Haaland và Nunez có thể mở ra thời kỳ tái sinh vai trò tiền đạo trung tâm?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 13/08/2022 15:47(GMT+7)

Zalo

Các trung phong không quan trọng. Trên thực tế, đội bóng của bạn thậm chí có thể sẽ chơi tốt hơn khi không có họ. Ít nhất, đó dường như là một trong những bài học đằng sau sự thống trị gần đây của Manchester City và Liverpool tại Premier League.

hanu
 

Hiện nay, có rất nhiều khác biệt giữa cách thức tạo nên sự thống trị trên sân đấu của 2 đội bóng mạnh nhất nước Anh. Liverpool không ngừng chạy; còn Man City xây dựng vị thế của mình bằng cách chạy ít hơn. Liverpool biến những hậu vệ cánh của mình thành các tiền vệ tấn công; còn với Man City, toàn đội đều là các tiền vệ tấn công. Liverpool thổi bay bạn khỏi sân đấu như thể bão tố; Man City nghiền nát bạn với một hệ thống chi tiết đến từng phân tử. 

Tuy nhiên, đội bóng của Pep Guardiola và đội bóng của Jurgen Klopp mang một điểm chung: Cả hai đều không có tiền đạo trung tâm. Man City đã ghi 99 bàn, và Liverpool ghi 94 – nhiều thứ 6 và thứ 9 trong lịch sử giải đấu – mà không có một cầu thủ đảm nhận vai trò trung phong đóng góp phần lớn trong số bàn thắng đó. Với sự áp đảo mà cả 2 đội tạo nên được trên sân đấu, thật khó để nói rằng họ đã “vượt khó” thành công để có thể sống tốt mà không có sự phục vụ của một mẫu cầu thủ cổ điển. Thay vào đó, sẽ nghe có lý hơn khi bảo rằng, Manchester City và Liverpool chơi hay đến vậy là vì họ không sử dụng trung phong trong đội. 

Sau đó, mùa giải 2021-22 kết thúc và 2 CLB đều gần như ngay lập tức chi hơn 140 triệu đô la để ký hợp đồng với 2 tiền đạo trung tâm cao lớn, mạnh mẽ là Erling Haaland của Borussia Dortmund và Darwin Nunez của Benfica. Vậy, chuyện gì đang xảy ra? Trong khi cả 2 CLB đều đã đi tiên phong trong một xu hướng chiến thuật, phải chăng họ đang sắp tạo nên xu hướng tiếp theo.    

CÁI CH.Ế.T CỦA CÁC TIỀN ĐẠO TRUNG TÂM

Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng nhìn nhanh qua lịch sử của bóng đá hiện đại. Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, có những cầu thủ đá trung lộ, có những cầu thủ đá cánh phải và những cầu thủ đá cánh trái. Để nâng độ tỉ mỉ chi tiết lên cao hơn, bạn có thể chia những cầu thủ đá trung lộ thành những cầu thủ đá trung lộ lệch trái và những cầu thủ đá trung lộ lệch phải. Với cách triển khai này, nhân sự đã được phân bố đồng đều trên khắp sân đấu ở 3 hoặc 4 khu vực.  

Trong môi trường chiến thuật này, các trận đấu thường được quyết định bởi kẻ có thể kiểm soát trung lộ. Cụ thể hơn, là kẻ có thể kiểm soát khu vực mà các HLV gọi là “Zone 14”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, số đường chuyền vào và từ zone 14 có mối tương quan rất lớn với các trận thắng. Năm 1998, Zinedine Zidane đã giành được Quả Bóng Vàng nhờ những màn trình diễn của ông ở rìa vòng cấm. Một năm sau, Rivaldo, một số 10 người Brazil đã xé toang các đối thủ từ Zone 14 và cũng được trao danh hiệu đó. 

