Mái tóc tết độc đáo, bên cạnh cặp kính bảo hộ màu da cam “độc nhất vô nhị”, xen lẫn là những bước chạy không bao giờ ngừng nghỉ trên khắp các sân cỏ châu Âu. Trong quá khứ, mỗi lần bước ra sân thi đấu, là mỗi lần Edgar Davids trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý từ phía các CĐV trên khán đài bởi ngoại hình có phần kỳ lạ của mình. Mặc dù vậy, đằng sau vẻ ngoài dị biệt của một “chiến binh” trưởng thành từ đường phố, lại là một sự nghiệp vô cùng lừng lẫy nhưng cũng lắm nỗi thăng trầm đến khó hiểu của cựu danh thủ người Hà Lan này.
|
Edgar Davids Gã điên của thế giới bóng đá |
TỪ ĐỨA TRẺ BÊN KIA THẾ GIỚI
Sinh ra tại Suriname, một thuộc địa cũ của thực dân Hà Lan ở Nam Mỹ, cậu bé Edgar Davids cũng giống với rất nhiều cầu thủ đồng hương khác từng xuất thân ở vùng đất xa xôi này, như Ruud Gullit, Frank Rijkaard, Patrick Kluivert hay Clarence Seedorf chẳng hạn. Mặc dù đã chuyển tới Hà Lan sinh sống ngay từ năm 2 tuổi cùng gia đình, tuy nhiên phong cách chơi bóng của Edgar Davids chưa bao giờ đánh mất đi sự hoang dại cần thiết. Và rồi, chính những con phố nhỏ và chật hẹp nằm trong các khu ổ chuột Amsterdam đã trở thành trường học đầu tiên giúp chàng trai sinh năm 1973 này sớm nuôi dưỡng ước mơ sân cỏ.
Bản thân Edgar Davids, cũng thường tỏ ra hết sức tự nhiên mỗi khi được hỏi về nguồn gốc chẳng mấy làm “tự hào” của mình. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình cách đây vài năm, cựu tiền vệ Juventus từng chia sẻ về bí quyết giúp người dân Suriname đá bóng hay tuyệt, trước khi đóng góp cho nền bóng đá Hà Lan vô số danh thủ nổi tiếng.
|
Tôi cho rằng nguồn gene chính là yếu tố đã làm nên sự khác biệt. Việc sinh ra ở đâu không quan trọng. Hãy nhìn Seedorf, một người sinh ở Suriname và Kluivert, một người sinh ra tại Hà Lan mà xem, họ chẳng hề khác nhau là mấy, vấn đề nằm ở DNA của chúng tôi.
Edgar Davids |
|
.
Không màu mè và lãng mạn, từ vẻ bề ngoài cho đến lối chơi, Edgar Davids chính là hiện thân của một thứ bóng đá giàu năng lượng nhưng vẫn tràn đầy cảm xúc. Trong những năm tháng còn chơi bóng trên đường phố, cậu bé Davids luôn cố gắng rèn giũa cho mình hàng loạt kỹ năng cá nhân thượng thừa, trước khi tiếp tục thấm nhuần các triết lý chiến thuật ở học viện Ajax Amsterdam.
ĐẾN KẺ HỦY DIỆT NHỮNG “SỐ 10”
Thật khó để miêu tả trọn vẹn về phong cách thi đấu của Edgar Davids bởi trên thực tế, cựu ngôi sao người Hà Lan từng là một tiền vệ tương đối toàn diện. Mặc dù vậy, trong những năm tháng đỉnh cao của sự nghiệp, Davids vẫn thường được biết đến như một “cỗ máy” hoạt động không ngừng nghỉ ở khu vực giữa sân, sẵn sàng bóp nghẹt mọi đợt tấn công của đối phương. Khả năng tắc bóng dữ dội chẳng kém gì một “chiến binh” chính là thứ vũ khí tiên quyết khiến Edgar Davids trở nên vô giá trong mắt bất kỳ HLV nào vào thời điểm bấy giờ, từ Louis van Gaal, người từng dành tặng cho anh biệt danh “Pitbull” (chó điên) cho tới Marcello Lippi hay Carlo Ancelotti. Trong giai đoạn khoác áo Ajax, tiền vệ người Hà Lan đã cùng với Clarence Seedorf tạo nên cặp “sen đầm” trứ danh ở tuyến giữa, giúp cho đội quân của Van Gaal đoạt được 3 danh hiệu VĐQG, 1 Champions League, 1 UEFA Cup, 1 Siêu Cúp châu Âu và 1 Cúp Liên lục địa.
|
Davids trong những ngày sát cánh cùng Dennis Bergkamp ở Ajax |
Chia tay Ajax vào mùa Hè năm 1996, nhưng Edgar Davids đã khởi đầu không thực sự thành công tại Serie A trong màu áo AC Milan. Phải đến khi cầu thủ này quyết định gia nhập Juventus đúng một năm sau đó, sân Delle Alpi mới trở thành nơi đưa tên tuổi của Davids lên tầm cỡ thế giới. Dưới triều đại Marcello Lippi, chính lối chơi mạnh mẽ đến từ ngôi sao gốc Suriname đã giúp đội bóng thành Turin xây dựng nên một hàng tiền vệ giàu “chất thép” bậc nhất châu Âu, với Edgar Davids cùng Didier Deschamps/Antonio Conte đá cặp ở trung tâm tuyến giữa, hỗ trợ đằng sau lưng “số 10” hào hoa Zinedine Zidane. Thậm chí, có nhiều thời điểm, ngay cả Zidane cũng phải chấp nhận ngồi dự bị bởi khả năng tham gia tấn công của Davids là quá tốt.
Sau này, khi Deschamps đã quyết định chia tay “Bà đầm già” và Conte bắt đầu sa sút phong độ do tuổi tác, tuyến tiền vệ Bianconeri gần như chỉ thuộc về Edgar Davids và Zidane. Sự thăng hoa của cả hai cũng chính là ví dụ điển hình nhất cho phong cách kết hợp giữa một “trequartista” và một “destroyer” (một số 10 cổ điển cùng một tiền vệ mỏ neo càn quét) trong giai đoạn mà sơ đồ chiến thuật 4-4-2 vẫn còn thịnh hành trên khắp châu Âu. Trên thực tế, Edgar Davids cũng không phải mẫu tiền vệ phòng ngự thuần túy. Mặc dù sở hữu nền tảng sức mạnh tuyệt vời, tuy nhiên phong cách chơi bóng của cầu thủ người Hà Lan là chủ động hơn rất nhiều. Chính khả năng pressing cuồng nhiệt của tiền vệ sinh năm 1973 đã biến anh trở thành cơn ác mộng kinh hoàng đối với bất kỳ “số 10” nào vào thời điểm bấy giờ.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng Edgar Davids cũng đồng thời là một tiền vệ tấn công cừ khôi. Nhờ vào sức rướn tuyệt vời cộng thêm khả năng bứt tốc bất ngờ trong cự ly ngắn, ngôi sao người Hà Lan có thể tạo nên đột biến trước mọi đối thủ. Trong tiềm thức những CĐV đội bóng áo màu da cam kỳ cựu, chắc hẳn vẫn chưa ai quên được tình huống sút xa vô cùng đẹp mắt của Davids vào lưới ĐT Nam Tư ở vòng 1/8 World Cup năm 1998, mang về chiến thắng chung cuộc 2-1 cho Hà Lan.
|
Cặp bài trùng Davids - Seedorf đối đầu tại Serie A |
Kể từ năm 1999, chứng bệnh tăng nhãn áp đã khiến Edgar Davids phải mang trên mình thêm một cặp kính bảo hộ. Tưởng chừng như điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chơi bóng của ngôi sao người Hà Lan, tuy nhiên hóa ra không phải như vậy. Thậm chí, tiền vệ sinh năm 1973 trông còn “ngầu” hơn với thứ đồ đính kèm của mình. Khi thì màu đen, khi thì màu đỏ và đôi lúc chuyển sang… da cam, những cặp kính cực kỳ sành điệu bên cạnh mái tóc bện độc đáo đã trở thành một thương hiệu của Edgar Davids trong nhiều năm. Để rồi đến bây giờ, cứ mỗi lần nhắc đến tên anh, là người ta lại nhắc đến phong cách của một ngôi sao nhạc rock trên sân cỏ.
NGÔI SAO “NỬA MÙA” GIẢI CỨU BARCA
Tháng Giêng năm 2004, Edgar Davids chuyển tới sân Nou Camp theo dạng cho mượn từ Juve. Thời điểm ấy, đội bóng xứ Catalonia còn đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng khi chỉ xếp ở nửa dưới bảng xếp hạng. Thế nhưng, sau sự xuất hiện thần kỳ của tiền vệ người Hà Lan, thầy trò HLV Frank Rijkaard đã thực hiện một cuộc bứt phá vô cùng ngoạn mục để cán đích thứ hai tại La Liga 2003/2004 (xếp sau Valencia). Hơn ai hết, chính cựu cầu thủ Juventus là người đã mang đến yếu tố cân bằng cần thiết cho một đội hình chỉ bao gồm toàn những siêu sao tấn công thượng thặng bên phía Barca, như Ronaldinho, Javier Saviola, Patrick Kluivert, Luis Garcia hay Marc Overmars…
Nhiều chuyên gia phân tích bóng đá sau này thậm chí còn tin rằng, nếu Edgar Davids không đến và “giải cứu” CLB xứ Catalonia vào ngày ấy, có lẽ đã không tồn tại một Barca hùng mạnh như bây giờ. Vượt qua được khoảng thời gian quá độ cùng cực, đội bóng của HLV Rijkaard đã dần hoàn thiện lối chơi tiki-taka dựa trên những nền tảng chiến thuật đầu tiên, trước khi Pep Guardiola mở ra một kỷ nguyên thống trị gần như “tuyệt đối” cho Los Blaugrana trong giai đoạn 2008-2012.
|
Sự có mặt của Pitbull giúp Barca có một sức bật cực lớn |
Âm thầm rời khỏi Barca sau những đóng góp quan trọng, Edgar Davids gia nhập Inter Milan vào mùa Hè năm 2004. Mặc dù vậy, sự điên rồ của Roberto Mancini với ý tưởng đẩy tiền vệ người Hà Lan ra chơi cánh trái đã khiến cho ngôi sao sinh năm 1973 này nhanh chóng trở thành một bản hợp đồng thất bại toàn diện. Đó cũng có thể coi là dấu son cuối cùng của Edgar Davids với bóng đá đỉnh cao khi “Pitbull” đã bước sang tuổi 32. Anh chuyển tới những CLB tầm trung nhưng Tottenham, trở lại Ajax, tới Crystal Palace và cuối cùng đầu quân cho đội bóng hạng Tư Barnet.
Chẳng ai dám tin rằng một ngôi sao tầm cỡ Edgar Davids sau này lại đi đầu quân cho một đội bóng đến từ giải phong trào như Barnet. Thế nhưng, ở CLB được mệnh danh là “tệ nhất nước Anh”, tiền vệ người Hà Lan đã làm nên những điều không thể tưởng tượng nổi.
GÃ ĐIÊN CUỐI CÙNG ĐÃ TÌM ĐƯỢC… NHÀ
Không ai phủ nhận, tính cách điên rồ chính là một phần của con người Edgar Davids. Thuở niên thiếu, cựu cầu thủ gốc Suriname từng có cơ hội được gặp mặt tay vợt lừng danh Hà Lan lúc bấy giờ là Richard Krajicek. Tuy nhiên, thay vì thể hiện niềm hạnh phúc của một người hâm mộ bình thường, cậu bé Davids lẳng lặng chạy đến và nói: “Xin chào, tôi là Edgar Davids. Hãy nhớ lấy cái tên này vì mai sau, chắc chắn tôi sẽ rất nổi tiếng”. Thậm chí, sau này mỗi khi được các phóng viên hỏi về câu chuyện cũ của mình, tiền vệ lừng danh sinh năm 1973 vẫn luôn khẳng định là vì khi ấy anh cảm thấy quá tự tin. “Tôi không nghĩ rằng đấy là sự ngạo mạn hay ngông cuồng gì cả. Ngày ấy, tôi vẫn còn trẻ và luôn tràn đầy khát vọng chứng tỏ bản thân”. Kể cũng đúng, chỉ sau đó hơn 3 năm, chàng trai Edgar Davids đã bước ra ánh sáng và khiến cả thế giới phải nhớ đến tên mình cho tới tận bây giờ.
Mùa Hè năm 2012, Davids chuyển đến Barnet, một CLB bán chuyên đang ngụp lặn ở giải hạng Tư (League Two), trong tư cách của một… cầu thủ kiêm huấn luyện viên. Bên cạnh việc ra sân thi đấu hàng tuần, ngôi sao người Hà Lan còn làm thêm cả nhiệm vụ chỉ đạo các đồng đội, bất chấp sự hiện diện của HLV chính thức Mark Robson. Được vài ba trận, nhận thấy Davids có vẻ giàu tiềm năng, ban lãnh đạo Barnet đã quyết định sa thải luôn Robson để giao toàn quyền cho cựu cầu thủ Juventus, qua đó… giảm thiểu chi phí. Rất nhanh chóng, “chiến lược gia” Edgar Davids để các cầu thủ Barnet chơi tiki-taka, yêu cầu toàn đội phải triển khai bóng từ bên phần sân nhà. Mặc dù vậy, với nền tảng kỹ thuật kém cỏi (được mệnh danh là CLB tệ nhất nước Anh), đội bóng London đã nhanh chóng rơi rớt từ League Two xuống giải Hội nghị (tương đương hạng Năm).
|
Barnet trở thành bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp của Edgar Davids |
Thực ra, đối với những người hâm mộ Barnet, chỉ cần trụ lại ở giải hạng Tư thì cũng được xem như vô địch rồi. Thế nên, việc thầy trò Edgar Davids đang phải chơi ở giải hạng Năm vào thời điểm hiện tại cũng… chẳng thành vấn đề cho lắm, miễn là đội bóng vẫn cứ “điên rồ” như bây giờ. Được biết, trước khi chính thức giã từ sự nghiệp sân cỏ vào năm 2014 để tập trung hoàn toàn sức lực cho vai trò huấn luyện, Davids thường xuyên điền tên mình vào danh sách thi đấu đầu tiên, kèm theo luôn tránh nhiệm thủ quân. Thế nhưng, vấn đề là ngôi sao người Hà Lan cũng chỉ tham dự các trận sân nhà của Barnet. Còn lại, trong các chuyến làm khách, anh không những không ra sân, mà cũng chẳng thèm đến chỉ đạo luôn. Thay vào đó, Davids quyết định để trợ lý Landvreugd cầm quân thay mình. Đá bóng ít như vậy, thế nhưng cựu cầu thủ Ajax vẫn phải lãnh tổng cộng 5 thẻ đỏ từ khi khoác áo Barnet, quả là xứng đáng với biệt danh “Pitbull” ngày nào.
Trong mắt những người hâm mộ, sự nghiệp của Edgar Davids là một chuyện dị thường hiếm thấy. Không phải một chuyên gia bóng đá theo kiểu hoa mỹ giống như rất nhiều ngôi sao đương thời khác, tuy nhiên tiền vệ người Hà Lan lại là sự kết hợp đầy cảm xúc giữa chất “nghệ sĩ và chiến binh”, một sản phẩm đích thực đến từ đường phố. “Trong nhà tôi bao giờ cũng có một quả bóng, cứ thấy nó là tôi sẽ tâng nó lên. Khi pha trà, tôi cũng tâng bóng và thỉnh thoảng lại bị bỏng nhẹ. Đôi lúc, tôi còn vừa tâng bóng vừa đánh răng”, đúng là rất khó tìm được một kẻ nào điên rồ và quái gở hơn Edgar Davids…
► Xem thêm tin tức bóng đá và lịch thi đấu Tây Ban Nha mới nhất. |
OLE (TTVN)