Sau thời cực thịnh của một Serie A đầy toan tính, La Liga bất ngờ nổi lên trong khoảng một thập niên trở lại đây với nhiều mảng miếng chiến thuật mới mẻ và thành công. Trong số đó, juego de posicion của Barcelona và 4-4-2 định hướng phản công của Atletico Madrid là những minh chứng điển hình nhất.
|
James Rodriguez và McManaman, những người cùng khổ |
Real Madrid cũng không nằm ngoài quy luật chuyển mình mạnh mẽ của La Liga. Zidane lên nắm quyền, chuyển 4-2-3-1 của Carlo Ancelotti về 4-1-2-3 với Casemiro là hình tượng đại diện tiêu biểu, gián tiếp tước đi đất diễn của James Rodriguez. Nhìn cái bóng số 10 với chiếc kèo trái "khéo nhất trong số 48 cái chân ở đội Một Real Madrid" chật vật tìm lại mình ở khu vực giữa sân, người ta lại bất giác nhớ đến bi kịch của Steve McManaman ngày nào. James hay McManaman cũng như nhau, đều là những nạn nhân tội nghiệp bị gạt ra cho những toan tính thốt nhiên thay đổi mà không báo trước ở Bernabeu.
TỪ CÁI ĐIỆN THOẠI KHÔNG ĐỔ CHUÔNG Ở RIZ CARLTON
Liverpool những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước rất đẹp mắt, rất rực lửa nhưng lại không no nê danh hiệu như khi Kenny Dalglish hay Kevin Keegan còn thi đấu. Với công thần như Steve McManaman, việc anh chán chường với chỉ một FA Cup và một League Cup trong 4 năm tại Anfield và thèm muốn những chân trời mới là điều hoàn toàn dễ hiểu. Khi bản hợp đồng của chàng tiền vệ sinh năm 1972 với đội chủ sân Anfield chỉ còn 2 năm, Barcelona nhảy vào với lời đề nghị trị giá 12 triệu bảng. Mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió, McManaman khăn gói bắt chuyến bay sang Tây Ban Nha trong niềm hi vọng mới mang tên La Liga.
Tại sân bay El Prat, McManaman cứ chờ và chờ mãi phái đoàn của Barca đến đón mà không thấy. Trong sự thắc mắc xen lẫn bực mình, anh bắt taxi về khách sạn Riz Carlton gần đó và chờ đợi một cuộc gọi. Thế nhưng, chiếc máy của tiền vệ người Anh chỉ rung lên khi người thân gọi điện, tuyệt nhiên không thấy bất kì lời nào được bắn ra từ phía Camp Nou. Khi vẫn đang chờ đợi, McManaman nhận được tin sét đánh ngang tai: Barca lấy lại 12 triệu bảng đang đặt trên bàn đàm phán với Liverpool và chiêu mộ Rivaldo để thay thế. Thật khó tưởng tượng chuyến bay của McManaman về Merseyside đã khó khăn thế nào, chỉ biết rằng chàng trai người Anh như vỡ vụn vì ước mơ không thành, lại xen lẫn tủi hổ và "chỉ muốn chiếc máy bay đó biến mất mãi mãi". Nên nhớ giữa thời kì hậu The Beatles ấy, tiền vệ của Liverpool đang là đại diện tiêu biểu cả trên sân bóng và giới giải trí với bản hợp đồng kếch sù tài trợ bởi Armani. Bị đối xử theo cách ấy, từ thế đỉnh cao trọng vọng, anh gần như không có mặt mũi nào để nhìn các Kopites.
|
Việc khoác áo Real nằm ngoài dự kiến của McManaman |
Hoá ra Los Blaugrana đã không cần ngôi sao của The Kop từ đầu. Họ sẵn sàng biến anh thành con tốt thí để ép giá Rivaldo và biến Liverpool với những ý định thương lượng nghiêm túc thành trò hề. Hành động của Barca đã gây ra một loạt hiệu ứng domino sau đó mà chỉ Liverpool và McManaman phải gánh chịu. Tiền vệ mang áo số 7 sang Real Madrid bởi ở Merseyside, cú phốt Riz Carlton khiến anh bị coi như kẻ phản bội, trong khi Liverpool cũng không thu về nổi dù chỉ một đồng phí chuyển nhượng vì gia hạn hợp đồng là nước đi tối cho cả hai phía. Câu chuyện ấy đã cho thấy Tây Ban Nha là nơi người ta nói mua thì chưa chắc đã có ý định mua, và bóng đá phải là kinh doanh, là chính trị, là khôn khéo.