Haaland và Nunez có thể mở ra thời kỳ tái sinh vai trò tiền đạo trung tâm 1
 

Từ góc độ đội phòng ngự, họ sẽ đối phó với điều này bằng cách tăng cường thêm 1 tiền vệ ở Zone 14. Trong những năm khoảng 2005, các nhà cầm quân như Rafa Benitez và Jose Mourinho đã hy sinh một cầu thủ tấn công để làm điều đó, nhưng sự hy sinh này sẽ chẳng gây tổn hại đáng kể với họ. Khi các đối thủ nôn nóng đẩy cao đội hình lên trên, đội của họ có thể khai thác những khoảng trống lộ ra phía sau hàng thủ đối phương trong các pha phản công chỉ với 2 hoặc 3 cầu thủ tấn công của mình. 

Giải pháp cho điều này đã được đưa ra, theo những cách khác nhau, bởi Guardiola và Klopp (và những người khác nữa). Cả 2 vị HLV đều công khai thể hiện sự nhấn mạnh của mình đối với “half-space” (hành lang trong) – khu vực nằm giữa cánh và trung lộ của sân đấu, có thể khiến hậu vệ cánh và trung vệ đối thủ rơi vào trạng thái lưỡng lự. Chúng ta đã được thấy những cái tên lừng lẫy nhất của thời đại tạo nên vị thế thống trị của mình từ khu vực này: Cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều đã trở thành những tay săn bàn áp đảo phần còn lại của thế giới mặc dù họ xuất phát từ các vị trí đá cánh. Những cầu thủ tấn công đá cánh đã trở thành “vua của mọi nghề”, bởi vì rất khó để liên tục tạo ảnh hưởng lên các trận đấu ở trung lộ đông đúc của khu vực 1/3 cuối sân đối thủ.  

Cuối cùng, cả Klopp và Guardiola đều đã loại bỏ hoàn toàn các tiền đạo trung tâm của họ, ưu tiên những sự lựa chọn cơ động hơn, những cầu thủ có thể hỗ trợ cho quá trình triển khai bóng, tấn công khung thành từ những khu vực không thể đoán trước và nhử các hậu vệ rời khỏi Zone 14. Sự tiến hóa dường như đã lên đến đỉnh điểm ở mùa giải vừa qua, với một Man City không trung phong và một Liverpool không trung phong thống trị Premier League ở một mức độ phi lý.

Tuy nhiên, không chỉ có 2 CLB này. 

Mùa giải trước tại Premier League, có 2 cầu thủ đã cùng chia sẻ vị trí số một của cuộc đua Chiếc Giày Vàng: Mohamed Salah của Liverpool và Son Heung-min của Tottenham, mỗi người ghi được 23 bàn. Họ còn có một điểm chung khác: Cả hai đều không phải tiền đạo trung tâm. 

Dưới đây là bản đồ nhiệt thể hiện các khu vực chạm bóng của Salah ở Premier League:

Haaland và Nunez có thể mở ra thời kỳ tái sinh vai trò tiền đạo trung tâm 2
 

Còn tiếp theo là của Son:

Haaland và Nunez có thể mở ra thời kỳ tái sinh vai trò tiền đạo trung tâm 3
 

Đây là những cầu thủ chạy cánh đã có được hàng loạt cơ hội dứt điểm bên trong vòng cấm sau khi di chuyển cắt vào phía trong từ biên để sử dụng chân thuận của họ - hoặc chân “khỏe hơn”, trong trường hợp thuận cả hai chân như Son. Nếu loại trừ các quả penalty, Son có 23 bàn, còn Salah là 18, và đứng thứ ba giải đấu là Sadio Mane (16 bàn), một cầu thủ chạy cánh trái đã trở thành “trung phong” trong suốt giai đoạn 2 của mùa giải, nhưng trên thực tế đã được tự do di chuyển đến bất kỳ nơi nào mà anh muốn:

Haaland và Nunez có thể mở ra thời kỳ tái sinh vai trò tiền đạo trung tâm 4
 

Đứng sau, có 4 cầu thủ cùng được ghi nhận số pha lập công là 15, bao gồm: Kevin De Bruyne của Man City (một tiền vệ tỏa sáng với vai trò số 9 ảo); Diogo Jota của Liverpool (một cầu thủ nhỏ con, sẵn sàng nhiệt tình pressing và linh hoạt, di chuyển khắp hàng công); Jamie Vardy của Leicester; và Ronaldo của Manchester United. Quả thực quá hợp lý, trong khi 2 cái tên sau cùng đều thi đấu theo hướng tiền đạo trung tâm truyền thống, độ tuổi của họ lần lượt là 35 và 37, và trong khi họ đều ghi được một số lượng lớn bàn thắng ở mùa giải trước, cả hai đều không thể giúp đội bóng của mình tiệm cận được với những kỳ vọng trước mùa giải. 

