Siêu cò nguời Bồ đã thương thảo và hợp tác với một nhà đầu tư giàu có từ Thượng Hải, lên kế hoạch kiếm lợi nhuận từ một mảng tài chính sinh lời nhưng cũng gây đầy tranh cãi của bóng đá châu Âu: mua và bán vận động viên. Tài liệu “Football Leaks” sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về quy mô tham vọng của họ.
1. Vào đầu năm 2016, ông trùm quyền lực nhất của bóng đá châu Âu, Jorge Mendes, đã diện một bộ vest tối màu, bên trong là chiếc áo sơ mi trắng đặc trưng vô cùng bảnh bao, dùng bữa cùng tỷ phú Trung Quốc Guo Guangchang tại một khách sạn xa hoa ở trung tâm Thượng Hải sầm uất. Họ đã ở đó để thiết lập mối quan hệ đối tác làm ăn mới trước sự chứng kiến của những người có tiếng tăm trong giới, bao gồm cựu huấn luyện viên của Chelsea và Real Madrid và hiện đang cầm quân tại Tottenham, Jose Mourinho, Trong bữa ăn còn có sự góp mặt của các ông chủ từ những câu lạc bộ lớn tại Lục địa Già.
Mendes và Guo, đồng sáng lập một quĩ đầu tư Trung Quốc có tên Fosun, tuyên bố họ sẽ thành lập một công ty để mở rộng thị trường bóng đá ở Trung Hoa Đại Lục, giúp các cầu thủ xây dựng sự nghiệp một cách vững chắc. Nhưng đó mới chỉ là một phần của kế hoạch.
Điều mà hai bên không tiết lộ khi đó hoặc kể từ thời điểm đó, là họ cũng dự tính tạo ra một mạng lưới các câu lạc bộ và học viện ở châu Âu để phục vụ việc mua và bán cầu thủ. Mendes và Guo sẽ trao đổi thông tin qua email hoặc những bài thuyết trình nội bộ với độ bảo mật tuyệt đối. Một mạng lưới như vậy sẽ giúp nhà đầu tư lách lệnh cấm mua “cổ phần” của các cầu thủ và giao dịch chúng qua lại. Với sự chung tay của những siêu đại diện hàng đầu như Mendes, giao dịch như vậy có thể thu lại lợi nhuận, nếu không thì có thể hỗ trợ các câu lạc bộ kém danh tiếng hơn.
Theo một bài thuyết trình nội bộ từ năm 2015, Fosun tin tưởng chắc nịch rằng giao dịch và đại diện cầu thủ, chính là mảng duy nhất đem lại lợi nhuận bền vững trong ngành công nghiệp bóng đá.
Tập đoàn Fosun, bao gồm một loạt các tổ chức do Guo và hai người đồng sáng lập quản lý và kiểm soát, được định giá hơn 10 tỷ USD, sở hữu nhiều tài sản hữu hình đồ sộ và hoành tráng, từ khu nghỉ mát Club Med đến những cơ ngơi hoành tráng tại New York. Năm 2016, họ đặt ra tham vọng táo bạo vào nền công nghiệp bóng đá đầy màu mỡ. Tháng 8 cùng năm, một nhà phân tích làm việc cho Fosun đã gửi email cho đối tác kinh doanh thân cận của Mendes, Luis Correia, nội dung như sau: “Mục tiêu của chúng tôi là cùng anh xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh trong thế giới bóng đá toàn cầu, với các cấp độ câu lạc bộ và cơ sở đào tạo khác nhau… Tôi tin rằng cùng nhau chúng ta có thể thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ của tập đoàn ở mọi giải đấu lớn.”
Một mục đích lớn là tạo ra mạng lưới hoàn hảo để xác định những cầu thủ tiềm năng có thể phát tiết sau này để kiếm lời. Một email từ vị giám đốc điều hành của Fosun vào năm 2016 đã mô tả việc đầu tư và kinh doanh vào các cầu thủ là “phần sinh lợi nhất của hoạt động kinh doanh trong ngành bóng đá.”
Fosun, Guo, Mendes và Correia đã không trả lời bất kỳ bình luận nào.
Đầu tư vào các tài năng là một nước cờ đầy tính toán và vô cùng khôn ngoan vì nó mang lại lợi nhuận gấp bội so với việc sở hữu các câu lạc bộ. Đây là điều mà những nhà nghiên cứu lâu năm về môn thể thao vua đúc kết qua nhiều năm. Nhưng đó cũng là một mô hình kinh doanh bị đa số cổ động viên, quan chức và giới chủ câu lạc bộ kịch liệt chỉ trích và phản đối. Họ cho rằng điều đó sẽ chỉ khiến tiền chảy nhiều hơn vào túi giới đại diện và nhà đầu tư tài chính, những kẻ chỉ quan tâm đến lợi ích duy nhất và sẽ không đoái hoài gì đến những cảm xúc chân thật của cổ động viên chân chính, sự sôi động trên các khán đài mà người hâm mộ đã bỏ tiền túi ra để đến sân.
