Gary Neville: Gã “lèm bèm” yêu Man United

Tác giả Thế Trung - Thứ Sáu 18/02/2022 17:48(GMT+7)

Zalo

Có thể tôi là một kẻ nhiều lời. David Beckham từng nói tôi là một gã “lèm bèm”. Tôi cằn nhằn về mọi thứ nhưng tôi là một con người đáng tin cậy, ít nhất là với David. Đã có những thời điểm cậu ấy sẽ không tin tưởng bất kỳ ai khác ngoài bố mẹ cậu ấy, bố mẹ Victoria và tôi (hay bố mẹ tôi).

Gary Neville
 

Những ngày đầu tiên và những niềm hối tiếc
 

Ấn tượng đầu tiên của tôi thực ra là khi tôi đến khách sạn, nơi đóng quân của cả đội. Tôi chẳng thể nhớ nổi buổi tập đầu tiên diễn ra như thế nào nhưng tôi lại nhớ như in cái ngày trước khi United gặp Torpedo Moscow. Đó là trận ra mắt của tôi ở tuổi 17. Hôm đó, tôi tới khách sạn. Midland là một trong những khách sạn cổ kính cũng như nổi tiếng nhất ở Manchester và chưa bao giờ tôi có điều kiện để trải nghiệm nơi đó cả. Tôi và gia đình từng đi nghỉ ở Blackpool, Fleetwood hay Tenerife (Tây Ban Nha) nhưng chưa khi nào tôi được ở trong một khách sạn lớn đến vậy.
 
Rồi, ông ấy (Sir Alex) nói rằng tôi sẽ ở trong danh sách dự bị. Ông ấy cũng đã liên lạc để đưa bố mẹ tôi đến xem trận đấu. Tôi còn nhớ mình đã ra sân khởi động và thầm nghĩ: “Chắc là sẽ chẳng được vào sân đâu”. Nhưng khi trận đấu còn 3 phút, tôi được thay vào và có một lần chạm bóng từ một quả… ném biên. Trên đường về nhà, bố tôi cực kỳ xúc động. Với tôi, khoảnh khắc đó dẫu rất bình thường nhưng lại có ý nghĩa quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi.
 
Sir Alex luôn biết cách trò chuyện với bạn nhưng ông ấy không bao giờ nói theo kiểu đao to búa lớn. Ông ấy luôn làm mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn để tránh gây áp lực cho chính cầu thủ. Theo kiểu
 
-         Này Gary, tối nay tôi muốn cậu ra sân. Như thế ổn chứ?
-         Dạ vâng, em sẵn sàng. Cảm ơn Sếp!

Gary Neville
 
Tất cả chỉ có vậy. Với các cầu thủ trẻ, đôi khi càng nói nhiều, họ sẽ càng cảm thấy lo lắng và áp lực. Tôi còn nhớ cậu em Phil của tôi đã ra mắt đội bóng trong trận derby Manchester và Sir Alex chỉ thông báo cho cậu ấy biết vào đúng ngày trận đấu diễn ra. Nếu được thông báo trước đó vài ba ngày, đó sẽ là vài ba ngày dài đằng đẵng với vô vàn nỗi lo sợ và chẳng ai biết ảnh hưởng của nó sẽ như thế nào. Với Sir Alex, điều quan trọng nhất là giúp cho các cầu thủ thoải mái tâm lý và khiến họ cảm thấy rằng derby hay chung kết cũng chỉ giống như biết bao những trận đấu phải giành chiến thắng khác mà thôi.
 
Khi nói chuyện với hai cô con gái của mình, tôi luôn nói rằng điều đáng tiếc nhất trong sự nghiệp là không thể ghi nhiều bàn thắng hơn. Chúng luôn trêu chọc tôi rằng chỉ ghi vỏn vẹn 7 bàn trong tổng số 602 trận là một điều quá kém cỏi. Tôi thì chẳng quan trọng lắm nhưng đúng là tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Có những lúc tôi cần mạnh dạn hơn, mạo hiểm hơn, tập trung hơn. Tất nhiên, tôi sẽ chẳng thể nào ghi tới 100 bàn, đó là con số trong mơ, nhưng chắc con số cũng sẽ cải thiện hơn một chút.
 
