Sau tháng Hai bão táp với một chuỗi kết quả tệ liên tiếp, Chelsea đang có một tháng Ba rực rỡ, đá 3 trận thắng cả 3. Trận sau thắng đậm hơn và thuyết phục hơn trận trước, từ 1-0 Leeds đến 2-0 Dortmund và mới nhất, 3-1 trên sân Leicester.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
|
Có nhiều cơ sở để lý giải cho sự hồi sinh của The Blues.
Trước hết, đó là việc HLV Graham Potter áp dụng trở lại mô hình back-3 qua sơ đồ chiến thuật căn bản 3-4-2-1.
Thứ hai, sự trở lại của các trụ cột sau chấn thương, đặc biệt là cặp cánh Reece James - Ben Chilwell.
Thứ ba, dấu ấn sắc nét của tân binh Joao Felix, trong các mảng miếng triển khai bóng và tấn công.
Những màn trình diễn tốt của trung vệ Fofana hay việc Cucurella ổn định ở vị trí trung vệ lệch trái, là các chi tiết quan trọng khác làm nên những màn trình diễn tốt gần đây của The Blues.
Nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa Chelsea toàn thắng 3 trận gần nhất với một "Màu Xanh" ảm đạm ở chuỗi trận trước đó phải là Kai Havertz.
Havertz đã ghi bàn trong 2 thắng lợi gần nhất của Chelsea, điều anh không thể làm được kể từ... cuối tháng Mười năm ngoái, với các pha lập công vào lưới Salzburg và Brighton.
Nhưng điều mà TĐP chúng tôi muốn đi sâu vào phân tích trong bài viết này, không chỉ là chuyện Havertz đã ghi bàn đều chân trở lại, mà là những đóng góp tuyệt đối quan trọng của anh ở một vai trò tương đối mới, trong sơ đồ 3-4-2-1 của Chelsea-Potter.
Đầu tiên, cần phải khẳng định luôn: Havertz trong các trận đấu vừa qua, đặc biệt là trước Dortmund và Leicester, đã không còn đá "số 9" nữa.
Đây là vị trí trung binh của Chelsea trong trận thắng Dortmund 2-0 và chúng ta có thể thấy Sterling (số 17) mới là cầu thủ đá cao nhất và Havertz (số 29) chơi ngay phía sau tiền đạo người Anh.
Còn đây là bản đồ chuyền bóng và vị trí trung bình của Chelsea trong trận thắng Leicester 3-1, tính đến phút 52, thời điểm Potter thực hiện những quyền thay người đầu tiên. Dễ dàng thấy, Kai vẫn chơi thấp hơn Joao Felix (số 11) một chút và lệch hẳn về cánh phải.
Tiếp tục chúng ta hãy nhìn kỹ một chút đồ họa phác thảo các điểm chạm bóng của Kai trước Dortmund. Anh hoạt động khá rộng, nhưng khu vực chủ yếu vẫn là ở nửa trục sân bên phải, đặc biệt là hành lang trong lệch phải bên phần sân đối phương.
Còn đây là bản đồ nhiệt đính kèm bản độ đánh đấu các điểm chuyền bóng tịnh tiến của Kai trong Chelsea hạ Leicester 3-1. Rất rõ ràng, đó là một Kai chơi tương đối sâu, và các hoạt động với bóng của anh chủ yếu là ở bên phải.
Như vậy, chúng ta cơ bản đã có thể chốt được vai trò của Havertz trong hệ thống 3-4-2-1 của Chelsea-Potter những trận vừa qua: đó là một cầu thủ tấn công xuất phát ở phía xa khung thành, lệch về bên phải.
Các nhiệm vụ cụ thể của Kai trong vai trò này gồm:
+ Làm cầu nối giữa tuyến sau và hàng công, thông qua việc tích cực lùi sâu về nửa phần sân nhà nhận bóng và thực hiện các đường chuyền sáng tạo lên phía trên cho 2 đối tác tấn công của anh.
+ Tích cực khai thác khoảng trống phía sau mũi nhọn cao nhất của đội (Sterling trước Dortmund và Felix hoặc Mudryk trước Leicester) để thực hiện các tình huống late-run tiếp cận, xâm nhập box dứt điểm.
Rõ ràng, khi xuất phát ở 1 khu vực rộng, không ở quá gần vòng 16m50 đối phương, Kai hoàn toàn thoải mái để phô diễn bản thân.
Có rất nhiều ví dụ từ 2 trận thắng gần nhất của Chelsea, cho thấy Potter dường như là đã tìm ra được một cơ chế để khai thác hết tiềm năng của ngôi sao người Đức.
Phút thứ 8 trận Chelsea vs Dortmund, từ 1 tình huống tranh chấp thành công của Koulibaly, bóng đến vị trí của Sterling. Trong thế quay lưng với khung thành Dortmund, Sterling xử lý khéo léo, ghim 2 hậu vệ áo vàng và nhả lại cho Felix.
Cầu thủ người Bồ Đào Nha ngay lập tức thực hiện 1 đường bấm bóng bổng qua đầu hàng thủ đội khách và Havertz, người có vị trí xuất phát thấp nhất trong bộ ba bứt tốc, thoát xuống và dứt điểm. Cú sút của Kai đi chệch cầu môn Dortmund trong gang tấc, nhưng phải thừa nhận bài phối hợp tam giác và chiêu third-man run giữa bộ ba Kai-Sterling-Felix đã được thi triển rất bén ngọt.
+ Có một tình huống khác cho thấy “một Kai xuất phát từ xa, chạy chỗ thông minh, chiếm lĩnh khoảng trống sau lưng Sterling và ăn bóng 2” có thể đem đến lợi ích rõ ràng như thế nào ở cuối hiệp 1 trận Chelsea thắng Dortmund.
Đó là pha bóng mà Joao Felix lùi về nửa phần sân nhà, nhận đường chuyền xuyên tuyến tốt từ Cucurella, vượt qua Suler và phóng 1 đường bóng bổng cho Sterling thoát ra phía sau hàng thủ Dortmund, dứt điểm. Bóng bị thủ môn Meyer cản phá bật tới vị trí của Kai sát mép vòng 16m50. Pha dứt điểm của Kai dội mép dưới xà ngang khung thành Dortmund và đánh bại hoàn toàn Meyer.
Bàn thắng không được công nhận vì Sterling đã việt vị trí trước đó, nhưng nó là minh chứng cho thấy tam giác Havertz-Sterling-Felix đã liên kết tuyệt vời trong mọi giai đoạn triển khai bóng, tấn công và dứt điểm.
+ Pha bóng dẫn tới tình huống Chilwell đá bóng trúng tay hậu vệ Wolf mang về quả phạt đền và Havertz thực hiện thành công (ở lần thứ 2) cũng khởi phát từ một Kai, lùi sâu, nhận bóng ở nách phải và sau đó phát triển một pha tấn công sắc nét.
Ở hình ảnh dưới đây, chúng ta hãy chú ý động tác tay của Kai ra dấu cho James tiến lên. Những bước di chuyển của James buộc Emre Can phải dõi theo wingback phải Chelsea và Havertz tận dụng tối đa vùng không gian đã được mở ra đó, để tung ra 1 đường chuyền sắc nét cho Sterling ở vị trí thoáng gần zone 15.
Sterling xử lý gọn gàng, đẩy bóng sang nách trái cho Chilwell đang tiến lên cực thoáng và những diễn biến sau đó chính là điều chúng tôi đã nhắc ở trên.
Tại King Power, chúng ta cũng được chiêm ngưỡng một Kai như thế, trong nhiều mảng miếng tấn công từ cánh phải của Chelsea. Đỉnh nhất là tình huống ở phút thứ 25, khi Kai nhận bóng ở khu vực hành lang trong lệch phải ở khu vực 1/3 giữa sân.
Trước khi Kai đưa ra quyết định, cả Mudryk và Felix đều đã vào thế sẵn sàng bứt tốc ra phía sau hàng thủ dâng cao của Leicester. Ở đây, Kai có đủ không gian và thời gian để lựa chọn giữa 2 phương án: hoặc đẩy bóng xuống theo trục dọc cho Mudryk hoặc phóng 1 đường chuyền bổng tầm xa cho Felix.
Kai chọn phương án 2 và anh thực hiện nó bằng 1 đường chuyền chuẩn từng cm. Felix tiếp bóng bước 1 tốt, dứt điểm chất nghệ, nhưng bóng lại đập cột dọc khung thành Danny Ward.
Ngay cả khi Kai không chạm bóng, thì những bước off-ball thông minh của anh ở khu vực hành lang trong lệch phải cũng đem lại giá trị lớn cho những miếng đánh của đội nhà.
Chúng ta có thể thấy điều đó ở tình huống tấn công của Chelsea phút 34, khi Mudryk kéo trái bóng từ vòng tròn giữa sân, xuyên thẳng vào hàng thủ Leicester.
Khi Mudryk chuyển hướng đi bóng, đâm vào khu vực hàng lang trong lệch phải, Kai đã thực hiện những bước chạy cực kỳ thông minh, vòng vào trong và điều này tạo ra 2 lợi ích:
+ Hút 2 đến 3 cầu thủ phòng ngự áo xanh về phía mình để mở ra lane chuyền ra nách phải cho Mudryk.
+ Tạo ra đường băng thông thoáng cho wingbac phải Loftus-Cheek tiến lên.
Mudryk chuyền cho Cheek và Cheek thực hiện pha crossing sắc lẹm 1 chạm kiến tạo cho Felix ghi bàn. Bàn thắng không được công nhận vì lỗi việt vị của Felix nhưng ý tưởng và cách thức triển khai trong pha bóng này, với những dấu ấn thầm lặng mà đem đến giá trị cao của Kai là rất rõ ràng.
Việc được hoạt động tương đối tự do, trong kết cấu hàng công 3 người đều là những cầu thủ off-ball tốt, giúp Kai phát huy tối đa thế mạnh "khai thác khoảng trống" của anh. Thứ được thể hiện sắc nét trong bàn nâng tỉ số lên 2-1 của Chelsea tại King Power.
Trong pha bóng này, chúng ta phải dành lời khen cho 4 cầu thủ, bao gồm Enzo Fernandez – tác giả của đường chuyền siêu hạng, bước chạy của Mudryk để kéo Faes ra khỏi vị trí, bước off-ball ngược về của Felix để gây rối khả năng phán đoán cả các hậu vệ Leicester và tất nhiên, những chuyển động tinh tế của Kai.
Kai ban đầu là người TĨNH NHẤT trong bộ 3 tấn công Chelsea trước những động tác với bóng của Enzo, nhưng khi tiền vệ người Argentina khựng lại 1 nhịp và vào thế chuyền, Kai lập tức ĐỘNG. Và đó chính là cái ĐỘNG tại ra sự khác biệt. Xoay người chuyển thế gọn gàng, tấn công vào điểm mù sau lưng Souttar.
Đường sục bóng bổng qua đầu hàng thủ Leicester của Enzo, bước chạy chỗ của Kai. Mọi thứ đều khớp nhịp và một pha quăng chân trái nhẹ nhàng của Kai là đủ để đánh bại thủ thành Danny Ward.
Trước Dortmund, Kai thực hiện tới 10 đường chuyền tịnh tiến bóng, nhiều gấp đôi bất kỳ cầu thủ nào và nó là bằng chứng cho thấy anh đã làm tốt vai trò "cầu nối" của một cầu thủ tấn công tích cực thả sâu, khai thác khoảng trống và thực hiện các đường chuyền sáng tạo.
Trước Leicester, Kai dù là cầu thủ tấn công chơi thấp nhất nhưng anh chính là người chạm bóng trong vòng 16m50 Leicester nhiều nhất (5 lần), đồng thời cũng là cầu thủ tạo ra tổng bàn thắng kỳ vọng cao nhất (0.74 xg), chiếm phân nửa xg toàn đội (1.49).
Havertz tỏa sáng khi được đặt vào một bệ phóng phù hợp. Chiến thắng trở lại với Chelsea và Potter vượt qua giai đoạn trắc trở nhất. Với một Kai đã được “unlock”, Chelsea-Potter chắc chắn sẽ còn đáng xem hơn nữa trong phần còn lại của mùa giải này.
*Bài viết có sử dụng tư liệu và hình ảnh từ nguồn The Athletic, StatsBomb, Whoscore