Dimitar Berbatov và số mệnh của một đóa hồng

Tác giả Ole - Chủ Nhật 27/11/2016 19:08(GMT+7)

Zalo
Nhiều người vẫn tin rằng nếu như không theo đuổi con đường chơi bóng chuyên nghiệp, Berbatov chắc hẳn đã trở thành một diễn viên lừng danh hoặc ít nhất sẽ thành công trong một lĩnh vực nghệ thuật nào đó. Phải rồi, bởi khuôn mặt đẹp đến mơ màng của anh tựa chẳng khác nào một đóa hoa hồng Bulgaria kiều diễm đích thực, bởi anh chơi bóng cứ như thể một kẻ lãng du đến từ thế giới khác. Mặc dù vậy, điều trớ trêu là số phận của những đóa hồng xinh đẹp như thế bao giờ cũng mỏng manh và ngắn ngủi hơn bất kỳ thứ gì trên đời.
 
Dimitar Berbatov Doa hong Bulgaria o Old Trafford hinh anh
Dimitar Berbatov, bông hồng Bulgaria ở Old Trafford
KẺ LÃNG MẠN KHÁC NGƯỜI
 
Trong suốt sự nghiệp, Dimitar Berbatov luôn chơi bóng theo cách riêng của mình, một kẻ mà mỗi khi nhắc đến người ta thường hay nhớ về hình ảnh lười nhác và chậm chạp trên sân cỏ. Tuy nhiên, Berbatov cũng chưa bao giờ bận tâm về điều đó. Đối với anh, bóng đá đơn giản chính là một thứ nghệ thuật đích thực, một niềm cảm hứng dường như vô tận để anh vẽ nên những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. 
 
comment left Tôi thích ghi những bàn thắng đẹp và tạo ra những đường chuyền đẹp. Trong quan niệm của tôi, bóng đá là một bộ môn nghệ thuật thị giác.
Dimitar Berbatov
comment right

Sinh trưởng tại thị trấn Blagoevgrad, một vùng đất bụi bặm nằm ở miền Tây Nam Bulgaria vốn nổi tiếng với nghề khai khoáng truyền thống, cậu bé Berbatov ngay từ nhỏ đã được định hướng phát triển theo con đường chơi bóng chuyên nghiệp. Sở hữu những tố chất tự nhiên từ người cha Ivan và người mẹ Margarita, từng là cựu cầu thủ và VĐV bóng ném chuyên nghiệp, Berbatov nhanh chóng thể hiện được khả năng vượt trội khi thi đấu ở cấp độ trẻ. Với 77 bàn thắng chỉ sau 92 lần ra sân trong màu áo đội bóng địa phương Pirin, chàng trai sinh năm 1981 đã được trinh sát viên Dimitar Penev chuyển thẳng đến lò đào tạo của CSKA Sofia, CLB giàu truyền thống nhất Bulgaria vào thời điểm bấy giờ. Mùa giải 1998/99, ở độ tuổi 18, Berbatov chính thức nhận được bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời và ngay lập tức giúp đội nhà đoạt danh hiệu VĐQG.
 
Phong độ thăng hoa tại sân Balgarska Armia trong giai đoạn tiếp theo đã trở thành tấm vé thông hành đưa Berbatov tìm đến một chân trời mới, đó là nước Đức. Ban lãnh đạo Bayer Leverkusen đã phải chấp nhận chi ra 1,3 triệu euro để chiêu mộ tiền đạo người Bulgaria ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông tháng Giêng năm 2001. Rất nhanh chóng, Berbatov cũng gây được ấn tượng mạnh mẽ với những người hâm mộ Bundesliga. Mùa giải 2001/02, chân sút đến từ Đông Âu ghi tới 16 bàn thắng trên mọi đấu trường, qua đó góp công rất lớn giúp Leverkusen lọt vào chung kết Champions League (thua Real Madrid) đồng thời về nhì ở giải quốc nội và cúp Quốc gia.
 