Mà khi đã mua về, các đội bóng chưa chắc đã sử dụng cầu thủ trong thời gian quá nửa thời hạn hợp đồng. Lại một lần nữa cái tên McManaman phải được đưa ra, bởi dù anh có giành được 8 chiếc cúp trong 4 năm ở Bernabeu đi nữa, thì thời gian rực sáng thực sự của tiền vệ tấn công này chỉ cùng lắm là hơn 2 mùa giải.
ĐẾN QUÃNG ĐƯỜNG THÀNH CÔNG DANG DỞ Ở MADRID
Đầu tiên phải khẳng định ngay, nói Macca thất bại ở Bernabeu là hồ đồ.
8 cú volley đẹp như tranh vẽ. Vẫn dốc bóng, bứt tốc, chồng biên ở cánh trái, vẫn tạt chuẩn như đặt, vẫn sút như tiền đạo. Macca và Redondo thời ấy như đòn bẩy và vật thể bẩy, số 6 đỡ, số 8 tung hoành, hai chàng trai như thể thiên thần với khán giả và hung thần với đối phương. Cánh phải của các đội bóng thi đấu trước Los Blancos như nát vụn, còn tuyến giữa của họ thì gãy đôi. Cho tới lúc này, McManaman vẫn là một trong những cầu thủ người Anh hiếm hoi thành công khi xuất ngoại. Owen, Woodgate hay là cả Beckham cũng không thể đạt được tầm của McManaman nếu nói về sự bùng cháy trên sân bóng. Pele đã từng nói McManaman ở Bernabeu là cầu thủ hay nhất thế giới.
|
Những ngày Macca tung hoành trong màu áo trắng |
Thế nhưng đó chỉ là mảng sáng của bức tranh tối. Đến Raul Gonzalez cũng còn phải nói thẳng thế này: “Phòng thay đồ ở Real thực sự như một đống đổ nát, với những nghi kị, tranh cãi và bất hoà. Trên sân chúng tôi vẫn là đồng đội, nhưng trong những hoạt động khác, cả đội chỉ là những cá thể rời rạc. Nếu McManaman nghĩ rằng anh ấy đang đến với đội bóng lớn nhất châu Âu thì chắc anh ấy đã nhầm”. Quả vậy, dù có đến 2 Champions League và 2 La Liga, nhưng đâu phải vô cớ mà tiền vệ tài hoa này vẫn luôn thấy đắng cay cho 4 năm ấy.
Ngoài những rắc rối trong một phòng thay đồ rời rạc, McManaman còn từng bước trở thành một cầu thủ dự bị xuyên suốt 4 năm, với cường độ đá chính dần ít đi qua mỗi mùa. Lý do chẳng liên quan gì đến chuyên môn cả, mà là bởi Florentino Perez ra tranh chức Chủ tịch Real Madrid, đồng thời hứa hẹn với các Madridistas rằng sẽ mang Luis Figo về với Bernabeu. Khi ông trùm ngành xây dựng đắc cử, Vicente Del Bosque không có lựa chọn nào khác ngoài dùng tiền vệ người Bồ Đào Nha và đẩy McManaman lên ghế dự bị. Trong thời gian tiền vệ người Anh chống cằm phóng ánh nhìn xa xăm ra khoảng sân nơi Figo đang tung hoành và nuôi trong lòng quyết tâm chiến đấu cho một vị trí chính thức, thì người chiến hữu Fernando Redondo thậm chí đã bị bán đi một cách không thương tiếc.
Năm 2002, trong một cuộc khảo sát các CĐV của Real Madrid, có tới 90% trong số họ muốn cầu thủ xuất sắc nhất mùa trước của họ ở lại. 8 lời đề nghị bay đến với Florentino Perez về trường hợp của tiền vệ người Anh, trong số những “người xếp hàng” có cả Manchester United, Inter Milan và Bayern Munich. Những con số ấy quá đủ để cho chúng ta thấy mỗi khi được ra sân, McManaman vẫn hay đến mức nào và nhiệt huyết ra sao. Rất hiếm khi một cầu thủ không phải người bản địa được các Madridistas yêu mến đến thế. McManaman đã thu phục cả 4 khán đài Bernabeu bằng sự đáng mến, tinh thần cống hiến vô hạn, khác hẳn với lối sống vội vã thời còn ở Anfield.
|
Sự nghiệp Macca nhanh chóng lụi tàn trong màu áo Man City |
Những chiếc cúp Primera Liga và Champions League hào nhoáng không đủ rực rỡ ánh bạc để che mờ đi sự thật rằng Macca sẽ trở thành vật thí mạng cho thế hệ Galacticos 1.0. Không được ra sân thường xuyên, phong độ của số 8 giảm hẳn và thảm hoạ thực sự đổ xuống đầu Macca khi anh bị loại khỏi danh sách tuyển Anh dự World Cup 2002. Có bao giờ người ta đặt câu hỏi rằng nếu như McManaman được thi đấu vào năm đó, liệu tuyển Anh có đầu hàng trước người Brazil dễ đến thế? Liệu rằng những pha nước rút và dứt điểm dứt khoát bên cánh trái sẽ lại được tái hiện để đưa thế trận về cân bằng sau cú đá phạt thần thánh của Ronaldinho? Liệu Macca có tự tin trở lại và đá hay hơn trong màu áo Manchester City về sau đó, thay vì ngồi dự bị?
Mái tóc bồng bềnh không còn bay trong khán đài rợp cờ trắng, những bước chạy đã không còn bao giờ được tái hiện trên sân cỏ nước Anh nữa. 31 tuổi là quá trễ để McManaman bắt đầu lại với nửa xanh thành Manchester.
VÀ TƯƠNG LAI CỦA JAMES …
Steve McManaman và James Rodriguez mất vị trí theo hai cách không giống nhau: một người phải đi vì chính sách của giới chủ, người còn lại không có chỗ trong sơ đồ mới của HLV. Tuy nhiên, điểm chung là lỗi không thuộc về họ khi cả hai phải dành những năm tháng đẹp nhất đời cầu thủ trên ghế dự bị tại Bernabeu. McManaman vẫn kết liễu Valencia trong trận Chung kết Champions League, James vẫn đủ khả năng để vẽ lên một đường cong để Morata hạ sát Sporting Lisbon.
|
Tương lai nào cho James Rodriguez ở Bernabeu? |
Nhưng như thế là chưa đủ. Trước Villarreal, Modric được cho nghỉ; kết quả là Real đứt mạch 16 trận thắng liên tiếp tại La Liga, với một James Rodriguez không thực sự hiệu quả ở khu vực giữa sân. Đó là lúc mà người ta nhận ra rằng ngay cả khi đã nỗ lực hết mình, James dường như vẫn quá lạc lõng trong đội hình của Real Madrid. Ngay cả khi được HLV Zidane lên tiếng khen ngợi sau màn trình diễn trước Sporting, cơ hội cho James vẫn là quá mong manh. Kroos và Modric vẫn đang thi đấu tốt, và thậm chí Isco cũng sẵn sàng ở bên ngoài đường biên.
Năm 2002, McManaman suy sụp với một tủ trưng bày danh hiệu vô hồn. Năm 2005, tiền vệ người Anh giải nghệ trong lặng lẽ. James Rodriguez có lẽ chưa tới mức bị dồn nén đến gần sụp đổ giống McManaman, nhưng có lẽ số phận của anh cũng đang đi theo vết xe đổ của người tiền bối. Họ đã từng được kỳ vọng sẽ là những vì tinh tú trong Dải ngân hà, nhưng cuối cùng lại chỉ như những ngôi sao băng cắt ngang bầu trời đêm.
Và liệu đến một ngày nào đó, các Madridistas sẽ lại nhớ tới những siêu phẩm khó tin của người con Nam Mỹ giống như họ đã từng nhớ những pha xé gió của chàng trai Ăng-lê ngày nào chăng?
TEDDY(TTVN)