Ivo Belet, một thành viên Bỉ của quốc hội châu Âu, người dành sự quan tâm đặc biệt đến việc quản lý trong bóng đá, cho biết mối quan hệ trên mức thông thường giữa giới đại diện và đội bóng là “mối đe dọa lớn nhất đối với bóng đá ở châu Âu và nó cần được xem xét kỹ càng, cẩn thận hơn.”
Ông cũng nói rằng tính toàn vẹn của sự cạnh tranh trong môn thể thao vua đang bị đe dọa nghiêm trọng khi có nhiều mối liên hệ nhập nhằng giữa cầu thủ, đại diện và chủ sỡ hữu của các đội, và EU cần “tiếp tục gây áp lực” lên các cơ quan quản lý bóng đá để tăng tính minh bạch trong các giải đấu.
Ông tiếp lời “Những mối quan hệ đó… chúng đều là những mối đe dọa lớn đối với sự toàn vẹn của nền bóng đá.”
Cơ quan quản lý bóng đá mong muốn rằng việc chuyển nhượng cầu thủ giữa các câu lạc bộ nên là thúc đẩy và tăng cường sự cạnh tranh và giúp các đội giành danh hiệu, chứ không phải nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận cho giới đầu tư tài chính.
Didier Quillot, giám đốc điều hành của cơ quan quản lý bóng đá Pháp, Ligue de Football Professionel cho biết: “Bóng đá là một ngành kinh doanh giải trí và không nên là một ngành kinh doanh tài chính”. Tựu chung lại, ông muốn nêu rõ quan điểm rằng chúng ta phải tránh “giao dịch quá mức của cầu thủ”.
Theo quy luật tự nhiên, mỗi cầu thủ đều được mua đi và bán lại bởi từng câu lạc bộ. Nếu ai đó ngoài câu lạc bộ có phần trăm trong “quyền kinh tế” của một cầu thủ, thì điều này được gắn mác là “quyền sở hữu của bên thứ ba”. Cánh báo chí ở Bồ Đào Nha và Anh đã đưa tin trong hai thập kỷ qua rằng Gestifute của Mendes có cổ phần trong hàng tá cầu thủ “sao số”.
Mendes luôn giữ kín và không công khai bất kỳ chi tiết nào về vấn đề này. Nhưng các tài liệu mà Reuters theo dõi đều chỉ ra quyền sở hữu bên thứ ba của siêu cò người Bồ đã vượt xa hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Công ty quản lý Gestifute đã nắm giữ cổ phần của hơn 50 cầu thủ hàng đầu vào cuối năm 2015, theo một hợp đồng đã ký với Fosun.
2. Bằng phương thức nắm giữ cổ phần các cầu thủ, Mendes đã tăng cường sức ảnh hưởng của mình và đạt được lợi ích cá nhân khi những cầu thủ này được các câu lạc bộ mua và bán. Ví dụ, vào tháng 7 năm 2014, Gestifute đã thâu tóm 40 % cổ phần của một cầu thủ trẻ vô danh có tên
Diogo Jota từ Pacos de Ferreira, đội bóng có qui mô khiêm tốn có trụ sở gần Porto. Chàng trai 17 tuổi này khi đó mới chập chững bước vào con đường chuyên nghiệp của mình và Gestifute mua lại số cổ phần trên với giá siêu hời là 35.000 euro, theo một hợp đồng mua bán.
Jota nhanh chóng phất lên trở thành một ngôi sao đầy tiềm năng và vào tháng 3 năm 2016, Atletico Madrid, một trong những ông lớn có máu mặt nhất Tây Ban Nha, đã chiêu mộ anh với giá khoảng 6,4 triệu euro. Số cổ phần của Gestifute qui đổi thành 2,5 triệu euro, theo các email và hóa đơn. Các đại diện khác được hưởng 20 % số tiền chuyển nhượng. Cuối cùng, đội bóng chủ quản của cầu thủ Pacos de Ferreira chỉ nhận được 40 % lợi nhuận.
Pacos de Ferreira xác nhận rằng vụ chuyển nhượng của Jota “đã khép lại” và họ tin rằng đó là mức giá tốt nhất trong thời điểm đó. Tất cả các bên liên quan đều không trả lời bất cứ bình luận nào được yêu cầu.