Tiếp theo là Harry Kane của Tottenham (13 bàn), một trung phong đã ngày càng lùi sâu hơn và tác động đến các trận đấu với khả năng chuyền bóng của mình trong 2 mùa giải qua. Còn ở mốc 12 bàn, chúng ta có Jarrod Bowen của West Ham, một cầu thủ chạy cánh phải, và James Maddison của Leicester, một tiền vệ tấn công. Và ở mức 11 bàn không tính penalty, cầu thủ duy nhất có thành tích này ở Premier League mùa giải trước là Raheem Sterling của Man City (mùa giải này đã chuyển sang chơi cho Chelsea), một cầu thủ chạy cánh khác.

Nếu bạn sử dụng một trung phong truyền thống ở Premier League mùa giải 2021-22, một trong hai điều sau đây đã xảy ra: (1) Anh ta không ghi được nhiều bàn thắng, (2) đội của bạn chơi không quá tốt.

VÀ MÙA GIẢI 2022-23 LÀ THỜI ĐIỂM DÀNH CHO SỰ TÁI SINH

Khi không có nhiều tiền đạo trung tâm, hoặc các “tiền đạo trung tâm” trên danh nghĩa không làm những điều mà một tiền đạo trung tâm điển hình thường làm, bối cảnh đó cũng ảnh hưởng đến cả nhiệm vụ phòng ngự của cuộc chơi nữa. Trong khi nhiệm vụ của một trung vệ trong quá khứ là “dọn dẹp” những quả tạt và “áp sát” trung phong đối thủ – ngăn cản bóng đến chân họ, không cho phép họ xoay người – thì giờ đây nó đã khác đi hoàn toàn. 

Nhiệm vụ của một trung vệ hiện đại là theo dõi mọi động thái di chuyển từ các góc độ khác nhau, triệt tiêu những tuyến đường chuyền bóng của đối thủ và kiểm soát các khoảng trống hơn là một cầu thủ cụ thể. Có lẽ đòi hỏi thể chất theo nghĩa “tôi sẽ đè sấp mặt / húc văng hắn ta” ở vị trí này đã ít hơn, nhưng yêu cầu về sự nhanh nhẹn và tốc độ lại được đẩy mạnh hơn. Thời của những cuộc đấu 1 chọi 1 đã kết thúc; giờ đây các trung vệ cần phải để tâm đến cả đối thủ đá trung lộ, các đối thủ ở 2 cánh, những cầu thủ có thể bất thình lình xâm nhập vào vòng cấm, và thậm chí đôi khi là một trong các hậu vệ cánh của đối phương bất ngờ lao đến cột xa hoặc xuất hiện ở hành lang trong. 

Trong khi các cầu thủ hiện đại đang có kỹ năng tốt hơn và toàn diện hơn bao giờ hết, thì trung vệ có lẽ là vai trò ít được công nhận nhất trong tất cả các vai trò, so với cách đây 15 hay 20 năm.  

Ngoài việc phải thực hiện các tính toán ở tốc độ cao khi phải bảo vệ vòng cấm, các đội bóng pressing tầm cao đã đặt ra yêu cầu cho các trung vệ của họ phải đảm đương gần như một nửa sân đấu. Và cũng “nhờ” sự nổi lên của các đối thủ pressing tầm cao, những cầu thủ này còn phải sở hữu khả năng kiểm soát / xử lý bóng thật tốt; nếu không, họ sẽ liên tục để mất bóng và có thể dẫn đến những hậu quả rất tai hại. Và nếu họ không bị pressing, họ phải giúp đội mình phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối thủ bằng cách tham gia vào các giai đoạn triển khai bóng kiên nhẫn hơn.