Dimitar Berbatov Doa hong Bulgaria o Old Trafford hinh anh 2
Berbatov thi đấu ấn tượng trong màu áo Leverkusen
Mùa Hè năm 2006, cầu thủ người Bulgaria gia nhập Tottenham Hotspur với mức phí chuyển nhượng kỷ lục 16 triệu bảng (trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá Bulgaria). Ở giai đoạn này, mặc dù chỉ khoác áo Spurs trong vòng hai năm nhưng Berbatov đã cùng đối tác Robbie Keane tạo nên một cặp “song sát” đáng sợ bậc nhất Premier League. Hai mùa giải liên tiếp (2006/07 và 2007/08), tiền đạo sinh năm 1981 đều ghi được 23 bàn thắng mỗi mùa, một thành tích cho thấy sự ổn định đến mức đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, thứ phẩm chất làm cho người ta phải thán phục nhất ở Berbatov chính là phong thái đủng đỉnh đến mức kỳ lạ. So sánh với Robbie Keane, những pha lập công của chân sút người Bulgaria thường có phần ngoạn mục và giàu cảm xúc hơn rất nhiều. Anh sẵn sàng móc bóng, tâng bóng qua đầu đối phương, đánh gót hay cứa lòng một cách tinh tế... giống như làm xiếc cùng trái bóng. 
 
Tại sân White Hart Lane ngày ấy, không ai khác, Berbatov chính là ông chủ duy nhất. Cựu ngôi sao Bayer Leverkusen chẳng cần phải chạy nhiều nếu như anh không muốn, cũng chẳng cần phải tham gia phòng ngự, mặc cho các đồng đội vẫn đang lăn xả quyết liệt phía sau. Anh có quyền được làm một nghệ sĩ, một kẻ thích mân mê trái bóng tròn trong đôi chân ma thuật của mình trước khi vẽ nên những đường cong hoàn hảo giữa nền trời Premier League. Nhưng rồi, trớ trêu thay, chính sự tinh tế ấy lại trở thành điểm khởi đầu cho những bi kịch tiếp theo trong sự nghiệp của chàng lãng tử đến từ Đông Âu này, sau thời khắc mà anh quyết định chuyển đến Manchester United vào cái ngày cuối cùng ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm 2008.
 
Dimitar Berbatov Doa hong Bulgaria o Old Trafford hinh anh 3
Cặp song sát một thời của Spurs
VÀ GIẤC MƠ HOA HỒNG TAN VỠ
 
Người hâm mộ Quỷ đỏ từng kỳ vọng vào Berbatov như một bản hợp đồng “hoàn hảo” đối với CLB chủ sân Old Trafford. Mùa giải 2008/09, khi M.U sở hữu trong đội hình 4 chân sút hàng đầu thế giới, bao gồm: Ronaldo, Rooney, Tevez và Berbatov, tất cả đều kỳ vọng rằng thầy trò HLV Sir Alex Ferguson sẽ chinh phục châu Âu thêm một lần nữa. Thế nhưng, thất bại trước Barca (0-2) ở trận chung kết Champions League đã khiến các Manucian phải vỡ mộng. Ngay lập tức, cái tên Dimitar Berbatov cũng trở thành tâm điểm chỉ trích từ phía giới mộ điệu, dẫu rằng anh chẳng hề gây ra lỗi lầm gì to tát. Thậm chí, ngôi sao người Bulgaria còn chẳng mấy khi được Sir Alex trao cơ hội ra sân một cách đều đặn.
 
Lặng lẽ bước qua những năm tháng nhạt nhòa sau đó tại sân “Nhà hát của những giấc mơ”, Berbatov chẳng bao giờ có thể tìm lại ánh hào quang rực rỡ nhất trong cuộc đời mình. Mặc dù Ronaldo và Tevez đã chia tay sân Old Trafford để nhường chỗ cho anh, nhưng rồi chân sút đến từ Đông Âu cũng trở nên lạc lõng trong một hệ thống vốn đề cao tính kỷ luật và chiến thuật dưới thời Ferguson. Từng là một kẻ hào hoa đến như thế, một kẻ đam mê đến như thế, vậy mà chàng lãng tử Dimitar Berbatov lại phải “sống mòn” trong những giờ phút cay đắng đến mức trớ trêu. Từ pha xoay người tinh tế theo phong cách “Berba spin” rồi kiến tạo giúp Ronaldo ghi bàn vào lưới West Ham cho đến tình huống tung người móc bóng đẹp mắt ở trận gặp Sunderland, hay như cú hat-trick “không tưởng” khi M.U đánh bại Liverpool một cách ngọt ngào vào năm 2010… Berbatov đã mang đến những cảm xúc khó tả nhất dành cho người hâm mộ Quỷ đỏ, nhưng điều trớ trêu là người ta cũng chưa bao giờ thừa nhận anh như một kẻ vĩ đại thực sự.
 