Trong số những người nhìn ra lợi thế của Mendes và các mạng lưới quan hệ dày đặc của ông có Fosun. Tháng 10 năm 2014, tập đoàn đã tiếp cận và đề nghị hợp tác, với ý tưởng rằng Fosun sẽ cung cấp vốn và Mendes sẽ lựa chọn các dự án bóng đá mà cả hai bên có thể cùng đầu tư. Tất cả các email trao đổi đã nêu ra rõ ràng luận điểm trên.
Cháu trai của Mendes là Correira tỏ ra vô cùng hào hứng với viễn cảnh trên. “Theo ý kiến của cháu thì đó là một thương vụ làm ăn vô cùng béo bở,” anh email cho Mendes vào ngày 31 tháng 10 năm 2014.
Một bài thuyết trình nội bộ của Fosun giữa các giám đốc điều hành vào tháng 11 năm 2014 đã phác thảo các kế hoạch của tập đoàn. Một slide có tiêu đề “xây dựng một đế chế kinh doanh bóng đá toàn diện” cho thấy sơ đồ tổ chức được phân chia rõ ràng và rành mạch giữa một doanh nghiệp “Phi Trung Quốc” và một “thực thể Trung Hoa”. Doanh nghiệp không thuộc Trung Quốc sẽ bao gồm Gestifute, nơi hoạt động được mô tả là “Chia sẻ quyền kinh tế của các cầu thủ”.
Khi hai bên thảo luận về quan hệ ràng buộc, Fosun tỏ thái độ ngưỡng mộ vô cùng với Mendes. Môt bài thuyết trình nội bộ diễn ra vào tháng 9 năm 2015 bằng tiếng Trung do một nhà phân tích của Fosun chuẩn bị đã chỉ ra sức mạnh của những người đại diện trong kinh doanh. “Mendes đã vượt qua tầm ảnh hưởng kinh doanh của người đại diện bóng đá thông thường. Ông ấy thực sự đã gián tiếp tham gia và điều khiển hoạt động nhiều đội bóng ở các giải đấu lớn ở châu Âu dựa trên sức mạnh của sự phụ thuộc vào khả năng đàm phán siêu phàm và toàn bích trong các giao dịch của mình. Điều đó cũng giúp ông ta có thể đưa huấn luyện viên và cầu thủ về những câu lạc bộ được chỉ định, do đó có thể kiểm soát hoàn toàn sự nghiệp của họ và tạo ảnh hưởng lâu dài và mạnh mẽ lên lãnh đạo câu lạc bộ bằng cách cung cấp đầy đủ dịch vụ cho các cầu thủ.”
Một tháng sau đó, trong bản thuyết trình khác của Fosun chỉ ra rằng, với nhiều câu lạc bộ đang vật lộn để về mức hòa vốn, các hoạt động kinh doanh như Mendes chính là “cơ hội duy nhất” để tận hưởng lợi nhuận bền vững trong chuỗi ngành.”
Công ty mẹ của Gestifute, Start SGPS, có thu nhập ròng 25,1 triệu euro vào năm 2015. Đó là con số chỉ kém 10 câu lạc bộ bóng đá châu Âu, theo dữ liệu do cơ quan quản lý UEFA tổng hợp.
Tháng 9 năm 2015, hội đồng quản trị của Fosun đã đồng ý mua lại 15 % cổ phần của Start SGPS. Guo và các đối tác của ông đã đồng ý trả khoảng 42 triệu euro (48 triệu đô) cho số cổ phần trên, định giá tập đoàn ở mức gần 280 triệu euro và có quyền tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên 37,5 % theo thời gian.
“Bingo!!!!!!!!,” Correira đã viết trong một email gửi Mendes và Carlos Osorio de Castro, một luật sư của Gestifute kiêm giám đốc công ty mẹ, khi anh ta đón nhận được thông tin Fosun đã đồng ý tiến hành thương vụ.
Vào thời điểm thỏa thuận Fosun-Gestifute được tiến hành, Mendes đã công khai về tham vọng của các đối tác ở thị trường Trung Quốc. “Tôi rất vinh dự được đóng góp một phần công sức vào dự án này và có thể giúp bóng đá Trung Quốc trở thành một cường quốc,” siêu cò người Bồ phát biểu trong một thông cáo báo chí.
Như thường lệ, Mendes và Gestifute vẫn kín như bưng về mối quan hệ với Fosun hoặc quyền sở hữu kinh tế của cầu thủ. De Castro cũng từ chối bình luận và cho rằng nội dung các câu hỏi của Reuters là “trắng trợn dựa trên thông tin thu được thông qua một cuộc tấn công mạng mang tính phạm pháp của các hacker vào nguồn dữ liệu đặc quyền.”
