôi diễn ra.

Jorginho
Chievo Verona là đội bóng đầu tiên của Jorginho ở châu Âu. Ảnh: Getty Images
 
Tôi thực sự rất cô đơn và đã sống một năm rưỡi như thế, sống chỉ vì bóng đá. Đến năm 17 tuổi, khi tôi bắt đầu tập với các cầu thủ chuyên nghiệp ở Verona, người đại diện và tôi xảy ra mâu thuẫn. Tôi không muốn nói quá nhiều về nó nhưng thực sự rất tệ. Tôi suy nghĩ liên tục. Tôi đã chịu khổ 2 năm ở trại bóng đá bẩn thỉu ở Brazil. Tôi dành 18 tháng sống với 20 euro mỗi tuần ở Italy. Và bây giờ thì sao?
 
Tôi gọi điện cho mẹ và khóc. “Mẹ à, kết thúc rồi. Thế này là quá đủ với con. Con nhớ mẹ, con muốn về nhà”. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ về Imbituba mà thôi. Nhưng mẹ đáp: “Cánh cửa đóng lại rồi”.
 
Tôi ngạc nhiên: “Sao cơ ạ?”
 
Mẹ nói tiếp: “Con sẽ không được về nhà. Nếu con xuất hiện trước cửa, mẹ sẽ không mở đâu”.
 
Tôi rất sốc, làm sao có thể tưởng tượng mẹ mình nói như thế cơ chứ? Tôi liền gọi điện cho bố. Vì bố mẹ đã chia tay nên tôi nghĩ mình chỉ có thể sống với bố thôi. Nhưng bố cũng nói tương tự như mẹ. Sau đó, bố mẹ cùng gọi tôi và thức tỉnh thằng con họ. Bố mẹ bảo: “Jorge, con đang tập với các cầu thủ chuyên nghiệp và bây giờ con muốn từ bỏ sao? Sau tất cả những khổ cực con đã trải qua? Không thể được. Tiến lên nào, ước mơ của con sẽ thành sự thật”.
 
Chị gái tôi kể là sau khi cúp máy, mẹ đã khóc. Tạ ơn Chúa, bố mẹ đã cứng rắn khi họ cần phải như thế. Và may là tôi đã nghe lời họ. Tôi tìm được một người đại diện mới là Joao Santos và chúng tôi vẫn làm việc với nhau đến hiện tại. Tôi cũng phải cảm ơn Rafael, thủ môn của đội thời điểm đó và cũng là một người anh của tôi. Khi tôi chỉ có 20 euro mỗi tuần, anh ấy mời tôi đến nhà và mua quần áo, đồ ăn cho tôi. Joao và Rafael đóng vai trò quan trọng trong việc tôi lên đội một Verona vào năm 2011. Tôi sẽ không bao giờ quên những điều họ đã làm cho tôi.


“CƠN ĐIÊN” Ở NAPOLI

 
Khi đến Napoli vào tháng 1/2014, tôi phải chuyển tới một thành phố hoàn toàn khác biệt. Tất cả chúng ta đều biết người Napoli như thế nào phải không nào? Wow! Họ rất giàu đam mê! Họ đối xử với các cầu thủ như thể chúa vậy. Tôi không thể đi siêu thị hay công viên. Tôi thường xuyên phải kéo mũ xuống che kín mắt và mặc một chiếc hoodie. Bố bảo trông tôi giống như một kẻ đào tẩu!
 
Có lần một người bạn đến thăm tôi vào cuối tuần. Đội tôi thường đá vào Chủ nhật, nhưng hôm đó lại đá vào thứ Bảy và tôi có một ngày nghỉ. Tôi đưa anh bạn đó vào trung tâm thành phố lúc 5 giờ chiều và đường tắc kinh khủng. Trời ơi, ở đâu cũng thấy xe, toàn xe là xe.
 
Tôi lẩm bẩm: “Sao lại đông như thứ Hai vậy? Giờ cao điểm à?” Để cho chắc, tôi hỏi lại hôm đó là thứ mấy.
 