Nghiêm túc mà nói, ĐTQG luôn luôn là điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất. Tôi đã không thể cùng ĐT Anh đi tới một trận chung kết nào chứ chưa nói tới việc giành danh hiệu. Tôi không nói rằng chúng tôi sẽ chiến thắng mọi giải đấu nhưng với chất lượng của những con người hồi đó, chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng giành danh hiệu.

Gary Neville
 
Chúng tôi luôn thiếu một điều gì đó vào những giây phút định mệnh. Sau mỗi thất bại, không thể nào tránh khỏi những giọt nước mắt trong phòng thay đồ nhưng cá nhân tôi thì chưa bao giờ khóc. Nhưng cảm giác tồi tệ vô cùng khi rời khỏi sân và biết rằng mọi cố gắng trong 2 năm vừa qua đã đổ sông đổ bể, biết rằng hàng vạn CĐV sẽ về nhà với nỗi thất vọng tràn trề. Cảm giác đó còn khủng khiếp hơn khi về tới khách sạn, gói gém hành lý và chia tay đồng đội – những người đã ở bên nhau trong hơn một tháng như một gia đình.
 
Còn với Manchester United, tôi đã tận hiến tất cả những gì mình có thể. Tôi thật sự cảm thấy như vậy. Không phải tôi tự cao đâu nhưng quả thực là tôi đã làm tất cả cho màu áo đỏ. Mà như vậy thì đâu có gì để hối tiếc.
“CLB của những người đàn ông” – sự khác biệt về thời đại
 
Tôi từng chứng kiến nhiều mối bất hòa giữa các đồng đội mà trong đó có cả tôi. Có một lần với Ruud Van Nistelrooy ở Middlesbrough. Tôi đã đi vào phòng thay đồ còn cậu ta thì nổi xung lên phía bên ngoài. Tôi đã tung ra một đường chuyền tệ còn Ruud, thay vì đuổi theo bóng, thì lại đứng đó cằn nhằn. Sau này, tôi có nói lại với cậu ấy rằng: “Lẽ ra cậu phải tiếp tục theo đường bóng chứ. Áp sát hậu vệ hay làm bất cứ thứ gì vì tôi cũng được. Đừng biến tôi thành thằng ngốc với đường chuyền như vậy”. Anh ấy muốn một quả bóng chuẩn mực hơn. Công bằng mà nói thì anh ấy đúng nhưng bạn luôn phải biến mọi điều tiêu cực trở thành tích cực nhất có thể.
 
Tôi không bao giờ để những cuộc tranh cãi đi quá xa với bất kỳ ai. Cá nhân tôi sẽ nhanh chóng để mọi thứ trôi qua và người khác cũng vậy. Thông thường, những cuộc tranh luận không nhất thiết cần phải được hòa giải.

Trong một đội bóng gần 30 người, có thể cầu thủ A sẽ không ưa cầu thủ B. Điều đó có nghĩa là họ sẽ không trò chuyện nhiều, không cùng nhau đi ăn tối hoặc thậm chí hoàn toàn không giao tiếp gì với nhau. Chẳng sao cả, miễn là không ảnh hưởng đến bầu không khí chung và thành tích của tập thể. Nhưng với tôi thì không thể. Tôi luôn muốn mình phải trò chuyện được với tất cả những người sẽ chơi bóng cùng nếu không tôi sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Tôi sẵn sàng là người xin lỗi trước. Tôi học được cách tha thứ, nhún nhường của một người đàn ông trưởng thành. Có thể tôi là một kẻ nhiều lời. David Beckham từng nói tôi là một gã “lèm bèm”.

Tôi cằn nhằn về mọi thứ nhưng tôi là một con người đáng tin cậy, ít nhất là với David. Đã có những thời điểm cậu ấy sẽ không tin tưởng bất kỳ ai khác ngoài bố mẹ cậu ấy, bố mẹ Victoria và tôi (cũng như bố mẹ tôi).
Dĩ nhiên, từng ấy năm ở United, cũng có một vài cái tên mà tôi cảm thấy rằng họ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đội bóng. Tôi không muốn đánh giá về mặt chuyên môn vì tôi cũng không đủ giỏi mà là về tinh thần hay về nguồn năng lượng tích cực.

Và may mắn là Sir Alex cũng có chung suy nghĩ với tôi. Ông ấy nhanh chóng để những người như vậy ra đi. Với những người còn lại, tôi luôn muốn được thân thiết với họ. Dù sao, tôi, em trai tôi, Giggsy, Scholesy, Butty và David, chúng tôi cùng nhau trưởng thành, cùng nhau lên đội một. Chúng tôi cần sự gắn kết như thế. Đến khi thế hệ của chúng tôi già hơn một chút thì tới Wayne Rooney, Patrice Evra, Ferdinand hay Vidic. Họ trở thành nguồn năng lượng mới trong phòng thay đồ vì họ trẻ trung hơn và bản lĩnh của họ là không thể xem thường. Chúng tôi biết vì chúng tôi nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đó.

Chúng tôi cũng như vậy 5, 6 năm về trước. Năng lượng từ những cầu thủ trẻ, ngọn lửa khát khao của họ, nhiệt huyết của họ chính là yếu tố quan trọng để duy trì phòng thay đồ. Nó giúp mỗi cá nhân đều muốn tới đó và hòa chung vào không khí tích cực ấy mỗi ngày.
 
Gary Neville
 

Miếng pizza của Fabregas và mối quan hệ với Jamie Carragher
 

Mọi người vẫn hay bàn tán về miếng pizza đó nhưng sự thật thì cũng chẳng có gì quá phức tạp. Hãy tưởng tượng trong đường hầm rất hẹp, khoảng 20 gã đàn ông đang bừng bừng nộ khí. Xung quanh họ là những âm thanh ầm ĩ của CĐV, tiếng cãi vã, những lời thách thức,… Và như mọi người đều biết, Fabregas bước ra ngoài với miếng pizza trên tay và cậu ta… ném nó đi. Bây giờ nghĩ lại thì đó là một hành động thật buồn cười nhưng tôi chẳng chỉ trích gì cậu ấy cả.

Với tôi, bóng đá nên như vậy. Bóng đá là cạnh tranh, là ganh đua, là tình yêu, là ghét bỏ. Tôi được lớn lên trong một thời kỳ mà bạn chẳng bao giờ ưa nổi đối thủ của mình trên sân bóng. Tại sao tôi lại phải thân thiện với họ trong đường hầm? Tại sao tôi lại phải bắt tay Peter Schmeichel khi anh ấy đã chuyển sang Man City? Tại sao tôi lại phải tỏ ra gần gũi với em trai mình khi cậu ấy đang ở trên sân với tư cách là đội trưởng của Everton? Các cầu thủ bây giờ có thể vui vẻ với nhau trước và sau trận nhưng thời của tôi thì không. Bạn có Sir Alex Ferguson là HLV trưởng, Roy Keane là đội trưởng và dưới anh ấy là một nhóm những cầu thủ cộm cán và “máu mặt”. Như thế là đủ rồi, chẳng cần phải “ưa thích” ai nữa cả.

Gary Neville
 
Chuyện với Jamie Carragher thì rắc rối hơn một chút. Sau khi giải nghệ, tôi tham gia vào lĩnh vực truyền hình. Tôi đã ở Sky trước anh ta hơn 2 năm và nếu tôi nói rằng “Tôi không muốn anh ta làm việc ở đây!” thì ý kiến của tôi sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của đài truyền hình. Tôi sẽ không bao giờ làm thế. Tôi không phải là người nhỏ mọn và tôi đủ trách nhiệm để mong muốn những gì tốt nhất cho nơi mình đang làm việc. Tôi muốn đài truyền hình có được đội ngũ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất và mang đến khán giả những chương trình chất lượng nhất.

Trong vòng một năm kể từ khi giải nghệ, tôi hoàn toàn thay đổi. Mọi tức giận, thù hận, cảm giác adrenaline dâng trào,… dường như đều biến mất. Khi còn thi đấu, bóng đá với tôi là nhiệm vụ, danh dự và niềm kiêu hãnh. Tôi chưa bao giờ coi bóng đá là niềm vui cả. Trước đây, mỗi khi thua trận, cả tuần đó với tôi sẽ là những ngày u ám. Còn bây giờ, khi United thất bại, tôi vẫn buồn, vẫn thất vọng, vẫn cáu gắt nhưng những cảm giác ấy sẽ tiêu tan chỉ sau vài giờ đồng hồ. Cũng có lẽ vì giờ đây tôi chẳng thể làm gì hơn cho đội bóng nữa rồi.
 
Nguồn tham khảo: Gary Neville – My Stories (LADbible)
 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

X
top-arrow