Dimitar Berbatov Doa hong Bulgaria o Old Trafford hinh anh 4
Với Berbatov, bóng đá là nghệ thuật
“Tôi biết mình là một cầu thủ chơi bóng cá nhân nhưng tôi tin rằng phong cách thi đấu của tôi không hề ảnh hưởng đến toàn đội. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi phong cách chơi bóng, tôi muốn đá bóng bằng cảm xúc”, Berbatov đã lên tiếng chia sẻ như vậy trước báo giới sau khi phải đón nhận những chỉ trích từ phía giới truyền thông. Thật đáng tiếc là trong giai đoạn chân sút người Bulgaria thi đấu cho M.U, đội bóng chủ sân Old Trafford đã chẳng thể một lần đăng quang tại Champions League, dẫu trải qua hai trận chung kết ở đấu trường danh giá nhất châu Âu. Phải chăng đây cũng chính là lý do khiến cho Berbatov bị dè bỉu như một tên lười nhác, là nguyên nhân để cho người đời được phán xét anh một cách thiếu công bằng?
 
Lật lại quá khứ, đúng vào ngày này 6 năm về trước, 27/11/2010, Berbatov đã ghi tổng cộng 5 bàn trong trận thắng 7-1 của M.U trước Blackburn Rovers. Khi ấy, ngôi sao người Bulgaria cũng trở thành chân sút thứ 4 trong lịch sử Premier League làm được điều này, sau Andy Cole, Alan Shearer và Jemain Defoe. Thế đấy, trải qua chuỗi 10 trận liên tiếp tịt ngòi, Berbatov đã chứng tỏ cho cả thế giới này biết rằng không phải vì anh không thể ghi bàn mà anh chỉ thích… ghi những bàn thắng đẹp mà thôi. “Bạn biết đấy, khi một ai đó sở hữu những kỹ năng và phẩm chất tuyệt vời, họ sẽ cần dùng quá nhiều sức. Đối với họ, mọi thứ trông thật đơn giản nhưng kỳ thực lại rất khó. Tôi nghĩ rằng phong cách chơi bóng của tôi đã biến việc ghi bàn trở nên dễ dàng hơn”, tiền đạo sinh năm 1981 ung dung đáp trả lại những kẻ cho rằng anh lười biếng trên sân cỏ.
 
Cần gì phải vội vàng cơ chứ khi mà bản thân bóng đá chính là một thứ nghệ thuật lãng mạn rồi. Những người hâm mộ giàu cảm xúc chắc hẳn sẽ mãi ngưỡng mộ phong thái điềm tĩnh đến mức khó hiểu của Dimitar Berbatov, ngay cả khi anh đang bị các hậu vệ đối phương quây chặt trong vòng cấm địa. Cá nhân Sir Alex cũng vậy, chỉ có điều là sự cứng rắn của vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland này đã vô tình khép lại những giấc mơ hoa hồng dang dở của Berbatov tại Old Trafford. Để rồi giờ đây, trải qua biết bao nhiêu năm tháng từng dạo chơi trên khắp các sân cỏ châu Âu, từng vẽ nên những bức tranh mê hoặc nhất như một người nghệ sĩ tài hoa thực thụ, Berbatov đã âm thầm lùi vào dĩ vãng, lẳng lặng ngồi nhâm nhi một điếu thuốc bên đường phố quê nhà rồi thả khói vào khoảng không vô định. Trông anh đẹp, hào hoa và quyến rũ chẳng khác nào Michael Corleone trong tiểu thuyết lừng danh “Bố già”, kiệt tác đã góp phần khắc họa nên hình tượng của một Berbatov nghệ sĩ trong lòng người hâm mộ. 
 
Dẫu rằng mọi thứ đã chẳng thể nào đi đến đích, thì tất cả vẫn sẽ luôn nhớ rằng, trên đời từng tồn tại một đóa hồng mỏng manh và tuyệt diệu như thế. Đó chính là anh, là Dimitar Berbatov… 
 
Dimitar Berbatov Doa hong Bulgaria o Old Trafford hinh anh 5
Tạm biệt anh, đóa hồng sớm nở chóng tàn...
OLE  

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow