Gerd Muller: "Vua dội bom" vĩ đại, hiệu quả và không cần hoa mỹ

Tác giả CG - Thứ Hai 16/08/2021 13:34(GMT+7)

Zalo

Gerd Muller đã ra đi và không còn bị bệnh tật giày vò. Nhưng ở trên thiên thường, ông có thể mỉm cười mãn nguyện vì di sản mà mình để lại cho lịch sử bóng đá.

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild vào tháng 11 năm ngoái, bà Uschi, vợ của Gerd Muller, cho biết ông dành gần trọn 24 tiếng mỗi ngày ở trên giường và chỉ thỉnh thoảng mới mở mắt tỉnh dậy.
 
"Thật tuyệt mỗi khi anh ấy mở mắt ra một chút. Đôi khi anh ấy cố gắng nói 'có' hoặc 'không' bằng mắt mình. Nhìn anh ấy thật bình yên. Tôi không nghĩ anh ấy đang chịu đau đớn và dần dần đi qua thế giới bên kia trong chính giấc ngủ của mình", bà Uschi bày tỏ. Muller đã mắc Alzheimer suốt 6 năm trước khi đến với đội bóng của Chúa vào ngày hôm qua. Muller đã có một sự nghiệp hiển hách, nhưng thật buồn khi những năm tháng cuối đời chính ông lại dần quên đi chính những vinh quang của bản thân.
 
Song, không gì có thể xóa bỏ những di sản của De Bomber (Vua dội bom) trong lịch sử bóng đá Đức và thế giới. Ký giả Graham Hunter đã viết như thế này trên Twitter khi hay tin Muller qua đời: “Vua dội bom. Ông đã dạy cho tất cả mọi người phải sợ ông”. Muller là chân sút số một trong lịch sử Bayern Munich, chân sút xuất sắc nhất lịch sử Bundesliga. Suốt một thời gian dài, ông là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử đội tuyển Đức trước khi bị Miroslav Klose vượt qua.

Gerd Muller: Không cần hoa mĩ để vĩ đại
Gerd Muller vô địch World Cup 1974 cùng Tây Đức. Ảnh: Bayern Munich
 
Sau 49 năm, kỷ lục số bàn thắng trong một mùa giải Bundesliga của ông đến tận mùa giải trước mới bị Robert Lewandowski xô đổ. Trước đó, vào năm 2012, Lionel Messi mới là người đầu tiên vượt qua kỷ lục số bàn thắng ghi được trong một năm dương lịch của “Vua dội bom”. Trong khi đó, kỷ lục về số lượng bàn thắng tại các kỳ World Cup của Muller tồn tại suốt 32 năm trước khi bị Ronlado Nazario phá. 

Hãy nhớ, Ronaldo cần tới 3 kỳ World Cup trong khi Muller chỉ tham dự 2 kỳ World Cup để ghi 14 bàn thắng (trong đó tại World Cup 1970 ông đã ghi tới 10 bàn). Muller từ giã đội tuyển quốc gia ngay sau World Cup 1974 khi mới 31 tuổi và hoàn toàn có thể tham dự giải đấu 4 năm sau. Muller giỏi nhất là ghi bàn, và ông ghi bàn một cách hiệu quả nhất. 
 
Ký giả Henry Winter so sánh Muller như một chiếc máy bay tàng hình, ông biết góc độ và biết mình cần phải chạy theo hướng nào để thoát khỏi người kèm mình, tung ra một cú dứt điểm trong vòng 16m50. Muller tự nhận xét về lối chơi của mình rằng ông “có bản năng biết khi nào hàng phòng ngự sẽ lơi lỏng hay khi nào hậu vệ mắc sai lầm”. Đó là bản năng của một kẻ săn bàn đáng sợ. Cũng vì rất nhiều bàn thắng được ghi lạnh lùng, đơn giản và không cần lãng mạn, hoa mĩ mà ông được mệnh danh là “Vua dội bom”. 
 
Trong cuốn “Brillian Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football”, tác giả David Winner đã miêu tả Gerd Muller như sau: “Tiền đạo nguy hiểm bậc nhất trong thời đại của anh và có lẽ là cả bất cứ thời nào khác. Muller thấp, trông hơi vụng về và không quá nhanh. Anh ấy không hề giống với hình dung về một cầu thủ bóng đá xuất sắc, tuy nhiên anh có khả năng bứt tốc kinh hoàng trong đoạn ngắn.
 
Đôi chân ngắn giúp Muller có trọng tâm thấp, vì vậy anh có thể xoay sở rất nhanh, giữ thăng bằng hoàn hảo ở một tốc độ có thể khiến những người khác ngã nhào. Và anh nổi tiếng vì khả năng ‘đánh cắp’ những bàn thắng tưởng như không thể”.

Gerd Muller: Không cần hoa mĩ để vĩ đại
Gerd Muller ghi bàn trong trận chung kết World Cup 1974. Ảnh: Bayern Munich
 
Trận chung kết World Cup 1974 là một trong những màn trình diễn kinh điển của bóng đá thế giới. Đội tuyển Hà Lan đã mở tỷ số ngay từ phút thứ hai trên chấm 11m mà không hề cho Tây Đức chạm bóng một lần nào. Nhưng cuối cùng, Tây Đức vẫn là đội bóng lên ngôi, một phần vì sự chủ quan của người Hà Lan. Huyền thoại Johnny Rep nói: “Chúng tôi muốn trêu đùa người Đức. Chúng tôi không nghĩ đến điều đó nhưng lại hành động như thế, cứ chuyền bóng qua lại. Chúng tôi quên ghi bàn thắng thứ hai. Khi bạn xem băng hình trận đấu, có thể thấy người Đức rất tức giận. Đó là lỗi của chúng tôi. Mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu Tây Đức là những người ghi bàn ở phút đầu tiên”.

Song, không thể vì thế mà phủ nhận sự nỗ lực của người Tây Đức. Họ có một thế hệ tài năng với Sepp Maier trong khung gỗ, “Hoàng đế” Franz Beckenbauer đầy tinh tế, Hans-Georg Schwarzenbeck và Paul Breitner tốc độ và linh hoạt. Nhưng mũi nhọn nguy hiểm nhất là Muller trên hàng công. 
 
Phút 25, Breitner gỡ hòa cho Tây Đức trên chấm 11m. Đến phút 43, Muller trở thành người hùng đất nước với bàn thắng mang về cúp vàng. Rainer Bonhof dốc bóng bên phải và căng ngang vào giữa. Cú chạm của Muller khiến bóng bật ra sau, nhưng ông đã phản ứng rất nhanh: lùi lại, vung chân và sút bóng về góc xa trong khi thủ thành Jan Jongbloed đứng chôn chân. Khả năng giữ thăng bằng tuyệt vời giúp Muller thực hiện chuỗi động tác này một cách rất nhanh và liền mạch. Người theo kèm ông là Ruud Krol hoàn toàn bất lực trong việc truy cản. 
 
Pha bóng đó là minh chứng cho thấy Gerd Muller là một sát thủ trong vòng cấm địa. Suy cho cùng, với một tiền đạo, ghi một bàn thắng đẹp và ngoạn mục như thế nào cũng không quan trọng bằng việc anh ta đã ghi bàn. Bạn chơi tốt, nhưng không có bàn thắng, bạn cũng không thể giành chiến thắng. Bàn thắng ấy có thể đơn giản, không màu mè, không cầu kỳ và lãng mạn, nhưng đủ để giúp đội bóng thắng lợi. Cố HLV Helmut Schon của đội tuyển Tây Đức gọi Muller là “cầu thủ của những bàn thắng nhỏ” vì ông ít khi cố gắng sút xa, tìm cách ghi những siêu phẩm. Nhưng suốt một thời gian, Bayern Munich và Tây Đức đã nương nhờ những “bàn thắng nhỏ” đó của Muller.

Gerd Muller: Không cần hoa mĩ để vĩ đại
Gerd Muller đã cùng Bayern Munich giành 3 cúp C1 liên tiếp. Ảnh: Bayern Munich
 
Năm 1964, Bayern Munich, lúc đó đang ở giải hạng Hai của Đức, chiêu mộ Gerd Muller từ TSV 1861 Nordlingen. Dù bị nghi ngờ vì ngoại hình không giống một cầu thủ, HLV Zlatko Cajkovski của gọi ông là “Muller béo mập” và “lực sĩ cử tạ”, nhưng tài năng của ông là phi thường. Mùa giải 1964/1965, ông ghi 33 bàn để giúp Bayern thăng hạng Bundesliga. 
 
Và sau đó là một kỷ nguyên thành công rực rỡ với 13 danh hiệu cùng Die Roten, trong đó có 4 chức vô địch Bundesliga và 3 cúp C1 liên tiếp. Với cá nhân Muller, ông là chủ nhân danh hiệu Quả Bóng Vàng, Chiếc Giày Vàng Châu Âu, 7 lần vua phá lưới của Bundesliga. Gert Trinklein. Cựu trung vệ Eintracht Frankfurt, chia sẻ: “Muller làm những điều mà không ai trên hành tinh này có thể làm nổi. Cách duy nhất để ngăn cản là khóa tay anh ấy lại”.
 
Giờ đây, Muller đã ra đi và không còn bị bệnh tật giày vò. Nhưng ở trên thiên thường, ông có thể mỉm cười mãn nguyện vì di sản mà mình để lại cho lịch sử bóng đá. Như “Hoàng đế” Beckenbauer khẳng định với các đồng nghiệp ở Bayern Munich rằng “Nếu không có Gerd Muller và những bàn thắng của anh ấy, ngày hôm nay chúng ta vẫn sống trong túp lều gỗ ở Sabener Strasse mà thôi”, chừng đó đủ để thấy tầm vóc của “Vua dội bom”. Đôi khi chúng ta không cần sự lãng mạn và hào nhoáng để trở nên vĩ đại.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?

X
top-arrow