Haaland và Nunez có thể mở ra thời kỳ tái sinh vai trò tiền đạo trung tâm 5
 

Những đội bóng như Liverpool và Manchester City có đủ khả năng để ký hợp đồng với số ít hậu vệ trên thế giới có thể làm tất cả những điều này, mà cũng chính họ là những kẻ tạo nên cái bối cảnh đã đề ra các yêu cầu đó. Vậy, tại sao phải thay đổi?

Trở lại năm 2013, Sir Alex Ferguson đã chia sẻ với tạp chí Harvard Business Review về cách ông duy trì thành công trong thời gian dài tại Manchester United. “Tôi tin rằng chu kỳ của một đội, nhóm thành công sẽ kéo dài khoảng 4 năm và sau đó cần có một số thay đổi,” ông nhận định. “Vì vậy, chúng tôi đã cố hình dung ra hình ảnh đội bóng trong 3-4 năm tới và đưa ra những quyết định phù hợp.”

Cả Guardiola và Klopp đều đã gắn bó với đội bóng của mình ít nhất 7 năm, và giai đoạn thành công mà họ đạt được đã kéo dài khoảng 5 năm. Rõ ràng là họ đã tạo nên những đội bóng hùng mạnh nhất giải đấu. 

“Bởi vì tôi đã ở Man United trong một thời gian dài, tôi có đủ khả năng để lên kế hoạch trước, Ferguson khẳng định. “Tôi đã rất may mắn về mặt đó.” Guardiola và Klopp cũng đã tự tạo nên tình huống tương tự cho chính họ; hiện tại không đối thủ nào tại giải đấu thực sự cho thấy khả năng bắt kịp đội bóng của họ, vậy nên họ cũng có thể lên kế hoạch trước. 

Mặc dù những mức phí chuyển nhượng phải trả để ký hợp đồng với Haaland (60 triệu Euro) và Nunez (75 triệu Euro) hiển nhiên gắn liền với kỳ vọng tỏa sáng ngay lập tức, nhưng đồng thời cả hai chàng trai trẻ này cũng là các khoản đầu tư cho tương lai. Khuynh hướng của hồ sơ hậu vệ hiện đại đang chuyển sang những cầu thủ nhỏ con hơn, nhanh nhẹn hơn và kỹ thuật hơn, và khả năng cao khuynh hướng đó sẽ tiếp diễn. 

Bạn đoán được loại cầu thủ nào là khắc tinh của những hậu vệ kiểu này không? Chính là những trung phong khổng lồ, thể chất tuyệt vời, tốc độ cao như Haaland và Nunez. 

Haaland và Nunez có thể mở ra thời kỳ tái sinh vai trò tiền đạo trung tâm 6
 

Hiện tại, trước khi hoàn toàn ăn khớp với hệ thống mới tại đội bóng mới, có thể Nunez sẽ chủ yếu giúp Liverpool kiếm được nhiều điểm số hơn trước các đội top 4 hoặc những đội bóng tương đồng sử dụng mẫu trung vệ hiện đại được đề cập. Và có lẽ những bước chạy dũng mãnh vào vòng cấm của Haaland sẽ chủ yếu giúp Man City khai thác khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương hiệu quả hơn.

Hoặc có lẽ cả hai sẽ ngay lập tức bùng nổ mạnh mẽ trước mọi thể loại đối thủ, vì các đối thủ của họ đã phải dành quá nhiều nguồn lực để ngăn chặn lối đá sở trường của Liverpool và Man City. Dù bằng cách nào, Man City và Liverpool hiện đang sở hữu những cầu thủ, về lý thuyết, có thể mở đường cho chu kỳ thống trị tiếp theo của họ tại Premier League – và cả 2 “chàng trai vàng” này đều đã có những màn “chào sân” hoành tráng với bóng đá Anh (Haaland lập một cú đúp trước West Ham, còn Nunez cũng đã có pha lập công đầu tiên ngay trong lần đầu ra sân ở Premier League).

Đầu tiên, Liverpool và Man City tạo ra xu hướng. Sau đó, họ lại tiếp tục đảm bảo rằng mình sẽ là những kẻ đầu tiên tìm ra cách khai thác các nhược điểm của nó. 

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow