Sẽ còn cần chặng đường dài để Erik ten Hag có thể phục hưng lại sự vĩ đại của “Quỷ đỏ”. Nhưng có thể nói, những gì đang diễn ra ở đội bóng chủ sân Old Trafford lúc này cho thấy họ đã tìm được đúng người để lèo lái con thuyền qua cơn tăm tối.
Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. |
Kết thúc mùa giải 2016/2017, Groningen, AZ Alkmaar, Heerenveen và Utrecht phải bước vào loạt trận play-off để chọn ra một đội bóng duy nhất giành tấm vé tham dự vòng sơ loại thứ hai Europa League mùa giải 2017/2018. Các đội được chia thành 2 cặp đấu bán kết thi đấu theo thể thức lượt đi lượt về trước khi 2 đại diện góp mặt ở chung kết được tìm ra là AZ và Utrecht. Trận chung kết lượt đi khép lại với tỷ số 3-0 nghiêng về AZ trên sân nhà. Cơ hội dành cho Utrecht là rất nhỏ.
Một ngày trước trận chung kết lượt về, HLV trưởng của Utrecht là Erik ten Hag bỗng nhiên biến mất. Các cầu thủ không hề biết HLV của mình đi đâu khi trận đấu mang tính quyết định đang cận kề. Nhưng đến sáng Chủ nhật ngày trận đấu diễn ra, HLV người Hà Lan đã quay trở lại với toàn đội. Lý do đã được tiết lộ: Một ngày trước đó ông cần phải có mặt trong bệnh viện khi con trai đang bị chấn thương nặng sau một vụ tai nạn giao thông. Sau khi đã lo xong việc gia đình và tình hình của con trai đã ổn định, Ten Hag đã quay trở lại để chuẩn cho một thử thách khó khăn khác.
“Con trai tôi đã sống sót một cách thần kỳ sau vụ tai nạn ấy. Lúc này, tôi cũng muốn các cậu tạo nên một phép màu cho chính mình”, Ten Hag chia sẻ trong buổi họp đội. Nguồn động lực từ câu chuyện mà chiến lược gia người Hà Lan truyền tải đã phát huy tác dụng. Các cầu thủ Utrecht ghi liền 3 bàn trong 90 phút chính thức để đưa trận đấu trở về thế cân bằng trước khi giành chiến thắng trên chấm luân lưu. Thậm chí, Utrecht có thể đã không cần phải bước vào loạt luân lưu cân não nếu Sebastien Haller thực hiện thành công cú đá phạt đền ở phút 90.
Utrecht đã tạo ra “phép màu” như Ten Hag mong muốn. Từ đó, Ten Hag cũng có thêm những “phép màu”, hay nói chính xác hơn là những chiến tích vang dội, của riêng mình. Ông đưa Ajax lọt vào vòng bán kết Champions League với một lối chơi hấp dẫn, giúp Ajax đoạt 6 danh hiệu trong 4,5 năm nắm quyền, trong đó có 2 mùa giải Ajax đoạt cú đúp danh hiệu VĐQG và cúp Quốc gia. Giờ đây, ông đang có một sứ mệnh mới với hành trình đưa Manchester United vĩ đại trở lại sau những năm tháng chông chênh.
Những kết quả ấn tượng của Man United đến thời điểm hiện tại của mùa giải 2022/2023 đang mang tới nhiều hy vọng cho người hâm mộ “Quỷ đỏ”. Cần nhớ, Erik ten Hag mới chỉ đi qua hơn nửa mùa giải đầu tiên nắm quyền tại đội bóng chủ sân Old Trafford, đội bóng có thể sẽ phải trải qua những giai đoạn khó khăn về mặt kết quả.
Song, những màn trình diễn tích cực của Manchester United khiến người hâm mộ đội bóng có cơ sở để tin vào những gì ông cùng các cộng sự đang thực hiện, như cái cách ông từng tự tin chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt: “Tôi ngưỡng mộ cả Pep Guardiola và Jurgen Klopp, những đội bóng của họ chơi thứ bóng đá xuất sắc. Nhưng kỷ nguyên nào cũng sẽ phải kết thúc”.
Trong mắt nhiều người, Erik ten Hag có thể là một kẻ lạ lùng. Edwin van der Sar - CEO của Ajax - từng chia sẻ: “Đôi lúc tôi nghĩ ‘Anh thật là một kẻ kỳ dị’ nhưng quả thực những gì anh làm được đã vượt quá mọi sự kỳ vọng”. Nhân viên phụ trách trang phục của Go Ahead Eagles từng mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên không hiểu chuyện gì xảy ra khi ngay trong tuần đầu tiên nắm quyền tại đội bóng này, Ten Hag đã yêu cầu nhân viên đó phải xếp tất cả chai nước trên bàn cho thật thẳng hàng để nhìn thật chuyên nghiệp, trong khi trước đó cô vẫn luôn đặt các chai nước một cách lung tung.
Tuy nhiên, trong một nền văn hóa khuyến khích sự dân chủ và thể hiện bản thân như Hà Lan, những sự khác biệt có cơ hội để được thể hiện. Ngay từ nhỏ, Erik ten Hag đã là một người thích thể hiện quan điểm. Trong mắt những người bạn thuở nhỏ, Ten Hag là một cậu bé hiểu biết về bóng đá và luôn đặt câu hỏi cho các HLV.
Cũng chính Erik ten Hag năm 13 tuổi từng xuất hiện trên một chương trình talkshow trên truyền hình cùng Johan Cruyff. Khi huyền thoại người Hà Lan đặt câu hỏi: "Chuyện các huấn luyện viên thường la hét hay quát tháo là điều thường xuyên xảy ra. Phải chăng nó không xảy ra với các bạn à?", cậu bé Ten Hag năm ấy trả lời: "Cháu nghĩ chú nên để ý một chút khi huấn luyện trẻ thì không nên la mắng các cầu thủ quá nhiều, bởi nếu chuyện đó xảy ra thường xuyên chú có thể làm suy sụp một cầu thủ trẻ. Nhưng ở cấp cao hơn, ý cháu là kiểu như đội một của Ajax, chú nên làm điều đó vì chú có quyền làm những thứ đó với các cầu thủ. Các cầu thủ của đội một rèn luyện hầu như mỗi ngày với nhau. Nếu họ cứ mắc một lỗi tương tự, thì chú có quyền quát tháo họ khi tập luyện hoặc lúc thi đấu".
Sau này, sự thẳng thắn, không ngần ngại thể hiện quan điểm của mình được Ten Hag đưa vào chính công việc huấn luyện viên của ông. Ngày Erik ten Hag nhậm chức ở Manchester United, nhiều người nghi ngờ liệu ông có thể quản trị một phòng thay đồ với những cái tôi lớn, một trong số đó là Cristiano Ronaldo, hay không. Nhưng sau tất cả, chiến lược gia người Hà Lan dần thể hiện tầm ảnh hưởng lớn bằng chính sự công bằng của mình.
Khi Ronaldo bỏ về giữa chừng trong trận thắng của Man United trước Tottenham, siêu sao người Bồ Đào Nha sau đó đã bị kỷ luật nội bộ bằng cách gạch tên khỏi danh sách thi đấu ở trận tiếp theo và phải xuống tập cùng đội trẻ. Khi Marcus Rashford ngủ quên và đến một ở một buổi họp đội, anh phải ngồi dự bị ở trận đấu tiếp theo. Đầu mùa giải này, Alejandro Garnacho đến một ở hai buổi họp đội, anh cũng bị gạch tên khỏi danh sách đăng ký trong 4 trận.
Nền tảng cho một tập thể bền vững là sự công bằng. Với Ten Hag, từ ngôi sao lớn đến cầu thủ trẻ, tất cả đều được đối xử như nhau. Sir Alex Ferguson từng nói khoảnh khắc một cầu thủ Man United cho mình quyền lớn hơn HLV trưởng, đó là lúc anh ta phải ra đi. Dù chưa đến mức độ “bàn tay sắt” như tiền bối người Scotland, song, Ten Hag đang bắt đầu tạo dựng được tầm ảnh hưởng ở hậu trường bên cạnh những kết quả tích cực trên sân cỏ.
Song song đó, ông cũng sẵn sàng đồng hành cùng các cầu thủ. Khi Manchester United thua tan nát 0-4 trước Brentford đầu mùa giải, Ten Hag đã phạt các cầu thủ phải chạy đủ 8,5 dặm như một hình phạt cho thái độ thi đấu thiếu nhiệt huyết. Nhưng điều khiến Ten Hag nhận được sự tôn trọng từ các cầu thủ chính là việc ông cũng tham gia và hoàn thành đường chạy đó cùng cả đội.
“Đột nhiên, bạn ngoảnh lại sau lưng và thấy HLV trưởng cùng chạy với mình. Khi HLV cùng thực hiện hình phạt ấy, ông ấy cho chúng tôi thấy ông ấy cũng sẵn sàng cùng chịu trách nhiệm với kết quả không tốt đó. Ông ấy muốn chúng tôi hiểu toàn đội phải đoàn kết trong những khoảnh khắc thăng trầm”, Bruno Fernandes chia sẻ.
Sẽ còn cần chặng đường dài để Erik ten Hag có thể phục hưng lại sự vĩ đại của “Quỷ đỏ”. Nhưng có thể nói, những gì đang diễn ra ở đội bóng chủ sân Old Trafford lúc này cho thấy họ đã tìm được đúng người để lèo lái con thuyền qua cơn tăm tối.