“Chủ nhật”.
 
“Không…”, tôi đáp. Sau đó tôi quay sang bạn mình và nói: “Yên tâm nhé. Chúng ta đang trong tay của Chúa rồi”. Chúng tôi bàn bạc lên phương án để thoát khỏi đó. Tôi đội mũ và mặc hoodie, bước theo sau cậu ấy xuống một con phố nhỏ dành cho người đi bộ. “Cứ đi đi, đừng dừng lại”, tôi nhắc nhở bạn mình. Bọn tôi đến Piazza del Plebiscito và náu mình trong một quán bar. Không ai chú ý đến tôi cả.
 
Sau một thời gian, chúng tôi bàn cách thoát ra ngoài theo cùng một phương án. Nhưng ngay khi bước chân ra khỏi cửa, có người đã tóm tôi lại để hỏi xin chụp ảnh. Trời ơi, đó là cậu phục vụ! Điên mất thôi, chúng tôi đang đứng bên ngoài quá rồi! Trời ơi, chụp trong quán cũng được mà. Tôi nói: “Anh bạn, anh bạn đang đùa phải không? Sao anh bạn không hỏi ở bên trong?”

Jorginho
Jorginho đã xây njgj danh tiếng ở Napoli. Ảnh: Getty Images
 
Cậu ấy nói: “Nếu hỏi ở bên trong, em sẽ bị đuổi việc”. Lúc đó tôi nghĩ: “Nhưng cậu ra khỏi quán thì cậu sẽ không mất việc sao? Vô lý thực sự”. Đấy, Napoli là như vậy đó. Haha. 
 
Dù sao, chúng tôi cũng đang gặp “nguy hiểm” vì quảng trường đã chật cứng người. Cho đến lúc đó chỉ có cậu phục vụ thấy tôi, nhưng trời đã tối đi rất nhanh. Và các bạn đoán được sau đó như thế nào không? Cậu phục vụ đó bật đèn flash, bấm chụp và “tách”! Đèn flash lóe lên, chiếu vào mặt tôi. Cả quảng trường quay ra và hô lên “JORGINHO KÌA!!”
 
Tôi bảo bạn mình: “Thôi xong, bước vào cuộc chiến rồi”. Mọi người đồng thanh hô vang tên tôi. Ai cũng muốn chụp hình, kể cả những người không biết tôi là ai. Tôi thề cứ nhích một bước là tôi phải chụp ba tấm ảnh. Và quên chuyện người ta nói “Tôi chụp với anh một kiểu được không?” đi. Napoli không phải London! Họ kéo và đẩy. Tôi đã nghĩ mình không về được đến nhà mất. Sau 30 phút chúng tôi mới đi được nửa đường.
 
May là có người đã giải cứu chúng tôi. Anh ấy là một thành viên của một trong những hội cổ động viên Napoli, anh ấy nói mọi người: “Này, hãy để anh ấy đi về nhà”. Anh kéo tôi ra khỏi đám đông. Tôi cảm ơn anh ấy rất nhiều. Sau đó anh ấy bảo: “Nhưng giờ đến lượt tôi phải không? Chụp với tôi kiểu ảnh nhé?!”
 
“Người anh em à, anh đã cứu tôi. Anh chụp 10 cái cũng được!”
 
Đấy, Napoli là như thế đấy, họ rất “điên”. Nhưng tôi yêu thành phố này, tôi yêu người Napoli. Sau 4 năm rưỡi ở đó, thật khó để nói lời chia tay.
 

“CON TRAI CỦA SARRI”

 
Quãng thời gian đầu ở Chelsea khiến tôi nhớ Napoli hơn nữa. Bạn có nhớ những gì mọi người đã nói về tôi không? Họ bảo tôi quá chậm, tôi quá yếu và tôi là con trai của Sarri. Tôi tức lắm. Nhưng nghe này, họ đã đánh giá thấp tôi. Bạn thấy đây, tôi khởi đầu khá chậm ở mọi CLB tôi khoác áo. Khi tôi mới tới Verona, không ai muốn có tôi cả. Họ gửi tôi cho mượn ở giải hạng tư. Ở đó cũng không ai muốn chứa tôi. Nhưng tôi không ngừng nỗ lực và nhận được sự tôn trọng.
 
Tôi trở lại Verona và chúng tôi lên Serie A. Sau đó, tôi có một năm khó khăn ở Napoli. Rồi Sarri đến và thay đổi mọi thứ. Còn Chelsea thì sao? Tôi dùng những lời chỉ trích như một loại nhiên liệu. Tôi tự nhủ những người này sẽ phải xấu hổ vì những gì họ nói ra.
 
Và giờ tôi đang ngồi đây với một chức vô địch Europa League cùng một chức vô địch Champions League đã giành được ở CLB. Vì thế, với tất cả những người đã chỉ trích, tôi chỉ muốn nói một điều là: Cảm ơn, thực sự cảm ơn tất cả các bạn.
 
Danh hiệu Europa League rất giàu cảm xúc. Chúng tôi ăn mừng tại một khách sạn ở Baku với gia đình thì tôi lạc mẹ. Khi tìm thấy mẹ, tôi thấy mẹ đang đứng một mình ở ban công, nơi mà bạn có thể nhìn thấy biển và thành phố. Lúc đó là 5 giờ sáng rồi, mặt trời đang lên và khung cảnh thật đẹp.
 
“Mẹ đang khóc đấy à?”, tôi hỏi. Mẹ trả lời: “Mẹ đang vui thôi”.
 
Sau đó mẹ nói về việc tôi đã đi được bao xa, gia đình tự hào về tôi ra sao, thật khó tin khi một đứa trẻ từ Imbituba lại đạt được nhiều thành tựu như thế. Mẹ rất xúc động. Khi mẹ nói xong, tôi bảo rằng: “Mẹ ơi, con không muốn cũng bật khóc đâu. Mẹ con mình vào trong thôi”.

Jorginho
Chức vô địch Champions League đầy ngọt ngào với Chelsea. Ảnh: Getty Images
 
Ngày chuẩn bị đá chung kết Champions League, tôi không ăn uống được gì. Tôi lo lắng kinh khủng, cứ mỗi giây trôi qua như thể một giờ vậy. Trời ơi, hôm đó là ngày dài nhất cuộc đời. Nhưng khi trận đấu bắt đầu, bạn chỉ nghĩ về những gì bạn phải làm. Thế rồi Kai ghi bàn, trọng tài nổi hồi còi chung cuộc và bạn ngẩn ngơ không biết chuyện gì xảy ra.
 
Không cách nào lý giải được, rất nhiều cảm xúc hòa lẫn vào cùng một lúc. Tôi bật khóc giống như mẹ mình. Và tôi không có thời gian để hiểu điều đó vì tôi sớm phải tham dự Euro. Thi đấu cho đội tuyển Italy là điều rất đặc biệt với tôi. Chọn đá cho Italy là một điều khá dễ dàng. Brazil chưa bao giờ cho tôi cơ hội hoàn thành ước mơ của mình, trong khi Italy chọn tôi thi đấu cho họ, dù tôi sinh ra ở một đất nước khác.
 
Đó là một điều rất quan trọng với tôi. Hơn nữa, cụ tôi cũng là người Italy, điều đó giúp tôi có thể thi đấu cho Italy. Tôi cảm thấy mình là người Italy. Tôi đã sống ở đây gần nửa cuộc đời, mỗi ngày tôi lại yêu đất nước này nhiều hơn nữa. Và tôi sẽ không bao giờ quên là khi tôi cần, Italy đã giang tay giúp đỡ. Vì thế, làm sao tôi có thể quay lưng khi Italy cần tôi?
 