Tuy nhiên, xảy ra một vấn đề với mô hình kinh doanh của Mendes và tầm nhìn đầy vĩ mô của Fosun. Vào năm 2012, cơ quan quản lý của châu Âu về bóng đá, UEFA, đã cho biết quyền sở hữu của bên thứ ba có khả năng bóp méo sự cạnh tranh và thu lợi bất chính từ môn thể thao vua; nhận thấy điều không ổn sẽ xảy đến, tháng 5 năm 2015, FIFA, đã áp đặt một qui tắc mới nhằm chấm dứt hoạt động này. Theo đó, các hợp đồng hiện tại có cổ phần của bên thứ ba vẫn có thể tiếp tục cho đến khi hết hạn, nhưng nghiêm cấm câu lạc bộ và cầu thủ tham gia vào dạng hợp đồng như vậy trong tương lai.
Không có sự đăng ký công khai về quyền sở hữu của bên thứ ba, khiến đa số chúng ta vẫn coi đó là khái niệm mập mờ, không thể biết hết mức độ phổ biến của hoạt động này; và ảnh hưởng của chủ sở hữu bên thứ ba cũng vô cùng tinh vi. Một số hợp đồng trước năm 2015 đã qui định rằng một câu lạc bộ sẽ phải bỏ tiền túi ra mua lại quyền sở hữu của cầu thủ từ bên thứ ba nếu họ từ chối phí chuyển nhượng béo bở từ một câu lạc bộ khác. Theo một số chuyên gia, những thỏa thuận như vậy có thể đẩy một câu lạc bộ rơi vào hoàn cảnh bắt buộc phải ngậm ngùi bán một cầu thủ quan trọng mà họ muốn giữ lại.
Các quan chức tin rằng chỉ có chính các cầu thủ và câu lạc bộ mới có ảnh hưởng đến điểm đến và thời điểm một cầu thủ chuyển nhượng. Và một số tổ chức đại diện của cầu thủ, bao gồm FIFPRO World Players’Union, cho biết quyền sở hữu bên thứ ba được kiểm soát bởi người đại diện, hoặc các thỏa thuận tương tự, đã tạo ra động lực cho họ định hướng các tài năng trẻ chấp nhận những vụ chuyển nhượng vì lợi ích của người đại diện chứ không phải cầu thủ.
Chủ sở hữu câu lạc bộ và quan chức bóng đá cũng cảm nhận việc kiếm lợi nhuận phi pháp của các nhà đầu tư tài chính đã gây tổn hại đáng kể cho các câu lạc bộ có qui mô nhỏ hơn, vốn dĩ họ thường dựa vào nguồn thu từ việc bán các ngôi sao đang lên như Jota hay Fabinho để có thể tái đầu tư, phát triển những thế hệ tài năng lớp lang và kế cận, thường là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tháng 1/2015, Mendes lên tiếng phản đối lệnh cấm của FIFA, phản bác lại rằng quyền sở hữu của bên thứ ba sẽ giúp tăng giá trị chi phí cho cầu thủ, đồng thời giúp các câu lạc bộ nhỏ hơn có khả năng tiếp cận được những cầu thủ tốt hơn so với tiềm lực tài chính của họ.
Bằng cách này hay cách khác, lệnh cấm cũng không cản trở được tham vọng của Fosun. FIFA đã ngăn chặn nhà đầu tư bên thứ ba. Nhưng không có gì cấm cản được tập đoàn Trung Quốc lách luật bằng cách mua một câu lạc bộ, nơi có thể tự do sở hữu quyền kinh tế của cầu thủ mà không khiến họ vi phạm bất kỳ lệnh cấm nào.
Ban đầu, Fosun cân nhắc thâu tóm Espanyol, một câu lạc bộ ở Tây Ban Nha, và các lựa chọn khác ở Bồ Đào Nha hoặc Italia. Các email đều cho thấy Fosun muốn nghe lời khuyên của Mendes về những giao dịch tiềm năng này và đề xuất Mendes quản lý hoặc trực tiếp đầu tư vào Espanyol. Không có triển vọng nào được phát triển, Reuters cũng không thể xác định được lý do. Phía Espanyol cũng không đưa ra lời bình luận nào.
Tuy nhiên, Fosun vẫn kiên quyết muốn làm việc với Mendes. “Nếu Fosun thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào với một câu lạc bộ bóng đá thì đó chỉ là vì lợi ích tương lai của liên minh giữa chúng ta thôi,” Jeff Shi, người đứng đầu bộ phận truyền thông của tập đoàn, viết trong một email cho Correia vào tháng 8 năm 2015.
(còn nữa)
Dịch từ: https://www.reuters.com/investigates/special-report/soccer-files-fosun/?