Nhưng tôi phải thành thật thế này: Tôi đã rất buồn khi trước đây chưa từng được triệu tập tham dự vòng loại World Cup. Khi tôi có cơ hội thi đấu vào tháng 11/2017 thì chúng tôi lại thua Thụy Điển ở vòng play-off. Tôi nhớ Buffon đã khóc, anh ấy xứng đáng nhận được lời chào tạm biệt tốt hơn thế.
 
Rất may là chúng tôi đã vững vàng trở lại và công lớn thuộc về Mancini. Tôi cũng tự tin thực hiện quả 11m trong trận chung kết. Tôi có cách đá của riêng minh, đó là “mánh” tôi đã dùng từ khi tập luyện với Henrique ở Napoli. Nhưng Pickford đã đọc vị tôi, phải dành lời khen cho cậu ấy. Khi trái bóng không đi vào lưới, tôi đã nghĩ: “Không, không thể nào…” và nói một số điều không nên nhắc lại ở đây.
 
Thật khó tả cảm xúc khi bạn khiến cả đất nước thất vọng. Tôi chỉ biết cầu nguyện Gigio sẽ cứu tôi. Khi cậu ấy làm được, tôi khuỵu gối xuống đất. Tôi không tin được là chúng tôi đã vô địch châu Âu. 
 
Rõ ràng vì chúng tôi thắng nên cú đá hỏng của tôi không thành vấn đề. Nhưng thực sự tôi sẽ không bao giờ quên. Bỏ lỡ một quả 11m đã thật tệ rồi, bỏ lỡ trong trận chung kết - và một trận chung kết như thế - thì hãy tin tôi đi: ai bảo quên được tức là họ nói dối.
 
Tuy nhiên tôi vô cùng hạnh phúc. Tất nhiên mẹ tôi đã khóc. Và tôi nghĩ về nơi mình đã đi lên cũng như những điều mình trải qua: trại bóng đá, tu viện, những cuộc gọi với bố mẹ, và bây giờ chinh phục châu Âu, lại còn những hai lần. Siêu thực, chỉ có thể miêu tả cảm xúc bằng từ đó mà thôi.

Jorginho
Bước lên đỉnh châu Âu cùng đội tuyển Italy. Ảnh: Getty Images
 
Tất nhiên, tôi biết mình không thể có được ngày hôm nay nếu không có bố mẹ. Tôi đã có thể trở về Imbituba và xem trận đấu trên TV. Tôi chỉ muốn bạn hiểu tầm quan trọng của bố mẹ tôi cũng như những người như Rafael và Joao. Đây là câu chuyện về hành trình theo đuổi ước mơ đến cùng, nhưng cũng là câu chuyện về những người tốt xung quanh. Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, bạn không thể lên đỉnh cao một mình. Không thể nào.
 
Những tuần sau Euro thật kỳ diệu. Tôi dành thời gian đến Verona, nơi lâu tôi chưa đến, và thăm tu viện. Tiếc là mọi người đang đi nghỉ nên không ở đó, nhưng thực sự rất xúc động khi nhìn thấy nhà mình 14 năm trước. Sau đó, tôi đến quảng trường trung tâm, đi đến cửa hàng và mua một cốc sữa lắc. Tôi ngồi ở góc bậc thang, nơi tôi từng dành rất nhiều buổi chiều ở đó, và... nhìn dòng đời.
 
Rồi tôi nhắm mắt lại và thời gian như quay ngược. Tôi có thể thấy mình năm 15 tuổi ngồi bên cạnh. Không ai chú ý tới cậu ấy hết, không ai biết cậu ấy đang nhớ nhà ra sao hay những cuộc trò chuyện của cậu ấy với bố mẹ thế nào. Cậu bé bẽn lẽn, gầy guộc ấy đang ngồi uống cốc sữa lắc giá 1 euro.
 
Nhưng tôi biết tất cả những khó khăn cậu ấy đã và sắp phải trải qua. Vì thế tôi nghiêng người, ghé tai thì thầm một điều mà tôi vẫn luôn nói với mọi cậu bé đang theo đuổi một giấc mơ: Đừng từ bỏ. Đúng, dù chuyện gì xảy ra cũng không được từ bỏ.
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow